Thứ Tư, 25 tháng 5, 2022

Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau?

 

MUỐN ĐI NHANH THÌ ĐI MỘT MÌNH, MUỐN ĐI XA THÌ PHẢI ĐI CÙNG NHAU?

“Không một ai trong chúng ta thông minh bằng tất cả chúng ta”, Ken Blanchard- tác giả của cuốn sách kinh điển Vị giám đốc 1 phút từng nói.

Những người có tư duy tốt, đặc biệt khi họ là những người lãnh đạo tốt, đều hiểu được quyền lực của tư duy sẻ chia.

Sau đây là một số nguyên nhân giải thích vì sao khi sẻ chia, kết quả đạt được sẽ tăng không chỉ đơn thuần theo cấp số cộng.

Tư duy sẻ chia nhanh hơn tư duy cá nhân

Chúng ta đang sống trong xã hội có nhịp sống nhanh gấp. Để sống hết khả năng của mình trong tốc độ sống gia tăng như hiện nay, chúng ta không thể một mình một ngựa.

Thế hệ trẻ, những người vừa mới lập nghiệp, Làm việc trong sự sẻ chia với người khác giống như việc bạn tự cho mình một con đường tắt.

Nếu muốn nhanh chóng học được một kĩ năng bạn phải làm như thế nào? Bạn tự tìm hiểu hay nhờ người nào đó chỉ cho mình? Bạn luôn luôn có thể học hỏi từ nhiều người và học được rất nhiều kinh nghiệm

Tư duy sẻ chia cách tân hơn tư duy cá nhân

Chúng ta thường hay nghĩ những nhà tư duy vĩ đại hay những nhà cải cách thường là những người làm việc cá nhân, nhưng sự thật là những suy nghĩ đổi mới vĩ đại nhất của họ không xuất hiện đơn độc. Đổi mới là kết quả của nhiều sự kết hợp.

Albert Einstein đã nói: "Rất nhiều lần trong ngày tôi nhận ra cuộc sống của mình được xây dựng bằng công sức của những người tiền nhiệm dù họ còn sống hay đã mất và tôi phải nỗ lực rất nhiều để bù đắp lại những gì tôi đã nhận được".

Tư duy sẻ chia dẫn đến những bước đổi mới lớn hơn với bạn.

Nếu hòa trộn được suy nghĩ của bạn với suy nghĩ của người khác, bạn sẽ có những suy nghĩ mới mẻ mà bạn chưa từng có trước đây!

Tư duy sẻ chia mang đến nhiều sự trưởng thành hơn tư duy cá nhân

Giống như việc nghĩ rằng mình biết tất cả mọi thứ, mọi người trong chúng ta ai đấy chắc chắn đều đau đớn nhận thức được những mặt yếu kém và những lĩnh vực còn thiếu kinh nghiệm của mình.

Bạn có những trải nghiệm tôi không có và tôi có những trải nghiệm bạn không có. Đặt chúng ta cạnh nhau thì chúng ta sẽ mang đến một lịch sử cá nhân rộng hơn – và từ đó có sự trưởng thành.

Nếu bạn không có những trải nghiệm cần thiết thì nên làm quen với một người nào đó có được những trải nghiệm này.

Nhà hiền triết – nhà thơ Johann Wolfgang von Goethe nói: "Chấp nhận những lời khuyên đúng đắn là việc tăng cường khả năng của một người". Hai cái đầu tốt hơn một cái – khi chúng đi đúng hướng. Nó như việc thắng yên cho hai con ngựa để cùng kéo một cỗ xe. Chúng sẽ khỏe hơn khi kéo cùng nhau chứ không phải khi kéo riêng lẻ. 

Clarence Francis khái quát những lợi ích của tư duy sẻ chia bằng nhận định sau đây: "Tôi thật lòng tin rằng những mối quan hệ trên thế giới là chìa khóa mở ra một thế giới hiện đại. Nó chứng minh một chân lý rõ ràng là tất cả những vấn đề bạn có – trong gia đình, công việc, quốc gia, hay trên cả thế giới này – đều là vấn đề của những mối quan hệ hay sự phụ thuộc lẫn nhau".

 

Đừng ham cái trước mắt, rẻ mạt, dễ dãi.

 

ĐỪNG HAM CÁI TRƯỚC MẮT, RẺ MẠT, DỄ DÃI.

 

Người ta ai biết CHI-TIỀN sẽ giàu, ai biết TIÊU-TIỀN sẽ sướng. Cái giàu của người biết-CHI thì lâu dài. Cái sướng của người biết-TIÊU thật nhất thời ngắn ngủi. Cũng đúng thế, ai biết sống có mục đích thì được sự dài lâu. Ai chỉ cốt thỏa mãn con người mình trước mắt, thì tiêu biến. Khổ thế, ở đời ai cũng vì sự trước mắt, mấy ai vì lâu dài.

 

Thế nên mới nói, nhân kiến mục tiều, Thiên kiến cửu viễn (Người chỉ thấy cái trước mắt, Trời thấy cái vô cùng xa dài). Thật ra, chẳng cần phải nhìn cái quá xa dài đâu. Cứ xem cuộc đời là một món tài sản đi. Chúng ta không chỉ có giá, mà còn chính là tài sản, đúng chứ? Vậy thì hãy CHI mình cho đúng việc, đúng người. Chớ TIÊU mình vào những sự đáng tiếc, lỡ làng.

Thời gian và công sức ai cũng đều có, CHI thì được lớn, TIÊU thì được nhỏ. Lớn hay nhỏ, còn xem ai dám lớn, ai muốn nhỏ!

Trong tiếng Hán, có một từ gọi là ĐẦU TƯ. Đầu (
) là ném vào, bỏ vào đâu đó cái gì đó, còn có nghĩa là tặng, gửi, nương dựa, phù hợp. Tư () là của cải, vốn liếng, thiên bẩm, kinh nghiệm, lại cũng có nghĩa là tích trữ.

Nghĩa là sao? Nghĩa là, ĐẦU TƯ là đem vốn liếng, năng lực, kinh nghiệm, của cải của mình mà bỏ vào, đặt vào, gửi vào nơi phù hợp. Thế thì nào phải chỉ là chuyện tiền bạc, còn là chuyện yêu đương, kết thân, thù hận, hi vọng, tổn thương… Vì bất cứ điều gì ta làm trên đời này, oái ăm thay, đều là đem TƯ mà ĐẦU vào đâu đó.

Ta mà dại dột dốt nát quá, đem cái thiên tư, cái kinh nghiệm, cái tốt đẹp của mình ném vào chỗ không đáng, như yêu sai một người, tin lầm một kẻ, thì đó là TIÊU. Là mất, là thui chột. Là đau khổ.

Ta mà khôn ngoan hiểu biết, đem đời mình, cái trí óc, cái tâm tình, cái sức lực lựa trao vào chỗ tốt đúng, như chọn được tri âm, như tìm được tri kỷ, thì đó là CHI. Là được, là hạnh phúc. Là may mắn.

 

Tiếc rằng, chẳng ai thông minh mãi, cũng may là, không ai dại dột mãi. Đời mà, đôi lúc dại dột nên đen đủi. Nhiều khi lại may mắn nên khôn ngoan.

Chỉ có thể nói thế này, hãy làm cái gì đó ĐÁNG, ĐÁNG-GIÁ, ĐÁNG cái GIÁ mình trả ra. Đó là CHI. Đó là ĐẦU TƯ đúng. Đừng ham cái trước mắt, rẻ mạt, dễ dãi.

 

Người xưa đau đời lắm, biết thế, nên dạy rằng: Vàng mười chê đắt không mua, mua lấy vàng bảy thiệt thua trăm đường.

Thứ Ba, 24 tháng 5, 2022

Học làm một người thua cuộc!

 

HỌC LÀM MỘT NGƯỜI THUA CUỘC!

 

Thực mà nói thì hầu ai hết cũng luôn mong và muốn mình là người thắng cuộc. Cái mùi vị thua cuộc thật mà nói thì nó không vui chút nào.

 

Từ nhỏ, nhiều đứa trẻ khi vô tình, có lúc cố ý, người lớn vẫn “truyền” cho sự hơn thua. Đi học cũng thành cuộc hơn thua. Ai cũng muốn con mình hơn con người. Hơn thua triền miên.

Thậm chí với nhiều người mỗi ngày đều là một cuộc chiến. Sách vở dạy làm người thắng cuộc đầy rẫy ra. Ai dạy ta làm một người thua cuộc???

 

Không! Chẳng ai dạy ta làm người thua cuộc cả!

Cứ như thể thua cuộc là một lập trình sẵn có dành cho những người rớt lại trong các cuộc hơn thua vậy. Và nó là thứ Không. Ai. Chấp. Nhận. Nổi!

 

Nhưng:

Anh chị em trong một gia đình mà hơn thua thì tình thân còn lại gì?

Vợ chồng với nhau mà hơn thua thì đầu gối tay ấp ấy hương tàn lửa lạnh lắm!

Bạn bè với nhau mà hơn thua thì nghĩa bất dung tình, dằng dặc cô đơn!

Đến cả với chính bản thân mình mà còn hơn thua giữa mình hôm qua với mình hôm nay cũng sẽ khiến mình ngày mai chỉ rặt những phiền não, tự ti!

 

Sao không ai dạy ta làm người thua cuộc với anh chị em trong nhà, với vợ, với chồng, với bạn bè và cả chính bản thân mình? Thua họ có đáng xấu hổ không?

Học làm người thua cuộc là cách để học sự an nhiên tự tại.

Phải cần rất nhiều lòng khoan dung. Rũ bỏ những ham muốn thắng cuộc. Dùng sự chân thành nhiều hơn nữa!

 

Hẳn có người bảo: Nếu cuộc đời mà không còn những đấu tranh thì sao có thể tốt lên được? Đấu tranh cũng là một cách để sinh tồn! Không đấu tranh sẽ mãi mãi nằm lại.

Cũng đúng! Thế nên đấu tranh mãi, đấu tranh mãi. Hơn thua thành lẽ sống trong đời. Bởi đấu tranh nào cũng phải có người trước kẻ sau, người thua kẻ thắng, số 1 số 2. Đến bao giờ??? Ai sẽ luôn chiến thắng mà không hề chiến bại???

 

Vậy nên mới nói phải học làm người thua cuộc trước khi học cách chiến thắng! Học làm người thua cuộc đầu tiên là với chính gia đình, vợ chồng, bạn bè và chính bản thân mình trước. Rồi học cách chấp nhận khi thua cuộc với những hơn thua ở đời.

 

Học làm người thua cuộc là hiểu về lòng khoan dung, ý nghĩa của họ trong trái tim mình.

Nhận thua anh chị em trong nhà là cái thắng của ý nghĩa gia đình.

Nhận thua vợ hoặc chồng là cái thắng của một cuộc hôn nhân.

Nhận thua bạn bè là cái thắng của tình bạn.

 

Hơn thua nhiều khi chẳng phải tính trong một trận chiến. Mà có khi phải cần cả một cuộc chiến mới xác định được hơn thua. Nên cũng đừng quá đặt cái Tôi thành rào cản, đặt cái sĩ diện làm che mắt. Cứ thong dong cùng trái tim, có đích đến thì chẳng bao giờ lạc đường vậy!