Thứ Ba, 6 tháng 6, 2023

Lợi ích bất ngờ từ sự tử tế.


LỢI ÍCH BẤT NGỜ TỪ SỰ TỬ TẾ.

 

Hành vi thuận xã hội là một thuật ngữ mà các nhà tâm lý học sử dụng để chỉ những hành động liên quan mang đến sức khỏe, sự an toàn và cảm xúc dành cho người khác.

Nói cách khác, nhiều hành vi “tốt” như chia sẻ, hợp tác, và an ủi đều là những hành vi thuận xã hội vì lợi ích của những người khác.

Những hành vi như vậy rõ ràng mang đến lợi ích cho những người mà ta giúp và vun đắp một xã hội kết nối rộng mở hơn.

 

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho rằng đối xử tử tế với người khác có thể mang đến lợi ích cho chính bản thân bạn.

 

Gia tăng thu hút với nửa kia.

Là một người tử tế có thể giúp bạn trở nên thu hút hơn với nửa kia. Trong một nghiên cứu xuất bản năm 2019 trên Tập san Nhân cách, tham dự viên đã xếp hạng tử tế là đặc điểm đơn lẻ quan trọng nhất ở một người bạn đời.

Điều này có nghĩa là người ta cảm thấy nó quan trọng hơn tình hình tài chính, thu hút ngoại hình và óc hài hước.

 

Tâm trạng tốt hơn.

Bạn cảm thấy tốt khi là người tử tế. Nghiên cứu cho rằng việc gắn kết vào những hành động tử tế và giúp đỡ người khác giúp bạn cải thiện tâm trạng.

Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc thực hiện những hoạt động tử tế mỗi ngày trong một tuần làm gia tăng cảm giác hạnh phúc và cải thiện sức khỏe.

 

Nghiên cứu cũng nhận thấy rằng chúng ta càng làm nhiều hành động tốt đẹp, thì chúng ta sẽ càng cảm thấy hạnh phúc.

Dù cho hành vi này hướng trực tiếp đến ai, dù là bạn bè, người lạ hay thậm chí chính bản thân mình – tất thảy đều mang đến hiệu ứng tích cực như nhau.

 

Thứ Hai, 5 tháng 6, 2023

Con cái là của để dành của cha mẹ

CON CÁI LÀ CỦA ĐỂ DÀNH CỦA CHA MẸ

Ông bà ta có câu “con cái là của để dành của cha mẹ”, nên việc cha mẹ kỳ vọng, đặt tất cả tương lai vào con cái cũng là chuyện dễ hiểu.

Nhưng kỳ thực, mỗi một đứa trẻ được sinh ra là duy nhất không có bản sao. Đứa trẻ sẽ tùy vào hoàn cảnh gia đình, đất nước, gen di truyền mà chúng được thụ hưởng những tố chất về thể lý, tinh thần khác nhau.

Cũng từ đó chúng sẽ bọc lộ năng khiếu, thiên hướng nghề nghiệp trong tương lai. Chúng ta không thể ép con mình ăn một món mà trẻ bị dị ứng hay trẻ phát bệnh mỗi khi chúng nến thử.

Trong việc học, chọn nghề nghiệp của con lại càng không nên ép con, vì vô tình cha mẹ đã tạo áp lực, gây căng thẳng cho con. Điều gì mới đem lại hạnh phúc thực sự cho con? Mỗi người chỉ có một cuộc đời, sao cha mẹ lại bắt con sống thay cho cha mẹ?

Một thầy hiệu trưởng của một trường tại Singapore đã gởi cho phụ huynh trước kỳ thi, lá thư này đã được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội. Có đoạn viết:

“Tôi biết quý vị đều lo lắng muốn con mình làm bài tốt nhưng hãy nhớ rằng: trong số các em làm bài thi có một em làm nghệ sĩ không phải hiểu môn toán; sẽ có một doanh nhân không quan tâm đến lịch sử hay văn học; sẽ có một nhạc sĩ thì điểm môn hóa sẽ chẳng thành vấn đề và đó chỉ là một bài thi…”

Chúng ta đừng lấy đi sự tự tin và phẩm giá của con mình. Chẳng phải trường học là nơi nuôi dưỡng ước mơ của con trẻ và trách nhiệm của cha mẹ là ở bên cạnh con đỡ nâng con đứng dậy khi con bạn thất bại. Xin đừng dập tắt sự tự tin và tương lai của con em mình chỉ vì vài điểm số.

Tham vọng là cái hố không đáy làm kiệt sức con người

THAM VỌNG LÀ CÁI HỐ KHÔNG ĐÁY LÀM KIỆT SỨC CON NGƯỜI

Có thể nói rằng lòng ham muốn là một trong những bản năng của con người. Ham muốn có thể hiểu theo nghĩa: thèm, muốn, ham… Cũng có thể hiểu rộng ra là tham lam và tham vọng. Tham lam có tính chiếm hữu, là vơ vét về cho mình, còn tham vọng là lòng ham muốn quá lớn, nhiều lúc vượt quá khả năng, khó có thể thực hiện được.

Không ai có thể vỗ ngực tự hào “tôi không có chút ham muốn, tham lam nào”. Trong ba điều huý kỵ “tham – sân – si”, chữ “tham” được đặt ở vị trí đầu tiên.

1. Nguyên nhân của ham muốn

Ham muốn có nhiều mức độ khác nhau, từ một mơ ước tầm thường, một khao khát nồng nàn cho đến sự đam mê nghiện ngập, tất cả đều là những biểu hiện của lòng ham muốn.

Ai trong chúng ta cũng có những ham muốn và khát khao cho riêng mình. Khát khao nếu quá mạnh, quá cao, quá khó so với thực chất của mình, chúng ta gọi là tham vọng. Vấn đề là tham vọng đó tích cực hay tiêu cực mà thôi. Có người muốn kiếm thật nhiều tiền, có người khát khao thành công, có người đam mê quyền lực, có người muốn có vốn tri thức hơn người…

Lòng ham muốn sẽ đưa đến hành động để đạt được cái mà mình muốn sở hữu. Bản chất của ham muốn không mang tính tốt hay xấu mà chính cái đối tượng mà nó ham muốn, cái hành động để thỏa lòng ham có chính đáng hay không mới định tốt hay xấu.

Trong hành trình cuộc sống, nhiều lúc chúng ta cũng nên dừng lại, quay về với bản thân và tự hỏi điều đáng sợ nhất trong đời là gì, là ma quỷ, chiến tranh hay là ốm đau bệnh tật? là mất người yêu, là nghèo đói…?

Không hẳn là những thứ đó đâu. Điều đáng sợ nhất đối với con người chính là lòng tham, là tham vọng. 

Tham vọng rất nhẫn tâm, nó có thể đưa con người đến những hành vi mất nhân tính. Nó biến một người bình thường thành một kẻ đầy thủ đoạn và âm mưu. Nó khiến cho cuộc sống yên ấm của một gia đình tan vỡ.

Có những người, không kiềm chế được tham vọng của bản thân, để lòng tham chế ngự và điều khiển bản thân, bị người đời lên án, phỉ báng. Hàng ngày chúng ta đều thấy nhan nhản những hành vi vô nhân, biến chất như thế.

Nếu như tham vọng không có điểm dừng, chúng ta sẽ như những con thiêu thân sẵn sàng lao vào ánh sáng dù bỏ mạng cũng không hối tiếc. Hãy nhớ rằng, dù chúng ta có làm gì, bí mật đến đâu rồi cũng có lúc sẽ được phơi bày ra ánh sáng.

Hậu quả không chỉ mình gánh chịu mà còn cả cha mẹ, vợ/chồng cùng những đứa con thơ vô tội, những người mà chúng ta yêu thương bị vạ lây.

“Tham lam” là tâm lý chung của phận người. Số người kiềm chế được lòng tham trong cuộc sống rất hiếm. Hệ quả của lòng tham chính là sự bất an, lo sợ. Dù là quan hay dân, tham thì lúc nào cũng lo sợ bị tố cáo, bị trị tội vì vậy phải che đậy bằng mọi cách như chối quanh, đổ thừa… rồi đi từ sai lầm này đến sai lầm khác, từ cái họa nhỏ đến cái họa lớn hơn.

2. Khắc phục lòng tham lam, ham muốn

Chế ngự lòng ham muốn đồng nghĩa với việc thắng được chính mình! Nếu như có những ham muốn có thể thúc đẩy chúng ta sống vươn lên thì cũng có những ham muốn lệch lạc, vô bổ là nguyên nhân của hầu hết những tai ương, khổ đau, mất mát trong cuộc đời.

Đời nào thì cũng bấy nhiêu cám dỗ: tình, tiền, quyền… Tự thắng được những ham muốn của chính mình thật không đơn giản. Tuy nhiên, không gì là không thể làm được nếu có quyết tâm cao, nghị lực và ý chí lớn, bền bỉ… Khó nhưng mọi sự đều có thể nếu chúng ta có đủ quyết tâm và kiên trì.

Platon đã từng nói rằng “nhu cầu của con người ngày càng nhỏ thì càng dễ được thỏa mãn.

Vì vậy mà chúng ta phải biết tạo cho mình một nếp sống lành mạnh. Thích nghi với mọi hoàn cảnh. Bằng lòng với những gì mình đang có, dù bất kỳ trong hoàn cảnh nào ta cũng luôn làm chủ mình để không bị nô lệ dục vọng.

Sống thiểu dục tri túc mới mang lại cho chúng ta niềm vui chân thật và đích thực.

“Tham vọng là cái hố không đáy làm kiệt sức, con người trong nỗ lực bất tận tìm cách thỏa mãn nhu cầu, mà không bao giờ chạm tới được sự thỏa mãn.” (Erich fromm)