Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2024

Để sống một cuộc sống hạnh phúc

 

ĐỂ SỐNG MỘT CUỘC SỐNG HẠNH PHÚC

Triết học dường như tập trung vào những câu hỏi không liên quan đến cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, nhiều triết gia đã tập trung vào các chủ đề thực tế, chẳng hạn như làm thế nào để sống một cuộc sống hạnh phúc. Ý nghĩa của việc sống một cuộc sống hạnh phúc có thể rất khác nhau giữa các triết gia

Socrates (470 - 399 trước Công nguyên)

Socrates là một trong những triết gia vĩ đại nhất của Hy Lạp cổ đại, theo quan niệm của ông, hạnh phúc thực sự không đến từ những yếu tố tiện nghi, vật chất phục vụ cho sự tận hưởng hay những danh tiếng, tôn vinh mà mọi người dành cho một cá nhân.

 

Hạnh phúc đích thực đến từ những điều riêng tư thuộc về nội tâm mà một người tự ghi nhận với chính mình. Bằng cách giảm bớt những nhu cầu của bản thân, người ta sẽ học được cách tận hưởng những niềm hạnh phúc giản dị trong cuộc sống.

 

Khổng Tử (551 - 479 trước Công nguyên).

Quan niệm của Khổng Tử - triết gia nỏi tiếng người Trung Quốc về hạnh phúc kết nối suy nghĩ, xúc cảm và hành động của một cá nhân.

 

Đó chính là nền tảng của liệu pháp nhận thức hành vi đang được áp dụng trong tâm lý học hiện đại, nhằm giúp mỗi cá nhân tìm thấy ý nghĩa của sự tồn tại trong cuộc đời.

 

Lucius Annaeus Seneca (năm 4 trước Công nguyên - năm 65 sau Công nguyên)

Triết gia người La Mã cổ đại Seneca tin vào mối liên hệ giữa hạnh phúc và khả năng kiểm soát của một cá nhân trong cuộc sống của họ.

 

Đối với nhiều người, những điều mà họ quan tâm nằm ở ngoại cảnh. Những gì diễn ra xung quanh sẽ định hướng hành vi của họ.

Đối với một số người khác, những điều mà họ quan tâm nhiều nhất lại nằm trong chính con người họ, theo Seneca, đây là những người dễ tìm được hạnh phúc.

 

Lão Tử (không rõ năm sinh - năm mất, hậu thế cho rằng Lão Tử sống trong thời kỳ từ thế kỷ 6 trước Công nguyên - thế kỷ 4 trước Công nguyên)

Những quan niệm mà Triết gia người Trung Quốc để lại về tầm quan trọng của việc biết cách sống trong hiện tại vẫn tạo được hiệu ứng rất lớn đối với triết lý sống đương đại.

 

Bertrand Russell (1872 - 1970)

Bertrand Russell là một triết gia người Anh, một nhà toán học ưa chuộng các lý thuyết khoa học và logic. Khá bất ngờ khi ông nói về một khái niệm trừu tượng, khó nắm bắt như hạnh phúc.

 

Suy nghĩ của ông về sự bất lực của con người trước việc áp dụng những lý lẽ khi đứng trước tình yêu là một điều mà các nghiên cứu khoa học đương đại cũng ủng hộ.

 

 

 

 

 

Có những tình yêu vĩ đại như thế

 

CÓ NHỮNG TÌNH YÊU VĨ ĐẠI NHƯ THẾ

 

Hãy một lần nhìn ngắm những tình yêu rất rộng lớn trong nhân gian, để thấy rằng tình yêu đâu chỉ gói gọn trong những rung động, sở hữu lứa đôi.

Có tình yêu nào lớn lao bằng tình yêu của người dám hy sinh mạng sống của mình vì nhân loại – như Đức Giêsu trên cây thập tự giá.

 

Có tình yêu nào vô lượng vượt qua không gian thời gian như lòng từ bi của Đức Phật khi Ngài đã thành đạo mà vẫn dành hơn 45 năm trời đi khắp bốn phương để giáo hóa cứu độ chúng sinh. Có tình yêu nào bao la quảng đại như tình yêu của Mẹ Teresa, mẹ đã dành trọn đời mình cho những người bất hạnh trên đời, từ những trẻ em mồ côi sống vất vưởng lang thang, cho đến những người khổ đau, bệnh tật, cùng cực ở khắp nơi,...

 

Trên cuộc đời này, luôn có rất nhiều những tình yêu vĩ đại như thế. Tình yêu ấy chan chứa khắp cả hoàn vũ mà không phân biệt một đối tượng nào... Bạn có thấy những tình yêu đó đã làm khổ một ai chưa? Hay chỉ những tình yêu vị kỷ của chúng ta mới làm khổ mình khổ người?

 

Bạn sẽ hòa vào đám đông, rồi mất hút, ngụp lặn trong những thương yêu dang dở, hay tập nhìn sâu vào gốc rễ vấn đề? Bạn sẽ để cho tình yêu 3 độc nhấn chìm mình hay nỗ lực vun bồi sự hiểu biết, nghị lực và mở rộng trái tim để lòng mình rộng lớn, thênh thang?

 

Chỉ có bạn là người quyết định mà thôi.

 

Trích lược Góc nhìn AQ - Những góc nìn khác về cuộc sống Đa chiều.

Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2024

Khi nhiều người trẻ ngày nay không dám đối diện với tương lai

 

KHI NHIỀU NGƯỜI TRẺ NGÀY NAY KHÔNG DÁM ĐỐI DIỆN VỚI TƯƠNG LAI

Tạp chí Forbes định nghĩa cuộc khủng hoảng tuổi đôi mươi là giai đoạn "tìm kiếm chính mình và đối diện với căng thẳng". Cuộc khủng hoảng này xảy ra phổ biến từ 20-30 tuổi, thậm chí sớm hơn là từ 18 và kéo dài cho đến 35 tuổi.

 

Tiến sĩ Nathan Gehlert, nhà tâm lý học ở Washington DC, Mỹ, cho biết, trường hợp gặp khủng hoảng điển hình là người "có chí hướng và thông minh, nhưng gặp khó khăn vì họ cảm thấy mình không đạt được mục tiêu hoặc cảm thấy mình bị tụt lại phía sau".

 

Đặc biệt, đây là giai đoạn trong đầu người trẻ luôn ngập tràn những suy nghĩ bất an, lo lắng và cả thất vọng khi chưa tìm được chỗ đứng trong sự nghiệp, tài chính và làm chủ các mối quan hệ.

Nhiều người có thể đã có được công việc mơ ước sau khi tốt nghiệp đại học, nhưng phát hiện ra rằng cuộc sống chật chội đang bóp nghẹt khả năng sáng tạo của họ.

 

Người trẻ luôn cố mường tượng về viễn cảnh cuộc sống của mình sẽ ra sao trong 5-10 năm nữa. Chính vì thế, những suy nghĩ tiêu cực, thiếu căn cứ càng làm bản thân trở nên lạc lõng, cô đơn và hoang mang khi hình dung về cuộc sống trong tương lai. Mất đi phương hướng khi theo đuổi những dự định ban đầu.

 

Khó khăn trong việc định hình tương lai

 

Một trong những nguyên nhân gây ra khủng hoảng tâm lý cho người trẻ trong giai đoạn này, có thể kể đến, là không xác định được phương hướng sau khi ra trường.

Bởi lẽ, nhiều sinh viên khi chọn ngành học đã xác định thực sự đam mê về lĩnh vực này nhưng cũng có những người mơ hồ về chính sự lựa chọn của mình.

Sau khi ra trường cảm thấy không phù hợp, muốn bắt đầu lại thì không biết bắt đầu từ đâu.

 

Đặng Hương Giang (25 tuổi, Hà Nội) cho biết: "Khó khăn trong giai đoạn sau khi ra trường là chưa định hướng được hướng đi của chuyên ngành và áp dụng kiến thức sách vở vào thực tiễn công việc. Khó khăn trong tìm một môi trường làm việc phù hợp và có thể phát triển được và tạo dựng được các mối quan hệ với đồng nghiệp".

Giang bộc bạch khi thấy bạn bè cùng trang lứa ra trường trước hoặc theo hướng khác đại học, có sự nghiệp, có thành quả trước, cô cảm thấy lo lắng và stress rất nhiều.

Có lẽ cuộc sống tiện nghi, đầy đủ là niềm mong mỏi của nhiều bạn trẻ. Đó cũng là động lực lớn nhất để chúng ta phấn đấu trong những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết.

 

Tuy nhiên, nhiều người trẻ sẽ phải đối diện với cảnh ra trường chạy đôn chạy đáo nộp hồ sơ xin việc với ý nghĩ nếu

không may mà có thể vào công ty có sức cạnh tranh kinh khủng, hay thậm chí không lành mạnh.

"Ma cũ bắt nạt ma mới" mà mình là người trẻ còn non nớt chưa được mài giũa kỹ càng để đối phó những khó khăn ấy một cách thông minh nhất. Vấn đề điều kiện môi trường ấy thôi cũng đủ khiến không ít người trẻ càng lo lắng.

 

Hơn thế, sự so sánh cũng có thể là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến các cuộc khủng hoảng tuổi đôi mươi. Chẳng hạn như chứng kiến bạn bè thăng tiến trong sự nghiệp, ổn định về cuộc sống mà bản thân chưa làm được những điều đó khiến tâm trạng người trẻ trở nên hoang mang, xao động và lo lắng hơn.

 

Bước ra khỏi vùng an toàn

Tiến sĩ James Arkell, bác sĩ tâm lý tư vấn tại bệnh viện Nightingale ở London, Anh, nói: "Tôi thường thấy những người 20 tuổi xinh đẹp, tài năng và có cả thế giới, nhưng họ không yêu bản thân mình. Xã hội là nguyên nhân khiến họ cảm thấy như thể họ phải theo kịp những tiêu chuẩn không ngừng này".

 

Bạn cần phải học cách chấp nhận rủi ro, nhận ra sai lầm đã từng vướng mắc để có thể biết bản thân đang thật sự mong muốn và đam mê điều gì. Có điểm mạnh nào để phát huy, điểm yếu nào để thay đổi.

Khi đạt được những điều mà mình từng nghĩ rằng là không thể thì đó cũng là lúc bạn mày mò được thêm những góc khuất thật sự đằng sau chính con người mình, những sở trường, sở đoản mà chính bạn chưa từng phát hiện trước đó.

 

Tuy nhiên cần có sự hy sinh. Có thể về thời gian, công sức, sức khỏe thậm chí là cả mối quan hệ cá nhân thì mới gặt hái được những gì mình mong đợi.

Mạnh dạn bước đi, mạnh dạn thử sức với những gì mình chưa từng làm. Sai mà biết nhận ra kịp thời, rồi sửa chữa hoặc có thể làm lại từ đầu và những điều ấy đã khiến các bạn có thể tận hưởng tuổi trẻ một cách trọn vẹn nhất".