Thứ Hai, 8 tháng 8, 2022

Nghèo dựa sức mình, giàu mượn sức người

NGHÈO DỰA SỨC MÌNH, GIÀU MƯỢN SỨC NGƯỜI

Chuyện trong dân gian kể rằng, có một người đàn ông nghèo, ngày không ăn đủ ba bữa, anh ta thường ngẩng lên nhìn trời và than cho số phận của mình, rằng là hàng ngày làm việc cực nhọc cũng chẳng đủ ăn trong khi lão hàng xóm ăn nhiều hơn làm lại rủng rỉnh tiền bạc.

Than mãi rồi cũng động đến trái tim Thượng Đế. Ngài ban cho người đàn ông nghèo một điều ước.

Người đàn ông nghèo đáp: “Xin thượng đế hãy biến lão hàng xóm thành nghèo khổ như con để xem rồi ai hơn ai. Nếu như lão ấy rốt cuộc tài giỏi hơn nên giàu sang hơn con thì con nguyện không oán thán gì nữa.”

Thượng Đế gật đầu, nói: “Được!”.

Thế rồi, lão nhà giàu hàng xóm bỗng chốc nghèo nàn. Thượng Đế ban cho mỗi người 1 ngôi nhà tranh vách đất trú thân và 1 quả núi. Mỗi ngày, người nghèo và người giàu nọ đều có thể đào than trên núi đem bán lấy tiền nuôi thân.

Người nghèo vốn thường quen với cuộc sống khổ cực, việc đào than đối với anh ta chẳng có khó nhọc gì nên ngày đầu tiên đã đào được 1 xe than chở xuống núi bán lấy tiền và dùng toàn bộ số tiền để mua đồ ăn ngon mang về cho mẹ già, con thơ ở nhà.

Người giàu vốn chưa bao giờ làm việc nặng nhọc, đào 1 lúc lại nghỉ, mồ hôi đầm đìa khắp thân mà vẫn chưa đào được là bao. Trời nhá nhem tối anh ta mới chất được đủ 1 xe than để mang xuống núi, bán được tiền rồi, anh ta chỉ mua vài cái bánh đủ cho cả gia đình ăn, số tiền dư anh ta cất để dành.

Người nghèo nhìn sang người đàn ông một thời giàu có kia và hả hê lắm. Cuối cùng thì, cuộc đời cũng công bằng với ông.

Ngày thứ 2, người nghèo vốn tính chăm chỉ đã dậy từ sớm để đi đào than. Mãi khi mặt trời đã quá con sào vẫn chưa thấy người giàu xuất hiện. Người nghèo thấp thỏm đứng trông. Trong thâm tâm người nghèo, ông thoáng chút ân hận vì đã lỡ ước, đẩy người hàng xóm chẳng hại ai bao giờ của mình vào thế khốn cùng.

Nhỡ, người giàu không thể giàu sang trở lại thì vợ con ông ấy biết lấy gì ăn.

Mặt trời đã hơi ngả về tây, trời dịu mát dần thì người giàu mới xuất hiện cùng 2 người nghèo khác to lớn, khoẻ mạnh. Người giàu đứng một bên chỉ đạo, chẳng mấy chốc 2 người kia đã đào được 2 xe than đầy.

Người nghèo ngẩn ngơ đứng nhìn.

Khi than đã đầy 2 xe, người nghèo thấy người giàu giao than cho 2 người nghèo kia, lấy tiền bỏ túi.

Sáng hôm sau, người nghèo cũng không thấy người giàu đâu cả, cũng không thấy 2 người kia đâu. Buổi chiều, khi mặt trời vừa ngả bóng đàng tây, trời râm mát, người giàu và 2 người đàn ông kia xuất hiện. Lần này, lão nhà giàu còn mang theo lồng gà con và nhiều thứ lỉnh kỉnh khác.

2 người nghèo kia cứ mặc sức đào than. Lão nhà giàu thì đóng đóng, che che gì đó gần túp lều tranh.

Đến chiều tà, cũng như hôm qua, 2 người nghèo kia đã đào được 2 xe than đầy ắp. Lão nhà giàu cũng đã quây xong một khu vực, có vẻ là chỗ nuôi gà. Lão nhà giàu giao than cho 2 người nghèo kia, nhận tiền về cho mình.

Ngày thứ 3, thứ 4, thứ 5…cũng vậy, cứ mỗi ngày, người đàn ông nghèo cố hết sức từ sáng đến tối cũng chỉ đào được 1 xe than, tối mịt mùng còn phải đem đi bán lấy tiền mưu sinh còn nhóm người của người giàu đào được 2 xe, lão lại chẳng mất công xuống núi đi bán.

3 tháng trôi qua, bầy gà của lão nhà giàu nhiều dần, lớn dần. Người giàu cũng cải tạo nhiều mảnh đất nhỏ đã khai thác hết than thành những mảnh vườn nhỏ xinh với nhiều loại rau.

Còn người nghèo, cuộc sống vẫn vậy, mỗi ngày một xe than là đã kiệt hết sức già. Cuộc sống chỉ đủ mưu sinh.

Lờ mờ hiểu được vì sao người giàu giàu có hơn mình, biết mình đã thua nhưng không dám thừa nhận, người nghèo quyết định đi gặp người giàu hỏi chuyện.

-2 người xúc than cho anh là ai vậy?

-À, tôi thuê lão A, lão B đang làm thuê cho ông chủ cửa hàng than dưới phố.

-Anh lấy tiền đâu mà thuê họ thế?

-À, tôi gặp ông chủ hàng than và thỏa thuận xong xuôi giá cả mua bán. Tôi hỏi ông chủ thu mua than có người đào than không thì ông ấy bảo cửa hàng ông có thuê lão A, lão B làm công buổi sáng, buổi chiều đang rỗi việc. Họ ở ngay cạnh hiệu than. Thế là tôi hỏi họ có muốn đào than thuê cho tôi mỗi buổi chiều và mang than xuống núi giao cho ông chủ hiệu than không. Họ đồng ý.

Người nghèo ồ lên một tiếng.

-Tôi đào cả ngày chỉ được 1 xe than, sao ông thuê họ có nửa ngày mà họ đào hay quá vậy?

-À, hôm đầu tiên đào tôi nhận ra buổi sáng chỗ này rất nắng, đào vã mồ hôi chẳng được gì nhiều. Nếu dành sức đào buổi chiều râm mát thì sẽ hiệu quả hơn. Hơn nữa, buổi sáng chợ đông người, tôi xuống phố tìm cơ hội kinh doanh mới.

Người nghèo lại ồ lên một tiếng.

-Thế bầy gà này…

-Khi tôi xuống phố thì thấy rằng người ta đang thích ăn thịt gà đồi, nuôi thả tự nhiên. Tôi có nguyên cả quả núi này nên nuôi thử một ít. Ở đây nguồn thức ăn tự nhiên cũng nhiều, chỉ phải phụ thêm chút thức ăn khác cho gà. Với lại, phân gà có thể dùng để bón cho mấy vườn rau kia…Cũng đỡ đi ít đồng tiền rau hàng ngày, may mắn thì có khi còn dư để bán (cười).

Người đàn ông nghèo luôn miệng xin lỗi và cảm ơn người giàu trong sự ngạc nhiên của người giàu vì người giàu cũng không hiểu vì sao người đàn ông kia xin lỗi mình.

Một năm sau, người giàu đã trở nên rất giàu có. Người nghèo cũng thoát cảnh nghèo, cuộc sống no đủ hơn nhờ học theo những gì người giàu đã dạy.

Người nghèo thì chẳng dám oán trách ông trời nữa. Ông thầm cảm tạ ông trời đã cho ông được gặp người giàu và dạy cho ông nhiều bài học quý giá.

Bài học rút ra:

-Thành công không phải là ở việc bạn có thể làm bao nhiêu việc, mà là bạn có thể “mượn” bao nhiêu người làm việc hiệu quả cho mình.

-Học cách “đi mượn” là dùng nền tảng vốn có của bạn, mượn thêm công sức của người khác, mượn khả năng của người khác, mượn sức lực của cả một hệ thống phục vụ cho mình.

-Đừng ôm đồm việc không cần thiết cho mình. Trả thêm một chút cho người làm thuê để họ “tiện đường” mang than xuống núi giao cho người mua chẳng phải tốt hơn nhiều là mất cả buổi trời đi xuống núi, trở về hay sao.

-Phải nghiên cứu kỹ những thứ mình đang có và tận dụng triệt để. Có đất trống, không nuôi gà, canh tác chẳng phải phí quá sao?

 “Đối với một công ty dù lớn hay nhỏ phải hiểu ba khía cạnh, tiền kiếm từ đâu, từ đâu để tạo ra hiện tại, tương lai, con người đóng vai trò gì ở đây? Kế hoạch kinh doanh thay đổi liên tục, có thời điểm tung sản phẩm mới, mở rộng kênh phân phối, nếu kế hoạch nhân sự tẻ nhạt thì thua. Mục tiêu kinh doanh khác nhau thì kế hoạch nhân sự cũng phải thay đổi để bộ phận kinh doanh được thúc đẩy, thì mới chuyển tư duy CEO từ xài tiền sang đầu tư”.

Theo cafef.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét