Thứ Ba, 15 tháng 11, 2022

Cái chết của vị bác sĩ thẩm mỹ, và bài học cuộc sống


CÁI CHẾT CỦA VỊ BÁC SĨ THẨM MỸ, VÀ BÀI HỌC CUỘC SỐNG

 

Khi đương ở độ tuổi sung sức nhất và đang ở trên đỉnh cao của sự nghiệp bác sĩ Richard Teo bất ngờ mắc phải căn bệnh quái ác mà thời điểm này nó gần như vô phương cứu chữa đó là căn bệnh ung thư phổi. 

Anh qua đời vào ngày 18 tháng 10 năm 2012 trong sự tiếc thương của nhiều người. Tuy nhiên, điều mà bác sĩ khiến họ nhớ đến nhất lại chính là bài học lớn về chính ngành nghề của mình - câu chuyện đằng sau việc phẫu thuật thẩm mỹ.

 

Anh từng có ý định trở thành một bác sĩ về mắt vì lúc đó đây là ngành được ưa chuộng nhất. Thế nhưng vì thấy một người bạn ra ngoài mở phòng khám tư và kiếm được rất nhiều tiền nên anh trở nên thiếu kiên nhẫn, nóng vội làm giàu. Richard bỏ dở việc nghiên cứu chuyên y khoa, ra ngoài làm việc cho công ty tư nhân để kiếm nhiều tiền hơn. 

 

Vào thời điểm đó, công nghệ phát triển, nhu cầu làm đẹp tăng nhanh chưa từng thấy, các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ kiếm bộn tiền. Chính ham muốn đồng tiền đã chi phối và đưa anh rẽ ngang sự nghiệp của mình như thế.

Anh đã nhận ra một điều, người dân thường không hài lòng và tiếc tiền khi phải trả 20 USD để khám một bác sĩ tổng quát. Nhưng cùng bệnh nhân ấy, họ không ngần ngại trả 10.000 USD để đi hút mỡ bụng, 15.000 USD nâng ngực và những phẫu thuật thẩm mỹ tương tự.

 

Cũng chính vì giàu lên quá nhanh, Richard ngày càng trở nên mê muội. Anh cũng không ngờ mình thành công tới mức choáng váng đến thế. Vì phẫu thật thẩm mỹ sẽ mang đến cho anh một nguồn lợi lớn nên anh bắt đầu mở rộng thị trường để kiếm bộn tiền.

 

"Khi bắt đầu viện thẩm mỹ, bệnh nhân của tôi đợi mỗi tuần, rồi sau đó họ phải đợi 2 tháng, rồi 3 tháng. Sắc đẹp hư ảo bằng thẩm mỹ là một công nghệ dị thường. Lúc đầu, tôi thuê một bác sĩ phụ giúp, rồi người thứ hai, thứ ba, thứ tư. Trong vòng một năm đầu, lợi tức tôi lên đến bạc triệu.

Nhưng cuộc đời không bao giờ gọi là đủ cả, tôi vẫn chưa hài lòng lắm. Tôi bắt đầu bành trướng sang thị trường Indonesia để phẫu thuật cho những người giàu ở đó. Họ nhắm mắt sẵn sàng phung phí tiền bạc một cách dễ dàng. Làm tiền ở đấy quá dễ...", anh tâm sự.

 

Khi đã có quá nhiều tiền dư thừa, anh giải trí bằng cách tham gia vào câu lạc bộ đua xe hơi, tự thưởng cho mình một chiếc Ferrari màu bạc, nhà cửa, đất đai… và anh cũng sống rất "kiêu ngạo" với số tài sản do mình kiếm được.

Richard nghĩ rằng anh đã đạt đến cực điểm của cuộc sống mà mọi người hằng mơ tưởng. Thế nhưng anh đã nhầm...

 

Rồi một ngày, bệnh viện kết luận anh đang ở giai đoạn thứ 4 của căn bệnh ung thư phổi. Khối u đã di căn tới não, cột sống và nội tạng. Lúc này, anh chợt hiểu ra những thứ phù phiếm đều chẳng còn giá trị khi bạn sắp rời xa trần thế. 

 

“Nhà cửa, xe cộ và những thứ vật chất xa hoa chỉ có ý nghĩa khi con người ta còn khỏe mạnh, còn đủ sức để ham mê, đua tranh, còn khi đã cận kề với cái chết, tất cả những thứ đó đều trở nên vô nghĩa. Điều thật sự mang lại cho tôi niềm vui trong những ngày cuối cùng này là được trò truyện với người thân, bạn bè, những người chân thành chăm sóc tôi, cười và khóc cùng tôi. Họ có thể nhìn thấy sự đau đớn, chịu đựng mà tôi phải trải qua."

 

"Tôi được huấn luyện để trở thành một bác sĩ, để có lòng từ bi và cảm thông nhưng tôi lại không có được những thứ ấy... Mỗi khi vào viện tiêm thuốc, rút máu và đưa thuốc cho bệnh nhân, tôi nghĩ bệnh nhân là bệnh nhân, tôi vẫn là tôi. Khi xong việc, tôi chỉ muốn chạy ngay về nhà vì nghĩ là đã hoàn tất công việc hằng ngày.

Khi bệnh nhân mắc bệnh, bị giày vò bởi cơn đau, tôi nghĩ đó là cơn đau của người khác chứ không phải của mình... Tôi thực sự không hiểu họ đau đớn như thế nào cho đến khi tôi là nạn nhân.

 

...Và có ai hỏi rằng nếu cho tôi làm lại từ đầu như một bác sĩ, tôi sẽ khác không, tôi có thể trả lời các bạn rằng: Vâng, tôi sẽ đổi khác. Vì đã trải qua cơn đau đớn mà bệnh nhân vấp phải nên tôi hiểu rõ việc họ chịu đựng sự giày vò thế nào", đó là những lời trăn trối đầy chân thành của bác sĩ 40 tuổi trước cái chết.

 

Anh khuyên các bạn sinh viên hãy trở thành những người bác sĩ nhân đạo, đừng đi vào vết xe đổ của anh. Và điều mà Richard thấu hiểu nhất, đó chính là nỗi đau khi là một bệnh nhân, tuy nhiên điều đáng buồn là chỉ đến khi sắp chết, anh mới nhận ra điều đó.

 

"Chúng ta được đào tạo để trở thành những lương y nhưng không ai dạy các bác sĩ cách cảm nhận nỗi đau của người bệnh. Tôi không yêu cầu các em phải xúc động, phải rơi nước mắt mà chỉ khuyên các em hãy cố gắng thấu hiểu nỗi khổ của các bệnh nhân bằng cả trái tim mình. Hãy luôn đặt mình vào vị trí của những người đứng giữa lằn ranh mong manh của sự sống.”

 

Điều trớ trêu nữa là nhiều khi biết mình sắp chết, chúng ta mới học cách sống. Đừng để môi trường dạy bạn cách sống như thế nào là hợp lý – như tôi. Tôi hy vọng bạn sẽ suy nghĩ kỹ để có một hướng cho chính mình. Đừng nghe lời xúi giục của xã hội mà hãy nghĩ đến những gì bạn muốn thực hiện và làm tốt cho người khác. Vì sự hạnh phúc thực sự không phải là phục vụ cho chính bạn".

 

Với những lời chia sẻ đầy sâu sắc và chân thành của Richard, người ta như hiểu hơn về cuộc sống, và cũng thấu cảm cho các sinh mệnh, những người bệnh đang ngày đêm chiến đấu trên giường bệnh để giành giật từng giây từng phút tồn tại trên cõi đời này!

Theo Thể Thao & Văn Hoá

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét