Thứ Năm, 16 tháng 6, 2022

Đưa tri thức từ sách vào cuộc sống

 

ĐƯA TRI THỨC TỪ SÁCH VÀO CUỘC SỐNG

Cuộc thi “Nhà thông thái” năm 2022 tại Hà Nội là một hoạt động sôi nổi, thu hút nhiều “mọt sách”, có10.993 bạn đọc trên khắp cả nước tham dự.

Cuộc thi mang thông điệp “Thắp sáng tri thức”. khuyến khích người tham dự vận dụng kiến thức đọc được từ sách vào cuộc tranh tài, qua đó khuyến khích ứng dụng vào thực tiễn. Làm rõ đọc sách quan trọng, nhưng đọc sách để làm gì còn quan trọng hơn.

Khổng Minh nổi tiếng là bậc túc trí đa mưu; trong đó, trí tuệ của ông một phần đến từ cách đọc sách đúng. Khổng Minh cho rằng đọc sách mà không ứng dụng vào cuộc sống thì chỉ là “hủ nho”. “Kỳ quan đại lược” (tìm kiếm, quan sát, nghiên cứu mưu lược sâu xa trong sách vở, cuộc sống) là phương pháp đọc, cũng là mục đích đọc của Khổng Minh.

Có câu nói nổi tiếng của người Nhật về vai trò của đọc sách: “Một dân tộc không đọc sách là một dân tộc không có hy vọng”.

Người Việt Nam bình quân chỉ đọc 0,8 cuốn sách/năm, 26% hoàn toàn không đọc sách, người Trung Quốc đọc 0,7 quyển sách, Singapore đọc 14 cuốn; Malaysia đọc 10 cuốn/năm. người Hàn Quốc đọc 7 quyển, người Nhật Bản đọc 40 quyển, người Nga 55 quyển.

Người Do thái là dân tộc duy nhất trên thế giới không có người mù chữ, đến ăn mày Do thái cũng kè kè quyển sách bên cạnh. Trong mắt người Do thái đọc sách báo không chỉ là một thói quen mà có là một phẩm chất tốt.

 

Từng có một vị học giả nói: lịch sử phát triển tư tưởng của một con người, có lẽ là lịch sử đọc của họ, cũng như vậy trình độ tư tưởng của một dân tộc, quyết định lớn ở trình độ giáo dục của họ.

Một xã hội rốt cục sẽ tiến lên hay thoái lui, hãy nhìn vào gốc rễ của cái cây đọc sách có sâu có bền không, một quốc gia có bao nhiều người đang đọc sách, đọc sách gì, sẽ quyết định tương lai đất nước đó.

 

Sách không chỉ ảnh hướng đến một cá nhân, nó còn ảnh hưởng đến dân tộc, đến cả xã hội.

Một dân tộc không đọc sách là một dân tộc đáng sợ; một dân tộc không đọc sách là một dân tộc không có hy vọng.

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2022

Phụ nữ nên mạnh dạn để bảo vệ cho mình

 

PHỤ NỮ NÊN MẠNH DẠN ĐỂ BẢO VỆ CHO MÌNH

 

Dù ai có nói ngả nói nghiêng thì cũng đừng suy chuyển nhé.

* Đừng bao giờ chán ghét thân hình của mình dù rằng trong mắt mọi người có thể nó không hoàn hảo. Nhưng thế nào là hoàn hảo? Cũng chỉ là những thước đo do con người định ra mà thôi, hơn nữa miễn bạn cảm thấy nó không có vấn đề gì là được rồi.

Đừng bao giờ xấu hổ vì bạn trông như thế nào, dẫu bạn có ra sao thì bạn vẫn luôn đáng yêu trong mắt những người luôn yêu thương bạn.

 

* Dù bạn cao hay thấp, mập hay gầy, dù bạn có sành điệu hay không thì cũng nên tự hào với chính vẻ ngoài của mình - bởi vì đó là bạn chứ không phải bản sao của bất kì ai khác. Không một ai trên trái đất này sinh ra là để làm hài lòng người khác hoặc buộc phải trở thành thước đo tiêu chuẩn cho mọi người.

Mỗi phụ nữ đều có nét đẹp của riêng mình, do đó bạn đừng bận tâm khi mọi người cứ so sánh bạn hơn/kém với bất kì ai đó nhé.

 

* Phụ nữ cũng hoàn toàn có quyền theo đuổi niềm đam mê của mình và làm theo những gì trái tim mách bảo. Cuộc sống này ý nghĩa nhất là khi bạn dám theo đuổi cái mình thích bằng cách của riêng bạn.

Rõ ràng một người phụ nữ hấp dẫn nhất là khi họ trở nên độc lập và biết nắm lấy từng khoảnh khắc đẹp trong cuộc đời của mình.

 

* Hãy tháo bỏ lớp mặt nạ mà bạn vẫn đang mang mỗi ngày xuống và để cảm xúc chân thật của mình được thể hiện ra ngoài như bạn muốn: cười khi vui, khóc khi đau, thậm chí giận dữ hay điên cuồng vì điều gì đó.

Đừng mãi che giấu cảm xúc bằng việc phải tạo lớp vỏ bọc mạnh mẽ bên ngoài nhưng bên trong là một tâm hồn mong manh, vụn vỡ. Nếu suốt đời phải sống như thế thì quả thực là mệt mỏi lắm.

 

Trên đời này có 2 điều đáng sợ nhất, đó là: sống cho người khác coi và coi người khác để sống. Bây giờ, bạn đã dám sống với điều bạn thích hay chưa?

Cuộc “chạm trán” diệu kỳ đêm Giáng sinh

  

Năm 2008 Hậu duệ những kẻ thù hưu chiến xưa gặp nhau, ở điểm hưu chiến vừa tìm được.

CUỘC “CHẠM TRÁN” DIỆU KỲ ĐÊM GIÁNG SINH

Câu chuyện có thật về một phút đình chiến kỳ diệu đêm Giáng sinh, nói lên tình người và niềm tin khát khao cuộc sống thiện lương.

Lợi dụng trời bão tuyết mịt mù che khuất tầm nhìn của các máy bay tuần tra, Hitler đã âm thầm mở một cuộc phản công bất ngờ phá thủng trận tuyến của Ðồng Minh, nhằm cắt đôi lực lượng quân Anh, chiếm lại Antwerp (Bỉ) và sau đó bọc hậu bao vây 4 quân đoàn của khối Ðồng minh nhằm lấy lại thế thượng phong.

Bắt đầu mờ sáng ngày 16/12/1944 đạn pháo từ trong rừng rậm trút xuống như sấm sét, theo sau là các xe tăng Panzer tung ra nhanh như chớp.

Cả hai bên đều tổn thất nặng nề, sau đó quân đội Đồng minh giành được thế thượng phong, phản công tiến sâu vào nước Ðức. Và câu chuyện đình chiến của một đêm Giáng sinh năm ấy xảy ra ở một ngôi nhà nhỏ nằm heo hút trong rừng núi Ardennes.

Câu chuyện bắt đầu vào thời điểm mà trận chiến đang diễn ra kịch liệt nhất. Tại bìa rừng Hurtgen gần biên giới Bỉ, có hai mẹ con nhà nọ, đứa bé trai 12 tuổi tên là Fritz, người mẹ tên là Elisabeth Vincken.

Gia đình họ vốn ở thành phố Aschen, phía Tây nước Ðức sát biên giới Bỉ và Hà Lan, nhưng khi máy bay quân Ðồng minh thả bom họ phải sơ tán và ở tạm trong một nhà gỗ nhỏ dùng cho săn bắn. Tuy ngôi nhà gỗ này ở gần nơi giao chiến, tiếng súng pháo vẫn có thể nghe thấy rõ ràng, nhưng vì ở trong rừng rậm nên có thể coi là an toàn.

Vào ngày Giáng sinh, hai mẹ con rất mong người chồng, người cha đang công tác trên thị trấn về nhà đoàn tụ. Elisabeth đã nuôi một con gà trống thật to, đợi chồng về sẽ làm tiệc mừng bữa cơm đoàn viên.

Đột nhiên, bên ngoài có tiếng gõ cửa, cậu bé Fritz cho rằng cha đã về nên chạy vội ra mở cửa, nhưng Elisabeth nhanh chóng ngăn lại, thổi tắt nến rồi đi ra mở cửa.

Trong ánh sáng mờ, bà nhìn thấy hai binh sĩ đội mũ sắt đang đứng ngoài cửa, phía sau lưng họ là một người thứ ba nằm trên mặt đất trông như đã chết. Một binh sĩ nói gì đó nhưng bà không cách nào hiểu được, cuối cùng họ liên tục chỉ vào người đang nằm trên tuyết. Elisabeth ý thức được rằng họ chính là lính Mỹ, kẻ địch của nước Đức.

3 người này vốn là lính Mỹ, đi lạc trong gió tuyết, bọn họ một mặt né tránh quân Đức truy kích, một mặt lo tìm kiếm trận địa của quân mình, đã quanh quẩn trong rừng rậm suốt 3 ngày ba đêm, đói khổ lạnh lẽo, trên người đầy tổn thương do giá rét.

Một người trong nhóm đã bị trúng đạn vào đùi chảy rất nhiều máu, có thể sống sót hay không còn chưa biết. Bọn họ một người cầm súng ngắn, người kia cầm súng trường, họ có thể đập cửa xông vào nhà, nhưng họ lại lễ phép mà gõ cửa xin vào ngủ lại.

Elisabeth tuy nghe không hiểu đối phương nói gì nhưng bà đoán biết được ý tứ của họ. Bà vẫn không nhúc nhích gì, chỉ đứng trước cửa ra vào nghe người lính Mỹ khẩn cầu. Sau một lúc im lặng, Elisabeth đã mời họ vào nhà. Bà bố trí cho binh sĩ bị thương nằm trên giường của Fritz, xé ga giường để băng bó vết thương cho anh ta.

Trà nóng được mang ra, bà sai cậu bé lấy 6 củ khoai tây để chế biến món ăn và nướng con gà giống Hermann để đãi tiệc Giáng sinh. Cùng lúc đó, Elisabeth phát hiện bà có thể dùng tiếng Pháp để nói chuyện với một binh lính Mỹ, không khí nhanh chóng trở nên hòa dịu.

Trong khi mùi thơm gà nướng bắt đầu đượm trong căn nhà nhỏ, thì có tiếng gõ cửa. Lần này cậu bé nhanh chóng mở cửa, nghĩ rằng sẽ có thêm người Mỹ đi lạc. Thì bất ngờ trước cửa là 4 người lính Ðức.

Thoáng nghe tiếng Ðức, bà mẹ lo sợ, khuôn mặt tái đi. Hình phạt tử hình nếu che giấu và giúp đỡ kẻ thù. Tuy vậy bà vẫn bước ra cửa. Một hạ sĩ Ðức cùng 3 người lính trẻ. Họ trông run rẩy vì rét lạnh. Họ chúc mừng Giáng sinh, nói rằng họ đói, lạnh và xin tá túc.

Bà mẹ bảo rằng họ có thể vào nhà và ăn Giáng sinh với bà, nhưng trong nhà hiện có vài người được xem là thù địch.

Những người lính Ðức lập tức thay đổi thái độ, tay đặt lên cò súng. Bà mẹ nhìn thẳng vào thượng sĩ Ðức và nói: “Ðêm nay là đêm Thánh và sẽ không có nổ súng tại đây”. Bà bảo lính Ðức bỏ súng bên ngoài cửa rồi mời vào nhà.

Những người lính Ðức ngần ngại trong chốc lát rồi làm theo lời bà. Cuộc chiến do Hitler khởi đầu đã không kết thúc nhanh chóng như họ tưởng, kết quả xem ra khá mơ hồ và họ vô cùng mệt mỏi. Khi vào bên trong họ thấy bà mẹ cũng buộc 2 người Mỹ buông súng và cất vào góc phòng.

Cả hai phe nhìn vào nhau trong căng thẳng ngượng nghịu phút đầu. Nhưng với sự hiện diện của bà mẹ và cậu bé, mùi thơm của thức ăn và ánh sáng ấm áp từ lò bếp, từ ngọn nến, tất cả lắng xuống và ngồi đối diện nhau quanh bàn gỗ.

Người lính Ðức lấy ra một chai rượu trong khi bà mẹ chuẩn bị dọn bữa, một trong 4 người lính Ðức là học sinh trường Y trước khi nhập ngũ, anh ta xem qua vết thương cho lính Mỹ và bảo rằng dù vết thương không nhiễm trùng nhờ giá lạnh nhưng mất máu nhiều, anh ấy cần ăn và nghỉ ngơi.

Và khi bữa tiệc bắt đầu thì mọi người đều trở nên thân thiện, cởi mở. Gói thuốc Lucky Strike thơm lừng chia đều bên cốc rượu vang, họ hỏi thăm nhau như chưa từng là kẻ thù của ngày hôm qua. Như quên đi đồng phục họ mang trên người, như quên đi những bất đồng ngôn ngữ và chính kiến.

Khi bà mẹ cầu nguyện cám ơn Thượng đế thì những người lính nước mắt lưng tròng. Nửa khuya Giáng sinh, họ cùng bước ra ngoài và nhìn lên bầu trời. Men rượu vang ấm áp và khói thuốc thơm bay quyện lên cao. Các vì sao lấp lánh trên đầu bìa rừng sáng như ngân nhũ trang trí cho ngàn cây thông Noel. Trong lòng họ tràn ngập một “Ðêm Thánh vô cùng”.

Cuộc hưu chiến nhỏ ấy chỉ kéo dài đến sáng ngày mai. Người lính Ðức nhìn vào bản đồ và chỉ đường trở về cho người Mỹ, sau đó còn tặng họ một la bàn. Bà mẹ trao lại vũ khí cho từng người, những người lính bắt tay nhau và chia làm hai hướng. Từ xa xa đã bắt đầu âm vọng tiếng ì ầm của đạn pháo…

Cậu bé Fritz và cha mẹ đã sống sót sau cuộc chiến. Cha mẹ cậu mất vào khoảng thập niên 1960. Cậu lập gia đình và định cư tại Hawaii, mở một tiệm bán bánh ở Kapalama, ngoại ô Honolulu. Trong nhiều năm sau Fritz cố tìm cách liên lạc với những người lính hôm ấy nhưng không được.

Ðến năm 1985, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan nghe câu chuyện và nhắc đến nó trong một bài diễn văn tại Berlin, như một minh chứng cho tình người trong ước muốn hòa bình giữa chiến tranh. Tuy vậy phải đợi đến khi chương trình Unsolved Mysteries (Những bí ẩn chưa giải đáp) lên truyền hình, thì người ta mới biết rằng có một người sống ở nhà dưỡng lão Frederick, Maryland, ông đã kể câu chuyện tương tự hàng trăm lần, trong nhiều năm. Các y tá và bệnh nhân cứ ngỡ ông ta hoang tưởng…

Tháng 1/1996, Fritz liền bay đến gặp Ralph Blank, một trong 3 người lính Mỹ hôm ấy giờ đang sống trong khu nhà dưỡng lão. Ông vẫn còn giữ chiếc la bàn và bản đồ. Ralph nói với Fritz rằng mẹ anh ta đã cứu ông. Fritz sau đó dần liên lạc với 2 người Mỹ còn lại, nhưng không hề có tin tức nào từ 4 người lính Ðức.

Fritz mất ngày 8/12/2002, gần 58 năm sau ngày hưu chiến nhỏ ở ngôi làng bìa rừng nọ. Một cuộc hưu chiến nhỏ trong một thế chiến lớn kinh hoàng. Như phép lạ của mùaGiáng sinh.