Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2024

“Chậm bây giờ là nhanh thời thượng”

 

“CHẬM BÂY GIỜ LÀ NHANH THỜI THƯỢNG”

Chắc hẳn nhiều người cũng có chung cảm giác như tôi khi mới cầm trên tay cuốn “Ngợi ca sống chậm” của Carl Honoré. Chậm chạp ở thời buổi này vốn bị coi là tối dạ, lười biếng, cù lần, kém năng lực v.v… 

Khi mà thế giới đang có xu hướng phẳng hơn, quay cuồng trong cơn lốc tốc độ nhanh hơn, cao hơn, xa hơn thì lại có người đi ngợi ca sống chậm rõ là cái anh hấp lìm rồi còn gì?

Thế mà “Ngợi ca sống chậm” lại là cuốn sách bestseller ở tầm quốc tế, đưa tên tuổi tác giả của nó, một nhà báo sống ở Anh, trở nên lừng lẫy cấp toàn cầu.


Trước hết nó đề cập tới một triết lý sống “chậm không phải lúc nào cũng có nghĩa là chậm”, và “thực hiện một nhiệm vụ theo cách Chậm lại thường mang lại kết quả nhanh hơn” bởi vì Chậm có nghĩa là thư thái, thấu đáo, cẩn trọng, kiên nhẫn, chất-lượng-trên-số-lượng; nó ngược với Nhanh là bận rộn, hời hợt, nôn nóng, stress, số-lượng-trên-chất-lượng.

 

Chậm được tóm tắt bởi một từ duy nhất đã bao trùm lên học thuyết Âm Dương của người Á đông: cân bằng. Hãy nhanh khi đáng để nhanh và chậm khi không cần nhanh nữa. Chậm tự thân chỉ là sự buông thả nếu không có cái mãnh liệt của nhanh.

 

“Máy vi tính nhanh kinh ngạc, chính xác nhưng đần độn. Con người lại chậm chạp kinh ngạc, nhưng ưu tú.

Kết hợp với nhau sẽ là sức mạnh vượt quá mọi tưởng tượng”

 

Từ Đồ ăn Chậm, tới Đô thị Chậm, Giáo dục Chậm, rồi cả Tình dục Chậm. Mục tiêu cuối cùng là mỗi người hãy tìm ra một Nhịp Chuẩn cho mình, tự giải phóng khỏi tình trạng “nô lệ của tốc độ” cũng như trước kia từng là “nô lệ của thời gian”.

 

“Thời gian là gì? Nếu chẳng ai hỏi, thì tôi biết, nhưng nếu muốn giải thích cho ai đó hỏi tôi, thì tôi lại không biết” (Saint Augustine, thế kỷ thứ 4). Và sử dụng thời gian thế nào cho đúng, cho đủ vẫn còn là một câu hỏi hóc búa với con người.

 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói: “Hãy (sống) chậm lại để có thời gian sống sâu hơn”. “Sang số” cho tinh thần ta chậm lại giúp sức khỏe tốt hơn, nội tâm tĩnh tại, năng lực tập trung và khả năng tư duy sáng tạo cao hơn.

 

Honoré đã kể một câu chuyện thú vị về Hiệu trưởng trường ĐH Harvard, người đã gửi bức thư ngỏ tới các SV năm thứ nhất có nhan đề Hãy thong thả.

Nó không phải là hiến chương để những kẻ lười biếng vịn vào. Mỗi một sự chậm lại nho nhỏ, có chọn lọc, có thể giúp SV sống và thành công hơn.

 

Maurice Holt, giáo sư ĐH Colorado đã kêu gọi một phong trào rộng khắp mang tên “Giáo dục Chậm”, lấy cảm hứng từ phong trào “Đồ ăn Chậm”. Nếu ăn chậm kích thích hệ tiêu hóa thì học chậm có thể mở rộng và tiếp thêm sinh lực cho trí não.

Cuối cùng Honoré đưa ra những “bài tập” về sống chậm, bởi không có công thức chung nào cho việc này, cũng như không có một “tốc độ chuẩn” cho tất cả mọi người.

 

Hãy khởi đầu từ những việc nhỏ như tự mình nấu một bữa ăn từ A đến Z, đọc báo mà không mở TV, thêm những cử chỉ âu yếm vào chuyện làm tình…

Khi cảm thấy những hành vi chậm lại nho nhỏ ấy phát huy hiệu quả, hãy chuyển tới những việc lớn hơn… cho đến lúc thời gian không còn giống gã đốc công tàn bạo suốt ngày lăm le quất ngọn roi vào lưng của bạn.

 

Với những ai còn nghi ngờ, xin nhắc lại câu nói của cô gái nhân vật trong Ngợi ca sống chậm hân hoan thuyết phục bạn mình : “Tin tớ đi mà. Chậm bây giờ là Nhanh thời thượng đấy!”.

Hữu Việt

Bí quyết kinh doanh của người hoa

 

BÍ QUYẾT KINH DOANH CỦA NGƯỜI HOA

 

Hàng hoá, sổ sách, tiền bạc thu chi hàng ngày phải ghi chép cẩn thận, lưu trữ chính xác. Phải có công cụ và phương tiện lưu trữ, bảo quản tránh cháy, nổ, hư hỏng. Công tác xuất nhập phải được đối chiếu thường xuyên, cần chính xác tránh gây sai lệch, thất thoát. Có lưu trữ chính xác, làm việc với khách hàng càng thuận tiện.

 

Thời nhà Minh, có ông chủ hãng giày Hựu Liên Sơn nổi tiếng ghi chép đặc điểm giày của khách hàng rất chi tiết. Học giả Trương Hồng Sơn trước lúc đi thi khoa bảng đến đặt một đôi giày. Ông chủ như mọi khi cẩn thận ghi chép số đo, chất liệu giày, nhận thấy rằng vị khách này có chút đặc biệt: bàn chân trái to, dày hơn chân phải, ngón chân cái lại hơi khoằm.

 

Không lâu sau, Trương Hồng Sơn đỗ đạt cao, được bổ tứ phẩm. Có một vị quan nhỏ đến Hựu Liên Sơn đặt đôi giày làm quà tặng, chỉ cần nói tên đại học sĩ Trương Hồng Sơn, cửa hàng đã mau chóng lấy số liệu ghi chép lần trước, đóng được một đôi giày đẹp lại vừa khít bàn chân đặc biệt cho khách chỉ trong 3 ngày. Vị quan nhỏ và cửa hàng giày sau đó đều được coi trọng.

 

2. Buôn bán phải thức thời

Làm kinh doanh, mua bán phải biết nhìn ra cơ hội, dự đoán được nhu cầu và biến động thị trường. Gặp thời, phải biết cách tận dụng. Không gặp thời, phải biết cách ứng biến. Hay quan sát, nhạy bén và phán đoán chính xác là khởi nguồn của người kinh doanh giỏi.

 

Vào thời Tống, có một lần thành Lâm An bị cháy rất to, cửa hàng của một người họ Bùi cũng bị bắt lửa, nhưng ông ta không vội chạy đi chữa cháy mà sai người cầm ngân lượng ra ngoài thành mua những vật liệu xây dựng như gỗ, tre, ngói…

Sau khi lửa đã được dập tắt, tất cả trở thành đống đổ nát hoang tàn, thị trường vật liệu xây dựng trở nên khan hiếm. Lúc này người họ Bùi kia nhân thời cơ tung hàng ra bán, tiền kiếm được gấp hàng chục lần giá trị cửa hàng đã bị cháy kia, đồng thời cùng đáp ứng được nhu cầu của thị trường và nhân dân.


3. Nguyên liệu phải chất lượng

Hàng hoá mua vào phải được xem xét thấy tận mắt, đến tận nơi, sờ tận tay. Phải đạt tiêu chuẩn tra xét, kiểm soát, kiểm nghiệm chất lượng tốt nhất, tránh mua trâu vẽ bóng.

 

Hàng thuốc Tống Nguyên Đường ở Bắc Kinh rất tỉ mỉ trong việc chế thuốc, cửa hàng chỉ dùng những thứ cao cấp để chế thuốc. Nào là vị thuốc quý ở miền trung, nào là chỉ dùng thuần loại gà chân đen để làm thuốc ô kê bạch phụng hoàn, gà thì phải chọn loại đủ cân, đủ lạng, giết gà phải đúng cách để đảm bảo tiết gà trong cơ thể và làm tăng giá trị dinh dưỡng.

Có hơn 40 cách để chế ra thuốc viên nhưng cách nào cũng tỉ mỉ để đảm bảo chất lượng thuốc tốt nhất, bảo quản trong 3 năm nhằm hạ hỏa trong viên thuốc để thuốc có vị thơm ngon rồi mới đem ra bán. Đó là lý do mà tên tuổi Tống Nguyên Đường vẫn còn lưu lại cho đến ngày nay.

 

4. Hàng hoá phải tối ưu

Hàng hoá bán ra phải tối ưu hoá chất lượng, công dụng, giá trị, làm sao để bán được nhiều nhất có thể với giá phù hợp nhất.

Ông Chu làm nghề bán ngọc trai. Ông thường dậy thật sớm để là người đầu tiên đón thuyền chài về bến và chọn những viên ngọc to, tròn, bóng nhất. Sau đó, ông chọn gỗ Đàn Hương thật đẹp để làm những chiếc hộp đặc biệt, ngoài chạm hình long phượng, đá quý viền quanh, bên trong thuê người lót nhung tím tía và lông chim.

Giá ngọc trai của ông Chu rất đắt, nhưng khách hàng vẫn nô nức mua. Có những khách hàng mua hàng chỉ vì chiếc hộp quá đẹp, có những khách nhìn thấy chiếc hộp là đã ưng ngọc rồi, còn đa số mọi người cảm thấy hài lòng vì vừa được mua ngọc tốt lại được “khuyến mại” thêm hộp đựng. Ông chủ Chu cứ thế mà hốt bạc.

5. Giao thương phải linh động

Trong giao thương, linh động là vũ khí tuyệt vời giúp ta không chỉ chèo chống giữa thắng thua trên thương trường mà còn có thể nắm bắt và tự tạo ra cơ hội.

Dưới triều Đông Hán, vùng liêu đông dân chúng nhưng chỉ nuôi heo đen. Trương Hứa nuôi heo nọ lại có lứa heo đẻ toàn heo trắng, rất lạ, ai biết được cũng rất thích và hiếu kỳ đến xem đàn heo.

Trương Hứa nghĩ rằng ở vùng này toàn heo đen bèn mang lứa heo đó đến chợ Nam Kinh để bán, sau 3 tháng đi đường ông mới tới nơi nhưng ở đây giá heo trắng lại rất rẻ mạt vì ở Nam Kinh không thiếu gì giống heo này. Ông nghĩ ngay rằng, như vậy có thể khai thác giống heo trắng ở quê nhà thì sẽ được khá lời.

Ông Trương mua ngay giống heo trắng ở Nam Kinh mang về quê, đồng thời ở Nam Kinh không có heo đen thì ông mang giống heo đen đến đó bán. Mới có một năm mà ông đã giàu nứt vách nhờ heo.

6. Doanh nghiệp phải uy tín

Người làm kinh doanh bao giờ cũng phải đặt uy tín lên hàng đầu. Có uy tín thì có tất cả, mất uy tín thì mất tất cả. Đây là quy ước bất di bất dịch bất thành văn, người nào cố ý phá vỡ quy ước này thì không đáng được gọi là doanh nhân.

Nhà thuốc Du Đường có lối thiết kế rất độc đáo, đại sảnh tiếp khách ở trong nhà, khách hàng phải đi qua hành lang dài, dọc hai bên treo những tấm bảng đẹp trình bày kĩ nguyên liệu, xuất xứ và công dụng của 38 toa thuốc.

Khách hàng mua thuốc không ưng ý mang đến trả lại sẽ được bồi thường thuốc mới, còn chỗ thuốc trả lại sẽ được hủy ngay tại chỗ bằng một lò than. Nhà thuốc Du Đường chưa bao giờ trễ hẹn giao thuốc, cũng như chưa bao giờ đóng thiếu một đồng thuế. Vì vậy mà hoàng đế ban cho dòng: “Du Đường Kinh đô đệ nhất dược điếm.”

7. Quan hệ phải thiện chí

Buôn có bạn, bán có phường, Đối với đối tác kinh doanh nên có sự hợp tác mật thiết, giúp đỡ lẫn nhau thay vì luôn luôn cạnh tranh nghi kỵ. Thương hội có thể tạo điều kiện xúc tiến thương mại có lợi cho đôi bên.

Tương truyền, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương muốn dân chúng ăn Tết vui vẻ, liền ra lệnh đến Tết mọi nhà phải treo câu đối. Khi vi hành thị sát, hoàng đế phát hiện một cửa hàng thịt heo không treo câu đối, lý do vì bị đối thủ mưu hại, đẩy họ vào cảnh nghèo túng không có tiền mua giấy đỏ mực tàu.

Thiên tử cảm động, thân hành viết cho câu đối: “Đôi tay mở cửa sinh tử. Một nhát chặt đứt thị phi.”

Chủ cửa hàng lập tức cho khắc câu đối đó của hoàng đế ở hai bên cửa. Người dân khắp nơi kháo nhau về cửa hàng thịt được nhà vua ban tặng câu đối, họ cho rằng thịt heo ở đây chất lượng tốt, đến thiên tử cũng phải thích nên kéo đến mua nườm nượp. Để cảm ơn Minh Thái Tổ, cửa hàng thịt heo năm nào cũng dâng lễ vua con heo béo nhất, ngon nhất, thành lệ đến đời cháu chắt vẫn vậy.

 

Theo: Brandsvietnam