Thứ Tư, 14 tháng 6, 2023

Thế nào là bình đẳng, là dân chủ trong giáo dục.

THẾ NÀO LÀ BÌNH ĐẲNG, LÀ DÂN CHỦ TRONG GIÁO DỤC.

Năm 2010 là lần đầu tiên tôi được gặp thầy, trong lớp cao học. Thầy từ Sài Gòn ra để dạy chúng tôi hai chuyên đề là Âm vị học và Lịch sử ngữ âm tiếng Việt. Đối với tất cả những người học chuyên ngành Ngữ văn thì đây là những món...ám ảnh nhất.

Điều bất ngờ khiến chúng tôi lúng túng không phải là trả lời những câu hỏi hóc búa của ông thầy, mà là phải đặt câu hỏi. Chúng tôi phải đặt câu hỏi. “Đi học mà không có gì để hỏi thì đi làm gì,” thầy luôn nhắc lại như thế.

Thế là từ tâm thế tìm kiếm câu trả lời như trước nay, chúng tôi phải vắt óc để tìm câu hỏi. Thầy nói, “không hỏi thì ngồi chơi hoặc về.” Cái cảm giác ấy đến giờ còn nguyên trong tôi mặc dù đã trở thành kỷ niệm: vừa bối rối vừa sợ.

Thầy nói, một ông thầy có mặt là bởi vì những thắc mắc của người học, chứ không phải cái tật thích nói của ông ta. Nếu các em không có bất kỳ sự tò mò, trăn trở nào thì thầy có nói bao nhiêu cũng vô ích. Chỉ có động cơ của lòng hiếu tri mới đẩy con người ta bước lên con đường tìm kiếm sự thật.

Nếu các em đến đây mà không mang theo một thắc mắc nào đó thì chắc chắn các em chưa hề tìm hiểu hoặc không hề muốn biết. Thầy có thể rót nổi thứ gì đó vào một cái bình đang đóng nút kín mít không?

Thế là sau vài buổi học đầu tiên ngỡ ngàng và choáng váng, chúng tôi bò ra đọc, ghi chép, soạn ra những câu hỏi để hôm sau làm “bảo bối phòng thân” khi đối diện với thầy. Thầy nghe rất chăm chú, đầu cứ khẽ gật gật, rồi vẫn cái giọng đanh như gỗ lim ấy thầy trả lời chúng tôi.

Rồi khi chúng tôi tai đang căng ra và tay thì tốc ký lia lịa, thầy bất giác dừng lại quay qua hỏi, “đúng không?”. Tất cả ngơ ngác.

“Đi học là phải cãi thầy. Nếu không cãi thì đó chưa phải là học, và chưa phải một học trò tốt; thầy nói gì cũng dạ dạ vâng vâng thì hỏng rồi.” Thế là chúng tôi phải có thêm một nhiệm vụ nữa: cãi thầy.

Vốn là những học trò ngoan ngoãn suốt từ những năm học phổ thông cho tới đại học, chúng tôi luôn được khen vì cái phẩm chất ấy thì bất ngờ, bây giờ nó bị phê bình, bị chê trách, thậm chí bị coi thường. Chúng tôi phải “cãi thầy” như một “nghĩa vụ đạo đức” quan trọng nhất của người học.

“Nếu hôm nay các em không cãi tôi thì cùng lắm sau này cũng chỉ trở thành những người thợ giỏi chứ không thể trở nên một nhà giáo hay nhà khoa học được. Nếu chỉ biết nghe lời thì đó không bao giờ là một trí thức. Người trí thức là phải biết phản biện. Thầy đáng quý nhưng chân lý còn đáng quý hơn, Plato nói thế.”

Đến bây giờ, khi đã trở thành một thầy giáo, những bài học về giáo dục, về mối quan hệ giữa thầy và trò, về lao động và nghiên cứu khoa học, về phẩm chất trí thức… đã trở thành một phần máu thịt trong cách hành xử của chúng tôi đối với học trò mình và với cuộc đời. Thầy đã mang tới cho chúng tôi cái ý niệm về thế nào là bình đẳng, là dân chủ trong giáo dục.

Thứ Ba, 13 tháng 6, 2023

Hiệu ứng veblen-căn bệnh sĩ diện của mỗi người


HIỆU ỨNG VEBLEN-CĂN BỆNH SĨ DIỆN CỦA MỖI NGƯỜI

 

Veblen là một trong những hiệu ứng tâm lý liên quan đến kinh doanh thương mại. Hiệu ứng Veblen cho biết sự ảnh hưởng của tâm lý phô trương đến sự kích cầu trong kinh doanh. Nhờ vào hiệu ứng này mà nhiều “ông lớn” trong kinh doanh đã đạt được những con số đáng nể.

 

Giới thiệu về hiệu ứng Veblen.

Hiệu ứng Veblen hay còn gọi là thuyết tiêu dùng phô trương, được một nhà kinh tế học xây dựng lên từ thực nghiệm của mình. Tên của hiệu ứng này được đặt theo tên của nhà nghiên cứu ra nó.

Phát hiện của ông đã cho thấy ảnh hưởng về mặt cảm xúc của con người trong tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.

 

Ông thực hiện khảo sát mức độ hạnh phúc và độ hài lòng của các cá nhân khi mua các sản phẩm có giá trị. Kết quả nhận được là người ta hạnh phúc hơn khi mua các mặt hàng tiêu dùng đắt tiền. Không chỉ vậy, hành vi mua hàng hóa cũng chịu sự tác động của những người mua hàng khác, đặc biệt ở các mặt hàng có giá trị lớn.

 

Ảnh hưởng của hiệu ứng Veblen.

Theo nghiên cứu của nhà kinh tế Thorstein Veblen, các mặt hàng có ảnh hưởng đến sự kích cầu là các mặt hàng có giá trị lớn. Sau nghiên cứu, những hàng hóa này được gọi là hàng hóa Veblen.

Theo nghiên cứu của Veblen hiệu ứng Veblen góp phần phát hiện nguyên nhân dẫn đến sự kích cầu trong thương mại.

 

Nguyên nhân thứ nhất là sự ghen tị. Những người thiếu điều kiện thường có xu hướng thích phô trương để che giấu điều này. Theo đó, họ lựa chọn các sản phẩm có giá trị hay các hàng hóa Veblen.

Nguyên nhân thứ hai là sự kiêu hãnh. Đa phần mọi người đều muốn thể hiện danh tiếng bằng cách phô trương các sản phẩm mình sử dụng đều có nhãn hiệu. Điều này là một trong những hành vi tiêu dùng phổ biến.

 

Chính nhờ sự khám phá ra 2 nguyên nhân cơ bản này mà các nhãn hàng thương hiệu đã thu hút được không ít khách hàng.

 

Ứng dụng hiệu ứng Veblen trong kinh doanh.

Sau nghiên cứu về hiệu ứng Veblen, nhiều nhà kinh doanh đã tập trung hơn vào tâm lý phô trương của khách hàng. Các nhãn hàng nên áp dụng biện pháp quảng bá và truyền thông sản phẩm phù hợp với tâm lý mua hàng này. Điều này sẽ kích thích lượng cầu tăng đáng kể.

 

Không chỉ vậy, hiệu ứng Veblen có thể áp dụng trong định hướng hành vi tiêu dùng. Người tiêu dùng thông thái cũng có thể tự điều chỉnh hành vi của mình để không bị cuốn theo dòng hiệu ứng Veblen. Điều này giúp kiểm soát ví tiền hiệu quả hơn. Đặc biệt là với các tín đồ mua sắm như chị em phụ nữ.

 

Hiệu ứng Lời tiên tri tự ứng nghiệm


HIỆU ỨNG LỜI TIÊN TRI TỰ ỨNG NGHIỆM

 

Robert Rosenthal – nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ từng làm một cuộc thí nghiệm: Ông đến một trường trung học bình thường, vào một lớp học bất kỳ và khoanh tròn vài cái tên trong bảng danh sách và nói với giáo viên rằng: “Những em này trí tuệ rất cao, rất thông minh”.

 

Qua một thời gian, ông trở lại trường và kỳ tích đã xảy ra: những học sinh mà ông chọn thật sự đã trở thành những người xuất sắc của lớp. Tại sao lại xảy ra hiện tượng này? Đó chính là tác dụng đầy ma lực của một kiểu “ám thị” thần kỳ.

 

Trong cuộc sống, mỗi người đều sẽ chịu sự ám thị tâm lý thế này hay thế kia, những ám thị này có cái tích cực, cũng có cái tiêu cực. Nếu một người chịu sự ám thị nào lâu dài thì kết quả họ sẽ trở thành đúng như loại ám thị đó.

 

Cho nên, cách bạn nhìn nhận một người rất quan trọng, bởi cách bạn nhìn một người sẽ dẫn đến cách bạn đối xử với người đó. Nếu bạn nhìn nhận một người là người thông minh, bạn sẽ đối xử với họ theo cách họ là người thông minh.

Nếu bạn nhìn nhận một người là đần độn, bạn sẽ đối xử với người đó như thể họ là người đần độn.

 

Và dần dần, đó sẽ là con người mà họ trở thành. Cho nên, nếu một ai đó nhìn nhận mình tiêu cực, thì bản thân bạn cũng không nên để cho nó bị ảnh hưởng đến niềm tin của mình theo hiệu ứng Lời tiên tri ứng nghiệm.