Thứ Hai, 10 tháng 10, 2022

Cậu bé đánh giày đói khát đổi đời từ lòng lương thiện

Ảnh: Vinícius de Oliveira ngày còn bé (trái) và khi trưởng thành (phải)

 

CẬU BÉ ĐÁNH GIÀY ĐÓI KHÁT ĐỔI ĐỜI TỪ LÒNG LƯƠNG THIỆN

 

Cuộc sống ngày càng hiện đại, con người ngày càng xa rời đạo đức truyền thống. Nhiều người vì theo đuổi danh lợi mà quên đi lòng lương thiện từ đáy lòng mình, cứ thế mà bị thùng thuốc nhuộm tàn khốc của xã hội vấy bẩn, làm những chuyện trái với lương tâm.

Tuy nhiên, giữa cuộc đời này, lòng tốt vẫn như những ngọn lửa nhỏ thắp sáng trong bóng tối mịt mù của nhân loại, ở khắp mọi nơi trên thế giới vẫn có những câu chuyện kể về lòng tốt, để chúng ta biết rằng lòng tốt vẫn còn tồn tại và rất đẹp. Câu chuyện có thật “Lòng lương thiện không cần thông qua sát hạch” dưới đây là một ví dụ minh chứng.

 

Walter Salles là một đạo diễn nổi tiếng ở Brazil. Khi chuẩn bị làm một bộ phim mới và cần phải lựa chọn vai diễn, ông đã tiến hành chọn qua rất nhiều học sinh trong trường nghệ thuật, nhưng không ai khiến ông vừa ý.

Một này nọ, Walter phải đi công tác ở ngoại ô phía tây thành phố, trong lúc đứng đợi ở ga tàu trước quảng trường thì gặp một cậu nhóc đánh giày khoảng chừng mười mấy tuổi.

 

Cậu nhóc lễ phép hỏi: “Cháu chào ông, ông có muốn đánh giày không ạ?

Walter cúi thấp xuống nhìn đôi giày da mới đánh cách đây không lâu, bèn lắc đầu từ chối.

Khi ông quay lưng bước đi được mười mấy bước, bỗng nhiên nhìn thấy cậu nhóc vừa nãy mặt đỏ bừng chạy theo, ánh mắt cầu khẩn: “Thưa ông, cả ngày hôm nay cháu chưa có gì vào bụng cả, ông có thể cho cháu mượn ít tiền được không ạ? Từ mai cháu sẽ đánh giày chăm chỉ hơn nữa, bảo đảm một tuần sau cháu sẽ trả tiền cho ông!

Walter nhìn cậu nhóc quần áo rách rưới, đói khát trước mặt, không thể không thương xót, bèn móc mấy đồng bạc trong túi rồi đặt vào tay cậu nhóc. Cậu bé cảm kích và nói: “Cháu cảm ơn Ông”, thế rồi chỉ trong nháy mắt đã không thấy hình bóng đâu cả. Walter lắc đầu, vì những cậu nhóc lừa gạt trên phố như vậy ông đã gặp quá nhiều rồi.

 

Nửa tháng sau đó, Walter quên hoàn toàn chuyện về cậu nhóc đánh giày mượn tiền mình. Nhưng thật bất ngờ, trong một lần có việc đi qua nhà ga, bỗng nhìn thấy một bóng dáng gầy gò nhỏ bé đang vẫy gọi ông từ phía xa: “Thưa ông, xin đợi một chút ạ!” Đợi đến khi cậu bé chạy lại mặt mũi đầy mồ hôi và trả lại mấy đồng bạc, Walter mới nhận ra đó chính là cậu bé đánh giày mượn tiền mình lần trước.

Cậu nhóc thở hổn hển nói: “Thưa ông, cháu ở đây đợi ông lâu lắm rồi ạ, cuối cùng hôm nay đã trả được tiền cho ông rồi!” Walter nhìn mấy đồng bạc còn ướt nhẹp vì mồ hôi trong tay mình, mà lòng chợt thấy ấm áp lạ thường.

 

Ông quan sát kỹ cậu nhóc trước mặt mình một lần nữa, và bỗng nhận thấy cậu ta rất phù hợp với hình tượng nhân vật chính cậu bé trong tưởng tượng của mình. Walter đút lại mấy đồng bạc vào trong túi áo cậu nhóc: “Chút tiền lẻ này ta thành tâm thành ý cho cháu đấy, không cần trả lại ta đâu”. Và ông cười rồi nói: “Ngày mai cháu hãy đến văn phòng đạo diễn của công ty điện ảnh ở trung tâm thành phố gặp ta, ta có điều bất ngờ lớn dành cho cháu đấy”.

 

Sáng sớm ngày hôm sau, bảo vệ nói với Walter, bên ngoài có một đám trẻ con đến tìm.  Ông ngạc nhiên ra ngoài xem, thì bất ngờ nhìn thấy cậu nhóc đánh giày đó hào hứng chạy lại, vẻ mặt hồn nhiên nói: “Thưa ông, đây là những đứa trẻ lang thang không có cha mẹ giống như cháu, chúng cũng mong ước có những điều bất ngờ!”

 

Walter không ngờ rằng một đứa bé lang thang nghèo khổ lại có một trái tim lương thiện đến thế!

Qua quan sát và chọn lựa nhiều lần, ông phát hiện trong đám trẻ, thực sự có vài đứa còn lanh lợi hơn cả cậu nhóc, còn phù hợp với nhân vật chính trong kịch bản hơn, nhưng cuối cùng ông vẫn chỉ chọn cậu nhóc đó, rồi chỉ viết vào mục nguyên nhân miễn thử việc trong hợp đồng tuyển dụng là: Lương thiện không cần qua sát hạch! Vì ông thấy cậu bé rất lương thiện, trong khi chính bản thân phải đối mặt với những khó khăn, mà vẫn vô tư đem hy vọng và cơ hội của mình chia sẻ với những người khác. 

 

Đúng là tấm lòng lương thiện trong sáng! Cậu bé trong phim ông cần tìm cũng chính là người lương thiện, bác ái, không ích kỷ như vậy.

Cậu nhóc đánh giày đó tên là Vinícius Vinícius de Oliveira. Dưới sự chỉ dạy của đạo diễn Walter, Vinícius đã diễn xuất rất thành công vai diễn nhân vật chính cậu bé trong phim với nhan đề “Central Station” (Central do Brasil).

Bộ phim cũng đã dành được nhiều giải thưởng danh giá như giải Gấu Vàng liên hoan phim quốc tế Berlin.

 

Nhiều năm sau, cậu nhóc đánh giày Vinícius de Oliveira đã trở thành chủ tịch của một công ty Văn hóa Điện ảnh và anh đã viết cuốn tự truyện “Cuộc đời diễn viên của tôi”.

 

Trên bìa cuốn sách có dòng chữ mà chính đạo diễn Walter từng viết: “Lương thiện không cần qua sát hạch”. Và ở dưới là đánh giá của ông đối với Vinícius de Oliveira: “Lòng lương thiện, từng khiến cậu ta đem cơ hội của mình trao cho những đứa trẻ khác. Cũng chính là sự lương thiện ấy, đã khiến cơ hội của cuộc đời không bỏ qua cậu!”

 

Bài học rút ra: “Mọi phúc lành đều liền với chữ Tâm”

 


Thưởng thức mặt đất

THƯỞNG THỨC MẶT ĐẤT

Tôi kể chuyện này đã nhiều năm. Giả thử có hai phi hành gia lên mặt trăng. Khi tới nơi, họ bị tai nạn và họ biết chỉ còn đủ dưỡng khí cho hai ngày. Không hy vọng gì việc có người từ trái đất tới tiếp cứu. Họ chỉ còn hai ngày để sống. Nếu bạn hỏi họ lúc đó: “Bạn mong ước điều gì nhất?” Họ có thể trả lời:

“Trở về nhà và được đi trên hành tinh trái đất.” Thế là đủ, họ sẽ không cần gì khác. Họ không cần là chủ nhân một công ty lớn, một người có tiếng tăm hoặc làm tổng thống Hoa Kỳ.

Họ sẽ không muốn gì khác hơn là được trở về mặt đất, bước trên đó và thưởng thức từng bước chân, nghe các âm thanh của thiên nhiên và cầm tay người thương, nhìn ngắm mặt trăng.

Chúng ta nên sống mỗi ngày như những người được cứu thoát từ mặt trăng về. Chúng ta hiện đang sống trên mặt đất, nên ta cần biết thưởng thức từng bước chân trên mặt địa cầu quý giá, đẹp đẽ này.

Thiền sư Lâm Tế đã dạy: “Phép lạ không phải là đi trên mặt nước mà là đi trên mặt đất.” Tôi rất quý lời dạy đó.  Bước đi là hạnh phúc của tôi, dù đi tại những nơi đông người như phi trường hay ga xe lửa. Đi như thế, mỗi bước chân hôn lên mặt đất mẹ, chúng ta có thể gây hứng khởi cho người khác làm theo. Chúng ta vui sống từng giây phút của cuộc đời.

(Trích trong cuốn sách “Không sinh không diệt, đừng sợ hãi” của Sư Ông Làng Mai)

Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2022

Người Do Thái dạy con kiếm tiền từ câu chuyện biến phế liệu thành vàng


NGƯỜI DO THÁI DẠY CON KIẾM TIỀN TỪ CÂU CHUYỆN BIẾN PHẾ LIỆU THÀNH VÀNG

 

Có hai cha con người Do Thái bị giam trong trại tập trung và người cha khuyên con: “Chúng ta đã bị cướp mất mọi thứ và của cải duy nhất còn lại đó là trí tuệ. Nếu người khác chỉ biết một cộng một bằng hai, con nên nghĩ làm sao để kết quả đó lớn hơn hai”.

 

Họ may mắn sống sót và lên tàu đến Mỹ để làm lại từ đầu bằng việc kinh doanh đồ đồng ở Houston. Người cha có lần hỏi con: “Theo con một cân đồng có giá bao nhiêu?”. Đứa con nhanh nhảu: “Ba mươi lăm xu ạ”.

Người cha đáp lời: “Mọi người ở Texas này đều biết một cân đồng có giá 35 xu, nhưng con cần học cách biến 1 cân đồng trở nên giá trị 3.500 $. con chế tay nắm cửa bằng đồng xem nào?”.

 

Sau khi khi cha qua đời, cậu con trai vẫn duy trì nghề này và chỉ với cân đồng, anh chế ra gậy và huy chương được dùng trong các kỳ Olympic. Một cân đồng khi đó bán được tới tận 3.500 đô la và sớm trở thành ông chủ của công ty chuyên sản xuất đồ đồng.

 

Năm 1974, Mỹ lên kế hoạch làm lại tượng Nữ Thần Tự Do, vứt bỏ đống phế liệu cũ nhưng không ai thấu được việc xử lý rác thải vô cùng khó khăn này vì việc xử lý rác thải ở New York có quy định rất nghiêm ngặt, chẳng mấy ai đủ đáp ứng.

Khi nghe được tin này, vị doanh nhân Do Thái này liền lập tức đến New York để ký kết hợp đồng giữa những lời chế giễu rằng ông đang tự tìm đến cái chết.

 

Kết quả khiến ai cũng bất ngờ khi ông cho nấu chảy phế liệu đồng của bức tượng và đúc nó thành những bức tượng Nữ Thần Tự Do nhỏ hơn, xử lý các khối gỗ và xi măng, biến chì và nhôm phế liệu những món đồ lưu niệm.

 

Điều thú vị nhất là ông không để lãng phí bất kì điều gì, ngay cả bụi quét từ tượng Nữ thần Tự do cũng được bán cho các cửa hàng cây cảnh với cái tên “bụi của Nữ thần”. Trong vài tháng, ông biến những thứ phế liệu thành 3,5 triệu đô la tiền mặt. 

 

Bài học: Khi biết được lý do vì sao người Do Thái coi trọng sự giàu có bạn sẽ hiểu vì sao họ luôn khuyến khích con mình tìm hiểu về đồng tiền, học cách kiếm tiền. Họ khuyến khích con từ 1 đồng có thể kiếm được 10 đồng của thiên hạ. Đối với họ, không kiếm được tiền là tội ác và phải chịu sự trừng phạt của chúa. 

 

Quá trình tư duy kiếm tiền cũng là cách con người ta phát triển và khôn ngoan lên, chẳng có gì đáng xấu hổ. Kẻ đáng chê là kẻ lười nhác, an phận, không chịu sáng tạo trong việc gia tăng doanh thu và lợi nhuận.