Chủ Nhật, 13 tháng 2, 2022

Học cách buông bò

 

HỌC CÁCH BUÔNG BỎ

Một bữa nọ, hai thầy trò cao tăng ngồi nói chuyện với nhau:

Đệ tử: Thưa thầy, đạo Phật khuyên người ta buông bỏ mọi thứ đúng không?

Sư phụ: Không đúng!

Đệ tử: Rõ ràng có câu “buông bỏ tất cả” như không màng danh lợi, không tham sân si đấy thôi?

Sư phụ: “Buông bỏ tất cả” để làm gì?

Đệ tử: Đúng thế, đệ tử cũng thấy rất nghi ngờ! Đệ tử thấy Phật giáo luôn nhìn vấn đề tiêu cực. Nhiều người hỏi đệ tử: “Nếu mọi sự đều buông bỏ như danh lợi thì lấy đâu ra tiền để chi trả cho cuộc sống? Nhà cửa, thức ăn, quần áo, tiền học cho con cái... Mọi người đều không làm việc thì thế giới này sao có thể tồn tại? Mọi người chấp nhận cái mình đang có thì làm sao thế giới có tiến bộ?”

Sư phụ: Mọi sự buông bỏ thì dẫn đến sụp đổ, cái gì cũng ôm giữ không buông bỏ thì cũng dẫn đến sụp đổ.

Đệ tử: Như vậy phải làm thế nào?

Sư phụ: Thay thế và hoán chuyển

Đệ tử: Nhờ thầy chỉ rõ cho con!

Sư phụ: Con có thể kêu một người ăn mày cam tâm cho con số tiền đang nắm chặt trong tay họ không?

Đệ tử: Không thể được.

Sư phụ: Con có thể dùng hòn sỏi đổi lấy số tiền trong tay người ăn mày không?

Đệ tử: Con nghĩ không được.

Sư phụ: Tại sao?

Đệ tử: Vì tiền đáng giá hơn.

Sư phụ: Vậy nếu dùng vàng để đổi thì sao?

Đệ tử: Vậy thì được.

Sư phụ: Tại sao?

Đệ tử: Vì vàng đáng giá hơn.

Sư phụ: Vì thế, cách buông bỏ đơn giản nhất chính là hoán chuyển. Nguyên nhân khiến người ta không buông bỏ là vì không giành được thứ tốt hơn

-----

Trong đời sống thực tế

Một ngày chỉ có 24 giờ và lúc nào cũng lấp đầy với những hoạt động trong đó có những hoạt động cá nhân cần thiết như ăn, ngủ, vệ sinh cá nhân... Nếu bạn muốn bỏ thời gian quan tâm đến một vấn đề hay cho một người nhiều hơn, hay bỏ thời gian làm một hoạt động mới thì bạn phải lấy phần thời gian ấy từ những hoạt động khác mà bạn đang làm.

Khi bạn muốn mở lòng để đón nhận một tình yêu mới và muốn có cuộc sống hạnh phúc thì phải biết gói lại cuộc tình dang dở không thành đã qua.

Cái khó trong quy trình hoán chuyển này ở chỗ không phải mọi thứ đều có thể cân đo đong đếm.

Làm sao so sánh giữa những giá trị vô hình với hữu hình? Làm sao so sánh giữa giá trị tinh thần với vật chất?

Làm sao so sánh tình yêu chân thật với ba tấm và bốn bánh?

Làm sao so sánh sự tự chủ trong khởi nghiệp với lương cao khi làm thuê?

Làm sao so sánh an toàn hiện tại và cơ hội tương lai?

Quyết định hoán chuyển tùy thuộc vào tư duy của mỗi người.

Đó chính là những vấn đề mà mỗi chúng ta đều phải trăn trở vì kết quả của sự hoán chuyển có thể tốt hơn mà cũng có thể tệ hơn. Thành ngữ ‘Cái gì nâng lên được thì bỏ xuống được’ chính là lời nhắc nhở và động viên giúp ta có nghị lực để buông bỏ.

Phương pháp trị liệu tâm lý học về nhận thức hành vi và trong đó bao gồm phương pháp thay đổi góc nhìn giúp người ta có thể nhìn thấy được những giá trị chưa từng thấy trước đó và từ đó có những quyết định hoán chuyển để có cuộc sống tốt hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét