Thứ Tư, 6 tháng 4, 2022

Giáo dục đi tới những nền tảng đích thực - OSHO

 

GIÁO DỤC ĐI TỚI NHỮNG NỀN TẢNG ĐÍCH THỰC - OSHO

Nền giáo dục vốn thịnh hành trong quá khứ đều kém hiệu quả, bất toàn, hời hợt. Nó chỉ tạo ra những con người kiếm sống vì lẽ sinh tồn chứ không mang đến nhận thức về sự sống. Nó không chỉ bất toàn mà còn có hại, bởi vì nó dựa trên đua tranh.

Bất cứ loại đua tranh nào từ sâu xa đều bạo lực và tạo ra những con người không biết yêu thương. Toàn bộ nỗ lực của họ là để trở thành người thành đạt: danh tiếng, tên tuổi, đủ mọi loại tham vọng – hiển nhiên, họ phải chiến đấu và tranh giành. Điều đó hủy hoại niềm vui và hủy hoại sự thân thiện. Dường như mọi người đều tranh đấu với cả thế giới.

Theo thị kiến của tôi thì sẽ có một nền giáo dục năm chiều. và trước khi tôi đi vào năm chiều ấy, vài điều cần được lưu ý.

- Một, không có bất cứ kì thi nào trong nền giáo dục ấy, vài người sẽ đi nhanh hơn và vài người sẽ trễ hơn, Không có ai thấp kém, không có ai cao quý. Mỗi người chỉ là chính mình, không thể so sánh.

- Hàng nghìn điều bạn sẽ trải qua trong suốt hai năm học này, mỗi điều điều mang tính quyết định, thế nên giáo dục sẽ không mang tính hướng mục tiêu (goal-oriented).

- Trong thị kiến của tôi giáo viên không có chỗ đứng. Thay cho giáo viên là những chỉ dẫn, và sự khác biệt này phải được hiểu rõ: chỉ dẫn sẽ nói bạn rằng nơi nào, trong thư viện, sẽ là chỗ bạn tìm ra thông tin mới nhất của môn học.

- Trong tương lai nền giáo dục sẽ được tập trung hóa trên máy tính và TV, bởi vì những gì có thể thấy linh động sẽ dễ nhớ hơn những gì phải đọc hay nghe. mắt mạnh mẽ hơn rất nhiều so với tai và những giác quan khác. Và nó sẽ đẩy lùi sự chán ngán của đọc và nghe. Ngược lại, TV trở thành một trải nghiệm thú vị. Địa lý có thể được dạy một cách đầy màu sắc…

- Giáo viên sẽ chỉ hướng dẫn cho bạn chọn đúng kênh, hướng dẫn bạn cách tìm quyển sách mới nhất. Chức năng của họ sẽ hoàn toàn khác biệt, Họ không truyền đạt kiến thức cho bạn, họ hướng dẫn bạn nhận thức về tri thức đương thời, về kiến thức mới nhất. Họ là người dẫn đường.

Với những điểm quan trọng này, tôi chia giáo dục thành năm chiều.

Thứ nhất là loại chứa thông tin, như lịch sử, địa lý, và nhiều môn học khác có thể được học bằng việc kết hợp với TV và máy tính.

Nhưng về lịch sử – chúng ta phải thống nhất một quan điểm thế này. Hiện nay lịch sử bao gồm những Thành Cát Tư Hãn, Tamerlane, Nadirshah, Adolf Hitler,… Đây không phải lịch sử của chúng ta, đây là ác mộng. Thậm chí ý niệm rằng những người nào đó có thể tàn bạo với những người khác thật đáng kinh tởm. Con cái của chúng ta không thể bị nhồi nhét bởi những ý niệm đó.

Trong tương lai, lịch sử nên bao hàm những thiên tài vĩ đại đã đóng góp điều gì đó cho vẻ đẹp của hành tinh này, cho loài người – một Đức Phật, một Socrates, một Lão Tử; những nhà huyền môn vĩ đại như Jalaluddin Rumi, J. Krishnamurti, những nhà thơ lớn như Walt Whitman, Omar Khayyam, những cây bút vĩ đại như Leo Tolstoy, Maxim Gorky, Fyodor Dostoevsy, Rabindranath Tagore, Basho.

Chúng ta nên dạy về những di sản tích cực vĩ đại của chúng ta, bổ sung ghi chú ở chân trang về những con người mà tính tới bây giờ vẫn còn được coi là vĩ nhân lịch sử – những kẻ như Adolf Hitler. Họ có thể chỉ được đặt ở chỗ ghi chú, không phải ở mục lục, với lời giải thích rõ ràng rằng họ đã bị mất trí hoặc bị mặc cảm thấp kém hoặc rối loạn tâm thần.

Chúng ta phải tạo ra những thế hệ tương lai hoàn toàn nhân thức về góc tối tồn tại trong quá khứ và chiếm hữu quá khứ, nhưng giờ đây không có chỗ cho chúng nữa.

Trong chiều thứ nhất cũng phải đề cập đến ngôn ngữ. Mỗi người trên thế giới nên biết tối thiểu hai ngôn ngữ, một là tiếng mẹ đẻ, và tiếng khác là tiếng Anh như một công cụ quốc tế cho giao tiếp. Hiện nay chưa có ngôn ngữ quốc tế. Tiếng Anh hoàn toàn phù hợp, bởi vì nó được nhiều người sử dụng trên thế giới hơn cả.

Thứ hai là những môn khoa học, điều này đặc biệt quan trọng bởi vì nó là một nửa của thực tại, thực tại bên ngoài. Chúng có thể cũng được truyền dạy trên TV và máy tính, nhưng chúng phức tạp hơn nên người hướng dẫn lúc này cần thiết hơn.

Thứ ba sẽ là những gì đã biến mất khỏi nền giáo dục ngày nay, nghệ thuật sống. Mọi người những tưởng rằng họ biết tình yêu là gì. Họ không biết đâu… và cho tới khi họ biết thì đã là quá muộn. Mỗi đứa trẻ nên được giúp đỡ để chuyển hóa giận dữ, thù ghét, ghen tị, thành tình yêu.

Một phần quan trọng của chiều thứ ba nên có đó là hài hước.

Nếu một phần ba cuộc đời của bạn lãng phí trong trường đại học để buồn bã và nghiêm túc, nó sẽ bị thâm căn cố đế, bạn quên ngôn ngữ của tiếng cười – và người quên ngôn ngữ của tiếng cười thì đã lãng quên phần lớn cuộc đời.

Thế nên, tình yêu, tiếng cười và sự hiểu biết về cuộc sống nên là nền tảng của chiều thứ ba. Mọi người quá thiếu tôn kính cuộc sống.

Chiều thứ tư nên là nghệ thuật và sáng tạo: hội họa, âm nhạc, thủ công, nặn gốm, kiến trúc – bất cứ điều gì sáng tạo.

Tất cả các lĩnh vực sáng tạo nên được cho phép, người học có thể chọn. Chỉ nên có vài điều bắt buộc, ví dụ, một ngôn ngữ quốc tế nên là bắt buộc, một năng lực chắc chắn để kiếm sống nên bắt buộc. Bạn có thể chọn thông qua toàn bộ dải màu của sự sáng tạo. Bằng cách sáng tạo, một người trở nên thánh thiện, sáng tạo chính là lời cầu nguyện duy nhất.

Chiều thứ năm sẽ là thiền định, để bạn có thể biết không có cái chết, để bạn có thể nhận thức về cuộc sống bất tử bên trong bạn. Điều này tuyệt đối cần thiết, bởi vì mọi người đều phải chết, không ai có thể lảng tránh. Và dưới cái ô lớn của thiền định, bạn có thể được chỉ dẫn tới Thiền, Đạo, Yoga, Hassidism, tới mọi loại và mọi khả năng đã từng có, mà nền giáo dục đại chúng lại chưa từng để tâm tới.

Xã hội mới sẽ có một nền giáo dục đầy đủ và toàn diện.

Tôi đã từng là giáo sư và tôi đã từ chức ở trường đại học với lời nhắn rằng: Đây không phải giáo dục, đây là sự ngu dốt lệch lạc, các người không dạy bất cứ điều gì quan trọng.

Nhưng nền giáo dục không quan trọng này đã phổ biến khắp thế giới – không hề có sự khác biệt dù ở Liên Xô cũ hay Mỹ. Không ai tìm kiếm một nền giáo dục toàn diện hơn.

Theo nghĩa này, mọi người đều vô học như nhau, thậm chí những người có bằng cấp cao cũng không được học trong các lĩnh vực khác của cuộc sống. Một vài người vô học hơn, một vài người ít hơn, nhưng tất cả đều vô học, bởi vì nền giáo dục một cách toàn diện chưa từng tồn tại ở bất cứ đâu cả.

Thứ Ba, 5 tháng 4, 2022

Đừng bao giờ đặt hạnh phúc của mình vào tay kẻ khác

ĐỪNG BAO GIỜ ĐẶT HẠNH PHÚC CỦA MÌNH VÀO TAY KẺ KHÁC

 

Con người ta, thường hay để cảm xúc lấn át lý trí, nên trong chuyện tình cảm mới bất cẩn giao hết cho đối phương chỉ bằng một chữ "tin", để rồi sau đấy tổn thương tự chịu, dằn vặt tự mang, trải qua tất thảy những đau thương mới nhận ra rằng, đôi khi giao hạnh phúc của mình trọn vẹn cho đối phương chính là điều sai lầm nhất. Và sai lầm sẽ phải trả giá bằng đớn đau, nhất là trong một mối quan hệ.

 

Đừng bao giờ ngây thơ cho rằng, đặt toàn bộ niềm tin vào ai đó là sự lựa chọn đúng đắn. Ngay cả khi chính bản thân mình còn không thể đảm bảo hạnh phúc cho mình, thì lấy tư cách gì để nương tựa hoàn toàn vào ai đó đây? 

 

Ai cũng sẽ có một cách yêu của riêng mình, nhưng không phải ai cũng biết cách yêu thương bản thân cho đúng. Có nghĩa là không phải phụ thuộc cảm xúc vào tay người khác, có nghĩa là mọi niềm vui, nỗi buồn không thể cứ dựa dẫm vào đối phương, để rồi một ngày nào đó sự nồng nhiệt trong tình yêu bắt đầu lạnh bớt, sẽ cảm thấy chênh vênh khi đối phương chẳng còn tha thiết như ngày nào.

 

Lỗi là lỗi tại ai?

Đừng, chẳng ai có lỗi, yêu không có lỗi, hết yêu cũng càng không. Chỉ có kẻ cứ ôm khư khư quá khứ, mãi không chịu buông, chẳng cam tâm từ bỏ một người mà trước đấy đã đặt vào tay họ toàn bộ những gì trong trẻo nhất một cách ngây ngô đến sai lầm!

Đặt hạnh phúc của mình vào tay kẻ khác, chẳng khác nào biến mình thành quân cờ mặc ai đó tùy ý điều khiển, không biết tự chủ cũng không học cách bảo vệ bản thân, không dám đứng một mình và càng không thể trưởng thành. Biết cách tự nắm bắt hạnh phúc của mình mới có thể bảo vệ mình khỏi những tổn thương không đáng có, và có thể tự mình đứng dậy sau vấp váp hoặc sai lầm.

 

Đã là cuộc đời, hãy sống cho trọn vẹn, cần gánh vác trách nhiệm thì hãy chìa vai ra dũng cảm mà gánh, cần tranh đấu thì phải can đảm bước lên, chẳng có điều gì là dễ dàng có được, cũng như việc không thể ngồi đợi ai đó chạy đến nói rằng yêu chúng ta thật lòng là người đó sẽ xuất hiện. Chúng ta buộc phải tự đi tìm hạnh phúc của riêng mình, trân trọng nó, bảo vệ nó, không thể tùy tiện giao ra cho bất cứ ai. 

 

Không ai có đủ tư cách giữ hạnh phúc của ai trừ bản thân người ấy. Để nó trọn vẹn và vững bền thì cần phải có một trái tim cứng cỏi, hạnh phúc nằm trong tay, phải để trái tim cảm nhận, đừng vì vài ba khoảnh khắc lầm tưởng mà trao đi dễ quá, để rồi cuối cùng lại mất trắng chẳng còn gì. 

Đặt toàn bộ niềm tin vào người khác chính là điều nguy hiểm nhất, cũng là điều nực cười nhất, bởi vì chúng ta không thể đảm bảo họ có thể giữ được bao lâu. Trái tim có thể dễ dàng thay đổi, cảm xúc lại càng dễ dàng thay đổi hơn, một khi đã lệch nhịp thì chẳng còn lại gì nữa, một khi đã chán nản thì sẽ mau chóng buông tay. 

 

Ở đời không có điều gì là chắc chắn, không có sự vĩnh cửu, càng không có tình cảm gì có thể bền lâu. Khờ dại cho rằng ai đó sẽ mãi mãi đem lại hạnh phúc cho mình chính là một ván cược với số phận mà có đầy rẫy rủi ro. Lòng người khó như mò kim đáy biển, hôm nay tay ấp má kề, mai có thể phũ phàng tàn nhẫn. Chuyện đời vốn như thế, tại sao chúng ta vẫn cứ trở thành những kẻ cả tin? 

 

Đương nhiên, tình cảm cũng cần chân thành, nhưng không có nghĩa là đợi người ta đem đến cho mình, không có nghĩa là cho người ta toàn bộ quyền định đoạt, để rồi chẳng giữ điều gì cho riêng mình. Đặt cược hết vào một ván bài đen đỏ, kết cục thường thấy sẽ là thua chẳng còn lại gì. Ngoảnh lại mới thấy, chính bởi vì sai lầm nên mới ngờ ngệch đưa chân. 

 

Cho nên, đừng giao phó, đừng ủy quyền, cũng đừng dựa dẫm và trông mong vào hạnh phúc mà người khác mang lại. Cái gì của mình, phải do mình tự quyết trước tiên!

Con đường đi tìm hạnh phúc của kẻ có của


 CON ĐƯỜNG ĐI TÌM HẠNH PHÚC CỦA KẺ CÓ CỦA

Có một phú ông vô cùng giàu có. Hễ thứ gì có thể dùng tiền mua được là ông mua về để hưởng thụ. Tuy nhiên, bản thân ông lại cảm thấy không hạnh phúc. Một hôm, ông ta nảy ra một ý tưởng kỳ quặc, đem tất cả những đồ vật quý giá, vàng bạc, châu báu cho vào một cái bao lớn rồi đi chu du. Ông ta quyết định chỉ cần ai có thể nói cho ông làm thế nào để hạnh phúc thì ông sẽ tặng cả bao của cải cho người đó.

Ông ta đi đến đâu cũng tìm và hỏi, rồi đến một ngôi làng có người nông dân nói với ông rằng nên đi gặp một vị Đại sư, nếu như Đại sư cũng không có cách nào thì dù có đi khắp chân trời góc bể cũng không ai có thể giúp ông được.

Cuối cùng cũng tìm được vị Đại sư đang ngồi thiền, ông ta vui mừng nói với Đại sư: “Tôi chỉ có một mục đích, tài sản cả đời tôi đều ở trong cái bao này. Chỉ cần ngài nói cho tôi cách nào để được hạnh phúc thì cái bao này là của ngài”.

Lúc ấy màn đêm sắp buông xuống, vị Đại sư liền tóm lấy cái túi chạy đi. Phú ông sợ quá, vừa khóc vừa đuổi theo vừa gọi: “Tôi bị lừa rồi, tâm huyết của cả đời tôi”.

Sau đó vị Đại sư quay lại, trả cái bao cho phú ông. Phú ông vừa nhìn thấy cái bao tưởng đã mất lập tức ôm nó vào lòng mà nói: “Tốt quá rồi”. Vị Đại sư điềm tĩnh đứng trước mặt ông ta hỏi: “Ông cảm thấy thế nào? Có hạnh phúc không?” “Hạnh phúc. Tôi cảm thấy mình quá hạnh phúc rồi”.

Lúc này, vị Đại sư cười và nói: “Đây không phải là phương pháp gì đặc biệt, chỉ là con người đối với tất cả những thứ mình có đều cho rằng sự tồn tại của nó là đương nhiên cho nên không cảm thấy hạnh phúc.

Cái mà ông thiếu chính là một cơ hội mất đi. Ông đã biết thứ mình đang có quan trọng thế nào chưa? Kỳ thực cái bao ông đang ôm trong lòng với cái bao trước đó chỉ là một, bây giờ ông có còn muốn đem tặng nó cho tôi nữa không???

Thứ Hai, 4 tháng 4, 2022

“Học thật, thi thật, nhân tài thật”


 “HỌC THẬT, THI THẬT, NHÂN TÀI THẬT”

 

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận nhiệm vụ của mình theo định hướng chung mà Thủ tướng đã nêu: “Học thật, thi thật, nhân tài thật”. Điều này hàm ý nhận ra những sai lệch trong quá khứ: thay vì “học thật” nghĩa là học với tư duy phản biện, người ta bắt trẻ học thuộc lòng theo những lối mòn; thay vì “thi thật” người ta cho điểm cao tất cả thí sinh mà không sàng lọc nghiêm túc; thay vì chọn “nhân tài thật” người ta không đánh giá tài năng và kỹ năng một cách đầy đủ, cũng không thừa nhận người có năng lực.

Ba vấn đề này có thể được thảo luận kỹ hơn, chúng là vấn đề chung toàn cầu ngày nay, không phải là vấn đề riêng của Việt Nam, cũng không riêng trong lĩnh vực giáo dục, tuy nhiên ta hãy dành nó cho một bài báo khác.

 

Việt Nam thiếu một cơ quan chịu trách nhiệm cho cả hệ thống giáo dục đại học và nghiên cứu. Việc tồn tại vài trăm viện nghiên cứu công lập hoạt động độc lập với các trường đại học dựa trên một mô hình tách biệt giữa dạy học và hoạt động nghiên cứu khiến hệ thống quản lý thêm phần phức tạp.

 

Dấu hiệu tích cực đầu tiên từ thông điệp của vị Bộ trưởng là ông kiên trì đề nghị sự ủng hộ, không chỉ từ các giáo viên mà cả những người trong các ngành khác. Ông lặp lại đề nghị này trong một thông điệp đăng trên Facebook vào tháng Tám. Chúng ta hãy phản hồi tích cực lại đề nghị này, tin rằng ông nói thực lòng; hãy bắt đầu thảo luận trong cộng đồng, lắng nghe các tiếng nói với những quan điểm khác nhau, và hy vọng hội tụ thành những kiến nghị hữu ích. 

 

Thảo luận và lắng nghe một cách tích cực chưa phải là thói quen truyền thống của người Việt, nhưng nếu chúng ta thay đổi được thói quen này thì sẽ thúc đẩy ý thức về trách nhiệm chung, điều mà hiện nay hầu như vô hình: hãy nhìn nhận lời đề nghị của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn như lời khích lệ chúng ta hành động như những công dân có trách nhiệm, bày tỏ quan điểm và những kiến nghị của mình một cách cởi mở vì một tương lai tốt đẹp hơn.    


Dấu hiệu tích cực thứ hai trong thông điệp của vị Bộ trưởng là ấn tượng về sự chân thành. Kinh nghiệm trước đây của ông, đặc biệt là trong việc lãnh đạo thành công Đại học Quốc gia HN suốt năm năm qua, giúp chúng ta tin rằng ông thực lòng trong lời nói của mình. Là người am tường triết lý Nho học trong nhiều năm, hẳn ông thấm nhuần những trí tuệ kết kinh trong Luận ngữ và có nhiều dịp để suy ngẫm về sự thịnh suy của nhân loại trong lịch sử. 

 

Ông đề cập nhiều vấn đề mấu chốt cho thực trạng giáo dục ngày nay: tầm quan trọng của việc đánh giá đạo đức (đặc biệt là nạn đạo, nhái, tham nhũng, lạm quyền); mức lương bổng quá thấp cho giảng viên và người làm nghiên cứu; đưa giảng dạy gần gũi hơn với thực tế, đáp ứng những gì cần thiết về kỹ năng và tài năng để phát triển đất nước; bổ nhiệm và thăng cấp nhân sự đúng với năng lực, đặc biệt với những vị trí chịu trách nhiệm; sự cần thiết khuyến khích tư duy phản biện để hình thành những công dân có trách nhiệm.


Chúng ta nhìn thấy ở đây một tia hy vọng: hãy đừng bỏ lỡ cơ hội này.


Theo Tia Sáng 3/4/22

Khi nào việc học bắt đầu?


 "KHI NÀO VIỆC HỌC BẮT ĐẦU?"

 UNICEF VIETNAM (Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc ở Việt Nam) tập hợp từ kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Viện Nghiên cứu Giáo dục Phát triển Tiềm năng Con Người (IPD) :

Việc học bắt đầu từ lúc nào? Thường thì ai cũng suy nghĩ là em bé ra đời rồi mới dạy nói, rồi là dạy nghe, dạy viết rồi dần dần mới lớn lên. Nhưng mà học tập và tìm hiểu môi trường xung quanh bắt đầu ngay từ khi em bé còn trong bụng mẹ. Thế nên chúng ta cần kích thích một cách tối đa nhất để đảm bảo rằng sự phát triển của em bé ở trong thai nhi là hoàn hảo

Trẻ em có khoảng 100 tỷ tế bào thần kinh khi sinh và mỗi tế bào thần kinh đó nó lại kết nối với 10 nghìn tế bào khác, thai nhi sau 8 tuần đã bắt đầu hình thành hệ thống thần kinh trong não phải, giúp phát triển khả năng sáng tạo của con người, khả năng tưởng tượng của con người và khả năng vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Với cách học của đứa trẻ như thế không phải đưa trẻ đến trường để cô giáo dạy trẻ một cách bài bản để đứa trẻ mới học, con đường qua cảm giác và tri giác là con đường học đầu tiên và nguồn tư liệu của con đường học đấy nó rất là phong phú nó tạo ra một nên móng vững chắc cho lâu đài tư duy và sự phát triển nhận thức tư duy sau này của đứa trẻ.

Khi đứa trẻ ra đời rồi, người ta đã thấy là trẻ em bắt đầu học qua chơi, chơi qua sự tương tác, tương tác với đồ vật, tương tác với con người giao tiếp với người xung quanh bằng ánh mắt và cử chỉ, và bằng những tiếng âm "uu ... ơơ" của bé. Cho nên người ta thường nói rằng bố mẹ, đặc biệt là mẹ, là giáo viên đầu tiên của đứa trẻ sau khi ra đời và gia đình là trường học đầu tiên của đứa trẻ. 

Có thể nói nếu chúng ta chuẩn bị sớm cho trẻ em một cách toàn diện thông qua cách mà chúng ta chơi với trẻ dành thời gian cho nó và kích thích trẻ học và phát triển thì trước hết trẻ phải có những biểu tượng về thế giới xung quanh khá là hệ thống đa dạng và đầy đủ thứ hai là trẻ có được thái độ tình cảm cá nhân và xã hội cũng khá phát triển và thứ ba là khả năng hành động của trẻ cũng được phát triển một cách tối ưu và tất cả những điều đấy sẽ giúp trẻ sẵn sàng vào lớp 1. Và khi vào lớp 1 thì sự thích nghi với cuộc sống mới về hoạt động học tập thì trẻ sẽ có đủ sức để đương đầu vượt qua thử thách và thành công.