Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2022

Bến xinh xinh, người xinh xinh

BẾN XINH XINH, NGƯỜI XINH XINH

Đi ngược dòng văn học cổ điển Việt Nam và Trung Quốc, chúng ta có thể dẫn ra bao thiên diễm tình mà khởi đầu là những bước đi e ấp rụt rè, nhưng hình như càng e ấp bao nhiêu thì về sau càng đắm đuối thiết tha.

Gót ngập ngừng của nàng Thôi Oanh sau bức rèm the đã khiến Trương Quân Thuỵ đê mê chẳng nỡ rời chân. Và cuối cùng thì họ cũng bước qua được ngưỡng cửa tôn nghiêm của một gia đình thế tộc để cùng nhau hẹn ước.

Khi hai tâm hồn đồng điệu đã chấp nhận thông điệp của nhau thì điều gì đến ắt là phải đến.

Thuý Kiều đoan trang trong trướng màn che, mà dám băng qua chốn rừng khuya mượn cớ bỏ quên cành kim thoa để sang gặp Kim Trọng.

Thi hào Nguyễn Du chẳng những đã lưu lại cho đời một áng thơ bất hủ, mà cuộc đời ông lúc thiếu thời cũng từng là sự thể nghiệm một cuộc tình đẹp như những trang Kiều tuyệt tác của ông.

Xin muợn câu chuyện gần đây của nhà văn Đắc Trung về mối tình của Nguyễn Du với cô lái đò (báo PNVN số 21/93) để minh hoạ:

Hồi còn đi học ở quê với bạn thân là Nguyễn Thiệp, chàng khoa sinh họ Nguyễn đã đem lòng mến cái duyên đằm thắm của cô lái đò ngày ngày chở hai chàng sang sông.

Rồi một buổi chàng nhờ bạn chuyển cho nàng 4 câu thơ:

Ai ơi chèo chống tôi sang
Kẻo trời trưa trật lỡ làng tôi ra
Còn nhiều qua lại lại qua
Giúp nhau cho mấy để mà…

Chàng dụng ý bỏ lửng câu cuối để thử lòng cô gái. Mấy ngày sau tín hiệu đã được hồi âm. Nguyễn Thiệp cho bạn biết rằng cô định lấy hai chữ "quen nhau" điền vào chổ trống.

Từ hôm ấy, mỗi chuyến đò tuy hai người vẫn còn ý tứ chưa bắt chuyện nhưng qua ngôn ngữ của ánh mắt, họ đã hiểu lòng nhau. Ít ngày sau, người đẹp lại nhờ "sư gia" Nguyễn Thiệp báo cho tác giả bài thơ biết rằng cô muốn thay hai chữ quen nhau bằng "thương nhau".

Còn Nguyễn Du thì dựa vào tình ý đó, gửi một thông điệp thứ hai:

Quen nhau nay đã nên thương.
Cùng nhau chấp nối tơ vương chữ tình
Bến xinh xinh, người xinh xinh
Trên trời dưới nước, giữa mình với ta.

Vì những lý do ngoài ý muốn của hai người, mối tình bị dang dỡ, song dù sao kỷ niệm đẹp về mối tình đó chắc chắn không bao giờ phai mờ trong ký ức của họ.

Vì thứ nhất, những mối tình đằm thắm bao giờ cũng là sự trao đổi thông điệp hai chiều. Đó là những tín hiệu từ xa đến gần, từ thấp đến cao, từ gặp gỡ thân quen đến yêu thương gắn bó. Tần số yếu mạnh, cung bậc thấp cao là tuy theo đối tượng, nhưng bao giờ cũng đi từ tiệm tiến đến đột biến.

Tình yêu là sự hoà hợp giữa hai tâm hồn đồng điệu. Nhưng cuộc phiêu lưu tình ái bằng những bước mạo hiểm thường dẫn đến sự đổ vỡ đáng tiếc, mà nguyên nhân chính là xuất phát từ một quan niệm thô thiển về tình yêu.

Còn khi cả hai người cùng ‘chọn mặt gửi vàng’ thì sớm muộn gì thông điệp gửi đi cũng có hồi âm thuận lợi.

Nét đẹp thứ hai của những mối tình được truyền tụng đến nay là cả hai trái tim cùng hoà điệu, nhưng họ có thể đắm đuối mà không mù quáng, nhất là người con gái. Cho nên ngay cả khi tơ duyên bị dang dở, họ vẫn giữ được ‘tiết sạch trong’ và những kỷ niệm ngọt ngào suốt đời không phai lạt.

Biết giử một khoảng cách cần thiết, đó là tôn trọng lẫn nhau và cũng là bí quyết củng cố cho tình yêu bền vững.

Tình yêu chân chính không có con đường tắt dẫn đến hạnh phúc lứa đôi. Cho nên xin đừng vội trách yêu nhau mà sao phải ‘bài bản’ đến thế.

Có hạnh phúc nào hơn khi tuổi trẻ hôm nay được tự do tìm hiểu lẫn nhau, chẳng sợ người đời xét nét, nhưng mọi sự sa dà đều dẫn đến những hậu quả không lường hết được.

Suy ngẫm về cái cốt cách đạo lý nhân bản của những thiên diễm tình thuở trước chính là tiếp sức cho sự nảy nở những mối tình đẹp hôm nay.

 

 

Hiệu ứng Cửa sổ vỡ

 

HIỆU ỨNG “CỬA SỔ VỠ

Thuyết “Cửa sổ vỡ” được 2 giáo sư người Mỹ là James Q. Wilson và George L. Kelling giới thiệu đầu tiên trong một bài báo vào tháng 3/1982

“Nếu một tòa nhà với một vài cửa sổ bị phá vỡ và không được sửa chữa sẽ có xu hướng thu hút những kẻ phá hoại phá thêm vài cửa sổ khác. Cuối cùng, họ có thể đột nhập vào tòa nhà, và nếu nó trống, họ sẽ chiếm lấy nó hoặc thậm chí đốt phá nó.

Tương tự như vậy, nếu một vỉa hè có rác tích tụ, thì người ta sẽ tiếp tục xả rác hoặc để cả túi rác ở đó …”

Vào những năm 60, 90 của thế kỷ trước, New York có tỉ lệ tội phạm rất cao mặc dù lúc đó New York đã là một thủ đô tài chính của thế giới. Khắp thành phố, đầy bức tường vẽ sơn chằng chịt, trộm cắp vặt, trốn vé tàu điện, các vụ giết người và mua bán ma tuý …

Thế rồi, hai thanh tra cảnh sát là David Gunn và William Bratton được phái đến để làm trong sạch hệ thống tàu điện ngầm của New York, vốn là huyết mạch giao thông của gần 97% người dân thành phố.

Chỉ sau một vài năm, tình hình tội phạm ở New York đã tụt giảm nhanh xuống 65%. Hai “chuyện nhỏ bé” là xóa sạch những hình sơn vẽ và đưa nhân viên cảnh sát mặc thường phục có mặt tại các nhà ga để bắt những vụ trốn vé tàu… đã làm thay đổi bộ mặt và nét văn hóa của New York.

Khi 2 thanh tra quyết định làm những “chuyện nhỏ bé”, có rất nhiều lời khuyên rằng 2 ông nên tập trung vào những chuyện to tát như án mạng hay buôn bán ma tuý. Nhưng rốt cuộc những chuyện lặt vặt mà 2 ông quyết tâm thực hiện đã mang lại kết quả toàn diện.

Một căn phòng nếu như có cửa sổ bị vỡ, nếu không có ai đi tu bổ, không lâu sau, các cửa sổ khác cũng sẽ vô duyên vô cớ bị người đập vỡ.

Một bức tường xuất hiện hình vẽ mà không bị tẩy sạch, rất nhanh trên tường sẽ xuất hiện hàng loạt những nét vẽ nguệch ngoạc, những hình vẽ khó coi.

Tại một nơi rất sạch sẽ, mọi người sẽ không vô ý ném rác ra đó, nhưng một khi trên mặt đất có rác rưởi xuất hiện, mọi người sẽ không chút do dự ném loạn rác rưởi mà không chút cảm thấy xấu hổ.

Đây chính là lý luận của hiệu ứng “Cửa sổ vỡ”. Đồ tốt mọi người sẽ tận lực bảo hộ nó, nhưng đồ tốt một khi có vết tích, mọi người sẽ tự giác mặc kệ nó trở nên tệ hơn. Tựa như một số người nghiện thuốc, lần thứ nhất không để ý, sau này lâm vào tình trạng nghiện thuốc mà không thể tự thoát ra được, hủy hoại thân thể của mình.

Để một thứ tốt trở thành xấu, thường thường là từ một hành vi rất nhỏ sinh ra đấy. Tựa như lần thứ nhất đến trễ, không có bị trừng phạt, rồi mới dưỡng thành thói quen đến trễ; lần thứ nhất hạ thấp yêu cầu đối với chính mình, cuối cùng đối với mình không còn muốn yêu cầu nữa.

Cho nên, đừng bỏ mặc cơ hội lần thứ nhất, đừng phá vỡ cánh cửa sổ đầu tiên.

Tuệ Tâm, theo SOH

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2022

Bố mẹ nên cho con bao nhiêu tiền tiêu vặt?

BỐ MẸ NÊN CHO CON BAO NHIÊU TIỀN TIÊU VẶT?

Nuôi dạy con cái là trách nhiệm hàng đầu của cha mẹ. Con có trở thành người tốt trong xã hội hay không còn phụ thuộc vào phương pháp giáo dục con của bạn có hợp lý không.

“Uốn cây từ thuở còn non”, ngay từ khi con còn bé, chúng ta cần dạy chúng từ những việc nhỏ nhất như những kĩ năng giao tiếp, nói chuyện với người lớn, quản lý tiền bạc…thì mới có nền tảng để thực hiện những việc lớn sau này.

Câu chuyện dưới đây của một người mẹ kể về việc mỗi tháng cô cho các con bao nhiêu tiền tiêu vặt sẽ giúp các bậc phụ huynh có thêm kinh nghiệm dạy con về vấn đề quản lý tiền nong, đồng thời hướng các con đến việc thấu cảm những nỗi khổ của cha mẹ khi vất vả làm việc.

Câu chuyện như sau:

Các con tôi ngày một trưởng thành, nhu cầu tiền tiêu vặt của chúng cũng ngày một nhiều hơn. Một tháng ngoài việc mua những đồ dùng học tập, bọn trẻ cũng cần tiền để đi chơi với bạn bè. Và điều khiến tôi đau đầu là một tháng nên cho con bao nhiêu tiền tiêu vặt?

Vì không muốn các con có thói quen tiêu tiền bừa bãi, nên tôi quyết định cho các con một ít tiền tiêu vặt mà thôi.

Có những phụ huynh dùng phương thức thưởng tiền tiêu vặt cho các con. Ví dụ như thành tích học tập cao, giúp bố mẹ làm việc nhà, làm những việc khiến cha mẹ vui lòng thì sẽ thưởng tiền tiêu vặt cho con.

Các con cũng đã từng hỏi tôi: “Nếu thành tích kiểm tra của con cao, mẹ có thưởng tiền tiêu vặt cho bọn con không ạ”.

Tôi từng cho rằng cách này có thể dùng để khuyến khích các con học tập, nhưng sau này phát hiện ra rằng đó không phải là một cách hay. Ngược lại khiến cho bọn trẻ có thói quen hám lợi. Từ đó tôi thay đổi phương pháp, trực tiếp dạy các con rằng:

Các con là một học sinh thì phải chăm chỉ học hành, nâng cao thành tích học tập; sau này lớn lên, làm nhân viên của một công ty thì phải làm tốt công việc, nâng cao khả năng nghiệp vụ của mình, đó mới chính là tiêu chuẩn làm người. Mỗi người đều phải cố gắng vì trách nhiệm của mình. Các con thấy có đúng không?”.

Bọn trẻ cũng rất thích so sánh, có lúc chúng về nhà nói với tôi rằng tiền tiêu vặt của bạn này nhiều, bạn kia dùng ví hàng hiệu, rồi nhà bạn nọ rất to. Mỗi lần như vậy tôi luôn nhắc nhở các con:

Trên thế giới này còn có rất nhiều người ăn không no, mặc không đủ ấm. Vận mệnh của mỗi người là khác nhau, vì vậy đừng ngưỡng mộ các bạn có nhiều tiền tiêu vặt, hơn nữa tiền tiêu vặt nhiều quá ngược lại thậm chí chẳng có ích gì cho các con. Có những người giàu có thậm chí còn không cho con tiền tiêu vặt, và để cho các con tự mình làm việc kiếm tiền tiêu vặt, như vậy các con mới có thể hiểu được nỗi vất vả của cha mẹ”.

Mấy tháng sau, tôi phát hiện các con không còn xin tôi tiền tiêu vặt nữa, tôi hỏi nguyên nhân thì bọn trẻ nói rằng: “Chúng con không xin tiền tiêu vặt của mẹ nữa, bởi vì chúng con muốn tự mình làm việc kiếm tiền, mẹ giúp chúng con con tìm công việc để kiếm tiền nhé”.

Tôi rất ngạc nhiên về sự thay đổi của con. Tôi chợt nhớ ra rằng gần đây công việc quá bận rộn nên tôi không còn dùng mọi cách để bắt ép các con học tập cũng như kiểm soát chúng trong cuộc sống.

Là một người mẹ, tôi luôn hi vọng các con có thể trưởng thành hơn, tự mình lựa chọn cách sống và học tập của mình. Vốn cho rằng việc nới lỏng không nghiêm khắc trong việc giáo dục sẽ mang lại kết quả không tốt, nhưng thật không ngờ việc nói chuyện bàn luận với các con làm cho các con trở nên hiểu chuyện hơn. Chuyện ngỡ không hay mà lại thành hay.

Lời bàn:

Yêu thương con không phải là việc sau này bạn để lại cho con những mảnh đất lớn, những căn nhà biệt thự hay số tiền kếch xù trong tài khoản ngân hàng, mà chỉ cần là những bài học ý nghĩa trong cuộc sống này. Trẻ nhỏ rất hiểu chuyện, chỉ cần bạn chân thành đưa ra những lời khuyên và vấn đề mà mình đang gặp phải cho con nghe, chắc chắn con sẽ thông cảm với những khó khăn của bố mẹ mình.

Đơn giản từ việc cho con bao nhiêu tiền tiêu vặt, bạn cũng đã dạy cho con những giá trị trong cuộc sống này như không nên ghen tị, so sánh với người khác, muốn giàu có thì hãy tự đứng trên đôi chân của mình và nỗ lực làm việc. Tuy là những điều nhỏ bé nhưng chúng cũng có thể làm nên một con người vĩ đại.

Thanh Tâm