Thứ Tư, 27 tháng 3, 2024

Không làm gì mà không gì là không làm

 

LÀM VIỆC KHÔNG BIẾT MỆT MỎI KHI ĐƯỢC LÀM ĐÚNG ĐAM MÊ

Một xã hội đang bị cuốn theo guồng quay cơm áo gạo tiền, ai cũng chạy theo miếng ăn cái mặc, ai cũng hiểu phải có làm mới có ăn.

Biết thế nhưng nếu chỉ bồi dưỡng tâm bổ cho cái bụng trong khi lại bỏ bê tâm hồn tàn rụi héo úa, có kiếm bao nhiêu tiền làm đầy bụng vẫn không đủ ra vào viện điều trị nội tâm bệnh tật.

Vậy nên, vấn đề cần thiết đặt lên bàn tròn thảo luận là phải làm thế nào để vừa làm việc nuôi no béo tốt cái bụng mà tâm hồn da dẻ vẫn hồng hào.

 

Đa số bạn trẻ hiện nay có xu hướng biến công việc thành kẻ thù. Cũng có người tự biến mình thành một chiến binh dũng mãnh, can đảm từ bỏ công việc hiện tại để lên đường tìm kiếm cho bản thân một chốn khác nơi họ thuộc về. Đó dường như đang là một xu thế thịnh hành trong giới trẻ.

 

Có người giã từ thành phố lên núi tìm ấp lập làng. Có anh kỹ sư lương làm tháng vài nghìn đô vội vã đóng gấp cặp sách, thu xếp hành trang mang hết về quê nuôi heo chăn bò.

Có chị kia tiếng vang đi Đông đi Tây du học, dự đoán là sẽ về nước đầu quân cho công ty ngoại quốc với lương bổng đáng thèm thuồng, giờ lại nghe tin đang ở quê may vá thêu thùa bán sản phẩm kiếm miếng ăn qua ngày.

 

Xã hội ngơ ngác trước quyết định của những người điên rồ. Bạn có bao giờ đặt dấu chấm hỏi cho tất cả sự lựa chọn đó? Điều gì đó đã nung nấu tâm can và lòng khát khao muốn được sống trong họ? Điều gì đã khiến những chiến sĩ tri thức tạ từ những cuộc viễn chinh? Thú nhận đi bạn chưa bao giờ mong muốn từ bỏ tất cả để trở về sống đời yên bình thảnh thơi như họ?

 

Nhưng bạn chỉ luôn nhìn thấy được một bên của đồng xu khi vung tay thảy lên trời. Mặt còn lại chôn giấu rất nhiều ẩn tích bạn không nhận ra.

Bạn không thể sống một cuộc đời như những người bạn trông thấy. Bởi bạn không phải là họ, hoàn cảnh sống của bạn khác họ, bạn có những gánh nặng đang phải mang vác trên vai… Với những dự án vẫn chưa được giải quyết. Lịch gặp đối tác khách hàng vẫn dày đặc không có chỗ trống.

 

Bạn thực sự mệt mỏi với đống công việc ngổn ngang. Thỉnh thoảng bạn có nhìn vào không trung rồi ném vào nó mấy câu đại loại như tại sao mình phải cật lực vắt kiệt sức với công việc thế này.

Khi bạn bắt đầu chán ngán công việc hiện tại, điều đầu tiên bạn cần làm là cảm nhận vào sâu bên trong bạn để tìm kiếm đâu mới là nơi bạn thuộc về, đâu là công việc bạn thực sự muốn làm.

 

Bạn có thấy những bậc vĩ nhân, những thiên tài, tại sao họ có thể ngủ ba bốn tiếng một ngày, thậm chí không tiếng đồng hồ một ngày, cắm đầu cắm cổ làm việc nhưng không bao giờ thấy chán? Vì đó là công việc họ yêu thích. Họ làm vì đam mê nhiệt huyết, họ không làm vì gánh nặng, không vì trách nhiệm, không làm việc trong sự gượng ép.

 

Vâng, có một cách làm việc khác mà như không làm nhưng lại mang đến cảm giác tích cực vô cùng. Đó là làm công việc mình yêu thích đến nỗi lãng quên nhận thức mình đang làm rất hăng say, làm quên ăn quên ngủ.

 

Nhưng đừng manh động lật đật chạy về nhà viết giấy ký tên vào đơn xin nghỉ việc khi vẫn còn đang băn khoăn trong chính cái sự đi tìm niềm đam mê mình yêu thích. Bạn cần hiểu rõ trái tim mình đang hướng về ngọn gió nào trước, mạnh mẽ đặt bước chân đầu tiên lên con đường tiến gần niềm yêu thích đó, dù nó có điên rồ và ngớ ngẩn.

 

Bạn phải là những con mắt luôn tìm kiếm tiếng gọi cuộc đời mình, chứ không phải là hèn yếu chấp nhận sống dung hòa với kẻ thù địch. Đó sẽ là một quá trình gian nan vô cùng và bạn phải mất rất nhiều thời gian. Nào, hãy dũng cảm đối diện với trận chiến của bạn, cho những đam mê trong bạn.

 

Đừng che giấu sự hèn yếu của bản thân dưới bộ đồng phục đó nữa. Nếu lỡ những đam mê trong bạn phải chịu cách thất trận, thì ít ra lòng liêm khiết chân thật trong bạn cũng hát vang bài ca chiến thắng. Đã sống hết mình thì có gì gọi là hối tiếc.

Điều gì đó mình phải trải qua mà không phải là phần số đã được lập trình sống trong kiếp sống của chính mình.

 

Chúng ta phải yêu đam mê như một vũ khí mà chúng ta sẽ dùng nó để chiến đấu với cuộc sống. Tôi không khuyên các bạn bỏ bê công việc sự nghiệp của các bạn, tôi chỉ nói rằng bạn phải đi đến đó bằng một phương tiện khác phù hợp với bạn hơn.

 

Người ta chỉ có thể làm việc hăng say không biết chán chê mệt mỏi khi được làm đúng đam mê của họ, làm việc với những thứ mà họ sẽ không phải cãi cọ lăng nhăng với tâm trí mình mỗi ngày. Bạn phải hiểu rằng những ngày làm việc mệt mỏi chán chường sắp đi qua, một đam mê thích đáng sẽ thánh hóa tất cả u sầu ủ dột.

 

Không phải là một ai khác, chỉ có bạn mới cứu thoát nạn nhân đang là chính bạn. Và hãy luôn nhớ lời Lão Tử đã dạy “Vô vi nhi vô bất vi” có nghĩa “Không làm gì mà không gì là không làm.”

Theo triethocduongpho.net

 

Danh tướng Yết Kiêu thủy chung bậc nhất sử Việt

 

DANH TƯỚNG YẾT KIÊU THỦY CHUNG BẬC NHẤT SỬ VIỆT, TỪ CHỐI BA NÀNG CÔNG CHÚA CHỈ ĐỂ YÊU HẾT ĐỜI MỘT NGƯỜI THƯỜNG

Ngày cô gái ấy ra đi trên đôi tay mình, trái tim của vị danh tướng cũng đóng cửa từ đó, không nhận thêm bất cứ tình cảm của một người con gái nào nữa.

Yết Kiêu (1242-1301) tên thật là Phạm Hữu Thế. Ông sinh ra trong 1 gia đình nghèo, cha mất từ sớm, ngay từ nhỏ đã phải lăn lộn đủ nghề, đặc biệt là làm việc trên sông nước, mò cua bắt ốc đổi lấy cơm gạo để kiếm sống và phụng dưỡng mẹ già. Yết Kiêu được trời phú sức khỏe hơn người, lặn dưới nước mà như đi trên cạn. 

 

Khi giặc Nguyên Mông xâm lược nước ta, Yết Kiêu trở thành một tì tướng (tướng cấp dưới) đắc lực của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Yết Kiêu nhiều lần lập công lớn, tương truyền có những đêm một mình ông đục thủng và làm đắm hơn 20 thuyền địch.

 

Người ta quý trọng Yết Kiêu không chỉ vì tài "đi dưới nước như đi trên cạn" mà người ta còn cảm phục tấm lòng của ông.

Nổi tiếng khắp thiên hạ, thế nhưng ông chỉ yêu một người phụ nữ duy nhất tên là Vân (con của ông lái đò ở Bến Đá Bạc, Quảng Ninh). Tình yêu của hai người được coi là bất tử vì nàng nguyện chết vì chàng.

 

Tương truyền cô Vân là con của lão bộc ở Quảng Ninh, người có tấm bản đồ được vẽ ở sau lưng. Đây là tấm bản đồ dẫn đến nơi có sắt để mọi người lấy để bịt đầu nhọn cắm sông Bạch Đằng trong trận chiến chống quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng.

Ít ai biết ông lái đò ấy chính là một tướng giỏi ở ẩn. Sau khi giặc xâm lấn đất nước, vị tướng ở ẩn ấy quay trở lại phò trợ Yết Kiêu đánh giặc. 

 

Trong thời gian ấy, Yết Kiêu có dịp gặp gỡ người con gái tài sắc vẹn toàn tên Vân. Hai người đều cảm mến nhau nhưng chưa kịp nói thành lời. Nàng Vân là người không tiếc tính mạng của mình, lao ra đỡ mũi tên cho Yết Kiêu trong một trận đánh, để rồi chết trên tay Yết Kiêu.

Khi nàng Vân "ra đi", trái tim của Yết Kiêu cũng "đi theo" nàng. Thế nên, đến cuối cuộc đời mình, Yết Kiêu không lấy bất kỳ ai làm vợ.

Cảm phục biệt tài của Yết Kiêu, rất nhiều công chúa, quận chúa của triều Trần và công chúa con gái vua Nguyên Mông đem lòng thương yêu, đòi lấy làm chồng. Thế nhưng, ông kiên quyết không lấy họ dù có bị chém đầu. 

 

Tương truyền khi Yết Kiêu hộ giá hoàng tộc nhà Trần về Nam Định, khi trực tiếp chứng kiến cảnh ông lặn xuống sông giết chết Giảo Long rồi mang đầu về cho nhà vua xem, công chúa An Tư và quận chúa Đinh Lan cùng cảm mến ông.

Quận chúa Đinh Lan liền tâu với triều đình xin được lấy Yết Kiêu làm chồng, thế nhưng Yết Kiêu một mực từ chối. Ông từ chối việc thay tên, đổi họ để lấy quận chúa khiến nàng vô cùng tức giận hạ lệnh chém đầu ông.

 

Khác với quận chúa Đinh Lan, công chúa An Tư chỉ dám thầm thương trộm nhớ Yết Kiêu. Nàng yêu Yết Kiêu, thế nhưng tình yêu ấy chỉ dám để ở trong lòng bởi nàng luôn đặt đất nước lên hàng đầu.

Nàng cam tâm làm vật cống nạp sang nước Miên để đem tin tức về cho đất nước. Trước khi sang, nàng yêu cầu Trần Hưng Đạo cho gặp Yết Kiêu. Sau khi gặp xong, An Tư yêu cầu Trần Hưng Đạo cho Yết Kiêu làm cầu nối đem những tin tức nàng thu thập được về nước. 

 

Nàng giao cho Yết Kiêu bông lan đá và coi nó là vật đính ước giữa hai người. Sau nhiều lần đem tin tức từ trại giặc về nước, do sơ hở, Yết Kiêu bị giặc bắt được. Khi bắt được Yết Kiêu, chúng đem ông đến cho công chúa An Tư nhận diện.

Đến nơi, công chúa An Tư nói: "Ta quyền cao chức trọng, làm sao biết đến hạng tiểu tốt. Nếu đúng là Yết Kiêu, môi trường sống là dưới nước". Nghe nàng nói đến đây, Yết Kiêu vùng dậy nhảy xuống sông thoát.

 

Không chỉ được hai vị công chúa đem lòng yêu thương, Yết Kiêu còn được cả công chúa Ngọc Hoa, con gái của vua Nguyên đem lòng yêu thương và đòi lấy làm chồng. Sau khi đánh thắng giặc, Yết Kiêu được cử đi sứ. Sang đó, vua Nguyên có ý định ép gả công chúa Ngọc Hoa cho ông. 

 

Ông không muốn lấy nhưng không thể từ chối thẳng thừng, Yết Kiêu mới xin phép vua Nguyên để trở về nước xin phép vua Trần. Nghe hợp tình, vua Nguyên cho ông về nước.

 

Sau khi về nước, ông không sang nữa. Đã lâu mà không thấy Yết Kiêu sang, công chúa Ngọc Hoa xin phép vua cha cho sang nước Nam tìm. Khi thuyền sang đến Móng Cái, có người nói Yết Kiêu đã "về trời". 

 

Hay tin ông chết, công chúa Ngọc Hoa liền lập đền thờ cúng ông trong 7 ngày. Khi cúng, nàng nói: "Trên đời không nên chàng và thiếp, thiếp xin nguyện xuống để gần chàng mãi mãi".

Sau đó, nàng gieo mình xuống sông. Thấy nàng gieo mình tự vẫn, 9 nàng hầu cùng hai bá quan theo hầu cũng gieo mình xuống sông theo nàng.

(Nguồn: Đại Việt Sử ký toàn thư)

Ảnh: Ngày nay nơi thờ Yết Kiêu ở đền Quát, thôn Hạ Bì (xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) chỉ có bức tượng gỗ của Ngọc Hoa công chúa là được đặt cạnh Yết Kiêu. Bức tượng gỗ này tương truyền là được đẽo từ tấm gỗ nổi lên nơi công chúa Ngọc Hoa trẫm mình chết.