Thứ Hai, 8 tháng 8, 2022

Nghèo dựa sức mình, giàu mượn sức người

NGHÈO DỰA SỨC MÌNH, GIÀU MƯỢN SỨC NGƯỜI

Chuyện trong dân gian kể rằng, có một người đàn ông nghèo, ngày không ăn đủ ba bữa, anh ta thường ngẩng lên nhìn trời và than cho số phận của mình, rằng là hàng ngày làm việc cực nhọc cũng chẳng đủ ăn trong khi lão hàng xóm ăn nhiều hơn làm lại rủng rỉnh tiền bạc.

Than mãi rồi cũng động đến trái tim Thượng Đế. Ngài ban cho người đàn ông nghèo một điều ước.

Người đàn ông nghèo đáp: “Xin thượng đế hãy biến lão hàng xóm thành nghèo khổ như con để xem rồi ai hơn ai. Nếu như lão ấy rốt cuộc tài giỏi hơn nên giàu sang hơn con thì con nguyện không oán thán gì nữa.”

Thượng Đế gật đầu, nói: “Được!”.

Thế rồi, lão nhà giàu hàng xóm bỗng chốc nghèo nàn. Thượng Đế ban cho mỗi người 1 ngôi nhà tranh vách đất trú thân và 1 quả núi. Mỗi ngày, người nghèo và người giàu nọ đều có thể đào than trên núi đem bán lấy tiền nuôi thân.

Người nghèo vốn thường quen với cuộc sống khổ cực, việc đào than đối với anh ta chẳng có khó nhọc gì nên ngày đầu tiên đã đào được 1 xe than chở xuống núi bán lấy tiền và dùng toàn bộ số tiền để mua đồ ăn ngon mang về cho mẹ già, con thơ ở nhà.

Người giàu vốn chưa bao giờ làm việc nặng nhọc, đào 1 lúc lại nghỉ, mồ hôi đầm đìa khắp thân mà vẫn chưa đào được là bao. Trời nhá nhem tối anh ta mới chất được đủ 1 xe than để mang xuống núi, bán được tiền rồi, anh ta chỉ mua vài cái bánh đủ cho cả gia đình ăn, số tiền dư anh ta cất để dành.

Người nghèo nhìn sang người đàn ông một thời giàu có kia và hả hê lắm. Cuối cùng thì, cuộc đời cũng công bằng với ông.

Ngày thứ 2, người nghèo vốn tính chăm chỉ đã dậy từ sớm để đi đào than. Mãi khi mặt trời đã quá con sào vẫn chưa thấy người giàu xuất hiện. Người nghèo thấp thỏm đứng trông. Trong thâm tâm người nghèo, ông thoáng chút ân hận vì đã lỡ ước, đẩy người hàng xóm chẳng hại ai bao giờ của mình vào thế khốn cùng.

Nhỡ, người giàu không thể giàu sang trở lại thì vợ con ông ấy biết lấy gì ăn.

Mặt trời đã hơi ngả về tây, trời dịu mát dần thì người giàu mới xuất hiện cùng 2 người nghèo khác to lớn, khoẻ mạnh. Người giàu đứng một bên chỉ đạo, chẳng mấy chốc 2 người kia đã đào được 2 xe than đầy.

Người nghèo ngẩn ngơ đứng nhìn.

Khi than đã đầy 2 xe, người nghèo thấy người giàu giao than cho 2 người nghèo kia, lấy tiền bỏ túi.

Sáng hôm sau, người nghèo cũng không thấy người giàu đâu cả, cũng không thấy 2 người kia đâu. Buổi chiều, khi mặt trời vừa ngả bóng đàng tây, trời râm mát, người giàu và 2 người đàn ông kia xuất hiện. Lần này, lão nhà giàu còn mang theo lồng gà con và nhiều thứ lỉnh kỉnh khác.

2 người nghèo kia cứ mặc sức đào than. Lão nhà giàu thì đóng đóng, che che gì đó gần túp lều tranh.

Đến chiều tà, cũng như hôm qua, 2 người nghèo kia đã đào được 2 xe than đầy ắp. Lão nhà giàu cũng đã quây xong một khu vực, có vẻ là chỗ nuôi gà. Lão nhà giàu giao than cho 2 người nghèo kia, nhận tiền về cho mình.

Ngày thứ 3, thứ 4, thứ 5…cũng vậy, cứ mỗi ngày, người đàn ông nghèo cố hết sức từ sáng đến tối cũng chỉ đào được 1 xe than, tối mịt mùng còn phải đem đi bán lấy tiền mưu sinh còn nhóm người của người giàu đào được 2 xe, lão lại chẳng mất công xuống núi đi bán.

3 tháng trôi qua, bầy gà của lão nhà giàu nhiều dần, lớn dần. Người giàu cũng cải tạo nhiều mảnh đất nhỏ đã khai thác hết than thành những mảnh vườn nhỏ xinh với nhiều loại rau.

Còn người nghèo, cuộc sống vẫn vậy, mỗi ngày một xe than là đã kiệt hết sức già. Cuộc sống chỉ đủ mưu sinh.

Lờ mờ hiểu được vì sao người giàu giàu có hơn mình, biết mình đã thua nhưng không dám thừa nhận, người nghèo quyết định đi gặp người giàu hỏi chuyện.

-2 người xúc than cho anh là ai vậy?

-À, tôi thuê lão A, lão B đang làm thuê cho ông chủ cửa hàng than dưới phố.

-Anh lấy tiền đâu mà thuê họ thế?

-À, tôi gặp ông chủ hàng than và thỏa thuận xong xuôi giá cả mua bán. Tôi hỏi ông chủ thu mua than có người đào than không thì ông ấy bảo cửa hàng ông có thuê lão A, lão B làm công buổi sáng, buổi chiều đang rỗi việc. Họ ở ngay cạnh hiệu than. Thế là tôi hỏi họ có muốn đào than thuê cho tôi mỗi buổi chiều và mang than xuống núi giao cho ông chủ hiệu than không. Họ đồng ý.

Người nghèo ồ lên một tiếng.

-Tôi đào cả ngày chỉ được 1 xe than, sao ông thuê họ có nửa ngày mà họ đào hay quá vậy?

-À, hôm đầu tiên đào tôi nhận ra buổi sáng chỗ này rất nắng, đào vã mồ hôi chẳng được gì nhiều. Nếu dành sức đào buổi chiều râm mát thì sẽ hiệu quả hơn. Hơn nữa, buổi sáng chợ đông người, tôi xuống phố tìm cơ hội kinh doanh mới.

Người nghèo lại ồ lên một tiếng.

-Thế bầy gà này…

-Khi tôi xuống phố thì thấy rằng người ta đang thích ăn thịt gà đồi, nuôi thả tự nhiên. Tôi có nguyên cả quả núi này nên nuôi thử một ít. Ở đây nguồn thức ăn tự nhiên cũng nhiều, chỉ phải phụ thêm chút thức ăn khác cho gà. Với lại, phân gà có thể dùng để bón cho mấy vườn rau kia…Cũng đỡ đi ít đồng tiền rau hàng ngày, may mắn thì có khi còn dư để bán (cười).

Người đàn ông nghèo luôn miệng xin lỗi và cảm ơn người giàu trong sự ngạc nhiên của người giàu vì người giàu cũng không hiểu vì sao người đàn ông kia xin lỗi mình.

Một năm sau, người giàu đã trở nên rất giàu có. Người nghèo cũng thoát cảnh nghèo, cuộc sống no đủ hơn nhờ học theo những gì người giàu đã dạy.

Người nghèo thì chẳng dám oán trách ông trời nữa. Ông thầm cảm tạ ông trời đã cho ông được gặp người giàu và dạy cho ông nhiều bài học quý giá.

Bài học rút ra:

-Thành công không phải là ở việc bạn có thể làm bao nhiêu việc, mà là bạn có thể “mượn” bao nhiêu người làm việc hiệu quả cho mình.

-Học cách “đi mượn” là dùng nền tảng vốn có của bạn, mượn thêm công sức của người khác, mượn khả năng của người khác, mượn sức lực của cả một hệ thống phục vụ cho mình.

-Đừng ôm đồm việc không cần thiết cho mình. Trả thêm một chút cho người làm thuê để họ “tiện đường” mang than xuống núi giao cho người mua chẳng phải tốt hơn nhiều là mất cả buổi trời đi xuống núi, trở về hay sao.

-Phải nghiên cứu kỹ những thứ mình đang có và tận dụng triệt để. Có đất trống, không nuôi gà, canh tác chẳng phải phí quá sao?

 “Đối với một công ty dù lớn hay nhỏ phải hiểu ba khía cạnh, tiền kiếm từ đâu, từ đâu để tạo ra hiện tại, tương lai, con người đóng vai trò gì ở đây? Kế hoạch kinh doanh thay đổi liên tục, có thời điểm tung sản phẩm mới, mở rộng kênh phân phối, nếu kế hoạch nhân sự tẻ nhạt thì thua. Mục tiêu kinh doanh khác nhau thì kế hoạch nhân sự cũng phải thay đổi để bộ phận kinh doanh được thúc đẩy, thì mới chuyển tư duy CEO từ xài tiền sang đầu tư”.

Theo cafef.vn

Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2022

Một người có nên kết giao hay không nhìn vào dáng vẻ lúc mệt mỏi mới biết


MỘT NGƯỜI CÓ NÊN KẾT GIAO HAY KHÔNG NHÌN VÀO DÁNG VẺ LÚC MỆT MỎI MỚI BIẾT

Một hôm chúng tôi đi cùng với một nhóm sinh viên đang du xuân, họ dường như đang tổ chức hoạt động đoàn thể.

Lúc mới leo, ai nấy đều nhiệt tình hăng hái, vừa nói vừa cười. Khi đó, tôi để ý đến một thanh niên nhiệt tình hoạt bát, lưng cậu ta đeo ba lô, tay xách một túi ni lông bên trong toàn là đồ ăn, nhìn có vẻ rất nặng. Nhưng cậu vẫn quan tâm chăm sóc các bạn học bị tụt lại phía sau, giúp họ cầm đồ, không ngừng hỏi mọi người có cần nghỉ ngơi không, y hệt dáng vẻ của các bậc phụ huynh vậy.

Bạn bè bên cạnh khen ngợi: “Xem 9X đấy, đâu có ích kỉ như người ta nói”. Ngược lại những người như chúng tôi tự cho mình là người lớn lại khoe khoang khoác lác, trên đường leo núi chỉ biết lo cho mình, thiết nghĩ thấy có chút xấu hổ.

Tuy nhiên, lúc hoạn nạn mới biết được lòng người, và khi leo núi lại càng thấy điều đó rõ ràng hơn. Thể lực và ý chí của mỗi người đều có sự khác biệt rất lớn, muốn cùng nhau đi đến đích không phải là chuyện dễ dàng.

Tôi nghĩ có những người nhiệt tình như thế ở cạnh, việc leo núi có lẽ sẽ trở nên dễ dàng hơn chút ít.

Nhưng tôi đã nhầm. Khi đi được nửa đường, vở kịch đã chuyển biến ngoài dự tính.
Ai nấy đều giống như cà tím phơi sương, mặt mày ủ rũ, bước đi nhọc nhằn, thậm chí còn chả muốn nói chuyện.

Lúc đó, mặt cậu thanh niên nhiệt tình đó đột nhiên trở nên rất đáng ghét, ai nói gì cậu ta cũng tỏ vẻ mặt khó chịu không quan tâm, vừa đi vừa phàn nàn các bạn nữ gì mà mang lắm đồ thế. Sự nhiệt tình cuối cùng trở thành phiền toái. Vứt xuống thì mất mặt, không vứt xuống thì mệt, vậy nên chỉ biết cáu giận.

Khi ấy. một thanh niên khác đột nhiên lẳng lặng đi đến, nở nụ cười và đưa cho cậu ta một chai co-ca, rồi cầm lấy chiếc ba lô vỗ vai cậu ta và nói: “Nhanh lên nào ! Nhanh lên nào!”

Thấy dáng vẻ ướt đẫm mồ hôi của cậu ấy, tôi chợt nghĩ rằng, để biết được phẩm chất đạo đức của một ai đó thì phải xem thể hiện của anh ta lúc mệt mỏi. Khi thoải mái dễ chịu hầu hết mọi người đều tốt bụng.

Nhưng khi mệt mỏi, mà vẫn có thể thông cảm với nỗi khổ của người khác mới là tấm lòng lương thiện thực sự.

Có những người một khi đã mệt thì trong mắt, tâm trí họ chỉ có bản thân mình, không chỉ không thể hi vọng sự giúp đỡ của họ, thậm chí còn phải nhọc lòng chịu đựng vỗ về tính xấu của họ.

Còn một số người dẫu mệt mỏi đến mấy vẫn thấu hiểu cho những khó khăn của bạn, dù không thể chia sẻ gánh nặng, thì ít nhất cũng không gây thêm phiền phức. Sự khác biệt này có thế thấy rõ được.

Những người như thế chẳng hề khó gặp, lúc dạo phố, ăn cơm, lái xe bạn đều có thể thấy những trận cãi vã, nơi càng tấp nập thì đôi co càng nhiều.

Những người có học thức thường ngày ăn nói sắc sảo nhã nhặn, nhưng khi mệt mỏi cũng lộ rõ bản chất đạo đức thấp kém.

Dường như mỗi lần ngồi máy bay chặng dài, tôi đều gặp những khách hàng làm khó tiếp viên hàng không. Họ biết rõ tiếp viên hàng không quyền năng có hạn, nhiều lúc họ cũng không thể giải quyết được, nhưng vẫn trút cơn giận lên họ với chỉ một lý do là tôi mệt.
Đó chẳng khác nào thái độ ấu trĩ của trẻ con, nói cho cùng đó là con người thiếu phẩm chất đạo đức.

Lúc tinh thần thoải mái thì ai nấy đều vui vẻ giúp đỡ người khác, nhưng những lúc tinh thần mệt mỏi mới thấy rõ được phẩm chất đạo đức của một người. Người có phẩm chất đạo đức càng tốt thì khả năng kiềm chế bản thân càng tốt. Cái gọi là khả năng kiềm chế bản thân, chính là không trút giận lên người khác bởi những điều không hay mình gặp phải.

Sếp của chúng tôi có một quy tắc vàng là: “Không gửi mail vào buổi tối, không gặp khách khi mất ngủ”.

Vậy nên mỗi lần khách hàng yêu cầu tăng ca không cần thiết, ông đều từ chối rồi cho chúng tôi về nhà nghỉ ngơi sớm. Ông nói ngủ không ngon sẽ khiến cho cách nhìn nhận mọi việc dễ bị lệch lạc.

Tôi nghĩ ông hiểu rõ rằng lúc mệt mỏi là lúc dễ để lộ tính cách thật của con người. Mà tính cách thật sự của con người phần nhiều là không mấy tốt đẹp. Trong mấy năm làm việc, tôi đã được giáo huấn không ít.

Là đối tác làm ăn trong nhiều năm, nhưng chỉ vì một chút lợi nhuận nhỏ mà đôi bên không bên nào chịu nhường bước. Đồng nghiệp quen biết đã lâu chỉ vì một chút bất đồng ý kiến mà nói xấu lẫn nhau.

Cũng không ít người cần cù chăm chỉ làm việc nhiều năm, cuối cùng lại thất bại chỉ vì một đêm không ngủ. Hơn nữa những bi kịch này phần lớn đều xảy ra trong thời khắc con người ta mệt mỏi nhất.

Quan trọng hơn là bạn dùng thái độ nào để cán được đích

Một người đồng nghiệp lâu năm nhẹ nhàng nói với tôi, nếu muốn biết một người có thích hợp để làm việc cùng nhóm với mình không thì hãy quan sát kĩ vào tối thứ 6. Và tôi thực sự đã quan sát tỉ mỉ biểu hiện của mọi người khi tăng ca vào tối thứ 6, quả nhiên đã có không ít những phát hiện buồn cười thú vị.

Có người gào thét ầm ĩ với người nhà khi nói chuyện điện thoại, người thì cãi nhau đôi co với nhân viên giao đồ ăn nhanh do đưa đồ sai. Thậm chí có người còn phàn nàn đồng nghiệp chậm chạp lề mề hại họ cuối tuần phải tăng ca.

Hơn nữa những người này bình thường rõ ràng không phải là người so đo được mất, làm việc không hấp tấp. Thoạt nghĩ thật khiến người ta khóc không ra tiếng.

Ngược lại, có một số người đã tăng ca đến mấy ngày nhưng vẫn vui vẻ đến chỗ tôi hỏi han có gì cần giúp đỡ không.

Nói thật lòng những người đó mới là những người đồng nghiệp tốt nhất .

Tôi từng hỏi một đồng nghiệp trong văn phòng rằng: “Nếu tôi mệt đến mức nổi cáu thì phải làm sao?”. Cậu ấy chỉ nói bốn chữ: “Bình tĩnh chính mình”.

Đương nhiên, người có phẩm chất đạo đức tốt cũng không phải là thần thánh, họ cũng có lúc mệt mỏi, cũng cần được an ủi. Nhưng họ biết rằng phải xử lý vết thương của mình trước, chứ không tùy ý trút hết mọi khó chịu của mình lên người khác

Nhiều người nói rằng khi mệt mỏi rã rời thì hành vi cử chỉ của con người không còn chịu sự điều khiển của não. Tâm tư tình cảm, cách nhìn nhận thế giới cũng trở nên tiêu cực. Điều này chính bản thân tôi đã được trải nghiệm.

Nếu liên tục tăng ca thâu đêm mấy ngày, chắc tôi sẽ nóng nảy cả ngày. Bực bội những chuyện như đưa cơm không đúng giờ, gửi hàng chậm trễ, tắc đường, người đi đường cẩu thả mà bình thường tôi chẳng hề thấy phiền. Nhưng đột nhiên lúc đó lại thấy khó chịu, và bắt đầu không thể kiểm soát được tính khí nóng nảy của mình.

Chính những thời khắc ấy lại là nguyên nhân khiến con người xa cách nhau hơn. Như chuyện leo núi, đoạn đầu ai cũng vui vẻ hăng hái nhưng khi đã mệt mỏi kiệt sức mới bộc lộ rõ sự khác biệt, sự khác biệt này không chỉ là bạn có thể lên đến tới đỉnh núi nhanh ra sao, mà còn là việc bạn dùng thái độ nào để đến được tới đó.

Bởi vì thái độ này chính là phẩm chất đạo đức ẩn sâu trong mỗi con người. Những người như vậy mới xứng đáng để chúng ta kết giao.

Thanh Thanh

 

Dậy sóng với thư du học sinh Nhật gửi Việt Nam


DẬY SÓNG VỚI THƯ DU HỌC SINH NHẬT GỬI VIỆT NAM

Một bức thư được cho là của một du học sinh Nhật nói về văn hóa người Việt thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng cũng như nhận được nhiều ý kiến trái nhiều. Bài viết về văn hóa con người Việt Nam của một bạn du học sinh Nhật. Nội dung bài viết như sau:

Việt Nam – Nhà giàu và những đứa con chưa ngoan

Tôi hiện đang là một du học sinh Nhật có hơn 4 năm sinh sống tại Việt Nam. Với ngần ấy thời gian, tôi đã kịp hiểu một đạo lý giản đơn của người Việt “Sự thật mất lòng”. Nhưng không vì thế mà tôi sẽ ngoảnh ngơ trước những điều chưa hay, chưa đẹp ở đây.

Hy vọng những gì mình viết ra, không gì ngoài sự thật, như một ly cà phê ngon tặng cho mảnh đất này, tuy đắng nhưng sẽ giúp người ta thoát khỏi cơn ngủ gục – ngủ gật trước những giá trị ảo và vô tình để những giá trị thật bị mai một.

 

Tôi có một nước Nhật để tự hào

Tôi tự hào vì nơi tôi lớn lên, không có rừng vàng biển bạc. Nhưng “trong đêm tối nhất, người ta mới thấy được, đâu là ngôi sao sáng nhất”. Thế đấy, với một xứ sở thua thiệt về mọi mặt, nghèo tài nguyên, hàng năm gánh chịu sự đe dọa của hàng trăm trận động đất lớn nhỏ lại oằn mình gánh chịu vết thương chiến tranh nặng nề, vươn lên là cách duy nhất để nhân dân Nhật tồn tại và cho cả thế giới biết “Có một nước Nhật như thế”….

 

Bạn cũng có một nước Việt để tự hào

Nói Việt Nam là một “nhà giàu”, quả là không ngoa. Giàu tài nguyên, giàu truyền thống, giàu văn hóa… Nhưng con cháu của nhà giàu, sẽ phải đối mặt với những vấn đề nan giải của nhà giàu. Và không phải ai cũng biết cách sống có trách nhiệm trong sự giàu có ấy.

 

Thật đáng tự hào nếu bạn được lớn lên ở một đất nước được thiên nhiên ưu đãi với rừng vàng biển bạc. Đáng xấu hổ nếu xem đó là khoản thừa kế kếch xù, không bao giờ cạn. Nhưng thật tiếc đó lại là những gì tôi thấy. Tại các thành phố, chỉ cần nhà mình sạch sẽ là được, ngoài phạm vi ngôi nhà, bẩn đến đâu, không ai quan tâm.

Ở các nhà máy, nếu không biết dồn rác thải ở đâu, họ sẽ cho chúng ra ngoài đường, sông suối, biển cả vì đó là “tài sản quốc gia” – đã có quốc gia lo, không phải việc của mỗi người dân.

 

Tại một đất nước mà 80% dân số sống bằng nghề nông, đất đai, nước ngầm hầu như đã bị nhiễm độc, đến nỗi, người ta nói vui trong năm nữa thôi sẽ là thời đại của ung thư vì ăn gì cũng độc, không ít thì nhiều, không thể khác. Vì sao nên nỗi?

 

Thật đáng tự hào vì Việt Nam có 4.000 năm văn hiến. Thật xấu hổ nếu 4.000 năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường.

Nhưng, thật buồn vì đó cũng là điều tôi thấy mỗi ngày. Hãy chỉ cho tôi thấy rằng tôi đã sai nếu nói: Người Việt không biết xếp hàng, xếp hàng chỉ dành cho học sinh tiểu học; Người Việt không biết tự hào về người Việt, nếu không thì Flappy bird đã không phải chết yểu đau đớn; Người Việt chửi hay còn hơn hát, cứ xách ba lô ra tới thủ đô một chuyến thì sẽ được mục sở thị;

 

Người Việt vẫn còn luyến tiếc văn hóa làng xã, giai cấp nếu không phải thế thì họ đã không đứng thẳng người chửi đổng và cúi rạp mình trước quyền lực bất công mà chẳng dám lên tiếng;

Người Việt có đôi mắt siêu hạng nhất vì nhìn đâu cũng thấy cơ hội để mánh mun, lọc lừa.

 

Tôi chưa từng thấy đất nước nào mà các bậc mẹ cha dạy dỗ con cháu cố gắng học hành để sau này là bác sỹ, phi công, thuyền trưởng…mà xuất phát không vì đam mê mà vì phong bì nhiều, đút lót dễ, giàu sang mấy hồi… Vì đâu nên nỗi?

Người Việt có một nền di sản độc đáo, một nguồn sức mạnh vô cùng to lớn, ai cũng nhìn thấy, chỉ có người Việt là không thấy hoặc từ chối nhìn thấy. Vì sao nên nỗi?

 

Tôi đang nhìn thấy một thế hệ, họ không còn biết phải tin vào điều gì, thậm chí còn không dám tin vào chính mình. Là một người Việt – Khó lắm! Thật vậy sao?

 

Thiên Thanh (T/H)