Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2024

Hãy giữ lại đứa trẻ trong tâm hồn mình

 

HÃY GIỮ LẠI ĐỨA TRẺ TRONG TÂM HỒN MÌNH

Chúng ta thường nghĩ rằng trẻ con rất ngây thơ, chúng cần phải học hỏi nhiều điều từ người lớn thì mới có thể trưởng thành được. Thực tế thì, nếu người lớn giống trẻ con hơn một chút, cuộc sống của họ sẽ rất khác, theo một cách vô cùng tích cực…

Vào những năm 1990 của thế kỷ 20, nhà từ thiện Kenneth Belling đi ngang qua khu vịnh San Francisco. Đột nhiên, ông phát hiện mình đánh rơi chiếc ví khi nào không hay.

Trợ lý lo lắng nói:

– Có lẽ chúng ta đã đánh rơi chiếc ví vào sáng nay, lúc đi qua các khu nhà ổ chuột ở Berkeley. Bây giờ chúng ta phải làm gì đây?

Belling ôn tồn nói:

– Chỉ có thể chờ người nhặt được ví gọi lại thôi.

Đã mấy tiếng trôi qua, ông Kenneth Belling vẫn không nhận được bất cứ cuộc gọi nào. Người trợ lý thất vọng nói:

– Thôi, chúng ta đừng chờ nữa, đừng hy vọng gì ở những người sống trong khu nhà ổ chuột.

Ông Belling lặng lẽ nói:

– Không, tôi vẫn muốn chờ đợi xem thế nào.

Người trợ lý tỏ vẻ nghi hoặc:

– Trong ví có danh thiếp của ngài, nếu muốn trả lại thì họ đã gọi từ lâu rồi, chỉ mất vài phút thôi. Chúng ta đã đợi cả buổi chiều mà vẫn không thấy tin tức gì. Chắc chắn người nhặt được đã giữ lại chiếc ví rồi.

Khu nhà ổ chuột ở Berkeley toàn là người nghèo, họ sẽ không trả lại cho ngài một món tiền lớn như vậy đâu.

Belling vẫn khăng khăng chờ đợi.

Trời bắt đầu tối và điện thoại vang lên. Cuộc điện thoại này là của người nhặt được chiếc ví, nói là đợi ông trên đường Kata.

Người trợ lý vội hét lên:

– Hãy cẩn thận! Đây có thể là một cái bẫy không? Hay là họ muốn tống tiền?

Belling bỏ qua lời cảnh báo và đến địa điểm được hẹn. Ông tới nơi thì thấy một cậu bé gầy còm, mặc chiếc áo rách, trên tay cậu cầm chiếc ví tiến lại gần. Người trợ lý vội cầm lấy chiếc ví và kiểm tra, anh thấy bên trong vẫn còn nguyên số tiền.

Cậu bé ấp úng nói:

– Cháu có một lời cầu xin, các ngài có thể cho cháu một ít tiền được không ạ?

Người trợ lý cười lớn:

– Biết ngay mà…

Belling vội ngắt lời trợ lý rồi mỉm cười với cậu bé và hỏi cậu muốn bao nhiêu.

– Cháu chỉ xin 1 đô la thôi ạ

Ngập ngừng một lát, cậu bé ngượng ngùng nói tiếp:

– Cháu đã tìm kiếm rất lâu để đến được bốt điện thoại công cộng nhưng cháu không có tiền. Sau đó cháu đã vay 1 đô la để gọi cho ngài.

Người trợ lý cúi đầu xấu hổ. Còn Belling vội ngồi xuống ôm cậu bé vào lòng.

Belling quyết định thay đổi kế hoạch từ thiện: Ông bắt đầu cho xây dựng các trường học ở Berkeley để những trẻ em nghèo không có tiền đi học trong vùng được đến trường.

Trong ngày khai giảng, Kenneth Belling xúc động nói: “Chúng ta không nên tự phán xét về người khác. Chúng ta cần tạo ra không gian và cơ hội để đón tiếp học sinh có tâm hồn thuần khiết và tốt bụng. Điều này rất đáng để chúng ta đầu tư”.

-----

Trong thế giới của người lớn, chín chắn mới được coi là tốt, sâu sắc mới đáng để tự hào, lý trí mạnh mẽ mới đáng để kiêu ngạo.

Nhưng chúng ta lại quên mất rằng, chính sự ngây thơ mới làm cho chúng ta được yêu mến; chính sự thuần khiết mới giúp chúng ta giảm nhẹ những rối ren và đen tối của cuộc đời.

Lương thiện nhất, chân thành nhất, thuần khiết nhất, đó chính là tâm hồn trẻ thơ. Một nụ cười trong sáng, hồn nhiên của chúng cũng đủ để xua tan những bộn bề, muộn phiền trong lòng những con người phức tạp nhất.

Vậy mới nói, dẫu có lớn khôn thế nào chăng nữa, mong bạn cũng hãy giữ lại đứa trẻ trong tâm hồn mình, như một mỏ neo, để có thể luôn đối với nhau chân thành trong cuộc sống vốn đã quá bon chen này.

Nhà từ thiện Kenneth Belling (ảnh: Tamaractalk).

Bên trong ‘trang trại cày lượt view’ trên các mạng xã hội

 


Một "trang trại cày lượt truy cập" - Ảnh: Jack Latham 

BÊN TRONG ‘TRANG TRẠI CÀY LƯỢT VIEW’ TRÊN CÁC MẠNG XÃ HỘI

 

Đài CNN cho biết năm ngoái, nhiếp ảnh gia người Anh Jack Latham dành ra 1 tháng ở Hà Nội để ghi lại hoạt động của 5 cơ sở chuyên giúp tăng lượt truy cập và mức độ tương tác trên mạng xã hội.

 

“Khi sử dụng mạng xã hội, hầu hết mọi người đều không muốn gì ngoài được chú ý.

Với mạng xã hội thì sự chú ý của chúng ta là sản phẩm cho đơn vị quảng cáo và đơn vị bán hàng”, ông Latham chia sẻ với CNN.

 

Vào những năm 2000, sự phổ biến của mạng xã hội như Facebook, Twitter (nay là X) làm sản sinh nhu cầu quản lý tài khoản một cách chuyên nghiệp.

Doanh nghiệp cũng bắt đầu chạy đua gia tăng độ bao phủ lẫn tầm ảnh hưởng trong thế giới số. Dù chưa rõ “trang trại cày lượt truy cập” xuất hiện từ lúc nào, nhưng giới chuyên gia công nghệ vào năm 2007 từng cảnh báo về hình thức hoạt động này ở các quốc gia thu nhập thấp.

 

Sang những thập niên tiếp theo, “trang trại cày lượt truy cập” bùng nổ về số lượng đặc biệt là ở châu Á (Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Philippines…).

Bất chấp các nước tìm cách hạn chế, các "trang trại" vẫn tiếp tục nở rộ nhanh chóng và thường tập trung ở nơi mà chi phí lao động cùng giá điện thấp cho phép vận hành hàng trăm thiết bị cùng lúc.

 

Giống công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon

5 “trang trại cày lượt truy cập” mà ông Latham tiếp xúc nằm trong căn hộ hoặc khách sạn ngoại thành Hà Nội. Một số có cách thiết lập truyền thống với hàng trăm điện thoại được vận hành thủ công. Số khác sử dụng cách mới: điện thoại không có màn hình lẫn pin được nối dây và liên kết đến máy tính.

 

Một cơ sở là cả gia đình cùng làm, còn lại hoạt động giống doanh nghiệp. Đa số người làm cho “trang trại cày lượt truy cập” khoảng 20 - 30 tuổi. Ông Latham cho biết: “Trông họ giống những công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon vậy.

 

Có rất nhiều thiết bị, điện thoại dựng thành tường. Chỉ cần một người để kiểm soát số lượng lớn điện thoại. Một người có thể nhanh chóng làm được việc của 10.000 người. Cơ sở vừa vắng vẻ lại vừa đông đúc”.

Trong “trang trại cày lượt truy cập”, mỗi cá nhân phụ trách một nền tảng. Ví dụ, một “nông dân” sẽ chịu trách nhiệm đăng nội dung và bình luận trên tài khoản Facebook hoặc thiết lập YouTube nơi họ đăng và xem video liên tục.

TikTok hiện là nền tảng phổ biến nhất tại 5 cơ sở ông Latham tiếp xúc.

 

Các “nông dân” cho biết dịch vụ của mình có giá chưa đến 0,01USD/lượt truy cập. Họ xem đây là công việc hợp pháp.

Lúc nghiên cứu về hoạt động này, ông Latham phát hiện thuật toán các mạng xã hội sử dụng thường đề xuất video có lượt truy cập tăng vọt.

 

Tạp chí Một thế giới

 


Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2024

Thiền định là một lối sống

 

THIỀN ĐỊNH LÀ MỘT LỐI SỐNG

 

Hòa thượng Tomo: Thiền định là một lối sống chứ không phải một phương pháp để thực hành trong những lúc rảnh rỗi hay những khi không có việc gì để làm.

Đây là một điểm hết sức quan trọng của Đại Thừa, vì Thiền chính là sống, sống đúng, sống thật với ý nghĩa của sự sống.

 

Tiểu Thừa và các môn phái Yoga của Ấn Độ thường tách rời thiền định (meditation) ra khỏi cuộc sống và biến nó thành một phương pháp (technique) hơn là một lối sống.

 

Vì không phải là một kỹ thuật hay phương pháp, nên người ta không thể học hỏi nó qua sách vở mà phải có sự hướng dẫn trực tiếp của một vị thầy. Do đó, thiền định còn là một kinh nghiệm tâm linh giữa thầy và học trò mà trong đó, người học trò cố gắng đặt tâm thức của mình hòa hợp vào tâm thức của vị thầy.

 

Để đạt đến điều này, người tu thiền phải luôn luôn nghĩ đến đức Phật như ngài đang hiện diện bên trong họ chứ không phải ở bên ngoài.

Chỉ khi nào người tu thiền ý thức rõ rệt rằng đức Phật ngự trị ở bên trong, thì họ mới có thể hiểu trọn ý nghĩa câu thần chú linh thiêng “Om Mani Padme Hum”.

 

Chỉ khi lòng từ bi hoàn toàn khai mở như một đóa hoa Sen (Padme) vươn cao lên khỏi vũng bùn và bắt đầu khai hoa, thì hương thơm của Trí Tuệ (Mani) mới bắt đầu tỏa ra khắp nơi và mọi hành động Thân–Khẩu–Ý (Om) mới thật sự phản ảnh trọn vẹn đúng cái ý nghĩa cao đẹp nhất của Sự Sống (Hum).

 

Khi trí tuệ đã phát triển trọn vẹn, thì làm sao mình có thể lầm lạc, có thể hành động trái với luật thiên nhiên, trái với chân lý được?

Khi mọi vật đều sáng tỏ, không còn vô minh, tất cả mọi sự thật đều phơi bày rõ ràng thì đâu còn mê đắm, đâu còn khổ đau.

 

Khi từ bi và trí tuệ đều phát triển trọn vẹn thì không còn sự phân biệt nữa. Từ bi cũng là trí tuệ mà trí tuệ cũng là từ bi, và người tu đã chứng đắc, đã đi vào con đường Trung Đạo, thấy rõ bản thể chân như của sự vật: Tất cả đều là một, hình tướng tuy khác nhưng thể tánh chỉ có một.

Đó chính là ý nghĩa câu kinh “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”.

 

Trích:Đường mây qua xứ tuyết