Thứ Ba, 19 tháng 7, 2022

Có một tỉ phú cả đời đi kiếm tiền cho người khác


CÓ MỘT TỈ PHÚ CẢ ĐỜI ĐI KIẾM TIỀN CHO NGƯỜI KHÁC

 

Tỷ phú Charles F. Feeney sinh năm 1931 là một người Mỹ gốc Ireland. Vị tỷ phú này thường được gọi với cái tên thân mật là Chuck Feeney và được giới truyền thông Mỹ đặt cho biệt danh là “James Bond của giới từ thiện”.

 

Đam mê kinh doanh của ông được thể hiện rõ ngay từ nhỏ. Thời thơ ấu, Chuck Feeney nghĩ ra đủ mọi cách để có thể kiếm tiền. Ông sẵn sàng gõ cửa từng nhà để bán thiệp Giáng sinh hay dọn tuyết trên đường, nhặt bóng trên sân golf…

 

Những năm gần đây, Chuck Feeney cùng với người vợ Helga của ông sống trong một căn hộ cho thuê tại San Francisco. Dù mang tiếng là tỷ phú nhưng Chuck Feeney lại không có nhà đẹp xe sang hay bất kỳ vật dụng xa xỉ nào.

Tính đến nay, vị tỷ phú không nhà, không xe hơi này đã quyên góp hơn 8 tỷ USD cho các hoạt động hỗ trợ giáo dục đại học, y tế công cộng, nhân quyền và các nghiên cứu khoa học.

 

Chuck Feeney kín tiếng tới mức, mãi tới 1988, cả thế giới mới biết đến sự giàu có của ông. Đó chính là lần đầu tiên Forbes ước tính vị tỷ phú này có khoảng 1,3 tỷ và độ giàu có xếp thứ 31 tại Mỹ. Thế nhưng, tài sản thực của Chuck Feeney vẫn là một ẩn số, chỉ sau những lần làm từ thiện, con số này mới dần được hé lộ.

 

Dù kiếm được tiền tỷ từ sớm cùng với tổng tài sản lên tới 8 tỷ USD (theo New York Times) nhưng Chuck Feeney lại có cuộc sống riêng tư rất bình lặng và đơn giản, không xa hoa. Trong nhiều năm ở New York bữa trưa của ông không phải ở các nhà hàng sang trọng mà là ở khu nhà Irish Pavilion Tommy Makem trên phố East 57th với những chiếc bánh mì kẹp thịt. 

 

Vị tỷ phú này từng chia sẻ, ông rất quý trọng tiền bạc và cũng rất ghét phung phí nó. Quan điểm tiết kiệm được Chuck Feeney áp dụng để nuôi dạy, giáo dục 5 người con của mình ngay từ nhỏ. Vị tỷ phú gốc Ireland đã dạy các con của mình cách kiếm tiền và sử dụng một cách khôn ngoan.

Chuck Feeney cho rằng cách giáo dục nghiêm khắc như thế sẽ giúp các con mình hiểu được giá trị của lao động cũng như đồng tiền. 

 

Tỷ phú Feeney đã yêu cầu con trai mình đi làm hầu bàn, con gái làm bồi phòng khách sạn hoặc thu ngân trong các kỳ nghỉ hè để kiếm thêm thu nhập. Điều đáng nói, các con của vị tỷ phú này hoàn toàn đồng tình với cách giáo dục của cha, thậm chí còn rất tự hào vì có một người cha như thế.

 

Sống “keo kiệt” với bản thân và gia đình nhưng Chuck Feeney lại rất hào phóng với xã hội. Hành trình “sống để cho đi” của tỷ phú Feeney chính thức bắt đầu từ ngày 23/11/1984, ngày hôm đó, Chuck Feeney cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm và thanh thản.

Nguyên nhân bởi, người đàn ông này đã “cống hiến” toàn bộ tài sản của mình, bao gồm tiền mặt cùng với 38,75% cổ phần sở hữu trong DFS cho tổ chức do chính ông sáng lập, ngày nay được biết đến là Atlantic Philanthropies (Quỹ từ thiện Đại Tây Dương). 

 

Quỹ từ thiện này là nơi ông thực hiện ước mơ của cả cuộc đời mình, khao khát làm những điều có thể mang đến thay đổi lớn cho mọi người. Vị tỷ phú này đã giao cho giáo sư luật Harley Dale, làm giám đốc điều hành mọi hoạt động từ thiện của ông.

Sau đó, ông tiếp tục hoạt động quản lý doanh nghiệp, mua bán tài sản trên khắp thế giới. Do đó, mọi người vẫn nghĩ Chuck Feeney là một tỷ phú như trước kia, ngay cả tạp chí Forbes cũng thế. Mọi thứ cứ ngỡ sẽ được giấu kín mãi mãi. Năm 1988, Chuck Feeney vẫn được xếp ở vị trí thứ 23 trong danh sách những tỷ phú giàu nhất hành tinh.

 

Trong nhiều năm nay, Chuck Feeney đã giữ bí mật về lòng nhân ái cũng như sự hào phóng của mình. Cho đến năm 1997, những hoạt động từ thiện của vị tỷ phú này mới được hé lộ sau khi ông bán cổ phần của mình trong Duty Free Shoppers cho hãng thời trang cao cấp của Pháp LVMH.

Khi đó, người ta mới biết đến Tổ chức từ thiện Đại Tây Dương do Chuck Feeney sáng lập.

 

Tổ chức này đã trao tặng hàng tỷ USD vào giáo dục, khoa học, chăm sóc y tế cũng như bảo vệ nhân quyền... cho Mỹ, Ireland. Đồng thời, tổ chức cũng chi một lượng lớn tiền cho các công tác từ thiện ở Việt Nam, Australia, Nam Phi, Thái Lan và Cuba. Riêng Việt Nam, trong khoảng thời gian từ năm 1998 đến 2013, Atlantic đã tài trợ gần 382 triệu USD cho các thư viện, đại học và xây dựng hệ thống y tế công cộng.

 

Ông đã quyên góp toàn bộ tài sản của mình cho việc từ thiện với hi vọng cải thiện đời sống của con người và giúp xã hội phát triển tốt đẹp hơn. Chuck Feeney khao khát hoàn thành tâm nguyện của mình đó là “cho đi khi còn đang sống” và “không nợ nần, không vướng bận gì khi nhắm mắt xuôi tay”.

  

Với những hành động cao thượng của mình, Chuck Feeney đã khơi gợi nguồn cảm hứng cho nhiều tỷ phú khác trên thế giới cam kết cho đi phần lớn tài sản để làm từ thiện, điển hình như Bill Gates và Warren Buffett.

 

Charles Feeney hiện đã 91 tuổi. Dù hiện tại gần như “tay trắng” nhưng ông tiết lộ bản thân mình hạnh phúc hơn bất cứ lúc nào. Trong bốn thập kỷ qua, người đàn ông này đã quyên góp hơn 8 tỷ USD cho các tổ chức từ thiện, trường đại học và các quỹ trên toàn thế giới.

 

Nói cách khác, tỷ phú Chuck Feeney đã cho đi 99% số tài sản mà mình sở hữu. Với những đóng góp to lớn và thầm lặng đó, Forbes đã gọi ông là James Bond của Lòng từ thiện.

 

Thứ Hai, 18 tháng 7, 2022

Hội chứng sợ xấu: Mặc cảm về ngoại hình


HỘI CHỨNG SỢ XẤU: MẶC CẢM VỀ NGOẠI HÌNH (BODY DYSMORPHIC DISORDER)

 

Mặc cảm về ngoại hình (Body Dysmorphic Disorder - BDD) là một dạng rối loạn tâm thần ảnh hưởng đến khoảng 1.7 – 2.4% dân số thế giới. Người mắc chứng hội chứng này bị ám ảnh quá mức về các khuyết điểm trên khuôn mặt và cơ thể dẫn đến cảm giác đau khổ, lo âu và ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống. 

Nỗi ám ảnh về ngoại hình này có thể dẫn đến những phiền muộn đáng kể hoặc suy giảm chức năng nghiêm trọng. Những nỗi ám ảnh này đa số hình thành bắt đầu từ độ tuổi vị thành niên cho đến trưởng thành.

Nguyên nhân của Rối loạn mặc cảm ngoại hình 

Nguyên nhân của Rối loạn mặc cảm ngoại hình được cho là sự kết hợp của các yếu tố môi trường, tâm lý và sinh học. Bị bắt nạt hoặc trêu chọc có thể tạo ra hoặc thúc đẩy cảm giác kém cỏi, xấu hổ và sợ bị chế giễu, tuy nhiên hiện nay nguyên nhân chính xác vẫn chưa được xác định.

Năm 2017 Weingarden, Curley, Renshaw và Wilhelm đã tiến hành một nghiên cứu trên 165 người có rối loạn mặc cảm ngoại hình. Kết quả:

 96,3% cho rằng trải nghiệm bị bắt nạt là lý do dẫn tới việc phát triển các triệu chứng của họ. Ngoài ra, hầu hết các sự kiện được báo cáo là từ những mâu thuẫn giữa các cá nhân đã từng xảy ra tại trường cấp hai hoặc trong khoảng thời gian học cấp hai.

Một số các yếu tố khác có ảnh hưởng đến sự hình thành của Rối loạn mặc cảm ngoại hình được báo cáo là:

  • Khoảng 26.3% người báo cáo rằng họ cảm thấy áp lực bởi những tiêu chuẩn về vẻ đẹp mà xã hội đã đặt ra.
  • Khoảng 7.4% người cảm thấy ám ảnh về ngoại hình của họ khi mãi so sánh bản thân với những người khác. 
  • Khoảng 5.7% người cảm thấy áp lực bởi những lời chê bai và dèm pha từ phía gia đình.

Tác động của mạng xã hội lên Rối loạn mặc cảm ngoại hình. 

Ryding và Kuss (2019) phát hiện rằng mạng xã hội đã và đang góp phần làm gia tăng đáng kể sự tự ti về ngoại hình của những người sử dụng.

Kết quả của nghiên cứu này cũng cho thấy, việc thường xuyên sử dụng mạng xã hội để theo đuổi những tiêu chuẩn và xu hướng sắc đẹp có thể là nguyên nhân trung gian hình thành nên rối loạn mặc cảm ngoại hình. Không những thế, triệu chứng rối loạn mặc cảm ngoại hình sẽ càng thêm nghiêm trọng nếu lạm dụng việc sử dụng mạng xã hội.

Không những thế, rối loạn mặc cảm ngoại hình còn có thể đi kèm với một số các rối loạn tâm lý khác như:

  • Rối loạn mặc cảm ngoại hình (BDD) có thể dẫn đến rối loạn lo âu, trầm cảm và ám ảnh sợ xã hội. Người có rối loạn mặc cảm ngoại hình có chất lượng cuộc sống suy giảm, cần sự can thiệp của trị liệu tâm lý, số lần suy nghĩ đến cái chết và tự tử cao. khoảng 76% người có BDD từng trải qua giai đoạn trầm cảm.
  • Khoảng 32% người có BDD từng được chẩn đoán bị ảnh hưởng bởi Rối loạn ám ảnh cưỡng chế. 
  • Khoảng 37% người mắc BDD từng trải qua ám ảnh sợ xã hội.
  • Một số rối loạn ăn uống như chán ăn (anorexia nervosa), hoặc ăn ói (bulimia nervosa) cũng đôi khi được quan sát thấy ở người có rối loạn mặc cảm ngoại hình.

Trị liệu Rối loạn mặc cảm ngoại hình

Hai phương pháp thường được áp dụng trong trị liệu là trị liệu tâm lý qua liệu pháp nhận thức hành vi và điều trị y tế qua cách dùng thuốc chống trầm cảm. Tuy vẫn chưa có thuốc nào hỗ trợ đặc trị cho rối loạn mặc cảm ngoại hình riêng, việc sử dụng thuốc trị trầm cảm và rối loạn ám ảnh cưỡng chế cũng mang đến những hiệu quả tích cực: 

  • Liệu pháp nhận thức hành vi: Một số nghiên cứu cho thấy liệu pháp nhận thức hành vi đã thành công trong việc làm giảm mức độ nghiêm trọng của BDD và các triệu chứng liên quan như trầm cảm. 
  • Điều trị y tế bằng cách dùng thuốc chống trầm cảm: Thông thường là thuốc có thành phần ức chế tái hấp thu chọn lọc hoóc môn serotonin (hoóc môn mang đến trạng thái hưng phấn) để tăng nồng độ serotonin có trong não bộ. Tuy nhiên, thuốc chống trầm cảm thường cần phải được sử dụng ở hàm lượng cao mới có thể phát huy tác dụng rõ ràng và khi ngừng uống thuốc, các triệu chứng trầm cảm có thể tái phát. 

Việc chẩn đoán chậm trễ và thiếu hiểu biết chuyên sâu về bản chất tâm lý của người có thể có rối loạn mặc cảm ngoại hình là rào cản lớn đối với việc can thiệp trị liệu hiệu quả cho rối loạn này. 

Trong cuộc sống hiện đại, ngoại hình càng được coi trọng và đánh giá trên nhiều tiêu chí. Nhưng ngoại hình con người không phải lúc nào cũng ở tình trạng hoàn hảo, việc có khiếm khuyết trên cơ thể là điều rất phổ biến, chúng ta có thể không hài lòng một chút về nó.

Tuy nhiên khi mặc cảm này quá lớn, ít có căn cứ thực tế và ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động sống thông thường, thì đó không chỉ còn là vấn đề ngoại hình thông thường.

Nếu quan sát thấy những dấu hiệu này ở bản thân hay một người thân quen, điều quan trọng có thể làm là tìm hiểu và tìm kiếm sự hỗ trợ kịp thời bạn nhé!