Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2022

Trung thu nghe chuyện Hàng Mã xưa

TRUNG THU NGHE CHUYỆN HÀNG MÃ XƯA

 

Hàng Mã - Con phố trăm tuổi

Phố Hàng Mã, con phố trăm tuổi chứng kiến mọi niềm vui, nỗi buồn của Hà Nội

 

Hàng Mã xưa kia là dải đất của hai thôn Vĩnh Hanh và Yên Phú, thời Pháp, tuyến phố này được gọi chung là Rue du Cuivre (phố Hàng Đồng). Dân dã hơn thì gọi là phố Hàng Mã, nay nằm tại phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

 

 

Hàng Mã, một con phố nhỏ này đã chạy dọc tuổi thơ của bao người Hà Nội, in dấu vào trái tim những du khách phương xa những hồi ức của màu sắc, ánh sáng và sự rực rỡ suốt bốn mùa quanh năm. 

 

Tết Nguyên Đán ở Hàng Mã mang phong vị rất riêng. Người ta gọi là nỗi niềm hoài cổ. Nếu dạo bước ở Hàng Mã trong những ngày rét ngọt giáp Tết chuẩn bị đón xuân sang, sự đông đúc của nơi này như kéo người ta ngưng đọng lại trong khoảnh khắc.

 

Còn dịp Trung Thu thì huyên náo hơn cả.

Nếu như ngày thường, Hàng Mã vẫn có sắc màu của đồ mã, đồ giấy, thì dịp lễ lớn như Trung Thu, Hàng Mã mới thực sự “lột xác” khoác lên mình vẻ rực rỡ, sống động đầy sinh khí.

 

Nhiều món đồ chơi truyền thống như mặt nạ bồi, đầu lân, trống, đèn ông sao lấp lánh thổi đầy sinh khí một góc phố phường Hà Nội. Từ chiếc chong chóng tre giản dị được phủ giấy màu đến những chiếc đèn lồng, mặt nạ bồi, hình đèn thú rực rỡ sắc màu phải chăng đã biến Hàng Mã trở thành con phố "cháy" nhất, nhiều mảu sắc nhất trong 76 phố cổ.

 


 

Hiệu ứng khung trong đời sống hằng ngày

 

HIỆU ỨNG KHUNG TRONG ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY

Một chuyện bực mình ngay khi bắt đầu ngày mới sẽ khiến cả ngày của bạn trở nên "sóng gió" lạ thường. Từ thời tiết, tình hình giao thông, sếp, đồng nghiệp, người thân… tất cả dường như đang chống lại bạn, mọi thứ trở nên "xui xẻo" hơn bao giờ hết.

Nhưng trên thực tế, hình ảnh tối tăm đó chỉ xuất hiện vì bạn đang nhìn cuộc sống qua một "cái khung" màu đen đã được định hình trong tâm trí. Những trục trặc nhỏ vẫn luôn xuất hiện mỗi ngày, nhưng khi đi qua "khung tâm lý", chúng đã biến thành một cơn ác mộng thật sự.

Nhà tâm lý học Daniel Kahneman trong lễ nhận giải Nobel kinh tế 2002. Giáo sư Daniel khẳng định rằng con người luôn nhận thức sự vật thông qua môi trường xung quanh nó, tạo ra hiệu ứng khung trong đời sống hằng ngày.

 

Những "bộ khung" trong đời sống

Hiện tượng đóng khung tâm lý lần đầu được ghi chép cụ thể qua thí nghiệm của Amos Tversky và Daniel Kahneman vào năm 1981.

Một nhóm đối tượng khảo sát buộc phải đưa ra quyết định cho tình huống giả định như sau: Thành phố mà bạn quản lý đã bị tấn công bởi một căn bệnh nguy hiểm, cả 600 cư dân đang đứng trước nguy cơ thiệt mạng.

 

Các nhà khoa học đã đưa ra hai phương pháp chữa trị, Phương án 1 và 2 đều có tỉ lệ cứu sống như nhau, nhưng khi thay đổi từ "cứu" thành "chết", ngay lập tức 78% người tham gia chuyển sang chọn phương án kia, chứng tỏ những từ ngữ khi được sử dụng đúng cách sẽ tạo nên một loại "khung" bao bọc quanh thông tin, giúp người đưa ra sự lựa chọn kiểm soát được cảm xúc và thay đổi quyết định của người tiếp thu.

 

Hiệu ứng khung trong quảng cáo

Trong quảng cáo, bao bì, marketing… nội dung, hình ảnh và từ ngữ luôn được sử dụng để tạo "khung tích cực".

Chẳng hạn như kem đánh răng Colgate được "9/10 bác sĩ nha khoa khuyên dùng", thay vì "1 trên 10 bác sĩ không khuyên dùng".

Ngoài từ ngữ, hình ảnh cũng được sử dụng thường xuyên để "đóng khung" sản phẩm, chẳng hạn như những cánh đồng cỏ xanh, những chú bò vui vẻ… của nhiều nhãn hiệu sữa cũng giúp chúng ta gia tăng niềm tin hơn về sản phẩm.

 

Nhưng hiệu ứng khung nhiều lúc cũng trở thành một "mối họa" với nhãn hiệu. Chẳng hạn như trong cuộc cạnh tranh không có hồi kết giữa Coca-Cola và Pepsi.

Dù qua hàng loạt thí nghiệm, người dùng vẫn đánh giá cả hai có hương vị tương tự nhau, thậm chí Pepsi còn tự hào tung ra một đoạn quảng cáo cho rằng người dùng thích Pepsi hơn khi không biết họ đang uống nhãn hiệu nào.

Nhưng trên thực tế, tư tưởng "Coca-cola ngon hơn Pepsi" đã đi sâu vào tiềm thức của người dùng, khiến họ luôn ưu tiên chọn Coca-cola, mặc cho bao nỗ lực thay đổi của Pepsi.

 

Thương hiệu

Trong kinh tế học hành vi, hiệu ứng đóng khung một lần nữa phát huy hiệu quả của mình. Chẳng hạn như để thuyết phục các nhà đầu tư đổ tiền vào cổ phiếu theo ý muốn, các nhân viên môi giới sẽ thay đổi nội dung trao đổi để tạo một "bộ khung" hấp dẫn.

Thay vì nói rằng "Cổ phiếu của công ty X có 25% nguy cơ rớt giá", các nhân viên thông minh sẽ thay đổi thành "Cổ phiếu công ty X đang có tỷ lệ sinh lời đến 75%!", ngay lập tức cải thiện hình ảnh của cổ phiếu X trên thị trường.

 

Các thương hiệu còn cố tình sử dụng những người có sức ảnh hưởng để "vực dậy" thương hiệu của mình, chẳng hạn như Viettel đã ký hợp đồng quảng cáo với Sơn Tùng - MTP nhằm quảng cáo các gói hướng đến đối tượng học sinh – sinh viên. Hay Biti's "thay da đổi thịt" khi lần lượt xuất hiện trong những MV của các ca sĩ trẻ trung và nổi tiếng.

 

Với hàng loạt chiến dịch marketing đang ra sức làm "lu mờ" lý trí khách hàng như hiện nay. Một sản phẩm tốt nhưng không có khung vững chắc sẽ nhanh chóng bị "hoà tan" giữa vô vàn đối thủ tương tự, nhưng một sản phẩm bình thường với một cái khung xịn sẽ dễ dàng trở thành thương hiệu được yêu mến, đó chính là sự đáng sợ của "hiệu ứng đóng khung".

Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2022

Thông minh xã hội


THÔNG MINH XÃ HỘI

 

Thông minh xã hội đã được nhà tâm lý giáo dục Mỹ Edward Lee Thorndike định nghĩa khái niệm từ đầu thế kỷ thứ XX. Khả năng hành động khôn ngoan trong những giao tiếp xã hội, hiểu người hiểu ta, ...

 

Nếu thông minh trí tuệ được định nghĩa như khả năng tìm ra giải pháp tốt nhất trong một tình huống thì thông minh xã hội là khả năng thực hành tốt nhất các liên hệ xã hội trong sự hài hòa.

 

Nhiều nghiên cứu cho thấy là thông minh trí tuệ thôi không đủ để thành công trong trường đời – có những người có "tiềm năng trí tuệ cao" (HPI) nhưng chỉ là những người rất "tầm thường" trong xã hội.

Thậm chí có người nói rằng thiếu thông minh xã hội, dù IQ có cao đến mấy, ta cũng chỉ "thông minh bán phần". Giới truyền thông Âu Mỹ không cần rình rang tuyên bố gì cả: họ chỉ tuyển dụng những người giàu thông minh xã hội !

 

Định nghĩa thông minh xã hội

E.L. Thorndike (1920) định nghĩa thông minh này là khả năng hiểu và điều khiển người khác và khả năng hành động đối xử hài hòa.

Gần đây hơn, Cantor và Kihlstrom (1987) định nghĩa thông minh xã hội như vốn hiểu biết về xã hội trong đó cá nhân đang sống và khả năng ứng xử một cách thích hợp.

 

Có thông minh xã hội không khác nào có máy dò ra-đa cho ta những dữ kiện cần thiết để từ đó liệu cách phù hợp nhất mà ứng xử cho thuận lòng mình, hợp hoàn cảnh và vừa lòng người.

Thông minh xã hội cho ta khả năng thích hợp với mọi người, hòa đồng trong nhóm.

 

Một giáo viên giàu thông minh xã hội là một giáo viên biết nhận định chính xác về những đặc thù của học trò mình để đưa bài giảng dưới dạng thích hợp, đáp ứng được nhu cầu và chờ đợi của chúng, tạo dựng sự hợp tác trong lớp và không khí phấn khởi học tập.

 Dĩ nhiên, bên cạnh đó, giáo viên này cũng phải có khả năng chuyên nghiệp cao. Nhưng chuyên nghiệp thôi không đủ.

 

Làm sao đo thông minh xã hội ?

George Washington social intelligence test, (GWSIT Hunt, 1928) là trắc nghiệm thông minh xã hội của Đại học Washington. Thang này đưa ra 6 mục cần đo:

 

1. Trí nhớ gương mặt, tên quen và những hoàn cảnh đã gặp

2. Khả năng quan sát những tình huống và kể lại các quan sát này

3. Khả năng hiểu các nghĩa bóng, nghĩa ngầm mà người đối diện đang dùng

4. Khả năng nhận diện trạng thái tâm lý của người đối diện

5. Khả năng hiểu và thanh lọc các thông tin xã hội

6. Biết khôi hài.

 

Thật sự, đo các items này không dễ vì khó để phân biệt những khả năng phức tạp và đa diện ở trong đó. Rốt cuộc, tới giờ, chưa có một trắc nghiệm khả thi để đo thông minh xã hội.

 

Về phía thực hành, Daniel Goleman đưa lý thuyết thông minh xã hội vào ứng dụng cho quản lý nhân sự. Ông tổ chức những lớp học để hoàn thiện thông minh xã hội. Việc làm của ông thuộc phạm vi ứng dụng dù cơ sở khoa học chưa hoàn toàn vững chắc.

 

Thông minh xã hội là một khả năng. Như bất cứ một tri thức nào khác, ta có thể vun trồng. Các lớp ông Goleman dạy đúng thôi, nhưng không đúng tuyệt đối: một phần thông minh xã hội cũng như mọi thông minh khác, có cơ sở sinh học (tế bào thần kinh và cấu trúc não, có học thêm mấy cũng ít thay đổi), mặt khác thông minh xã hội là khả năng của một cá nhân trong một hoàn cảnh thì làm sao dự trù hết tất cả các hoàn cảnh để "dạy" ?

 

Cái gì cần cho một xã hội công nghiệp và hậu công nghiệp ?

Ở châu Âu, trong các hướng nghiệp cho ngành học và các phỏng vấn tuyển nhân sự, các tâm lý gia thường cho vào các trắc nghiệm nhiều câu hỏi về thông minh xã hội.

Các ngành nghề như cán sự xã hội, điều dưỡng, sư phạm, y tế, chăm sóc trẻ con và người cao tuổi, thẩm phán, quản lý nhân sự, bán hàng, tiếp thị... cần nhiều thông minh xã hội.

 

Một khái niệm khác, tối cần thiết cho các nghề y tế và giáo dục là "sự thương cảm" (empathie), tức là khả năng hiểu và chia sẻ trạng thái cảm xúc của người đối diện, tự đặt mình vào hoàn cảnh của người đối diện: làm sao săn sóc một người bệnh hay dạy một trẻ nhỏ nếu không thông cảm người ấy hay đứa bé ấy – hiểu những nhu cầu, đau đớn hay khổ sở của họ?

 

Đó là chưa nói tới phát minh gần đây về những "tế bào thần kinh gương" hay "tế bào thần kinh phản chiếu" (neurones miroirs) làm cho thông minh xã hội của một người có thể lan hay lây sang người khác:

khi nhận được "tín hiệu" thông minh của ta, tế bào thần kinh phản chiếu của người đối diện sẽ phản ứng ... "trên cùng tần số", sẽ cùng "thông minh". Sinh hoạt xã hội sẽ hài hòa hơn, gần như cái kiểu "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu" bên ta vẫn hay nói.

 

Kết luận

Để sống tốt với người khác, dù làm nghề nào, kể cả "nghề" làm ... cha mẹ, cũng cần thông minh xã hội (phải thương và hiểu con thì mới dạy chúng được vì dù là con của chúng ta, mỗi cháu đều có những cá tính khác nhau!).

Đó là khả năng nghe người khác, hiểu người khác, sẵn sàng chấp nhận ý tưởng mới, tự đặt lại vấn đề, kính trọng người khác, thương người, ... những khả năng rất cần cho mỗi một chúng ta.

Thiếu những khả năng ấy sẽ dẫn tới hiện tượng mà xã hội học gọi là la déliance (sự rời ra) như "thiếu chất keo xã hội". Những người làm công tác lãnh đạo, quản lý xã hội càng cần có tư chất thông minh xã hội.

 

DANTRI