Chủ Nhật, 5 tháng 3, 2023

Trở thành triệu phú nhờ kinh doanh mặt hàng ít ai ngờ tới


TRỞ THÀNH TRIỆU PHÚ NHỜ KINH DOANH MẶT HÀNG ÍT AI NGỜ TỚI

 

Thị trường đồ cũ đã giúp cho chàng trai Yusuke Mitsumoto có được lợi nhuận ngay từ lần kinh doanh đầu tiên.

 

Mở thử dịch vụ trực tuyến mua bán đồ cũ

Như một thử nghiệm xã hội, chàng doanh nhân 36 tuổi tung ra một ứng dụng kết nối người bán và mua hàng cũ trên mạng vào tháng 6 để kiểm tra ý tưởng nghe khá "điên rồ" này. Sau 16h, Mitsumoto choáng váng khi phát hiện ra ứng dụng đã ghi nhận các giao dịch trị giá 360 triệu yen (3,2 triệu USD) và phải tạm đóng cửa dịch vụ vì lo ngại rủi ro. 

Một ngày sau, từng đoàn xe tải chở quần áo và đồ điện tử bắt đầu xuất hiện và 6 nhân viên của anh phải xếp hàng để chuyển đồ vào văn phòng nhỏ tại Tokyo.

Cứ 10 người bán thì chỉ có 1 người không giao hàng như đã hứa. Điều đó đã đủ để Mitsumoto tin kế hoạch sẽ thành công. "Tất nhiên, tôi tin rằng người tốt sẽ nhiều hơn người xấu, nhưng câu hỏi đặt ra là bao nhiêu. Đây không phải là điều bạn có thể tìm ra mà không thử", anh chia sẻ.

 

Yusuke Mitsumoto triệu phú 36 tuổi đi lên nhờ đồ cũ

Vào tháng 8, anh mở lại dịch vụ với tên Cash để thu thập hàng cho một flea market (chợ đồ cũ) trực tuyến.. Tổng số hàng được giới hạn ở mức 10 triệu yên/ngày, và chỉ giới hạn ở điện thoại thông minh, túi xách cao cấp, đồng hồ, quần áo và một vài mặt hàng cụ thể khác.

Khách hàng chỉ cần chụp một ảnh và được hãng ra giá cố định (không thỏa thuận hay mặc cả). Giá này được đặt tự động dựa trên dữ liệu thu thập được từ các thị trường cũ khác và Cash kiếm tiền bằng cách bán lại hàng hóa.

 

Đồ cũ là một thị trường lớn 

Đồ cũ là một thị trường lớn ở Nhật Bản, có trị giá 1.600 tỷ yên (hơn 14 triệu USD), theo Reuse Business Journal.

Công ty Bookoff Corp của nước này có hàng trăm cửa hàng mua và bán mọi thứ từ sách cũ đến đồ điện tử tại Nhật và một số nước khác.

 

Ngoài ra, thị trường đồ cũ Nhật Bản còn phát triển nhờ ứng dụng của công ty khởi nghiệp Mercari, giúp mọi người tự bán đồ cũ của mình.

Còn ứng dụng của anh Mitsumoto hơi khác một tí. Anh sẽ giúp mọi người bán đồ cũ của mình – những người không có thời gian hoặc kỹ thuật để chụp ảnh, mô tả hàng hóa và trao đổi thông tin với các khách hàng.

 

Với sự rộng mở của thị trường ngách này, anh biết rằng, vấn đề thời gian là rất quan trọng trước khi các đối thủ lớn hơn ra mắt dịch vụ tương tự.

 

Dịch vụ với tên Cash của Mitsumoto thu thập hàng cho một chợ đồ cũ trực tuyến và ứng dụng Cash kiếm tiền bằng cách bán lại hàng hóa

Vì vậy, khi Mitsumoto nhận được một tin nhắn trên Facebook vào lúc 1h58 ngày 4/10 lúc 1:58 sáng, “Hi! Tôi là Kameyama … “, anh biết rằng, mình đã có lợi thế trong cuộc đua dành thị phần. Bởi Keishi Kameyama – nhà sáng lập DMM là một trong những người giàu nhất Nhật Bản, sở hữu một đế chế truyền thông và công nghệ với doanh thu 1,6 tỷ USD.

 

Thà hợp tác còn hơn đối đầu

Sau lời đề nghị và cân nhắc cẩn thận, Mitsumoto quyết định bán công ty cho DMM với giá 7 tỷ yên (tương đương, 62 triệu USD) nhưng vẫn tiếp tục điều hành.

“Đối với những người làm Internet ở Nhật Bản, DMM là một cái tên đáng sợ, thà hợp tác còn hơn đối đầu”, vị triệu phú này phân tích.

 

Một tuần sau khi thỏa thuận này được công bố, Mercari – công ty khởi nghiệp đầu tiên được định giá trị hơn 1 tỷ USD của Nhật Bản – cũng ra mắt một dịch vụ tương tự. Đó là khi vị triệu phú này biết rằng mình đã đúng.

 

Trao đổi về thương vụ này, ông chủ DMM nhận định: “Kinh doanh trên mạng không phải chỉ cần vốn và thiết bị, bạn cần một trực giác nhất định, một cảm quan thiết kế và khả năng để duy trì dịch vụ”.

“Tôi đánh giá cao một vở kịch được dựng nên. Thế nhưng không nhiều người táo bạo như vậy trên thế giới này”, vị tỷ phú 56 tuổi hài hước nói.

 

Theo số liệu của tạp chí Nhật Bản “Japan Re-use Business Journal”, hiện có khoảng hơn 20 công ty Nhật Bản đã thành lập ít nhất 62 cửa hàng hoặc nhà phân phối chuyên bán hàng Nhật đã qua sử dụng tại 8 nước Đông Nam Á trong những năm gần đây.

 

Dự đoán, việc xuất khẩu và buôn bán đồ cũ của người Nhật có thể phát triển thành một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD tại thị trường này.

 

Nữ Tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam.

Ảnh:  Bà Hoàng Thị Nga,

NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM ĐẦU TIÊN ĐẠT ĐƯỢC HỌC VỊ TIẾN SĨ KHOA HỌC.

 

Bà Hoàng Thị Nga sinh năm 1903, trong một gia đình gia thế ở làng Đông Ngạc, tổng Minh Cảo, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Cầu Đơ (nay là phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Tiên tổ bà là ông Hoàng Nguyễn Thự, đỗ Tiến sĩ đệ tam giáp khoa Đinh Mùi (1787).

 

Thân phụ bà là ông Hoàng Huân Trung, Cử nhân Khoa Quý Mão (1903), sau làm đến Tri phủ Phú Thọ, trí sĩ với hàm Tổng đốc, Hội trưởng Hội Khai trí Tiến đức, dân gian gọi là Cụ Thượng Hoàng.

Anh em của bà cũng có nhiều người là người tri thức, chẳng hạn như ông Hoàng Cơ Nghị, cử nhân khoa Vật Lý học, giáo sư Trường trung học Bảo hộ.

 

Thuở nhỏ, bà Nga học tại trường nữ sinh tiểu học Pháp-Việt Ecole Brieux (địa chỉ cũ ở số 51 và 53 phố Jules Ferry, còn gọi là phố Hàng Trống, sau chuyển về số 29 phố Takou, còn gọi là phố Hàng Cót, nay là trường THCS Thanh Quan) tại Hà Nội.

Sau đó bà học tại trường Sư phạm nữ sinh người Việt (École Normale des Institutrices annamites, nay là trường THCS Trưng Vương) ở phố Hàng Bài (tên chính thức là Đại lộ Đồng Khánh).

 

Sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm, bà dạy học ở Đáp Cầu (Bắc Ninh) một thời gian. Sau đó, bà theo học tại trường Cao đẳng Sư phạm (École Supérieure de Pédagogie). Tháng 8/1928, bà theo học tại khoa Khoa học (Faculté des sciences) thuộc Đại học Paris (nay là Đại học Sorbonne). Năm 1931, bà lấy được bằng Cử nhân.

 

Ngày 19/3/1935, bà bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Khoa học vật lý (Docteur ès sciences physiques) với nhan đề "Tính chất quang điện của các chất hữu cơ" (Propriétés photovoltaïques des substances organiques). Bà cũng trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đạt được học vị Tiến sĩ khoa học.

 

Ảnh:  Trang bìa luận án Tiến sĩ của bà Hoàng Thị Nga.

Ngày 1/7/1935, tờ Tạp chí Khoa học số 97 ra một bài viết về bà Nga với tựa đề: "Thật là vẻ vang cho đàn bà nước Nam: Cô Hoàng Thị Nga mới đỗ tiến sỹ về khoa vật lý học". Nói về bài luận của bà Nga, tờ báo này viết: "Hội đồng, sau khi nghe bài luận thuyết của cô, đồng thanh ngợi khen cô và nhận cho cô được lấy bằng tiến sĩ vào ưu hạng.

 

Cô lại còn được khen về phương diện sư phạm nữa. Công chúng đến xem kỳ thi ấy đều tâm phục cái tài khoa học của một cô gái Việt Nam. Cô Hoàng Thị Nga lấy được bằng tiến sỹ khoa học trước nhất ở nước Nam này, thật cô đã làm vẻ vang cho nhà, cho nước, nhất là cho phái nữ lưu, cho các trường cô tòng học, cho các giáo sư đã luyện tập cho cô được thành tài, như ông Petelot, Bernard".

 

Cách đây nhiều năm, trên tạp chí Xây dựng Đảng, GS Hoàng Xuân Sính (chủ tịch hội đồng quản trị Trường ĐH Thăng Long) cũng đã nhắc đến TS Hoàng Thị Nga. Ông cho biết: "Người phụ nữ đầu tiên đỗ tiến sĩ tây học là bà Hoàng Thị Nga, tiến sĩ Vật lý - một ngành học khó với phụ nữ.

Bà được Toàn quyền Pháp Đờ-cu, đại diện chính quyền Pháp ở Đông Dương tiếp lúc mới từ Pháp về sau khi đỗ tiến sĩ.

 

Hồi đó nam giới người nào được tiếp xúc với Hoàng Thị Nga đều lấy làm vinh hạnh và cũng phải chuẩn bị trước lời ăn, tiếng nói để không hở ra những câu kém tri thức làm hổ thẹn đấng mày râu! Ngoài một số ít ỏi phụ nữ có bằng cấp ra, ta còn có một số những nữ văn sĩ và thi sĩ được biết trong văn học. Trí thức nữ thời đó cũng chỉ có vậy, không nhiều hơn thời phong kiến là bao".

 

Theo một số nguồn tài liệu, bà Hoàng Thị Nga từng là Hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học Khoa học (một số nguồn là trường Cao đẳng Khoa học). Bà giữ chức vụ trong một thời gian ngắn, sau đó quay về Pháp sinh sống. Tuy nhiên, không rõ vì lý do nào mà tên tuổi TS Hoàng Thị Nga mất hút hoàn toàn trong lịch sử giáo dục ĐH Việt Nam.

 


 

Thứ Bảy, 4 tháng 3, 2023

Vo tròn tờ giấy ném vào thùng rác, một trò chơi hàm ý sâu sắc


VO TRÒN TỜ GIẤY NÉM VÀO THÙNG RÁC, MỘT TRÒ CHƠI HẾT SỨC ĐƠN GIẢN ẨN CHỨA HÀM Ý SÂU SẮC CUẢ NGƯỜI THẦY GIÁO

 Một giáo viên cấp 3 đã dùng một trò chơi hết sức đơn giản nhưng lại ẩn chứa hàm ý sâu sắc để dạy các em học sinh về ý nghĩa và sứ mệnh của những người nắm giữ thế mạnh trong xã hội. Và cũng nói lên điều “kỳ diệu” của những người tuy không may mắn như thế, nhưng lại vẫn có thể tỏa sáng, để trở thành một người phi thường theo một cách hoàn toàn khác!

Ban đầu, thầy giáo cho mỗi học trò một tờ giấy, sau đó bảo các em vo tròn tờ giấy lại.

Tiếp theo, thầy giáo đặt một thùng rác ở phía trên chính giữa lớp học.

Thầy nói với các học trò rằng: “Trò chơi này rất đơn giản. Mỗi em đại diện cho một phần của quốc gia, đều có cơ hội trở nên vô cùng giàu có, có thể chen chân vào tầng lớp thượng lưu”.

 “Chỉ cần các em có thể ngồi tại vị trí của mình, ném cục giấy trên tay vào trong thùng rác này, người nào ném trúng có thể trở thành người thuộc tầng lớp thượng lưu”.

Sau đó, các em học sinh ngồi phía cuối lớp bắt đầu phản đối: “Như vậy là không công bằng ạ”. Họ biết rằng các bạn ngồi phía trước sẽ có nhiều cơ hội ném cục giấy vào thùng hơn. Tuy nhiên, thầy giáo vẫn im lặng không nói gì, chỉ bảo các em hãy làm theo hướng dẫn.

 

Và thế là, tất cả học sinh đều bắt đầu thử ném giấy, kết quả đúng như dự đoán, đa phần các học sinh ngồi hàng trên đều ném giấy vào thùng thành công (nhưng không hoàn toàn trúng 100%), còn các em ngồi ở hàng sau lại chỉ có một số ném vào được.

 

Và thầy giáo giải thích rằng: “Các bạn ngồi càng gần thùng rác thì tỉ lệ ném vào càng cao. Đây chính là cái mà người ta xem là thế mạnh trong xã hội. Các em có chú ý hay không, tất cả những người nghi ngờ về tính công bằng đều là những bạn ngồi ở phía dưới lớp?”.

Ngược lại, các học sinh ngồi phía trên cũng gần như không ý chú đến thế mạnh “hiện có” của mình, những gì các em nhìn thấy chỉ có khoảng cách ngắn ngủi giữa các em và chính mục tiêu của mình.

 

Thầy nói tiếp: “Vì thế nên là mỗi một học sinh được đi học, điều mà các em phải làm chính là để ý đến những ưu thế mà các em đang có. Sau đó vận dụng thế mạnh được gọi là “giáo dục” này để cố gắng cống hiến cho xã hội cũng như tiếp tục không ngừng để bảo vệ những người bị lãng quên ở phía sau các em, do họ không có thế mạnh!”.

 

Lời bàn:

Đừng chỉ tập trung vào “thế yếu” của mình, rồi từ đó buông lơi ý chí, không còn nỗ lực và tâm huyết như những người đang sở hữu “thế mạnh” kia.

Khi bạn ném cục giấy tròn tròn đó, bằng cả trái tim mình, bằng tất cả hi vọng và sự tập trung, bạn sẽ không ngờ vì những gì đạt được, đó sẽ là những “kỳ tích”, tấm gương tiêu biểu cho rất nhiều người noi theo.

 

Truyền ý chí, nghị lực, sức mạnh và lòng nhiệt thành cho rất nhiều người có hoàn cảnh “kém may mắn” như bạn hoặc hơn thế!