NẠN BẠO HÀNH TRẺ EM NGÀY CÀNG GIA TĂNG
Chuyện thường ngày trong các gia đình. Một em học lớp 4, vì bị điểm kém trong bài kiểm tra của một môn học em luôn giỏi, bố mẹ đã nổi giận mắng mỏ và phạt em bằng cách đóng cửa đuổi em ra ngoài hành lang chung cư giữa đêm. Trải nghiệm hoảng loạn, cô đơn ấy đã hằn sâu trong tâm trí em cho đến tận lúc này, dù em đã đủ lớn để hiểu rằng hành lang chung cư không có gì nguy hiểm. Sau lần đó, mỗi khi có bài kiểm tra tại lớp, em sẽ run sợ và căng thẳng tới mức nôn ói. Tiếc rằng bố mẹ không thực sự hiểu đó là phản ứng do rối loạn hậu sang chấn, mà chỉ vội mang em đến các bác sĩ điều trị bệnh tiêu hóa. Điểm của em chỉ kém dần đi, và lại càng khiến bố mẹ giận dữ và mắng mỏ em liên tục.
Một em khác có thành tích học tập xuất sắc nói rằng dù học rất giỏi, em gần như chẳng biết kế hoạch của mình trong tương lai là gì. Và dù ở chung với bố mẹ, em gần như tránh việc phải nói chuyện về những chủ đề liên quan đến cá nhân em. Nguyên do là vì trong suốt quãng thời gian em học cấp 2 và cấp 3, mỗi khi điểm của em đi xuống vì bất cứ lý do gì, bố mẹ sẽ thực hiện “chiến tranh lạnh”, chỉ đi ra vào thở dài than ngắn nhưng không mảy may hỏi han gì đến em cả. Họ cho rằng đó là cách để thể hiện sự thất vọng của họ dành cho con. Và em cố gắng hết sức để làm họ vui lên, và không có cơ hội để giãi bày.
…..
Những tổn thương của con trẻ không phải lúc nào cũng quan sát được. Hoặc đôi khi có thể quan sát được, nhưng không phải ai cũng có khả năng nhìn thấy. Bạo hành trẻ em không chỉ thể hiện ra bằng những hành động bạo lực làm tổn thương thân thể (bao gồm cả việc đánh đòn, trói tay chân, làm tổn thương bằng lửa, nước hay vật thể…) mà còn bao gồm cả những hành động gây tổn thương tâm lý (mắng chửi, gọi con bằng những từ ngữ mang tính xúc phạm, đe dọa, cố tình đẩy con vào tình huống gây ra sự hoảng loạn…), bỏ mặc không chăm sóc (để con đói ăn đói mặc, không chăm sóc y tế khi cần thiết…) và cả xâm hại, quấy rối tình dục.
.
Trong các loại bạo hành trẻ em kể trên, bạo hành tình dục và bỏ mặc có lẽ dễ khiến cho người ta phẫn nộ vì chúng đã đứng sẵn trên ranh giới giữa đúng và sai. Thế nhưng, bạo hành thân thể và tâm lý thì khó phân định hơn nhiều, đặc biệt là trong những nền văn hóa cho cha mẹ có quyền trừng phạt con nếu con không đạt được mục tiêu mà họ đặt ra dù là ở học tập hay cư xử. Vấn đề lớn ở đây là người ta thường đánh giá thấp những tổn thương lâu dài mà trẻ sẽ gặp phải nếu không có hậu quả nghiêm trọng liên quan đến sức khỏe vật lý.
Thế nhưng, phần lớn các trường hợp, những tổn thương thường được con trẻ che giấu, và để tránh bị tổn thương nhiều hơn, chúng sẽ chọn xa rời cha mẹ khi có thể, che giấu những vấn đề cá nhân vì không tin bố mẹ sẽ thấu hiểu hay vì sợ bị trừng phạt. Và cuối cùng, chúng sẽ tìm đến những nguồn hỗ trợ khác khi gặp khó khăn, thay vì tìm đến cha mẹ (hãy tưởng tượng xem, nếu những người con trẻ tìm đến là những kẻ xấu xa đang giăng bẫy chờ chúng thì sẽ có hệ quả nào?).
Và cũng không ít trẻ sẽ mang theo những tổn thương tinh thần trong suốt phần đời còn lại. Đôi khi, những tổn thương và trải nghiệm đó sẽ khiến chúng trở thành những người bạo lực, và lệch lạc trong lối sống và hành động.
.
Làm cha mẹ không bao giờ là chuyện dễ dàng, giữa bộn bề cuộc sống, có những lúc chúng ta không cư xử như một bậc cha mẹ lý tưởng mà chúng ta muốn trở thành. Tuy nhiên, việc hiểu rõ tác động mà cách “dạy con” hay hành động bột phát của mình gây ra lên con là điều ai cũng phải làm. Nuôi con khôn lớn là quá trình học hỏi, và không có cha mẹ nào hoàn hảo, nhưng sẽ có những cha mẹ ham học hỏi hơn những cha mẹ khác.
Trong những năm gần đây tình trạng bạo lực trẻ em trong gia đình ngày một gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ. Đây không còn là một vấn đề của riêng gia đình mà là vấn nạn của xã hội. Trẻ em non nớt cả về thể chất lẫn tinh thần rất cần được chăm sóc, yêu thương và bảo vệ song thực tế không như vậy.
Nghiên cứu của Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF): Trong 2 năm xảy ra dịch Covid-19, vấn đề bạo hành trẻ em càng trở nên trầm trọng hơn khi phần lớn trẻ em phải học ở nhà và tiếp xúc thường xuyên với bố mẹ, người thân. Có hơn 3/4 những đứa trẻ đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực trong gia đình trong thời gian giãn cách hoặc là về tinh thần hoặc là về thể chất, thậm chí là cả 2. Và hơn 90% những vụ bạo hành trẻ em đều đến từ người thân trong gia đình các em.
Tại Việt Nam, nguy cơ gia tăng xâm hại bạo lực, mất an toàn cho trẻ em do giãn cách xã hội, các lý do liên quan đến vấn đề về suy thoái kinh tế, mất việc làm của những người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, bản thân trẻ là F0, F1 buộc phải đi cách ly y tế tập trung, cách ly y tế tại nhà; Giãn cách xã hội trong một thời gian dài hay các em phải học trực tuyến, không được đến lớp học, đã dể lại những hệ quả trước mắt và lâu dài cho con trẻ.
Theo nhận định của Bộ Công an cũng như nhiều chuyên gia khác, trong tình trạng giãn cách xã hội do Covid-19, công tác quản lý trẻ em của nhiều gia đình bị lơi lỏng. Đừng nghĩ là giãn cách, gia đình ở cùng nhau thì cha mẹ quản lý sẽ tốt hơn nhưng thời gian tiếp xúc với mạng xã hội của trẻ em nhiều hơn cho nên nguy cơ lớn hơn trẻ bị đối tượng dụ dỗ, khống chế để xâm hại.
Số liệu của tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em cũng cho thấy nguy cơ và các trường hợp trẻ bị xâm hại bị bạo lực năm 2021 tăng so với năm 2020 khoảng gần 7%.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét