Thứ Ba, 24 tháng 5, 2022

Sự khác biệt của đàn ông và phụ nữ

 

SỰ KHÁC BIỆT CỦA ĐÀN ÔNG VÀ PHỤ NỮ

Đây là chủ đề muôn thuở của các triết gia, nghệ sĩ, nhà khoa học, các bậc tu hành… bởi vì dường như họ dễ dàng hiểu được mọi thứ trên đời, nhưng họ không hiểu được phụ nữ, bởi họ là đàn ông. Họ có thể lao vào bao cuộc chinh phục vũ trụ, chiến thắng nhiều cuộc chiến, đạt tới mọi thành công… nhưng họ không hiểu được phụ nữ.

Phụ nữ dường như chỉ hứng thú với những điều gần gũi, chỉ quan tâm đến ngôi nhà, đến người tình, đến đứa con nhỏ… Và trong khi họ nỗ lực liên tục trên con đường buông bỏ của mình, thì phụ nữ dường như rất dễ dàng để buông bỏ.

Đàn ông có thể cai quản cả một đội quân nhưng không thể trông nom được một đứa trẻ, bởi trông trẻ cần rất nhiều kiên nhẫn – thứ mà đàn ông không có. Kiên nhẫn lại rất dễ dàng với phụ nữ.

Osho nói:

Trông trẻ chán làm sao! Đàn ông không có nhiều kiên nhẫn. Nuôi nấng một đứa trẻ là rất khó; phải mất hai mươi, hai mươi lăm năm đứa trẻ mới đứng được trên đôi chân của mình.

Kiên nhẫn là dễ dàng với đàn bà; nó là kỉ luật đối với đàn ông. Đó là lí do tại sao Farid nói thực hành kiên nhẫn. Nhưng tâm trí nữ tính sẽ nghĩ, “Có gì mà phải thực hành?”

Tôi sẽ làm sáng tỏ khác biệt này cho bạn. Tâm trí nữ tính sẽ nghĩ, “Sao thực hành kiên nhẫn? Chúng ta đã kiên nhẫn rồi!” Farid nói thực hành nhu mì. Đàn bà cảm thấy rằng nếu không có nhu mì trong mình thế thì tất cả đều bị mất.

Nhu mì là bản tính của đàn bà. Nếu đàn bà định thực hành điều gì đó, cô ấy sẽ phải thực hành trơ tráo. Nhu mì tự nhiên tới với cô ấy. Nhu mì thuộc về đàn bà như lá thuộc về cây cỏ vậy

Thật khó để mà tìm ra một đàn ông nhu mì. Cũng khó để mà tìm ra một đàn bà trơ tráo. Và nếu như đàn bà làm mất đi cái nhu mì của mình thì họ  làm mất nó qua ảnh hưởng của đàn ông. Nếu đàn ông trở thành nhu mì thì điều đó xảy ra qua ảnh hưởng của đàn bà. Điều mà đàn ông đạt được qua khắc khổ thì đàn bà đã có sẵn từ khi sinh. Cũng có những phẩm chất mà đàn ông có từ khi sinh mà đàn bà thì lại không có.

Nếu đàn bà muốn trở thành người lính, cô ấy phải trải qua huấn luyện gian khổ, nhưng để trở thành ni cô thì cô ấy chẳng cần nỗ lực gì. Nếu đàn bà  phải tham gia chiến tranh thế thì cô ấy phải chuẩn bị rất nhiều cho điều đó, cô ấy phải trải qua nhiều huấn luyện lắm, nhưng nếu cô ấy vào đền cầu nguyện, tôn thờ, cúng dường, cô ấy chẳng cần học từ ai khác.

Đưa một bé gái vào đền và bạn sẽ thấy: cứ dường như là cô ấy biết ngay từ khi sinh cách cúi lạy. Nhưng nếu bạn đưa một cậu bé vào bạn sẽ thấy rằng nó không biết cúi lạy cho dù bạn bắt buộc nó. Cúi lạy không hấp dẫn nó. Nó thích làm cho người khác cúi lạy nó nhưng nó không muốn cúi lạy bất kì ai.

Với đàn ông, vật lộn là tự nhiên, tranh đấu là tự nhiên. Đàn ông chỉ biết mỗi một cách chiến thắng: qua tranh đấu. Đàn bà biết cách khác để thắng: qua buông xuôi.

Đàn ông có thể bị bại ngay cả khi anh ta thắng, đàn bà thắng ngay cả qua thất bại của cô ta.

Đấy là khác biệt giữa họ – và đó là cái đẹp. Họ đi vào các chiều hướng đối lập, vậy mà vẫn có hài hoà lớn giữa cả hai. Bởi vì đàn ông thua bởi thắng và đàn bà thắng bởi thua, nên điều này tạo ra hài hoà giữa cả hai. Các mặt đối lập gặp nhau, chúng khớp với nhau.

Trích cuốn Mưa rào không mây (Showering without clouds) của Osho

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2022

Bạn sẽ là củ khoai tây, quả trứng hay cà phê?

 

BẠN SẼ LÀ CỦ KHOAI TÂY, QUẢ TRỨNG HAY CÀ PHÊ?

Trong ngôi làng nọ, có một người đầu bếp, ông có một cô con gái lớn đã ra ở riêng, cô con gái luôn cảm thấy cuộc sống của mình thật vất vả, thật khổ sở vì khó khăn cứ liên tục kéo đến.

Cô quay trở về nhà, thăm cha và than phiền với ông về cuộc sống mà cô đang phải trải qua. Cô nói với cha rằng cô cảm thấy cuộc sống của mình thật khốn khổ và không biết phải làm sao để thoát ra.

Cô mệt mỏi cứ như đang trong một trận đánh mà không biết khi nào kết thúc. Khi có vấn đề xảy ra, cô cố gắng giải quyết xong thì một vấn đề khác lại tiếp bước kéo đến.

Người cha không nói gì, ông đi vào bếp và đặt 3 chiếc nồi lên bếp, sau đó đổ nước vào bắt đầu nấu nước. Khi cả ba chiếc nồi nước bắt đầu sôi lên, ông đặt khoai tây vào chiếc nồi thứ nhất, trứng vào chiếc nồi thứ hai và cà phê vào chiếc nồi thứ ba. Sau đó ông ngồi xuống và chờ cùng với con gái của mình.

Cô con gái sốt ruột chờ đợi và đang tự hỏi không biết cha mình muốn làm gì. Sau hai mươi phút, người cha ngồi dậy và tắt bếp lửa. Ông vớt khoai tây ra đặt vào tô, đặt trứng vào một cái bát và lược cà phê lại sau đó rót ra tách.

Sau đó người đầu bếp quay sang hỏi: “Con gái, con nhìn thấy gì?”

“Khoai tây, trứng và cà phê ạ” – Cô con gái vội vàng trả lời.

“Hãy quan sát kỹ hơn và thử chạm vào khoai tây đi con”, ông nói.

Cô con gái làm theo lời cha và cảm nhận được củ khoai rất mềm.

Người cha bảo cô con gái hãy lấy một quả trứng và đập thử. Sau khi cô bóc xong vỏ quả trứng đã được luộc chín, người cha bảo cô hãy uống một ngụm cà phê.

Cô gái nâng tách cà phê lên nhấm nháp, hương cà phê thơm dịu lan tỏa làm cô cảm thấy thật dễ chịu và bất giác nở một nụ cười.

Cô hỏi: “Thưa cha, những điều cha làm có ý nghĩa gì ạ?”

Người cha mỉm cười và nói: “Cuộc sống của chúng ta cũng giống như những gì mà cha vừa làm.

Con thấy không, ban đầu khoai tây rất cứng còn trứng thì chỉ có lớp vỏ bọc bên ngoài là cứng cáp thôi, chỉ cần chạm mạnh là sẽ vỡ ngay nhưng khi ở trong nước sôi một thời gian trứng sẽ trở nên cứng hơn và khoai tây sẽ trở nên mềm đi. Còn cà phê thì lại khác hơn nữa, khi bỏ bột cà phê vào nước, cà phê sẽ hoàn toàn thay thế nước, tạo ra một thứ hoàn toàn mới.”

“Vậy con lựa chọn để trở thành thứ nào?” Người cha hỏi. “Khi trong nghịch cảnh, con phản ứng như thế nào? Con sẽ trở thành khoai tây, trứng, hay cà phê?”

Trong cuộc sống của chúng ta, có rất nhiều thứ xảy ra xung quanh và nhiều khó khăn sẽ đến với chúng ta, nhưng điều quan trọng nhất chính là cách bạn phản ứng lại với nó và kết quả bạn đạt được là gì.

Chúng ta nên học chấp nhận, thích nghi với nghịch cảnh theo cách tích cực hơn để có thể sống một cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản.

Nguồn tinhky.vn

Đỉnh cao của bán hàng: “đừng xem khách hàng là thượng đế…

 

ĐỈNH CAO CỦA BÁN HÀNG: “ĐỪNG XEM KHÁCH HÀNG LÀ THƯỢNG ĐẾ…

“Đừng xem khách hàng là thượng đê, mà hãy xem khách hàng là anh em ruột của mình”, đó là lời khuyên mà tiến sĩ Lê Thẩm Dương dành cho nhân viên kinh doanh, trong hội thảo “Bí quyết chọn mua bất động sản và Quản lý tài chính hiệu quả” mới được tổ chức tại Hà Nội.

Đối với một doanh nghiệp bất động sản, phòng kinh doanh là đội quan trọng bậc nhất. Nhưng sales ở đây không đơn thuần chỉ là bán hàng, mà còn phải kiêm thêm một công việc khác đó là tư vấn, tiến sĩ nhấn mạnh.

"Ngày xưa, khách hàng là đối phương thì bây giờ, khách hàng là đối tác. Ngày xưa, khách hàng ngồi đối diện, còn bây giờ khách hàng đứng chung chiến hào. Ngày xưa, khách hàng là thượng đế, còn bây giờ khách hàng phải là anh ruột của các bạn", tiến sĩ Lê Thẩm Dương nói.

Vì, dù có là thượng đế đi chăng nữa thì họ cũng không phải máu mủ ruột thị với mình, mình không thể thật tâm mà đối xử với họ. Chính vì thế, khi nhân viên sales đối với khách hàng như với anh em ruột, thì việc bán căn nhà không còn là bán cho “người ngoài” nữa mà chuyển thành bán cho người nhà, khi đó mọi chuyện sẽ rất khác.

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương lấy ví dụ.
- Khách hàng: Tôi muốn mua căn hộ này.
- Sales: Dạ thưa anh, em bán được cho anh thì em có doanh số, mà em có doanh số thì em có lương, nhưng em không thể bán cái nhà này cho anh được.

- Khách hàng: Tại sao?
- Sales: Dạ thưa anh, nhà anh 5 người, mua cái nhà này hiệu suất không cao. Với tư cách là người tư vấn, em muốn anh mua cái nhà này, tuy diện tích nhỏ hơn, nhưng công năng sử dụng lại vượt trội so với căn nhà kia.

- Khách hàng: Nhưng tôi vẫn muốn mua cái nhà kia.
- Sales: Em nhất quyết không bán, vì em coi anh như anh ruột em!
"Đó mới là bán hàng thời hiện đại", tiến sĩ Lê Thẩm Dương nói.

Trong thời đại hiện nay, điều nhân viên kinh doanh cần nhất chính là phải hiểu rõ về sản phẩm của mình, biết từng chân tơ kẽ tóc dự án, chứ không phải lôi kéo khách hàng bằng cách chải chuốt vẻ bề ngoài của mình.

Đừng đặt doanh số lên trên mà thúc đẩy khách hàng mua khi không phù hợp với nhu cầu. Nắm rõ sản phẩm, thấu hiểu nhu cầu khách hàng và tư vấn “vừa lòng khách đến, hài lòng khách đi” mới là phương châm cốt lõi của kinh doanh thời hiện đại.

Nhiều người cho rằng, chỉ cần làm đẹp một chút, chăm chút bề ngoài là có thể đi làm sales, đó là những người hoàn toàn không hiểu gì về sales cả.

" Sales thực chất là thuyết phục khách hàng, làm cho khách hàng cảm thấy sản phẩm mà họ sắp mua đáp ứng được nhu cầu mà họ cần. Làm được như vậy, chắc chắn sẽ trở thành một nhân viên sales thành công!" Tiến sĩ Lê Thẩm Dương khẳng định.

Bài này dành cho những ai quan tâm đến kỷ năng bán hàng thời hiện đại