THÔNG THẠO 10 NGÔN NGỮ: BÍ QUYẾT HỌC TẬP CHỈ DỰA VÀO 3 TỪ
Steve Kauffman, nguyên là một nhà ngoại giao người Canada. Ông bắt đầu học tiếng Pháp – ngoại ngữ đầu tiên năm 17 tuổi, và sau đó học tiếng Tây Ban Nha, Trung Quốc, Nhật Bản, Ý, Đức, Thụy Điển, Hàn Quốc và Nga.
Ở tuổi 70, Steve đã thông thạo hơn 10 ngôn ngữ và biết tiếng địa phương của một số quốc gia, ví dụ, ông có thể nói tiếng Quảng Đông trôi chảy. Bởi vậy, ông được mọi người gọi là “nhà ngôn ngữ học”.
Trong cuốn sách Trở thành nhà ngôn ngữ học xuất bản năm 2007, Steve đã chia sẻ phương pháp học ngoại ngữ của mình thông qua cuộc trò chuyện giữa hai vị cổ nhân Trung Quốc, Trang Tử và Huệ Tử.
Huệ Tử từng nói với Trang Tử: “Nhà tôi có một cây lớn nhưng gỗ xấu. Thân nó lồi lõm, cành nó cong queo, không thể xẻ ra làm gỗ được. Tuy mọc ngay ở bên đường mà không người thợ mộc nào thèm ngó tới”.
Trang Tử đáp lại rằng: “Sao không trồng nó ở chỗ quang vắng, để nó phát triển thoải mái và mọi người có thể dạo chơi thảnh thơi ngủ dưới bóng mát của nó, chẳng phải tốt hơn sao?”
Tương tự như vậy, những người tuân theo bản chất tự nhiên của mình và theo đuổi lối đi riêng sẽ có thể để đạt được hạnh phúc. Họ là những người độc lập và vững tin hơn.
Một người học ngôn ngữ thật thụ phải giống như cái cây cong của Trang Tử: Không cầu hình thức hoàn mỹ, quan trọng là ở cá tính độc lập. Thuận theo sự mong muốn tự nhiên, ắt sẽ tự nhiên mày mò và quan tâm, tận dụng hoàn cảnh tự nhiên để phát triển, dần dần làm quen, cuối cùng có thể sử dụng ngôn ngữ một cách tự nhiên và thành thạo.
Vậy, làm thế nào để đạt được điều này? Theo Steve Kauffman, nó được gói gọn trong 3 từ.
1. Thuần khiết
“Mỗi người đều là nhà ngôn ngữ học bẩm sinh, mỗi người đều có khả năng thành thạo 2,3, thậm chí là 9 ngôn ngữ, miễn là bạn có thể tìm ra cách giải phóng tiềm năng này. Biện pháp tốt nhất là trở về trạng thái của trẻ em”, Steve Kauffman nói.
Thế giới của trẻ em vô cùng thuần khiết, không có nhiều tạp niệm. Chúng đối với việc học tập là hoàn toàn xuất phát từ nội tâm, không có suy nghĩ nào khác. Chỉ cần tìm thấy cảm hứng với điều gì đó, chúng sẽ chú tâm tập trung và cảm thấy yêu thích vô cùng.
Trẻ em đối với việc học ngôn ngữ, là không có quy tắc và ngữ pháp, chúng chỉ nghe, quan sát và bắt chước. Các từ và câu được trẻ tích lũy từng chút một, từ việc không nói cho đến khi muốn nói, chúng hiếm khi lo sợ bị mắc lỗi. Nếu môi trường xung quanh đủ khoan dung và tích cực để mang đến cho bạn nhiều sự khích lệ, thì năng lực của bạn sẽ ngày càng được phát huy hơn.
2. Chuyên chú
Steve nói rằng học ngôn ngữ giống như tình yêu, bạn cần phải cống hiến hết mình. Ai đó có thể học được hai ngôn ngữ cùng một lúc, nhưng tôi không thể, tôi chỉ có thể tập trung vào một ngôn ngữ tại một thời điểm.
Ví dụ, tôi yêu tiếng Nga. Tất cả năng lượng của tôi là dành cho tiếng Nga và tôi không thể nghĩ đến tiếng Bồ Đào Nha. Tôi nghe các bản ghi âm tiếng Nga bằng iPod của mình cả ngày và tôi cảm thấy mình phải tập trung vào một thứ trong một thời gian.
Chuyên chú vào một việc mới có thể làm tốt việc đó, đạo lý này có lẽ mọi người đều đã biết.
Chúng ta từ khi học tiểu học đã biết rằng, một tờ giấy cũng có thể được đốt cháy dưới ánh mặt trời bằng kính lúp. Ánh sáng và sức nóng của mặt trời trong một phạm vi nhất định tập trung ở một điểm nhỏ, do đó nhiệt độ tại thời điểm này tiếp tục tăng lên và cuối cùng giấy bị đốt cháy. Đây là tác dụng của sự tập trung, sức mạnh của sự tập trung.
Tuân Tử nói: “Con giun đất không có móng vuốt bén nhọn và gân cốt cứng chắc, nhưng trên thì ăn được bùn đất, dưới thì uống được nước suối vàng, là do dụng tâm của nó chuyên nhất”. (Nguyên văn: “Dẫn vô trảo nha chi lợi, cân cốt chi cường, thượng thực ai thổ, hạ ẩm hoàng tuyền, dụng tâm nhất dã”).
Vì vậy, trong quá trình học ngôn ngữ, bạn cần kiên định mục tiêu, tránh những quấy nhiễu, từ chối cám dỗ và ổn định cảm xúc.
3. Dung nhập
Khi Steve học tiếng Trung Quốc ở Hồng Kông, ông gần như coi mình là người Trung Quốc và đắm chìm cả ngày trong giọng nói và hương vị của Trung Quốc. Giống như một người Trung Quốc, ông ăn mì giá rẻ ở góc phố, ông cũng vào nhà hàng để thưởng thức các món ăn Quảng Đông sang trọng và uống rượu Mao Đài.
Ngược lại, nhiều người trong chúng ta chỉ coi mình là người ngoài cuộc trong khi học tiếng Anh. Chắc chắn sẽ rất khó để học theo cách này. Để học một ngôn ngữ, hãy cố gắng dung nhập mình vào hoàn cảnh môi trường của ngôn ngữ đó.
Làm thế nào để dung nhập bản thân với môi trường?
Bạn có thể sử dụng 3 phương pháp sau:
Phải nghe nhiều
Chỉ cần không phải đi ra ngoài, Steve liền cả ngày ngồi cạnh chiếc máy ghi âm và nghe băng tiếng Quan thoại, nghe từ sáng đến tối. Nội dung dẫu đã nghe kỹ vẫn không cảm thấy mệt mỏi, và ông nhận thấy rằng đó là phương pháp hiệu quả nhất để học ngôn ngữ.
Trẻ em học ngôn ngữ cũng chính là nghe hiểu trước, nghe hiểu rồi mới bập bõm nói. Steve nói rằng, ông thường lắng nghe nhiều hơn và khi biết người khác đang nói gì, ông sẽ có thêm can đảm để mở miệng và giao tiếp với người khác.
Khi chúng ta học tiếng Anh cũng vậy, chúng ta phải lắng nghe nhiều hơn. Giống như Steve, bạn có thể tìm thấy rất nhiều tài liệu mà bạn quan tâm để nghe và hiểu. Khi đã nghe rất nhiều rồi, bước sang giai đoạn “nói” thì có thể sẽ là ‘nước chảy thành sông’.
Có thể tưởng tượng
Steve thường nghe Hou Baolin biểu diễn Xiangsheng (nói chuyện chéo), cũng như nghe Kinh kịch. Âm nhạc của Kinh kịch kích thích trí tưởng tượng của ông về Trung Quốc cổ đại.
Ông ấy cũng xem “Lạc đà tường tử”, mặc dù có nhiều từ chưa biết, nhưng điều đó không ngăn ông hiểu được điều kiện sống và cảm xúc của người dân Trung Quốc trong thời đại đó. Trí tưởng tượng kỳ lạ này là động lực giúp ông học nhiều ngôn ngữ.
Khi học một ngôn ngữ, chúng ta hãy nhập vai vào những cảnh chúng ta đọc và tưởng tượng một cách tự do, như vậy việc học tập sẽ có kết quả tốt hơn.
Giao tiếp nhiều hơn
“Tôi cũng muốn học tiếng Bồ Đào Nha, vì tôi có một người bạn nói tiếng Bồ Đào Nha. Tôi rất vui khi nói chuyện với anh ấy và nói chuyện với anh ấy mỗi tuần một lần”, Steve nói.
Không phải ai cũng có điều kiện để đến trực tiếp quốc gia, nơi có ngôn ngữ đang theo học để kết bạn, nhưng có thể thực hiện các bài tập nói với bạn cùng lớp, hoặc nói chuyện bằng tiếng Anh.
Trên con đường chinh phục tri thức, dẫu học bất cứ điều gì cũng đều sẽ gặp phải những thất bại lớn hoặc nhỏ. Học ngôn ngữ cũng như thế. Tuy nhiên, như Steve đã nói, “Những thất bại nhỏ chắc chắn là có, nhưng ngay cả khi nói sai, điều đó cũng không thành vấn đề. Mục đích của tôi không phải là hoàn hảo, mà là có thể nói, hiểu và tận hưởng”.
Không sợ bị mắc lỗi và dám nói, điều này cực kỳ quan trọng đối với việc học bất kỳ một loại ngôn ngữ nào.
Theo NTDVN