Thứ Năm, 10 tháng 11, 2022

Lạc quan giả tạo hay lạc quan bi tráng, bạn chọn cái nào?


LẠC QUAN GIẢ TẠO HAY LẠC QUAN BI TRÁNG, BẠN CHỌN CÁI NÀO?

 

Trong cuộc sống bạn sẽ gặp bao điều rắc rối phiền não dĩ nhiên giữa tiêu cực than khóc với lạc quan giả tạo thì ta thà chọn người lạc quan giả tạo, nhưng lý tưởng nhất vẫn là một thái độ chừng mực mà lý tưởng: lạc quan bi tráng.

 

LÀM SAO ĐỂ CÓ LẠC QUAN BI TRÁNG?

 

Viktor Emil Frankl (1905 - 1997) là một nhà thần kinh học người Áo sống sót sau nạn diệt chủng người Do Thái, tác giả của cuốn “Cuộc tìm kiếm ý nghĩa của con người” bán được gần 20 triệu bản và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Đọc qua tiểu sử dữ dội của ông, ta không khỏi liên tưởng đến một cái cây kỳ diệu: bị quật tả tơi trong mùa gió bão nhưng vẫn lặng lẽ nảy mầm và nở hoa ngay khi hửng nắng.

 

Frankl chính là cha đẻ của khái niệm "Lạc quan bi tráng" (Tragic Optimism", là một thứ không những đối lập với bi quan mà còn đối lập hẳn với "lạc quan độc hại".

Theo Frankl, có một thứ gọi là bộ ba bi kịch mà không ai thoát được, kiểu gì trong đời cũng phải gặp ít nhất một lần. Bộ ba ấy gồm:

 

1. Đau khổ không tránh khỏi.

2. Lỗi lầm không tẩy nổi.

3. Cái chết.

 

Lạc quan bi tráng là thứ lạc quan

vẫn có được khi đã nhìn thẳng vào bộ ba bi kịch kia, nhưng biết rằng con người nếu cố hết sức, sẽ có khả năng:

1.Vượt đau khổ để từ đó đạt một thành tựu.

2.Từ lỗi lầm rút ra cơ hội để thay đổi bản thân tốt hơn.

3. Từ cái chết và sự ngắn ngủi của cuộc đời rút ra được động lực để sống có trách nhiệm.

 

Để có được thứ lạc quan bi tráng của Frankl, việc quan trọng nhất là tìm ra được ý nghĩa, không phải ý nghĩa của cả một đời người dài dằng dặc, mà là "ý nghĩa tiềm tàng có sẵn trong từng hoàn cảnh mà mỗi người phải đối mặt trong suốt đời mình", từ việc thi đậu/ thi rớt, tới lấy vợ/vợ bỏ, có con/con hư, thăng chức/thất nghiệp... rồi nhìn ra trong hoàn cảnh ấy mình làm gì được tốt nhất để "thấm thía" ý nghĩa nhất.

 

Đó là một công thức toán, với:

Ý nghĩa của cả một đời người = tổng các ý nghĩa của mỗi hoàn cảnh được hiện thực hóa tới nơi tới chốn.

 

Vì thế, một người thoát khỏi một cơn chảy máu dạ dày mà từ đấy vẫn uống rượu tì tì, một người đi qua đại dịch mà vẫn nhơn nhơn không thay đổi gì... thì ý nghĩa tiềm ẩn của những hoàn cảnh đặc biệt ấy đã bị bỏ qua, "nước đổ đầu vịt", cuộc đời người ấy chỉ là tổng hợp của những hoàn cảnh "vô nghĩa".

 

Theo Frankl, quan trọng là nhìn ra ý nghĩa. Không nhìn ra được ý nghĩa của mỗi việc mình làm, mỗi hoàn cảnh mình rơi vào thì sẽ sinh cảm giác "vô nghĩa" - là cảm giác luôn đứng sau trầm cảm, nghiện ngập, hung hãn hoặc buông xuôi.

Người bi quan thường hay lấy sự phù du và "vô câu chuyện - cuộc sống thường" của cuộc đời ra mà buông tay,

 

Frankl trái lại cho rằng sự phù du ấy khiến ta càng phải hành động cho có trách nhiệm với thời gian còn sống trên đời này.

Ta nên tránh tích cực độc hại, tránh lạc quan tếu, là những thứ khiến người ta hy vọng hão để rồi thất vọng.

 

Những câu chuyện ấm lòng đâu đó trong xã hội là rất hay, như những đốm lửa nhỏ an ủi trong đêm lạnh, nhưng đó là câu chuyện của người khác; bạn không thể sống nhờ vào lửa của hàng xóm mãi.

Bạn phải tạo ra thứ lửa bền bỉ và chủ động của chính bạn, tức là tìm cho ra ý nghĩa của hoàn cảnh sống này, khó khăn này; nó dạy bạn cái gì về tiết kiệm, về sức khỏe, về tình cảm với người xung quanh và về xử lý khủng hoảng?

 

Bạn sẽ sống cầm chừng kiểu thẫn thờ chờ bão qua hay sống hết mình trong cơn bão? Lựa chọn ấy là ở mỗi người, không phải ở trí thông minh của họ, mà vào mức độ yêu việc làm người của họ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét