HÓA GIẢI CƠN GIẬN THEO NGUYÊN TẮC CHỮ NHẪN CỦA NHÀ PHẬT
Thay đổi quan niệm sai lầm
Nhiều người cho rằng “tức giận” là tất nhiên, là bản năng của mỗi con người, “Nhẫn” chính là “Nhục”, là hèn nhát, sợ hãi, sự phục tùng, tự hạ mình, chấp nhận định mệnh… Thực chất đây chính là nguyên nhân sai lầm khiến người ta khó thoát khỏi sự đau khổ, buồn bực.
Từ quan niệm sai lầm sẽ dẫn đến áp dụng phương pháp sai lầm là “đè nén” nên đương nhiên kết quả cũng sai lầm. Nó chỉ chuyển từ trạng thái lẽ ra được thể hiện ra ngoài nay lại được lưu giữ ở bên trong.
Hệ quả là sự tức giận như một ung bướu nằm trong tâm mà không được cắt bỏ đi, nên càng làm người ta cảm thấy đau khổ hơn, khó chịu, dằn vặt dai dẳng hơn. Thế nên, dễ dàng nhận thấy nhiều người thà nổi “cơn tam bành” chứ “tội gì phải nhẫn nhịn làm gì cho thêm khổ vào người”.
Phương pháp hóa giải tức giận
Tập trung vào mặt tích cực: Mỗi sự vật hiện tượng tồn tại trong thực tế đều có cái lí của nó, đều có hai mặt tốt và xấu. Khi bạn nhìn thấy thứ mà mình không thích, nên bình tĩnh quan sát mặt tốt của nó để xóa đi cảm giác ghét bỏ nó.
Nếu trong lòng đang có cảm xúc phức tạp, tức nửa thích, nửa không thích thì nên phân tách riêng biệt hai cảm xúc này để đánh giá một cách công bằng, sau đó mới quyết định từ bỏ hay chấp nhận.
Dùng con mắt khách quan để nhìn nhận đúng đắn. Khi gặp một người có điểm nào đó khiến ta không thích, thông thường người ta sẽ có tâm lí phủ nhận hoàn toàn anh ta. Thực ra, con người dù xấu đến đâu đi nữa thì vẫn có những mặt tốt, không thể hoàn toàn xấu 100%. Nếu chỉ thông qua những hiện tượng bên ngoài mà phủ định hoàn toàn người đó là một suy nghĩ sai lầm.
Khi bạn nghĩ như vậy bạn sẽ có sức mạnh để tiêu diệt sự tức giận. Bài học ở đây là chúng ta nên nhìn nhận một cách khách quan, hai chiều, tập trung vào hướng tích cực sẽ nhanh chóng cân bằng được trạng thái tâm lí.
Sự tức giận sẽ nhanh chóng tiêu tan. Nếu không ý thức được điều này, có thể từ ý nghĩ bạn sẽ xuất ra thành lời nói công kích người đó. Khi đối phương biết được, họ cũng làm điều tương tự với mình. Cuối cùng thì tức giận sẽ làm bạn càng tức giận thêm, bởi lúc đó mối quan hệ giữa hai người đã phát triển lên mức mâu thuẫn, xung đột.
Chuyển hướng thái độ, nuôi dưỡng lòng nhân từ
Là phương pháp được khuyến khích sử dụng bởi nó hướng tới lòng nhân từ của bản thân. Khi bạn tức giận, hãy lập tức chuyển hướng sang suy nghĩ đến những việc có ý nghĩa, vui vẻ trước đây trong cuộc sống. Hoặc nghĩ về người thân, người mà bạn thương yêu nhất. Làm được điều này bạn sẽ nhanh chóng nhận ra cảm giác tức giận giảm xuống nhanh chóng.
Bạn sẽ không còn suy nghĩ tiêu cực nữa, cũng giống như khi tham gia giao thông, bạn nghĩ về người thân thì bạn có thể “Nhẫn”, không vượt đèn đỏ, không phóng nhanh, không lạng lách, mức độ tập trung cao hơn.
Có thể nói như vậy vì sự vui vẻ của bạn cũng chính là niềm vui của những người bạn yêu thương. Bạn nên suy nghĩ, mình đang tức giận, nếu người thân biết được chắc hẳn họ cũng sẽ không vui vẻ gì.
Ngoài ra, khi gặp nghịch cảnh hay những điều không mong muốn, bạn phải lập tức nghĩ rằng: Tình cảnh hiện tại của mình vẫn chẳng thấm tháp vào đâu so với người khác.
Tức là, hiện tại mình vẫn là người may mắn hạnh phúc hơn rất nhiều người, vì vậy, chẳng có lí do gì để mình không hài lòng và phải tức giận vì nghịch cảnh hiện tại, để tự tạo thêm đau khổ.
Trên đây là một số cách để nuôi dưỡng lòng nhân từ của bạn, dùng năng lượng của lòng nhân từ xóa bỏ sự tức giận, làm nó tiêu tán đi.
Khi năng lượng này dâng lên nó sẽ khiến bạn có cảm giác nhẹ nhàng thoải mái, tinh thần vui vẻ và hoàn toàn dễ chịu.
Nếu ý nghĩ ấy lại được thể hiện ra hành động bằng những việc làm từ thiện, đối với những người thường xuyên nóng giận sẽ phát hiện ra rằng, tần suất những cơn tức giận sẽ giảm đi rõ rệt.