Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2022

Khi con người vượt qua khuôn mẫu để sáng tạo


KHI CON NGƯỜI VƯỢT QUA KHUÔN MẪU ĐỂ SÁNG TẠO

Nếu con người luôn đi theo một con đường đã được chứng minh, đã được đông đảo mọi người công nhận thì có lẽ con người đã không thể phát triển được đến như ngày hôm nay.

 

Với trí thông minh của mình cùng với lòng quyết tâm, không chấp nhận những hạn chế còn tồn tại nên đã có rất nhiều phát minh, sáng kiến để thúc đẩy tính hiệu quả của công việc.

Không đi theo những con đường đã định trước, tìm kiếm những phương pháp tối ưu hơn, tiết kiệm cả về công sức cũng như thời gian đã khiến cho con người ngày càng nâng cao khả năng sáng tạo của mình hơn.

 

Để tiết kiệm thời gian cũng như sức lực, thang cuốn, thang máy được ra đời.

Nồi cơm điện ra đời giúp cho việc nấu nướng trở nên dễ dàng và tiện lợi hơn.

….

Việc học tập theo phương pháp truyền thống sẽ khiến chúng ta mất nhiều thời gian và dễ quên, do đó đã có nhiều phương pháp được ra đời để việc học tập kiến thức mới trở nên dễ dàng hơn.

 

Thay vì việc mỗi khi ôn lại bài chúng ta phải rà soát lại toàn bộ sách vở thì việc tổng hợp lại kiến thức bằng sơ đồ tư duy Mind Map sẽ giúp cho việc ôn tập được nhanh chóng và có hệ thống.

 

Cách học ngắt quãng (spaced repetition) giúp cho lượng kiến thức mỗi lần học của chúng ta ít hơn, dễ dàng hơn mà lại giúp chúng ta nhớ lâu hơn so với cách học truyền thống.

 

Nếu bạn đang ngán ngẩm với môn văn trừu tượng, bạn có thể tìm hiểu cách học bằng cách đọc 7 lần:

§  Lần 1 đọc lướt qua toàn bộ, nhớ tiêu đề (nếu có) hoặc câu bắt đầu 1 đoạn văn.

§  Lần 2 đọc và tìm hiểu mỗi đoạn, mỗi phần của bài đang nói về vấn đề gì.

§  Lần 3 đọc và tìm hiểu các biện pháp nghệ thuật, các thông tin quan trọng trong bài.

§  Lần 4 và 5 đọc, gạch chân các keyword quan trọng.

§  Lần 6 và 7 đọc lại và chú ý cách hành văn của bài.

 

Bằng cách chỉ tập trung vào 1 điểm mình cần nhớ trong mỗi lần đọc, bạn sẽ dễ dàng hấp thụ cũng như nhớ bài lâu hơn.

Tư duy vượt khuôn mẫu có thể phát triển thông qua luyện tập, học cách thay đổi phong cách tư duy của bạn không phải là một quá trình dễ dàng hay nhanh chóng. Bạn hãy kiên nhẫn. Hãy tận hưởng hành trình đi tới đó.

 

Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2022

Giàu nghèo đều phải học nghệ thuật sống


GIÀU NGHÈO ĐỀU PHẢI HỌC NGHỆ THUẬT SỐNG

 

1. Tỷ phú giàu nhất Hong Kong Lý Gia Thành từng chia sẻ bài học thấm thía về sự giàu nghèo mà ít ai làm được: Khi bạn còn nghèo đừng chỉ ru rú ở nhà, hãy đi ra bên ngoài để gặp gỡ, tìm hiểu cơ hội cho mình. Khi giàu có rồi thì hãy làm ngược lại.

Khi bạn nghèo, hãy tiêu tiền cho người khác, đừng tính toán nhiều. Đó là số tiền bạn nên chi để "mua" được cơ hội cho bản thân. Còn khi đã giàu rồi, hãy học cách để người khác đối xử tốt với bạn. Đó là nghệ thuật sống.

Khi bạn nghèo, đừng ngại quăng mình ra ngoài để người khác tận dụng bạn. Bằng cách đó, bạn sẽ học được kinh nghiệm, biết cách tạo dựng sự nghiệp cho chính mình. Nhưng khi đã có sự nghiệp rồi, hãy bảo vệ mình, đừng để người khác lợi dụng.

 

2. Khi nghèo thì đừng tính toán, ganh đua với người khác. Đó gọi là "tiền nghèo nhưng chí không nghèo". Dù nghèo cũng đừng quá hà tiện, hãy hào phóng, thoải mái chia sẻ tấm lòng của mình.

Nhưng khi giàu thì bạn phải học cách nhường nhịn và buông bỏ. Đừng khoe khoang sự giàu có, sống phô trương. Hãy nhớ rằng, cuộc sống càng giản đơn, càng tĩnh tại. Đó là nghệ thuật sống tinh tường mà không phải ai cũng có thể hiểu được.

 

3. Tuổi trẻ là tài sản lớn nhất, phải quý trọng thời gian, đừng sợ nghèo khó, gian nan. Hãy dùng tuổi trẻ để bồi dưỡng bản thân, hiểu được cái gì là đáng quý, biết được thứ nên đầu tư, chỗ nên tiết kiệm. Đó chính là điểm mấu chốt của bài học làm giàu, chìa khóa để thay đổi cuộc đời.

Học cách chịu khổ: Nhân lúc còn trẻ, còn có thể chịu khổ thì đừng ngần ngại. Bạn càng né tránh sự khổ cực bao nhiêu thì sau này càng phải gánh chịu nó nhiều bấy nhiêu. Tuổi trẻ, đừng chọn an nhàn, hãy dấn thân nếu muốn thành công.

 

Hãy đối xử với chính bản thân bằng lòng trắc ẩn


HÃY ĐỐI XỬ VỚI CHÍNH BẢN THÂN BẰNG LÒNG TRẮC ẨN

 

Nhiều người có thể dễ dàng cảm thông và từ bi với người khác nhưng lại khó có thể làm được điều đó với chính mình.

Lòng trắc ẩn không phải là chỉ sự tốt bụng, cảm thông, yêu thương. Lòng trắc ẩn kêu gọi chúng ta hành động và giúp đỡ.

 

Chúng ta thường có thể dễ dàng từ bi, vị tha và sẵn sàng giúp đỡ người khác, nhưng lại khó có thể làm điều đó được với chính bản thân mình. Chỉ khi bạn đối xử với bản thân bằng lòng trắc ẩn, bằng tình yêu thương vô điều kiện, thì bạn mới có thể phát triển và trở thành một phiên bản tốt hơn hiện tại.

 

4 cách để bạn có thể đối xử với bản thân bằng lòng trắc ẩn.

 

1. Yêu cầu sự giúp đỡ nếu bạn cần

Hầu hết chúng ta đều cảm thấy vui khi giúp đỡ người khác, nhưng khi bản thân mình thực sự cần được giúp đỡ, chúng ta lại ngại mở lời. Đôi khi, một số người cho rằng yêu cầu sự giúp đỡ từ người khác là thể hiện sự yếu đuối, rằng bạn yêu cầu sự giúp đỡ là bạn đang thừa nhận bạn không đủ khả năng theo một cách nào đó, rằng bạn thiếu kiến thức, kỹ năng hoặc kinh nghiệm để tự làm một việc gì đó.

Bạn không muốn ai thấy rằng bạn đang gặp khó khăn, bạn muốn mọi người nghĩ rằng bạn đang kiểm soát tốt và có thể giải quyết được mọi việc.

 

Thực tế, yêu cầu sự giúp đỡ là một kỹ năng mà hầu hết chúng ta đều cần phải học. Những người tự tin thường yêu cầu người khác giúp đỡ, vì họ biết rằng cố gắng tự làm mọi thứ không phải lúc nào cũng là cách tốt nhất.

Hãy thay đổi niềm tin và kỳ vọng của bạn, bạn không thể nào biết hết tất cả mọi thứ. Yêu cầu sự giúp đỡ là có trách nhiệm với bản thân và những người khác, và bạn có thể hoàn thành tốt mọi việc nếu có sự trợ giúp từ người khác.

 

2. Ngừng cố gắng sửa chữa bản thân

Mục tiêu cuộc sống của bạn không phải là trở nên hoàn hảo. Bạn là một con người, với những ưu điểm và khuyết điểm song song.

Bạn có luôn so sánh bản thân mình với người khác và đánh giá thấp chính mình hay không? Và bất chấp những thành tựu đáng kinh ngạc của bản thân, bạn vẫn tự thuyết phục rằng bạn vẫn chưa đủ tốt, chưa đủ giỏi và thậm chí là chưa xứng đáng?

 

Chúng ta nghĩ rằng yêu bản thân là sửa chữa những khuyết điểm hoặc nhào nặn chính mình thành một người khác, chúng ta luôn nghĩ rằng mình cần trở nên tốt hơn, mạnh mẽ hơn, càng gần tới mức "hoàn hảo" càng tốt. Và vì vậy mà chúng ta đặt ra những kỳ vọng không thực tế vào bản thân và sau đó tự hỏi tại sao chúng ta không thể hài lòng.

 

Yêu bản thân, chấp nhận bản thân, hoàn thiện bản thân - những điều này là quá trình không bao giờ kết thúc, và điều đó không có nghĩa rằng bạn sẽ không bao giờ đủ tốt. Bạn cần phải ngừng sửa chữa bản thân, ngừng coi bản thân như thể là một món đồ chơi trên kệ hay một chiếc ô tô cũ trong ga-ra.

 

3. Học cách nói “không”

Nhiều người trong chúng ta được nuôi dạy để luôn làm hài lòng người khác và vì vậy mà chúng ta có thể sợ người khác đánh giá bản thân một cách tiêu cực nếu chúng ta nói “không”.

Thực tế, đôi khi chúng ta buộc phải nói “có” mặc dù không muốn, ví dụ như khi một người bạn hay một thành viên trong gia đình đang gặp khó khăn. Nhưng thường xuyên hơn, nói “không” là một cách để bạn chăm sóc bản thân và cũng là thực hành lòng trắc ẩn lên bản thân.

 

Học cách nói "không" là điều quan trọng để có một cuộc sống khỏe mạnh và thành công. Bạn không cần phải tỏ ra thô lỗ khi từ chối yêu cầu của ai đó nhưng hiểu được tầm quan trọng của việc nói "không" và tìm ra cách thích hợp để làm điều đó là rất quan trọng.

 

4. Đừng tự trách bản thân khi mọi thứ không diễn ra như bạn muốn

John Lennon đã từng nói, cuộc sống là những gì xảy ra với bạn trong khi bạn đang bận rộn với những kế hoạch khác nhau.

Bạn thực sự kiểm soát cuộc sống của mình ít hơn nhiều so với những gì bạn nghĩ và việc tự trách bản thân khi mọi thứ không diễn ra như bạn đã dự định là không công bằng với chính mình.

Theo phunuvietnam