Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2023

Muốn sống thọ hãy tự chữa lành

 

MUỐN SỐNG THỌ HÃY TỰ CHỮA LÀNH

Để sống lâu, sống thọ phải không bệnh cả thể xác và tinh thần (thân tâm an lạc)

Phòng bệnh và chữa bệnh

Khả năng tự chữa lành của cơ thể chính là một bác sĩ bên trong cơ thể. "Bác sĩ" này trị bệnh khi bệnh chưa lộ diện, mới chớm bệnh, do đó nếu khả năng này tốt thì bệnh được trị từ khi còn "trứng nước" mà ngay bệnh nhân cũng chưa nhận ra hay các xét nghiệm còn âm tính, đây chính là năng lực tự phòng bệnh của cơ thể.

 

Còn nếu khả năng tự chữa lành suy yếu thì bệnh hiện rõ, ngày càng nặng, cần y khoa can thiệp nhưng nhìn chung y học chỉ là giải quyết phần ngọn, triệu chứng là chính, lúc này nếu năng lực tự chữa lành còn khá thì sự hợp tác của hai bác sĩ (bên trong và bên ngoài) sẽ kết thúc tốt đẹp, bệnh tạm thời ổn định. 

 

Còn nếu năng lực tự chữa lành hoàn toàn yếu, dù bệnh viện có cố gắng tối đa thì bệnh ngày càng trầm trọng, nguy cơ tử vong là không tránh khỏi (ví dụ như những trường hợp mắc bệnh nan y).

 

Cơ chế của năng lực tự chữa lành là từ khả năng hồi báo của hệ thần kinh, tự cải thiện, tự phục hồi và đặc biệt nhất là cơ chế tự tiêu - tự phân - tự ăn (autophagy). Autophagy đã được phát hiện và chứng minh bởi nhà khoa học Yoshinori Ohsumi.

Giáo sư Yoshinori Ohsumi khám phá các cơ chế phân tách và tái tạo tế bào. Đây là thành tựu khám phá ra cơ chế tự thực

 

Tự chữa lành!

Như vậy, củng cố duy trì năng lực tự chữa lành là yếu tố then chốt cho cuộc sống không bệnh. Câu hỏi là tại sao "khả năng tự chữa lành" bị suy sụp? Muốn thế cần nắm vững nguyên nhân gây bệnh:

- Ngoại nhân là nguyên nhân bên ngoài như thời tiết (gió - nóng - lạnh - ướt - khô quá), tia nắng mặt trời, vi trùng, virút, hóa chất, phóng xạ, ăn uống nhiễm độc chất (thuốc trừ sâu, chất phụ gia, chất bảo quản, chất kích thích...).

 

- Nội nhân là nguyên nhân bên trong. Có nghĩa khi chính khí suy, sức khỏe suy kém, suy giảm hệ miễn dịch.

Tại sao chính khí suy? Do các rối loạn tình cảm - cảm xúc - tâm lý, chủ yếu là lo, buồn, giận, sợ thái quá - kéo dài liên tục - lại phải đè nén hay nín nhịn (nuốt giận, giấu buồn - lo - sợ mà không dám thổ lộ). 

 

Đặc biệt, stress mới chính là nội nhân, chính tình trạng stress liên tục - thái quá - phải kiềm chế dồn nén (do các stressors) làm tinh thần bất an, căng thẳng, luôn luôn lo - buồn - giận - sợ. Stressors làm gia tăng bài tiết cathecholamine, glucocorticoid (cortisol) làm suy giảm miễn dịch, chính tình trạng suy giảm miễn dịch là điều kiện làm xuất hiện phát triển bệnh tật.

 

Nội nhân là chính, vì chỉ khi hệ miễn dịch suy kém thì các yếu tố gây bệnh mới có thể xâm nhập tấn công cơ thể và gây bệnh. Chính khí suy (sức khỏe kém) làm suy giảm năng lực tự chữa lành của con người, chính năng lực tự chữa lành là cơ chế để tiến tới "sống không bệnh, sống lâu sống khỏe".

 

Cơ chế của năng lực tự chữa lành là từ khả năng hồi báo của hệ thần kinh, tự cải thiện, tự phục hồi và đặc biệt nhất là cơ chế tự tiêu - tự phân - tự ăn (autophagy). 

Autophagy đã được phát hiện và chứng minh bởi nhà khoa học Yoshinori Ohsumi - nhờ công trình này mà nhà khoa học Nhật Yoshinori Ohsumi được trao giải Nobel y học 2016. 

 

Giáo sư Yoshinori Ohsumi khám phá các cơ chế phân tách và tái tạo tế bào. Đây là thành tựu khám phá ra cơ chế tự thực - tự ăn thịt bên trong tế bào, một quá trình cơ bản trong tế bào.

Thêm một nguyên nhân nữa làm cơ thể suy yếu do một nhà sinh lý học Đức tìm ra, tiến sĩ Otto Warburg - giải Nobel 1931.

 

Lý thuyết O. Warburg đã chỉ ra môi trường huyết dịch thuận lợi cho hoạt động tế bào khi đầy đủ oxy và kiềm, ngược lại môi trường thiếu oxy và bị axit hóa cản trở, ức chế hoạt động tế bào, làm giảm biến dưỡng, suy chức năng các cơ quan, hậu quả là suy nhược lão hóa sớm toàn bộ cơ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho khí xấu tấn công xâm nhập và gây bệnh. 

 

Câu hỏi là vì sao môi trường huyết dịch thiếu oxy và bị axit hóa? Chính lối sống tĩnh lặng, thiếu vận động (physical inactivity) và chế độ ăn không cân bằng axit-kiềm (thừa axit, thiếu kiềm) gây nên.

 

Đừng bỏ qua cơ chế miễn dịch

Bệnh tại chính mình, do chính bản thân từng người tự gây ra, đó là sai lầm trong lối sống (nhiều stress, thiếu vận động thể lực) và chế độ ăn (nhiều axit, thiếu kiềm) dẫn đến chính mình là thủ phạm hủy hoại sức khỏe bản thân, nói cách khác chỉ có chính mình chủ động cứu mình mà thôi, không ai làm thay mình.

 

Như vậy, để chống bệnh, có hai cách là ngăn chặn các tác nhân gây bệnh từ ngoại nhân (hạn chế càng nhiều càng tốt) và duy trì chính khí.

Duy trì chính khí bằng cách giảm stress - tư duy tích cực, tập thể dục thể thao thường xuyên, ăn uống lành, bổ dưỡng, cân bằng axit - kiềm sẽ duy trì được khả năng phòng vệ cơ thể (hệ miễn dịch), củng cố năng lực tự chữa lành.

 

Năng lực tự chữa lành được nhiều hay ít do quyết tâm cá nhân, cơ chế miễn dịch tốt sẽ chống trả thành công các yếu tố gây bệnh để phòng - trị bệnh, tiến tới sống lâu sống khỏe.

 

ST

Thứ Bảy, 11 tháng 11, 2023

Thầy Nguyễn Ngọc Ký - Tấm gương sáng ngời về nghị lực vượt lên số phận

 

THẦY NGUYỄN NGỌC KÝ - TẤM GƯƠNG SÁNG NGỜI VỀ NGHỊ LỰC VƯỢT LÊN SỐ PHẬN

Sinh năm 1947, quê ở Hải Hậu, Nam Định, đến nay thầy giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký đã ngoài 60 tuổi, sức khỏe đã có phần giảm sút song tình yêu và niềm đam mê đối với nghề giáo vẫn luôn vẹn nguyên trong con người đầy nghị lực này. 

Năm lên 4 tuổi, cậu bé Nguyễn Ngọc Ký gặp cơn bạo bệnh và bị liệt cả hai tay. Bản thân ông và gia đình đều rất buồn và xót xa. Tuy vậy, Nguyễn Ngọc Ký vẫn nuôi ước mơ được đi học như chúng bạn cùng trang lứa.

Năm lên 7 tuổi, cậu bé Ký lân la đến trường, đứng ngoài nghe cô giáo giảng bài, xem các bạn học. Về nhà, cậu bắt đầu hì hụi tập viết bằng ... chân. Thời gian đầu việc tập viết với Ký quả như cực hình. Dần dần Ký viết được chữ O, chữ V... Không những thế, Ký còn vẽ được hình bằng thước và com-pa, làm được lồng chim để chơi...

Nhờ sự cố gắng tuyệt vời đó, cậu đã được đi học và học rất giỏi.

Năm 1962, Nguyễn Ngọc Ký được Bác Hồ tặng Huy hiệu cao quý của Người.

Năm 1963, Ký tham dự kì thi chọn học sinh giỏi Toán toàn quốc và xuất sắc đứng thứ 5. Cậu lại được Bác Hồ tặng Huy hiệu cao quý lần thứ 2.

Lên cấp III, theo lời động viên của bạn bè khắp nơi trên cả nước, Nguyễn Ngọc Ký đã chọn ngành Văn.

Năm 1966, ông nhận được giấy báo nhập học ngành Ngữ Văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong 4 năm học Đại học, dù bệnh tật luôn đe dọa tính mạng, song Nguyễn Ngọc Ký vẫn miệt mài đèn sách.

Ông quan niệm: “Xa trường, xa lớp nhưng không xa sách vở”.

Năm 1970, ông bảo vệ thành công Luận văn Tốt nghiệp và cho ra đời tập truyện ký viết bằng chân đầu tiên với nhan đề : “Những năm tháng không quên” (sau đó là “Tôi đi học”, “Tôi học đại học” tái bản nhiều lần).

Tốt nghiệp Đại học ngành Ngữ Văn, Nguyễn Ngọc Ký đã nghe theo lời khuyên của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng về Hải Hậu, Nam Định (quê ông) làm thầy giáo để “dạy các em phấn đấu vượt mọi trở ngại, khó khăn, góp phần thống nhất nước nhà”.

Để có thể giảng bài với đôi tay tật nguyền, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã suy nghĩ, tìm tòi nhiều phương pháp, cách thức dạy học. Ông đã nghĩ ra phương pháp dạy học rất sáng tạo, hiệu quả.

Ông tự thiết kế các mô hình, dàn bài trên bìa một tờ giấy cứng, bên ngoài có một tờ giấy trắng che lại. Giảng đến đâu, ông dùng chân kéo tờ giấy che ở bên ngoài xuống, thế là những con chữ xuất hiện.

Cùng với đó là giọng giảng sinh động, truyền cảm, ông đã thuyết phục được học sinh.

Không những thế, trong bất cứ bài học nào ông cũng nghĩ ra những câu đố bằng thơ rất độc đáo. Chẳng hạn, khi dạy tác phẩm của Nguyễn Trãi, ông vào bài bằng mấy câu đố:

Đức tài rực sáng sao Khuê

Bút là gươm sắc phò Lê cứu đời

Lấy dân làm đạo, làm vui,

Hùng văn thuở ấy đất trời còn vang

Cứ thế, người thầy tật nguyền nhưng sáng ngời ý chí và nghị lực ấy đã truyền lửa cho biết bao thế hệ học sinh. Trong lần về thăm huyện Hải Hậu, Nam Định, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký là đại diện cho sự phấn đấu phi thường và kỳ diệu, là tấm gương sáng cho các bạn trẻ hôm nay, nhất là những người khuyết tật noi theo”.

Ngày 20/11/1992, ông được vinh dự nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Năm 1993, sau khi vào Thành phố Hồ Chí Minh chữa bệnh, sức khỏe của ông suy giảm nghiêm trọng.

Năm 1994, ông chuyển công tác từ Nam Định vào làm việc tại Phòng giáo dục quận Gò Vấp để vừa công tác vừa chữa bệnh.

Thầy còn đi giao lưu khắp nơi, khắp các vùng, miền trong cả nước. Từ trường tiểu học đến trường đại học, các bạn đều rất thích được thầy tiếp xúc, trò chuyện, trao đổi về nhân sinh và cuộc sống.

1500 buổi nói chuyện tại các nhà trường THCS, THPT, THCN là một con số đáng nể phục! Chẳng thế mà một thầy giáo trẻ từng bày tỏ “Thầy Ký giao lưu một tiết bằng chúng em dạy giáo dục công dân cả năm…

Thầy đã thực sự truyền lửa và lòng nhiệt huyết đến các bạn trẻ”.

Ngoài 60 tuổi nhưng ông vẫn làm công tác tư vấn tâm lý và giáo dục cho giới trẻ qua tổng đài 1080, vẫn miệt mài ngồi bên máy vi tính gõ những câu đố, những vần thơ... Ông đã được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

Tâm sự về nghề nghiệp, thầy nói: “Nhờ nghề giáo mà tôi thực hiện được những ước mơ, hoài bão của mình, tham gia đóng góp được nhiều cho xã hội." 

Nguyễn Ngọc Ký quả là một tấm gương sáng ngời về nghị lực vượt lên số phận. Ông đã chứng minh cho mọi người thấy một người tật nguyền như ông vẫn có thể trở thành người có ích cho xã hội.

Tên tuổi Nguyễn Ngọc Ký đã được mọi người biết đến với lòng trân trọng, ngưỡng mộ, cảm phục. Mãi mãi, cái tên Nguyễn Ngọc Ký sẽ còn in sâu trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam hôm nay và cả mai sau.

--------------

Nhà văn - Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký (26/6/1947 – 28/9/2022), một cử nhân văn chương của Đại học Tổng hợp Hà Nội đã mở ra cho nhiều thế hệ học trò trường Năng khiếu Hải Hậu, Nam Định – một vùng đất thuần nông – những cái nhìn mới mẻ, yêu đời về cuộc sống và biết ước mơ về những chân trời kiến thức…

 

Có nên coi con cái là số một?

 

CÓ NÊN COI CON CÁI LÀ SỐ MỘT?

1. Vai trò của con cái

Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của con cái trong hôn nhân. Sau một thời gian sống chung, cùng với vấn đề cơm áo gạo tiền và một vài lần bất đồng quan điểm, tình cảm lứa đôi đã bớt nồng nhiệt, sự xuất hiện của thiên thần nhỏ như ánh sáng ban mai soi rọi vào căn nhà.

Vợ chồng từ đó có chung mục tiêu mới. Đứa con trở thành sợi dây gắn kết khi ba mẹ nào cũng muốn nuôi dạy con cái mình thành những người thành công và hạnh phúc trong cuộc sống.

Đúng là khi cùng nhau nuôi dạy con cái, vì mong muốn con cái tốt hơn ba mẹ cũng cố gắng thay đổi bản thân mình thành người tốt hơn, có trách nhiệm hơn. Quá trình nuôi dạy con là quá trình cha mẹ không ngừng học hỏi và hoàn thiện bản thân. Vì vậy con cái rất quan trọng trong gia đình.

2. Khi coi con là số một, suy nghĩ đó sẽ điều khiển hành động của cha mẹ, một cách vô thức.

Một người bạn của tôi, mẹ của bạn luôn coi chị em bạn ấy là kim chỉ nam trong cuộc sống. Và mẹ bạn đã làm rất tốt việc nuôi dạy con và cho con một cuộc sống đầy đủ vật chất.

Hai chị em bạn ấy không thiếu thứ gì và cả hai đều xinh đẹp, học giỏi, phong cách.

Tuy nhiên mẹ người bạn này lại không coi trọng cuộc sống cá nhân của mình. Cô luôn nghĩ chồng cô cũng nên làm như cô, tập trung vào con cái chứ không phải hưởng thụ cuộc sống của mình.

Rồi chồng cô có quan hệ khác ngoài hôn nhân, tôi nghĩ là vì hai người không bồi đắp tình cảm quan hệ vợ chồng. Rồi cô suốt ngày chửi bới chồng vì cô nghĩ cô lúc nào cũng hy sinh vì con cái còn chồng cô chỉ lo hưởng thụ riêng mình. Rồi chồng cô không chịu nổi cuộc sống ngột ngạt nên bỏ đi, hai chị em bạn tôi vì vậy mà buồn khổ, tự ti.

Facebook đã một thời dậy sóng vì bức hình người mẹ dắt chiếc xe máy to đùng lội trên con đường ngập nước, trên xe là đứa con cao to hơn người mẹ ấy nhiều ngồi chễm chệ. Người mẹ mang tâm lý của một thời khó khăn kiếm miếng cơm manh áo nên chăm chút từng li từng tí cho con, con chỉ cần tập trung học vì tương lai.

Chỉ có điều người mẹ không nghĩ đến việc chỉ học thôi liệu có đủ hành trang cho con? Con cần được chuẩn bị nhiều kỹ năng khác ngoài đến trường, học bài. Con cần tự tìm thấy động lực, mục tiêu cuộc sống của mình, con cần làm quen dần với các mối quan hệ xã hội, con cần tập tự lập hơn. Nói chung, con cần một cuộc sống cân bằng hơn và cha mẹ cũng vậy.

3. Làm sao để con cái phát triển lành mạnh?

Cũng trải qua thất bại trong hôn nhân nhưng vẫn giữ được một nhịp sống gia đình tốt, con cái có cuộc sống tinh thần khỏe mạnh, một tác giả đã viết rằng khi cha mẹ đau khổ thì con cái sẽ dành phần lỗi về cho mình, và còn đau khổ nhiều hơn cha mẹ ấy. Đúng vậy, không ai chọn cha mẹ cho mình được cả.

Vì vậy những bậc cha mẹ hoặc những người sẽ làm cha mẹ hãy cố gắng nuôi dưỡng cuộc sống tinh thần và tất cả các mối quan hệ của mình.

Cha mẹ, đặc biệt là người mẹ hãy ngừng hy sinh hoặc dừng nghĩ là sẽ/phải hy sinh, dành thời gian và sức lực để làm đẹp bản thân, để thường xuyên cùng nhau đi ăn tối lãng mạn, dành những lời có cánh cho nhau như lúc mới hẹn hò, để gặp gỡ bạn bè nhiều hơn, để đầu tư cho tương lai của chính mình nhiều hơn thay vì chỉ chăm chăm đầu tư cho con.

Hãy cho con mình một môi trường sống cân bằng và lành mạnh. Sức khỏe tinh thần còn quan trọng hơn nhà to, xe đẹp nhiều.

Charlotte