Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2022

Vì sao Nhật Bản không có ăn xin ngoài đường?

 

VÌ SAO NHẬT BẢN KHÔNG CÓ ĂN XIN NGOÀI ĐƯỜNG?

Theo một số liệu thống kê thú vị, tại Tokyo có 2,000 người vô gia cư, nhưng bạn sẽ không bao giờ gặp được bất kỳ người vô gia cư nào hay một cậu bé lấm lem nào trên đường phố Nhật Bản đang ngửa tay ra xin tiền một người qua đường hay một ai đó.

Chính phủ Nhật Bản thực thi chính sách “trợ cấp nhân sinh”, có nghĩa là bất kỳ người nghèo hay người vô gia cư khi cảm thấy điều kiện vật chất quá khó khăn và cần được giúp đỡ thì họ có thể đến chính quyền địa phương xin nhận trợ cấp.

Trung bình một người có thể nhận số tiền trợ cấp hàng tháng lên tới 120,000 Yên (khoảng hơn 22 triệu đồng) để trang trải cuộc sống tối thiểu.

Tuy nhiên, rất nhiều người nghèo ở Nhật Bản từ chối nhận chính sách này.

Hầu hết những người vô gia cư ở Nhật Bản đều là những người già, trẻ em khuyết tật, chủ doanh nghiệp bị phá sản, nhân viên văn phòng, sinh viên tốt nghiệp ra trường vì một lý do nào đó mà phải rẽ ngang cuộc đời.

Dù rơi vào bế tắc hay bi thương họ không hề ngửa tay ra xin tiền, đơn giản vì họ nghĩ rằng như vậy đang làm mất đi lòng tự tôn trong nhân cách của mình.

Lòng tự trọng của người Nhật rất cao, họ cho rằng mình có thể chết nhưng không được xin của bố thí. Tại Nhật Bản, những người ăn xin là những người bị coi thường nhất, vì họ cho rằng tinh thần võ sĩ đạo sẽ không cho phép họ làm vậy.

Người Nhật tâm niệm rằng: Một người cho dù đến bước đường cùng cũng không bao giờ nhụt chí.

Cũng chính bởi vậy, từ đống đổ nát hoang tàn sau cuộc chiến tranh khốc liệt, Nhật Bản đã tự vươn mình trở thành một siêu cường quốc kinh tế chỉ trong một thời gian ngắn, khiến cả thế giới phải ngả mũ thán phục.

• Tự trọng – Tinh thần võ sĩ đạo trong tính cách người Nhật

Lòng tự trọng được xem là giá trị cốt lõi trong văn hóa của người Nhật. Không chỉ riêng đối với người giàu mà ngay cả người vô gia cư cũng hiểu rằng, sự tôn nghiêm làm nên một con người chứ không phải tiền bạc hay chức vị.

Giáo dục cho trẻ em về lòng tự trọng trong nhân cách được người Nhật chú trọng ngay từ những khi còn bé. Đến Nhật, bạn có thể trông thấy một cậu bé 2-3 tuổi đang lẫm chẫm tập đi theo mẹ, nhưng nếu chẳng may trượt ngã, không bao giờ người mẹ cuống quýt, vội vã đỡ con dậy.

Thay vào đó, mẹ cậu bé sẽ quay lại và nói: Con hãy cố tự mình đứng dậy nhé! Không dựa dẫm, tự đứng dậy ngay tại chính nơi mình vấp ngã là bài học về lòng tự trọng đầu tiên mà mỗi người con Nhật Bản được học ngay từ khi bé.

Có thể bạn chưa biết, tại Nhật, khi một người cảnh sát khi bắt gặp một người lái xe vi phạm luật giao thông, anh ấy sẽ không bắt người tài xế xuống xe mà sẽ bước đến bên buồng lái hỏi chuyện với người tài xế chỉ vì muốn giữ lòng tự trọng cho người lái xe.

Tại một cửa hàng của Nhật Bản, người chủ tiệm đã quyết định lắp đặt camera để quản lý trông coi hàng hóa phòng trường hợp bị mất cắp.

Ngay một thời gian sau, không có bất kỳ vị khách nào ghé đến cửa hàng mua đồ nữa, họ tẩy chay chủ tiệm, vì ông ấy đã làm tổn thương lòng tự trọng của mình.

Cũng từ đây, trong các siêu thị hay tiệm tạp hóa của Nhật đều không lắp camera như các nơi khác.

Người Nhật rất kiêng kị xúc phạm người khác. Trong giao tiếp, họ luôn cố gắng tìm cách nói giảm, nói tránh bằng những hành động ít mang tính đe dọa, không làm tổn thương người khác trước đám đông vì người Nhật muốn giữ lòng tôn nghiêm cho người khác.

Vậy tự trọng là gì mà từ một giáo sư học thức đến một người ăn xin ngoài đường coi trọng đến vậy?

Tự trọng là một phẩm chất cao quý, ước chế con người ta không phát sinh tham lam, tật đố; tự trọng hướng con người ta đi đúng đường, bước đúng bước không mưu cầu quá nhiều mà biết sống đúng mực.

Tự trọng có thể được xem như thước đo của đạo đức mà con người có thể dùng để đối đãi với nhau. Không có tự trọng hay lòng tự tôn nhân cách con người dễ bị hoen ố, sống không cần biết quan tâm đến xung quanh và dần trở nên tha hóa.

Khi có tự trọng con người sẽ biết phân biệt đâu là đúng, đâu là sai; điều gì nên và không nên làm, từ đó mà gặt hái sự tôn nghiêm của bản thân họ …tự trọng dạy con người ta biết vươn lên sau những khó khăn; và hạn chế tối đa thương tổn trong tâm người khác.

Nhật Bản ngày nay còn là đất nước của những giá trị nhân cách cao cả!

Bí quyết nâng cao sức khỏe và trí tuệ

 

BÍ QUYẾT NÂNG CAO SỨC KHỎE VÀ TRÍ TUỆ

Chúng ta đều biết rằng chế độ ăn uống và thói quen thường xuyên tập thể dục có đóng vai trò nhất định đối với sức khỏe, nhưng một nhân tố nguy hiểm hơn rất nhiều lần chính là tâm lý lại đang bị bỏ qua.

Trong một nghiên cứu mới đây về mối quan hệ giữa tình trạng căng thẳng triền miên với bệnh tim mạch công bố trên trang Health, các nhà khoa học khuyến cáo mọi người không nên để mình rơi vào trạng thái stress triền miên nếu muốn có một cuộc sống khỏe mạnh và kéo dài tuổi thọ.

Chủ nhân giải Nobel Sinh lý và Y khoa 2009, Elizabeth từng nói rằng, con người muốn sống khỏe mạnh qua 100 tuổi, những tiêu chí quan trọng là ăn uống hợp lý chiếm 25%, các thứ khác chiếm 25%, còn chính việc cân bằng tâm lý chiếm đến 50%.

Con người lúc vui vẻ, cơ thể tiết ra hooc-môn hạnh phúc là dopamine rất có ích đối với sức khỏe, làm cho tinh thần thả lỏng, sản sinh khoái cảm, khi đó tâm và thân đều trong trạng thái thoải mái, các chức năng của cơ thể phối hợp nhịp nhàng, cân bằng, tăng cường sức mạnh não bộ.

Do đó, dopamine liên quan đến cảm giác hạnh phúc, động lực, trí nhớ, khả năng tập trung và điều chỉnh các chuyển động của cơ thể.

Ngược lại, nếu ai đó thường xuyên bị bồn chồn bất an, phẫn nộ, căng thẳng… dopamine hạ thấp, làm mức độ hooc-môn stress liên tục tăng cao không hạ, hệ thống miễn dịch của cơ thể bị ức chế và phá hủy, hệ thống tim mạch cũng sẽ bị mệt mỏi suy yếu khác thường.

Ngoài ra, stress còn ảnh hưởng đến sự cân bằng nội tiết tố trong cơ thể, cộng với tình trạng dễ bị kích động có thể là căn nguyên gây ra hàng loạt bệnh nguy hiểm khác.

Cuốn sách Đông y nổi tiếng Trung Quốc “Hoàng đế nội kinh” có ghi: “Bách bệnh sinh ra từ khí. Phẫn nộ thì khí thăng, Hoan hỉ thì khí hoãn, Bi thương thì khí kết, Kinh sợ thì khí loạn, Lao lực thì khí hao…”. Vì vậy, nếu cần chữa bệnh thì nên ưu tiên chữa “tâm” trước bằng 4 nguyên tắc quan trọng sau:

1. Xác định mục tiêu sống và siêng năng tư duy

Các nghiên cứu đã chứng minh, sở hữu một mục tiêu sống lạc quan, tích cực sẽ có lợi cho sức khỏe. Bởi vì điều này quyết định tâm thái của một người, nhờ vậy quyết định tới trạng thái tâm lý và ảnh hưởng tình trạng sinh lý của người đó về lâu về dài.

Bên cạnh đó, não bộ được sử dụng thường xuyên sẽ luôn duy trì quá trình trao đổi chất, làm chậm sự lão hóa. Do đó mới xuất hiện tình trạng nhiều người sau khi về hưu, vì mục tiêu sống đột nhiên thay đổi, hoạt động trí óc cũng giảm đột ngột nên tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần đều đi xuống.

Cần thay đổi trọng tâm cuộc sống từ công việc sang thư giãn, đi học khiêu vũ quảng trường, tham gia hội nhóm bạn bè cũ, cùng hát, cùng vẽ, cùng giao lưu… để duy trì sự hoạt động của não bộ, nâng cao tinh thần.

Nếu không, tư duy sẽ luôn coi tuổi già rồi chết trở thành đích đến duy nhất, vậy thì ẩn trong tiềm thức là cơ chế tự hủy lặng lẽ nổi dậy, làm cho cơ thể ngày càng đi xuống.

2. Giúp đỡ mọi người cũng có tác dụng trị liệu

Nghiên cứu phát hiện, lấy việc thiện để đối xử với người, thường xuyên giúp đỡ người khác bằng vật chất có thể giảm 42% tỷ lệ tử vong (hỗ trợ vật chất cũng là hình thức từ thiện tạo tinh thần phấn chấn), hỗ trợ trên phương diện tinh thần có thể giảm 30% tỷ lệ tử vong.

Khi làm điều tốt và có thói quen thiện lành, trái tim sẽ cảm thấy vui vẻ, thỏa mãn, giảm mức độ hormone căng thẳng và thúc đẩy sự tiết ra “hormone hạnh phúc”. Do đó, đây trở thành phương thuốc dự phòng và trị liệu chứng trầm cảm rất tốt.

3. Gia đình hòa thuận là bí quyết trường thọ

Tại Hoa Kỳ, hai giáo sư tâm lý học đã tích lũy 20 năm nghiên cứu và nhận thấy rằng, trong các nhân tố có tính quyết định ảnh hưởng tuổi thọ, xếp thứ nhất là “quan hệ giữa người với người”.

Họ nói rằng, các mối quan hệ có lẽ còn quan trọng hơn thực phẩm hay thói quen tập thể dục. Đó không chỉ bao gồm sự kết nối giữa bạn bè mà còn liên quan mật thiết tới các thành viên trong gia đình.

Khi tâm lý không tốt, tràn ngập sự phẫn nộ, oán hận, thù địch hoặc bất mãn thì thần kinh giao cảm luôn ở trong trạng thái căng thẳng tột độ.

Có nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tỷ lệ phát bệnh tim ở những người hẹp hòi, hay so đo tức giận cũng cao hơn gấp 5 lần so với những người rộng lượng bao dung. Vì thế, gia đình hòa thuận, vui vẻ với bạn bè, có những mối quan hệ xã hội tốt là một trong những bí quyết trường thọ.

4. Trao thân thiện, nhận lại thân thiện

Khi chúng ta cười với người khác, người khác cũng sẽ trả lại bạn một nụ cười. Bất kể là tụ họp cùng bạn bè, hay là chuyện trò với bạn đồng môn cũ, nhớ là đều phải giữ nụ cười, thái độ thân thiện.

Thân thiện bằng cách khen ngợi, hài hước, mỉm cười, tôn trọng, lễ phép, lịch sự, nhã nhặn, khoan dung, tha thứ, hiểu biết, đồng tình, trung thành, lắng nghe. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể nhận lại được sự thân thiện của người khác, tâm lý cũng theo đó mà tốt hơn lên.

Cuối cùng, điều quan trọng nhất là để năng lượng tích cực lấp đầy cuộc sống và tâm trí của bạn đó là tôn trọng mọi người xung quanh, duy trì các mối quan hệ bằng giá trị đạo đức, để cuộc sống được thoải mái về cả thể chất lẫn tinh thần. Như vậy, chúng ta mới có cơ hội khỏe mạnh hơn.

Thứ Năm, 12 tháng 5, 2022

Lòng vị tha từ góc nhìn tâm lý học

 

LÒNG VỊ THA TỪ GÓC NHÌN TÂM LÝ HỌC

Mỗi chúng ta ít nhiều đều biết một người nào đó sẵn lòng đánh đổi sức khỏe và hạnh phúc của bản thân để giúp người khác. Cảm hứng nào để những người này dành thời gian, công sức và tiền bạc để giúp đỡ người khác, ngay cả khi họ chẳng nhận lại được một lợi ích nào cân đo đong đếm được?

 

Sự quan tâm quên mình dành cho người khác; làm mọi thứ đơn giản chỉ vì bạn muốn giúp đỡ, không phải vì nghĩa vụ, vì lòng trung thành hay vì bất cứ lý do tôn giáo nào đó là lòng VỊ THA.

 

Cuộc sống mỗi ngày đều chất chứa nhiều hành động nhỏ mà hào hiệp, và các bản tin lại thường khai thác đưa tin về hành động vị tha lớn lao hơn, như một người đàn ông lao mình xuống dòng sông băng lạnh giá để cứu một người lạ đang sắp chết đuối hay một nhà hảo tâm trao tặng hàng ngàn đô la cho một tổ chức từ thiện tại địa phương.

 

Mặc dù chúng ta có thể không quá lạ lẫm với khái niệm lòng vị tha, nhưng các nhà tâm lý học xã hội lại rất quan tâm đến việc tìm hiểu lý do xuất hiện của đặc tính này. Điều gì đã tạo cảm hứng cho những hành vi tốt đẹp này? Động lực nào đã thúc đẩy con người ta liều cả mạng sống để cứu một người hoàn toàn xa lạ?

 

Hành vi thuận xã hội và lòng vị tha.

Vị tha là một khía cạnh của một phạm trù mà các nhà tâm lý học xã hội gọi là hành vi thuận xã hội. Hành vi thuận xã hội là bất cứ hành vi nào làm lợi cho người khác, bất kể động lực là gì hay người cho đi nhận lại được lợi ích như thế nào.

Tuy nhiên, phải nhớ rằng lòng vị tha thuần túy phải đến từ tính bất vị kỷ thực sự, tức họ phải thực sự không màng đến bản thân.

 

Mặc dù tất cả hành động vị tha đều thuận xã hội nhưng không phải tất cả các hành vi thuận xã hội đều hoàn toàn là vị tha. Ví dụ, chúng ta có thể giúp đỡ người khác vì nhiều lý do khác nhau như vì mặc cảm tội lỗi, vì nghĩa vụ, trách nhiệm hay thậm chí vì phần thưởng..

Các nhà tâm lý học đã đề xuất nhiều cách giải thích khác nhau cho sự tồn tại của lòng vị tha, bao gồm:

 

Khía cạnh sinh học. Chọn lọc họ hàng là một nội dung trong học thuyết tiến hóa cho rằng con người có khả năng giúp những người họ hàng có cùng huyết thống hơn vì nó làm tăng lợi thế trong việc truyền gen cho thế hệ sau. Theo đó, lòng vị tha dành cho họ hàng thân cận xuất hiện nhằm đảm bảo sự tiếp nối của giống gen chung. Họ hàng càng thân cận thì người ta càng giúp nhau nhiều hơn.

 

Khía cạnh thần kinh. Lòng vị tha làm kích hoạt trung tâm điều khiển hoạt động tưởng thưởng trong não bộ. Các nhà sinh thần kinh học đã phát hiện ra rằng khi thực hiện một hành động vị tha, trung tâm tưởng thưởng của não bộ đã được hoạt hóa.

 

Từ môi trường sống. Một nghiên cứu gần đây của Đại học Stanford kết luận rằng những tương tác và mối quan hệ của chúng ta với người khác có ảnh hưởng lớn lên hành động vị tha.

 

Các quy chuẩn xã hội. Những quy tắc, chuẩn mực và mong đợi từ xã hội cũng có thể ảnh hưởng lên cả người có hoặc không có hành động vị tha. Ví dụ, quy chuẩn về sự có qua có lại là một mong đợi xã hội là việc ta cảm thấy mình bị áp lực phải giúp đỡ người khác nếu người đó đã từng làm điều gì đó cho chúng ta trước đây.

 

Ví dụ, nếu một người cho bạn mượn tiền để mua đồ ăn trưa trong vài tuần thì có thể bạn sẽ cảm thấy mình có áp lực phải trả “ơn” lại cho người bạn này, bạn đồng ý cho anh ta mượn bạn $100. Anh ta đã làm “ơn” cho bạn, giờ bạn cảm thấy mình có nghĩa vụ phải “trả ơn”.

 

Nhận thức. Mặc dù theo định nghĩa, vị tha là hành động làm điều gì đó cho người khác mà không cần đền đáp. Nhưng trong nhận thức của bạn vẫn có thể tồn tại một thứ phần thưởng nào đó không thể hiện hữu hình.

Ví dụ, chúng ta giúp người khác để giải tỏa chính căng thẳng tồn tại trong lòng mình hoặc do bởi việc đối xử tốt đẹp với người khác giúp ta gìn giữ được hình ảnh bản thân mình là người tử tế, biết thấu cảm.

 

– Giúp đỡ người khác làm dịu đi những cảm xúc tiêu cực.

Một số chuyên gia khác lại cho rằng những hành động vị tha giúp làm dịu bớt những cảm xúc tiêu cực hình thành từ việc quan sát sự đau khổ của người khác, thể hiện qua một Mô hình giải tỏa trạng thái tiêu cực. Về cơ bản, thấy một ai đó đang gặp khó khăn khiến ta cảm thấy buồn bã, mệt mỏi, hoặc khó chịu, vậy nên giúp đỡ họ giúp giảm những cảm xúc tiêu cực này.

 

Một số nhà tâm lý học xã hội tin rằng mặc dù con người thường hành động vị tha vì những lý do vị kỷ nhưng lòng vị tha chân chính vẫn tồn tại.

 

Một số người khác lại cho rằng sự thấu cảm dành cho người khác thường bị dẫn dắt bởi mong muốn giúp chính bản thân mình. Dù là lý do gì đi nữa thì thế giới của chúng ta sẽ trở nên buồn thảm hơn rất nhiều nếu thiếu vắng lòng vị tha.