Thứ Ba, 26 tháng 12, 2023

Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác những giá trị trường tồn

 

Y ĐỨC, Y LÝ VÀ Y THUẬT CỦA HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG LÊ HỮU TRÁC NHỮNG GIÁ TRỊ TRƯỜNG TỒN

Lê Hữu Trác tên hiệu là Hải Thượng Lãn Ông (1724-1791) là một đại danh y tài năng, xuất chúng của nền Y học Việt Nam thế kỉ XVIII.

Kế thừa những thành tựu y học cổ truyền đã đạt được bấy giờ, kết hợp với những nghiên cứu và kinh nghiệm chữa bệnh của bản thân, Ông đã biên soạn bộ sách “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển, đề cập tới hầu hết các lĩnh vực và vấn đề của y học cổ truyền, có giá trị khoa học và thực tiễn hết sức to lớn, được coi là bộ bách khoa thư y học đầu tiên của nền Y học Việt Nam.

Bộ sách là những lĩnh hội tâm huyết về ngành Y của Hải Thượng, bao gồm những nội dung lớn về y học cổ truyền (YHCT): y đức, y lý cơ bản, triết lý, dịch lý, bệnh học, điều trị các khoa và phương tễ.

Ngoài ra, bộ sách còn đề cập đến các vấn đề vệ sinh, nấu ăn, nữ công gia chánh.

Hải Thượng Lãn Ông là người đầu tiên đưa ra những quan điểm mới về y đức trong lịch sử y học Việt Nam. Những tư tưởng tiến bộ về y đức của ông được truyền lại qua bộ “Hải Thượng y tông tâm lĩnh”, chủ yếu được chắt lọc, hội tụ trong “Y huấn cách ngôn” nhằm giáo huấn để xây dựng đạo đức người thầy thuốc.

Bên cạnh đó, y đức của ông còn tỏa sáng qua “Y âm án”, tự thuật lại những ca bệnh khó, điều trị thất bại và những trăn trở, day dứt của ông muốn thầy thuốc đời sau lấy đó làm bài học kinh nghiệm.

Qua từng tác phẩm để lại, mới thấy ở con người ông có sự nhất quán về y đức trong suy nghĩ, lời nói và việc làm, thể hiện được phẩm chất cao đẹp, tấm lòng nhân hậu của người thầy thuốc hết lòng vì người bệnh.

3. HẢI THƯỢNG Y TÔNG TÂM LĨNH - THÀNH TỰU NỔI BẬT.

“Hải Thượng y tông tâm lĩnh” là thành tựu nổi bật nhất trong sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông. Bộ sách được ông biên soạn trong khoảng ba chục năm trời, cho đến ông khi mất. Những giá trị ấy có tầm ảnh hưởng rất lớn đến các thầy thuốc đời sau.

Lê Hữu Trác đã “vắt gan, vắt ruột”, đem hết tâm trí, sức lực tham khảo các sách thuốc nổi tiếng, như Bảo sinh diên thọ toàn yếuToàn thư (của Cảnh Nhạc), Hồng nghĩa giác tự y thưNam dược thần hiệu (của Tuệ Tĩnh)… Bộ sách gồm 28 tập, 66 quyển, đề cập tới hầu hết các lĩnh vực và vấn đề của YHCT, có giá trị khoa học và thực tiễn hết sức to lớn, truyền lại cho đời sau

Hải Thượng y tông tâm lĩnh là một kì công trước tác, đã được Hải Thượng Lãn Ông dày công nghiên cứu, biên soạn, bổ sung hoàn chỉnh công phu, với nhiều chuyên khoa khác nhau.

Việc thừa kế, học tập những kiến thức được truyền thụ qua Hải Thượng y tông tâm lĩnh vẫn còn rất nhiều dư địa để các thầy thuốc đời sau tiếp tục nghiên cứu, khai thác, ứng dụng vào thực tiễn lâm sàng.

Nguồn Viện Y học cổ truyền Quân Đội

---------------

Tập đầu của bộ Hải Thượng y tông tâm lĩnh tựa đề năm 1770, gồm mục lục bộ sách, tập thơ “Y lý thâu nhàn” ngâm vịnh ngẫu hứng trong khi làm nghề y, một thiên “Y huấn cách ngôn” nói về đạo đức của người thầy thuốc và một thiên “Y nghiệp thần chương” khái quát nội dung của bộ sách. Trong đó:

- Quyển 1: “Nội kinh yếu chỉ”, trích những điểm thiết yếu của kinh điển Đông y.

- Quyển 2: “Y gia quan miện”, phân tích và tổng hợp lý luận cơ bản về âm dương, ngũ hành, tạng phủ, kinh lạc, khí huyết, chẩn đoán, mạch học, bệnh lý, trị pháp.

- Quyển 3, 4 và 5: “Y hải cầu nguyên”, nêu lên những quy luật chung về bệnh cơ và nguyên tắc trị liệu.

- Quyển 6: “Huyền tẫn phát vi”, nói về tiên thiên thủy hỏa - “Mệnh môn”, cơ năng sinh lý và bệnh lý của chân thủy, chân hỏa, cùng phép chữa.

- Quyển 7: “Khôn hóa thái chân”, bàn về hậu thiên tì vị, cơ năng tiêu hóa và tác dụng của khí huyết, bệnh lý và phép chữa.

- Quyển 8, 9: “Đạo lưu dư vận”, biện luận và bổ sung những điểm y lý chưa rõ hay còn thiếu ở các sách xưa.

- Quyển 10 và 11: “Dược phẩm vậng yếu”, nói về dược tính 150 vị thuốc Bắc, Nam phân loại theo ngũ hành.

- Quyển 12 và 13: “Lĩnh Nam bản thảo”; Quyển Thượng chép 496 vị thuốc Nam (thừa kế của Tuệ Tĩnh), Quyển Hạ chép 305 vị bổ sung về công dụng hoặc mới phát hiện thêm.
- Quyển 14: “Ngoại cảm thông trị”, nói về đặc tính bệnh ngoại cảm ở nước ta và các phương thuốc sáng chế để điều trị theo các thể bệnh.

- Quyển 15 đến 24: “Bách bệnh cơ yếu”; bệnh học nội khoa 10 quyển: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỉ, Canh, Tân, Nhâm, Quý.

- Quyển 25: “Y trung quan kiện”, tóm tắt phương pháp điều trị các bệnh.

- Quyển 26 và 27: “Phụ đạo xán nhiên”, chuyên về phụ khoa.

- Quyển 28: “Tọa thảo lương mô”, chuyên về sản khoa.

- Quyển 29 đến 33: “Ấu ấu tu tri”, chuyên về nhi khoa.

- Quyển 34 đến 43: “Mộng trung giác đậu”, chuyên về bệnh đậu mùa.

- Quyển 44: “Ma chẩn chuẩn thằng”, chuyên về bệnh sởi.

- Quyển 45: “Tâm đắc thần phương”, gồm 70 phương thuốc chọn lọc trong sách Phùng thị cẩm nang bí lục (của Phùng Triệu Trương). - Quyển 46: “Hiệu phỏng tân phương”, chép 29 phương thuốc hiệu nghiệm do ông sáng chế.

- Quyển 47, 48 và 49: “Bách gia trân tàng”, ghi trên 600 phương thuốc kinh nghiệm thu lượm trong Nhân dân và thừa kế của ngoại tổ ông là Bùi Diệm Đăng.

- Quyển 50 đến 57: “Hành giản trân nhu”, chép trên 2.000 phương thuốc chọn lọc trong các bản thảo đời trước, như “Nam dược thần hiệu” của Tuệ Tĩnh hay thu nhập trong dân gian.

- Quyển 58: “Y phương hải hội”, gồm 200 cổ phương Đông y.

- Quyển 59, 60: “Y dương án”, chép 17 bệnh án chữa khỏi, và “Y âm án” chép 12 bệnh án tử vong.

- Quyển 61: “Truyền tân bố chỉ”, còn được gọi là “Châu ngọc cách ngôn”, thâu tóm các điều cốt yếu nhất về quy tắc chẩn đoán, biện chứng, dùng thuốc trị bệnh.

- Quyển 62 và 63: “Vệ sinh yếu quyết”, chuyên về dưỡng sinh, vệ sinh phòng bệnh.

- Quyển 64: “Bào thai thần hiệu toàn thư giải âm”, đề cập những kiến thức về phụ sản, giữ gìn trong khi mang thai.

- Quyển 65: “Nữ công thắng lãm”, nói về cách nấu nướng.

- Quyển 66: “Thượng kinh kí sự”, kể lại hành trình của Hải Thượng Lãn Ông lên kinh đô chữa bệnh cho Thế tử Trịnh Cán, năm 1782.

 

Thứ Hai, 25 tháng 12, 2023

Bùa ngải và những chuyện liêu trai, kinh dị

 

 

BÙA NGẢI VÀ NHỮNG CHUYỆN LIÊU TRAI, KINH DỊ

Bùa ngải là những hương, dược liệu có khả năng trị bệnh. Nhưng để tăng sự kỳ bí, các thầy bùa thường làm lễ cúng rất lớn nhằm tăng uy lực siêu phàm của mình

Bí truyền gia tộc

Ông M và người em đi kiếm những củ nghệ đen cỡ 4 - 5 kg trở lên, củ khớp, củ ngọc linh còn nguyên cây để về chế thuốc. 

 

“Mọi người cứ cho nó là ngải, nhưng thực ra nó là những cây thuốc Nam hàng ngày mình vẫn quen dùng: láng, gừng, nghệ, đinh lăng và cả những cây, hạt, lá cực độc như mã tiền, trúc đào, khớp… Nếu biết cách trồng và chế biến, đây là những vị thuốc chữa bệnh hiệu quả”. 

 

Ông M kể, vùng biên giới giáp Campuchia rắn rết vô cùng nhiều, người đi nương thường gặp rắn, có người chất độc đã ngấm vào tim, bệnh viện trả lại, thế mà ông đắp ngải, 1 tuần sau máu hết đen, khỏe lại. 

Còn nhiều loại ngải dùng để chữa bệnh viêm họng mãn tính, u vú, trẻ con mất vía, trâu bò bị thương dòi bọ làm tổ… rất công hiệu, chủ yếu ông giúp bà con, không lấy tiền.

 

Gia tộc họ Đoàn thuộc một trong những tộc người miền núi phía Bắc hùng mạnh và thời nhà Trần thế kỷ XII, Thái sư Trần Nhật Duật đã mất nhiều công sức thu phục các nhóm người Mường - Mán, Thái - Tày dọc từ Tuyên Quang, Thái Nguyên lên Cao Bằng, Bắc Cạn. 

 

Khi nhà Mạc bị vây đánh, loạn lạc liên miên, gia tộc họ Đoàn đã theo nhà Mạc chạy vào Thanh Hóa, Bình Thuận, Long An rồi xuống tận Bạc Liêu, Kiên Giang…

Cứ mỗi lần ly tán là cuốn bí truyền lại tam sao thất bản. Đến giờ, bản huyết ngải viết bằng máu gà luyện không còn, chỉ còn bản viết mực Tàu trên giấy dó. 

 

Ngải là gì?

 

Ông M kể về ngải, về bùa, về những thứ mà người Mường hay gọi là nèm… “Tôi đã nghiên cứu 50 năm mà không hiểu hết phương thuật trong cuốn bí quyết các cụ để lại”. Nhưng cơ bản, có thể diễn giải: Vẽ bùa là hình thức viết cổ tự, như một lời cầu Thánh thần thỉnh nhờ việc gì đó.

 

Khi làm bùa, các thầy phải ăn chay 7 ngày cho tâm thế thanh sạch, làm lễ cầu để có sự tập trung cao độ; khi viết thì viết một mạch không dừng, tránh đứt mạch vẽ, đường tâm linh nối thầy với cõi linh thiêng mỏng như chỉ mành, nếu dừng giữa chừng, bùa thiếu ứng nghiệm. 

 

Với nèm cũng vậy, đó là những bài chú cổ được lưu truyền cả nghìn năm, có thể từ thời Hùng Vương. Khi đọc những đoạn cổ tự, thầy cúng phải đọc liền mạch, nó như dò sóng radio, đến khi nào tìm được sóng mình cần thì làm phép thu hút năng lượng. 

 

Người thầy giỏi, có tâm khi làm bùa, nèm, nếu thấy không linh, gặp hôm xấu trời, gió to không thu được năng lượng, thì dừng. Làm ngải lại cần dương khí càng lành và nhiều, càng tốt. 

 

Đi rừng cả tháng, cốt kiếm được những dược thảo hấp thu tinh khí, nếu không chế thuốc, chỉ trồng và chăm sóc quanh nhà, nó cũng tỏa ra hương thơm có lợi cho sức khỏe.

Tôi hỏi: “Nghe nói, ngải phải cho ăn trứng gà, có loại cây cho ăn nguyên con gà mái tơ, nghe mà kinh dị…”.

 

Ông M cười: Cây như con người, nếu cho nó uống nước gạo, chè tươi, ăn lòng đỏ trứng rất nhiều vi lượng, nó có khỏe không? Về khoa học, nếu con người hấp thụ nhiều vitamine A, B1, B2 thì khả năng đề kháng sẽ tăng lên đáng kể, song với ngải, phải tuân theo phép tắc, lề lối vô cùng chặt chẽ, nếu không ngải sẽ biến chất và vô cùng độc. 

 

Ngải nếu ăn nhiều xác động vật thối, uống nhiều huyết, sẽ như ma ám, hút cả tà khí và tạo thành vùng ô nhiễm vô hình xung quanh bán kính 20 m. 

 

Nắng lên, tà khí sẽ bị xua bớt nhưng đêm xuống, khí độc rất nhiều, kết hợp với nhau theo một công thức bất định khiến người hít phải ngẩn ngơ, tâm thần phân liệt, nếu nhiễm nặng lâu ngày, có thể choáng, tử vong. 

 

Tuy nhiên theo ông M, rất nhiều thầy bùa ngải hiện nay đều có xu hướng làm mọi thứ theo yêu cầu gia chủ chứ không phân tích lợi, hại liên quan đến việc đặt, yểm bùa ngải. 

 

Các thầy đã dùng rất nhiều tâm lực trấn áp đuổi những “vong” vất vưởng, vô tình xua đi cả những trường sinh học tốt, mà theo giới thầy bùa, nếu làm lâu dài, tự các thầy tạo nên nghiệp chướng, về già thường bị suy nhược thần kinh nghiêm trọng, tính tình nóng nảy, đôi lúc những “vong” đi theo còn “quật” cả người thân của thầy…

 

Theo giaoducthoidai.vn