LINH TÍNH VÀ LÝ TRÍ
Linh tính (Gut Instincts) đóng một vai trò chủ chốt bên trong thế giới nội tâm con người, Linh tính sẽ dẫn đường, và gợi ý, mách bảo ta rằng đâu mới là mục tiêu cần hướng về, rằng ta cần gì để phát triển, và rằng những loại người nào, những tình huống nào ta nên lánh thật xa.
Những thông điệp được gửi gắm bởi tiềm thức mách bảo ta về mọi sự đúng sai, hoặc liệu ta có nên hay là không nên hành động, thường sẽ bỏ qua tính logic của bộ não, và ta sẽ nhận được những thông điệp ấy với một niềm tin sâu sắc hơn nhiều.
Tùy thuộc vào niềm tin của bạn đối với thế giới tâm linh đến đâu, rất nhiều người tin rằng vũ trụ, Thượng Đế hay linh hồn (bạn muốn dùng thuật ngữ nào cũng được) sẽ giao tiếp với con người ta qua tâm thức, thay vì qua trí não.
Thực tế này đã được nhấn mạnh bởi nhà cựu vô địch cờ vua Thế giới, Garry Kasparov.
Đối với một trong những trò chơi đòi hỏi nhiều ở mặt kỹ năng tư duy phân tích nhất, anh giải thích rằng, tổng số nước đi khả quan trọng duy chỉ một thế cờ còn nhiều hơn cả số giây đã trôi qua kể từ khi vụ nổ Big Bang tái tạo nên vũ trụ này!
Bởi ván cờ quá đỗi phức tạp, anh chia sẻ, chính trực giác – thay vì kỹ năng tư duy phân tích – mới là chìa khóa để thành công.
Ý tưởng này có thể được áp dụng vào một trong những “trò chơi” phức tạp nhất trên đời, một trò chơi mang tên “cuộc sống”.
Quả thật, linh cảm của ta cũng quan trọng như trí óc vậy, nếu không muốn nói là quan trọng hơn. Linh cảm kết nối với ta theo một cách tinh vi, và chính xác hơn là trí óc, nó có khả năng chạm tới con người thật trong ta – thay vì vướng mắc vào những thành kiến tiêu cực, quá đà đã hình thành sẵn trong tư duy.
Cũng giống với bất kỳ một kỹ năng, hay một thói quen đáng trau dồi, với một chút luyện tập, trí óc và linh tính có thể hợp tác hài hòa, giúp ta thành công nắm quyền làm chủ cuộc sống.
Đối với thời điểm hiện tại, có 5 lời mách bảo từ trực giác mà bạn không nên phớt lờ, và có thể, chúng cũng không quá đỗi xa lạ với bạn:
1. Mình đã từng làm công việc này rất tốt
Tâm trí sẽ luôn cản bước tiến nơi ta, và trớ trêu thay, nếu ta càng sử dụng lý trí vào những thời điểm trọng yếu, lý trí sẽ càng nắm quyền làm chủ những lúc ta một lần nữa phải đối mặt với những tình huống ấy – từ đó, hình thành nên một vòng lặp tiêu cực.
Đặt niềm tin vào trực giác, luôn cảnh tỉnh bản thân rằng lý trí sẽ luôn trù tính can thiệp, mách bảo ta nên làm cái này, cái nọ. Lý trí sẽ đánh lừa ta tin rằng làm như vậy là có lợi, nhưng thực tế thì không.
Đã bao nhiêu lần bạn thử phát gôn từ vị trí này? Hàng triệu lần rồi. Bạn không cần lý trí phải lên tiếng dạy bạn nên phát ra sao nữa. Hãy thật mạnh mẽ và tỉnh táo, để cơ thể và trực giác hành động.
2. Mình đang gặp nguy hiểm
Đây có thể là loại linh cảm ẩn chứa nhiều sức mạnh nhất mà bạn từng thể nghiệm. Bản năng sinh tồn quả thật là bản năng nhạy bén nhất, luôn trực chờ cho đến khi ta cần. Nó thường được ta cảm nhận từ sâu bên trong cơ thể, nó có thể làm dấy lên bất kỳ thứ xúc cảm nào, từ mức độ trung bình như cảm giác nhộn nhạo về một vấn đề gì đó sai lệch, cho đến mức độ mãnh liệt hơn như một cơn đau buốt.
Tùy vào từng cấp độ, vẫn đáng để ta cảm nhận và nhìn nhận ra một vấn đề nào đó có thể đã bắt đầu bén rễ.
Tuy nhiên, ta cũng cần phải cân nhắc tới những mặt khía cạnh khác của linh cảm. Bởi những mối nguy ta cảm nhận được thường liên quan tới các tình huống sống còn, có một điều cực kỳ quan trọng rằng, ta không thể nào chỉ phụ thuộc vào những gì linh tính mách bảo.
Sai sót của trực giác xuất phát từ những gì con người ta đã tự “lập trình” trong vô thức về những mối nguy – và đây cũng chính là lúc lý trí phải can thiệp. Tương tự, nếu linh cảm “Tôi đang gặp nguy hiểm” thường xuyên quấy nhiễu tâm trí bạn, cũng có thể, linh cảm ấy không hề đáng tin cậy nữa.
3. Mình cảm thấy người này không ổn
Một trong những trực giác phổ biến nhất mọi người đều đã từng thể nghiệm qua vào một vài thời điểm trong cuộc sống chính là “Người này không ổn lắm”. Trực giác này là một sự chuyển biến trong năng lượng xúc cảm, tuy nhỏ nhưng rất dễ nhận thấy, mách bảo con người ta rằng có một điều gì đó không ổn khi ta tiếp xúc với một đối tượng nào đó.
Hãy để tâm tới xúc cảm đó, ghi nhớ nó, và lắng nghe xem lý trí đang nói lên điều gì, và hãy cứ để mọi chuyện diễn biến tự nhiên trong một khoảng thời gian nhé.
Nếu ngay từ lúc đầu bạn để tâm, và cảm nhận được một vấn đề gì đó “không bình thường”, bạn sẽ thận trọng hơn, trong trường hợp này, bạn có thể suy nghĩ mạch lạc, và quyết định xem liệu mình có nên tin theo những gì trực giác mách bảo lúc đầu hay không.
4. Mình nghĩ mình cần phải cảm thông cho người ta
Loại trực giác tích cực, dễ cảm nhận được nhất trong cuộc sống là trực giác mách bảo ta rằng có ai đó đang cần sự trợ giúp. Thể hiện sự ủng hộ và cảm thông đối với những người xung quanh luôn luôn là một việc tốt, bởi vậy, con người ta ắt sẽ muốn lắng nghe thứ trực giác này nhất.
Bất kể khi nào trực giác lên tiếng bảo rằng, bạn cần thể hiện lòng cảm thông, hãy cứ nghe theo và hành động nhé.
5. Sự kiện này vô cùng đặc biệt
Nếu bạn thử hỏi một ai đó về một số những quyết định lớn nhất họ đã thực hiện trong cuộc đời, dẫu là cưới về được một tri kỷ, liều mình nhảy vào một công cuộc kinh doanh mạo hiểm, hay quyết định viết nên một cuốn sách để đời, đa phần, họ đều sẽ có một lời giải thích như nhau: Tôi làm vậy vì tôi cảm thấy quyết định đó là đúng đắn.
Khi con người ta phải đối diện với những sự kiện đặc biệt ý nghĩa, có thể xoay chuyển số mệnh, trực giác mới là yếu tố dẫn dắt mọi quyết định thay ta. Lý trí là một công cụ hoàn hảo để đưa ra những quyết định ở quy mô nhỏ, chỉ xúc tác một vài sự thay đổi không đáng kể.
Trực giác ấy là một lời nhắc nhở đặc biệt quan trọng mà ta phải lắng nghe. Nó tượng trưng cho những thời khắc chủ chốt, đầy tiềm năng ta sẽ phải đối mặt trên đường đời.
Nếu bạn quyết định bắt đầu lắng nghe trực giác của bản thân, để lý trí lên tiếng sau, cuộc sống của bạn sẽ hoàn toàn bước sang một chương mới với vô vàn các cơ hội tuyệt vời rộng mở.
Tác giả: Daniel Riley