Thứ Hai, 18 tháng 7, 2022

Hội chứng sợ xấu: Mặc cảm về ngoại hình


HỘI CHỨNG SỢ XẤU: MẶC CẢM VỀ NGOẠI HÌNH (BODY DYSMORPHIC DISORDER)

 

Mặc cảm về ngoại hình (Body Dysmorphic Disorder - BDD) là một dạng rối loạn tâm thần ảnh hưởng đến khoảng 1.7 – 2.4% dân số thế giới. Người mắc chứng hội chứng này bị ám ảnh quá mức về các khuyết điểm trên khuôn mặt và cơ thể dẫn đến cảm giác đau khổ, lo âu và ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống. 

Nỗi ám ảnh về ngoại hình này có thể dẫn đến những phiền muộn đáng kể hoặc suy giảm chức năng nghiêm trọng. Những nỗi ám ảnh này đa số hình thành bắt đầu từ độ tuổi vị thành niên cho đến trưởng thành.

Nguyên nhân của Rối loạn mặc cảm ngoại hình 

Nguyên nhân của Rối loạn mặc cảm ngoại hình được cho là sự kết hợp của các yếu tố môi trường, tâm lý và sinh học. Bị bắt nạt hoặc trêu chọc có thể tạo ra hoặc thúc đẩy cảm giác kém cỏi, xấu hổ và sợ bị chế giễu, tuy nhiên hiện nay nguyên nhân chính xác vẫn chưa được xác định.

Năm 2017 Weingarden, Curley, Renshaw và Wilhelm đã tiến hành một nghiên cứu trên 165 người có rối loạn mặc cảm ngoại hình. Kết quả:

 96,3% cho rằng trải nghiệm bị bắt nạt là lý do dẫn tới việc phát triển các triệu chứng của họ. Ngoài ra, hầu hết các sự kiện được báo cáo là từ những mâu thuẫn giữa các cá nhân đã từng xảy ra tại trường cấp hai hoặc trong khoảng thời gian học cấp hai.

Một số các yếu tố khác có ảnh hưởng đến sự hình thành của Rối loạn mặc cảm ngoại hình được báo cáo là:

  • Khoảng 26.3% người báo cáo rằng họ cảm thấy áp lực bởi những tiêu chuẩn về vẻ đẹp mà xã hội đã đặt ra.
  • Khoảng 7.4% người cảm thấy ám ảnh về ngoại hình của họ khi mãi so sánh bản thân với những người khác. 
  • Khoảng 5.7% người cảm thấy áp lực bởi những lời chê bai và dèm pha từ phía gia đình.

Tác động của mạng xã hội lên Rối loạn mặc cảm ngoại hình. 

Ryding và Kuss (2019) phát hiện rằng mạng xã hội đã và đang góp phần làm gia tăng đáng kể sự tự ti về ngoại hình của những người sử dụng.

Kết quả của nghiên cứu này cũng cho thấy, việc thường xuyên sử dụng mạng xã hội để theo đuổi những tiêu chuẩn và xu hướng sắc đẹp có thể là nguyên nhân trung gian hình thành nên rối loạn mặc cảm ngoại hình. Không những thế, triệu chứng rối loạn mặc cảm ngoại hình sẽ càng thêm nghiêm trọng nếu lạm dụng việc sử dụng mạng xã hội.

Không những thế, rối loạn mặc cảm ngoại hình còn có thể đi kèm với một số các rối loạn tâm lý khác như:

  • Rối loạn mặc cảm ngoại hình (BDD) có thể dẫn đến rối loạn lo âu, trầm cảm và ám ảnh sợ xã hội. Người có rối loạn mặc cảm ngoại hình có chất lượng cuộc sống suy giảm, cần sự can thiệp của trị liệu tâm lý, số lần suy nghĩ đến cái chết và tự tử cao. khoảng 76% người có BDD từng trải qua giai đoạn trầm cảm.
  • Khoảng 32% người có BDD từng được chẩn đoán bị ảnh hưởng bởi Rối loạn ám ảnh cưỡng chế. 
  • Khoảng 37% người mắc BDD từng trải qua ám ảnh sợ xã hội.
  • Một số rối loạn ăn uống như chán ăn (anorexia nervosa), hoặc ăn ói (bulimia nervosa) cũng đôi khi được quan sát thấy ở người có rối loạn mặc cảm ngoại hình.

Trị liệu Rối loạn mặc cảm ngoại hình

Hai phương pháp thường được áp dụng trong trị liệu là trị liệu tâm lý qua liệu pháp nhận thức hành vi và điều trị y tế qua cách dùng thuốc chống trầm cảm. Tuy vẫn chưa có thuốc nào hỗ trợ đặc trị cho rối loạn mặc cảm ngoại hình riêng, việc sử dụng thuốc trị trầm cảm và rối loạn ám ảnh cưỡng chế cũng mang đến những hiệu quả tích cực: 

  • Liệu pháp nhận thức hành vi: Một số nghiên cứu cho thấy liệu pháp nhận thức hành vi đã thành công trong việc làm giảm mức độ nghiêm trọng của BDD và các triệu chứng liên quan như trầm cảm. 
  • Điều trị y tế bằng cách dùng thuốc chống trầm cảm: Thông thường là thuốc có thành phần ức chế tái hấp thu chọn lọc hoóc môn serotonin (hoóc môn mang đến trạng thái hưng phấn) để tăng nồng độ serotonin có trong não bộ. Tuy nhiên, thuốc chống trầm cảm thường cần phải được sử dụng ở hàm lượng cao mới có thể phát huy tác dụng rõ ràng và khi ngừng uống thuốc, các triệu chứng trầm cảm có thể tái phát. 

Việc chẩn đoán chậm trễ và thiếu hiểu biết chuyên sâu về bản chất tâm lý của người có thể có rối loạn mặc cảm ngoại hình là rào cản lớn đối với việc can thiệp trị liệu hiệu quả cho rối loạn này. 

Trong cuộc sống hiện đại, ngoại hình càng được coi trọng và đánh giá trên nhiều tiêu chí. Nhưng ngoại hình con người không phải lúc nào cũng ở tình trạng hoàn hảo, việc có khiếm khuyết trên cơ thể là điều rất phổ biến, chúng ta có thể không hài lòng một chút về nó.

Tuy nhiên khi mặc cảm này quá lớn, ít có căn cứ thực tế và ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động sống thông thường, thì đó không chỉ còn là vấn đề ngoại hình thông thường.

Nếu quan sát thấy những dấu hiệu này ở bản thân hay một người thân quen, điều quan trọng có thể làm là tìm hiểu và tìm kiếm sự hỗ trợ kịp thời bạn nhé!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét