CÁC BẠN TRẺ CÓ NÊN SỐNG ĐỘC THÂN?
Theo nghiên cứu của tổ chức quốc tế Euromonitor (London, Anh), hiện có hơn
300 triệu người sống một mình trên toàn cầu, tăng khoảng 80% so với 15 năm
trước. Tại một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản thậm chí
còn phát sinh khái niệm "nền kinh tế độc thân", nơi hàng hóa, dịch vụ
được thiết kế riêng để phục vụ các hộ gia đình một người.
Tại Việt Nam, tỷ lệ người sống độc thân cũng đang có xu hướng tăng nhanh,
từ 6,23% năm 2004 tăng lên 10,1% vào năm 2019, theo Tổng cục thống kê.
Một nghiên cứu thực hiện năm 2012 bởi các nhà tâm lý học Đại học Thành phố
San Diego và được Hiệp hội Tâm lý học Mỹ công bố, những người sinh ra trong
thập niên 80 và 90 thường tự cho mình là trung tâm hơn so với thế hệ trước. Họ
trân trọng chủ nghĩa cá nhân, biểu hiện lớn nhất là khát vọng sống cho mình.
Nếu hôn nhân không thể cải thiện chất lượng cuộc sống, hoặc ảnh hưởng đến giá
trị bản thân, họ sẽ không lựa chọn hôn nhân.
Ngoài lý do theo đuổi chủ nghĩa cá nhân, việc chưa tìm thấy đối tượng phù
hợp, sợ trẻ con hay bị ám ảnh về hôn nhân không hạnh phúc cũng khiến nhiều
người chọn độc thân.
Được sống thảnh thơi
không phải lo sợ bị phản bội hay không phải thức khuya, dậy sớm chăm con…Đây là
suy nghĩ chung của giới trẻ khi xu hướng sống độc thân đang ngày càng được
nhiều người lựa chọn.
Song sống độc thân như
thế nào mới thực sự là tốt? Và duy trì cuộc sống hôn nhân ra sao để tinh thần
luôn cảm thấy hạnh phúc? Đó mới chính là mấu chốt của vấn đề để bản thân mỗi
người cảm thấy bằng lòng với cuộc sống của chính mình.
Với thời đại công nghệ
4.0 như hiện nay, chúng ta có thể dễ dàng kết nối bạn bè không chỉ trong nước
mà còn cả ở quốc tế, điều này có thể sẽ khiến đa phần mọi người cảm thấy rằng
tôi không hề cô đơn. Thế nhưng, khi bỏ máy điện thoại xuống, xung quanh chẳng
còn ai ngoài bốn bức tường.
Các bạn trẻ dành phần
lớn cuộc sống của mình trên mạng sẽ làm bớt dần đi những người bạn thực sự,
giảm tương tác xã hội, không thích chia sẻ, lười yêu và từ đó cảm thấy trách
nhiệm trong cuộc sống gia đình sẽ là gánh nặng.
Song, khi kết hôn, mỗi
người sẽ dần trưởng thành hơn. chúng ta có một người bạn đời đồng hành cùng
nhau trong cả một hành trình dài. Hai người sẽ là chỗ dựa của nhau lúc khó
khăn, tạo ra những năng lượng tích cực mà chúng ta không thể tìm thấy ở bất cứ
người bạn online hay thậm chí là cả bạn bè ngoài xã hội.
Tuy nhiên, cũng đừng
kết hôn quá vội vàng, tùy hứng. Hãy ở bên nhau khi cả hai thực sự sẵn sàng và
có sự thấu hiểu để không bao giờ phải hối tiếc về lựa chọn của chính mình.
Nhà báo Trịnh Xuân Đoàn: "Cái giá của hạnh phúc là ràng buộc, cái
giá của tự do là cô đơn"
Có một câu nói tôi rất
thích đó là: "Cái giá của hạnh phúc là ràng buộc, cái giá của tự do là cô
đơn". Khi ta một mình, ta lại ước rằng có một người bên cạnh để cùng nhau
trò chuyện, để thêm một chút tình yêu trong cuộc sống. Nhưng khi tình yêu đó
không được trọn vẹn thì ta lại mong cầu sự tự do.