CẦU PHẬT Ở NƠI ĐÂU?
Mỗi giai đoạn xã hội có biến động, nhiều nhiễu nhương, phiền não, con người sẽ mất niềm tin vào thực tại, đó là lúc họ tìm đến niềm tin tôn giáo. Ngày nay ta dễ bắt gặp hình ảnh người người, đoàn đoàn kéo nhau đi lễ chùa cầu Phật.
Ở những ngôi chùa cao, tượng to, chạy theo các kỉ lục lớn nhất, to nhất, nhanh nhất. Điều này không phản ánh cho sự giàu có của một dân tộc hay sự kính ngưỡng dành cho một tôn giáo.
Trái lại nó phản ánh sự xuống cấp, sự trống vắng, hụt hẫng trong thế giới tinh thần của xã hội.
Rõ ràng, như lời của Hoà thượng Thích Minh Châu: “Đạo Phật không cần đến những đoàn người theo đạo Phật, theo một cách ồ ạt mù quáng, theo một cách thụ động nhắm mắt, hay tự mình bóp méo xuyên tạc đạo Phật theo tà kiến dục vọng của mình”; mà “đạo Phật đòi hỏi sự nhận xét, tìm hiểu, suy tư cá nhân rất nhiều”.
Đến chùa vãng cảnh để tìm chút bình an nơi tâm hồn là việc có ý nghĩa, nên làm. Khi ấy ngôi chùa, tôn tượng như tha lực đánh thức tâm từ, lòng bi mẫn ở mỗi cá nhân; xa hơn có thể khơi dậy được tự tính chân tâm thanh tĩnh.
Chứ không phải đến chùa lễ Phật để cầu phúc, cầu danh, cầu lợi; hay cúng sao giải hạn. Nếu có những kì tích như vậy thì làm gì có luật nhân quả, tức đạo Phật đang tự phủ định chính mình.
Đạo Phật chủ trương “duy tuệ thị nghiệp”, nghĩa là cái cốt lõi của nghiệp tu là hành giả phải khai tâm mở trí. Đó là con đường duy nhất để đi đúng chính pháp, chỉ cần sai lạc một li tự khắc đã rơi vào tà đạo.
Đạo Phật hướng người tu hãy tự đốt đuốc lên mà đi, tức đòi hỏi tính tự lực chứ không dựa vào tha lực.
Ngay cả kinh điển hay minh sư chỉ là phương tiện, không phải là mục đích. Người tu nếu chỉ bám chấp vào điều đó thì không khác nào chỉ nhìn thấy ngón tay chỉ mặt trăng mà không thấy được ánh sáng của mặt trăng.
Khi hành giả hiểu được những nguyên lí căn bản trong đạo Phật thì trước tiên phải biết giữ gìn giới luật, sống đời sống phạm hạnh. Từ đây hỷ lạc sẽ an trú trong tâm để có thể vào Định.
Khi định ở cấp độ cao nhất tất sinh ra tuệ, đó chính là cảnh giới cuối cùng để thấy được chân như tự tính, đắc quả vị Phật. Vì thế, tu Phật, cầu Phật không phải là đi tìm ông Phật ở bên ngoài mà chính là tìm ông Phật ở bên trong của mỗi chúng sinh.
Đúng như lời truyền tâm của Trần Nhân Tông trong bài kệ dành cho đệ tử Pháp Loa trước lúc Ngài viên tịch:
Tất cả pháp không sinh
Tất cả pháp không diệt
Nếu rõ được như vậy
Chư Phật luôn trước mặt
Nào đâu có đến đi.
Nguyễn Thanh Huy – Đại học Khánh Hòa Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2023