Thứ Tư, 23 tháng 3, 2022

Người phụ nữ gốc Việt viết lại luật pháp được đề cử Nobel Hòa bình

 

"Giữa việc chấp nhận sự bất công hay là viết lại luật pháp, tôi chọn viết lại luật pháp" - Amanda Nguyễn.

NGƯỜI PHỤ NỮ GỐC VIỆT VIẾT LẠI LUẬT PHÁP ĐƯỢC ĐỀ CỬ NOBEL HÒA BÌNH

Là người may mắn sống sót sau khi bị xâm hại tình dục, Amanda Nguyễn đã quyết định soạn thảo “Dự luật bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân bị xâm hại tình dục” để bảo vệ những người gặp trường hợp giống như cô. Chính từ những đóng góp và nỗ lực đáng quý đó, cô đã nhận được đề cử cho giải Nobel Hòa bình danh giá.

“Giữa việc chấp nhận sự bất công hay là viết lại luật pháp, tôi chọn viết lại luật pháp” Amanda Nguyễn từng là nạn nhân của một cuộc tấn công tình dục năm 22 tuổi khi còn là sinh viên ở Đại học Harvard (Massachusetts). Tại đây, sau khi đã trình các bằng chứng y tế có thể truy tố tội phạm tấn công tình dục thì cô mới vỡ lẽ ra rằng: những bằng chứng này có thể bị giới hữu trách hủy trong vòng sáu tháng, ngay cả khi thời hạn truy tố tội phạm là 15 năm, nếu nạn nhân không nộp đơn gia hạn.

“Cứ mỗi sáu tháng tôi lại đề xuất gia hạn, cố gắng bảo vệ bằng chứng khỏi việc bị hủy, mãi cho đến khi ‘Luật bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân bị xâm hại tình dục’ được thông qua.” - Cô cho biết thêm - “Tôi là người bị cưỡng hiếp nhưng may mắn còn sống sót và khi tôi vấp phải một hệ thống tư pháp hình sự thiếu sót, tôi cho rằng trường hợp của tôi không phải là duy nhất. Tôi đã cố gắng tìm hiểu để biết những quyền lợi.

 Vì vậy, cô đã nỗ lực soạn thảo “Dự luật bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân bị xâm hại tình dục,” trong đó bao gồm các luật lệ và thủ tục nhất quán để truy tố tội phạm tấn công tình dục, được đề cử bởi hai đại biểu của bang California, đồng thời là thành viên của Hạ viện Quốc hội Mỹ - Mimi Walters và Zoe Lofgren. Mục đích của Dự luật là để bảo đảm rằng những người có trường hợp giống cô sẽ biết dùng các quyền căn bản của họ và để bảo vệ bằng chứng không bị hủy trước thời hạn.

Dự luật đảm bảo những người bị xâm hại tình dục sẽ được gặp tư vấn viên và được cung cấp những thông tin toàn diện về các sự lựa chọn pháp lý. Đối với cá nhân nộp bằng chứng y tế, luật sẽ cho họ quyền được biết bằng chứng ở đâu và các kết quả xét nghiệm như thế nào.

Cô sáng lập Rise - một tổ chức phi lợi nhuận bảo vệ những người sống sót sau khi bị tấn công tình dục. Rất nhiều nạn nhân bị xâm hại tình dục hoặc bạo hành tình dục luôn sợ người khác kỳ thị khi nói lên câu chuyện của mình, nhất là khi chia sẻ những đau đớn chưa bao giờ nguôi ngoai. Bởi bị cưỡng hiếp không chỉ là nỗi đau kéo dài vài phút, mà là một cái chết từ từ.

 “Quyết định thành lập Rise được nảy ra vào một thời khắc rất đặc biệt. Đó là vào ngày 1/11/2014, sở dĩ tôi nhớ chính xác như vậy là vì ngày hôm đó tôi đã hạ quyết tâm chia sẻ câu chuyện của mình trên Facebook và điều đó chưa bao giờ dễ dàng cả. Khi tôi bước vào Trung tâm xử lý khủng hoảng tấn công tình dục ở địa phương, nhìn thấy phòng chờ được lấp đầy người, lúc ấy tôi nhận ra không chỉ có mình tôi phải trải qua những chuyện này.”

Sức ảnh hưởng của Amanda đã dần tạo nên dấu hiệu tích cực khi nhận được một sự hưởng ứng lớn, đến từ các nhóm các tình nguyện viên, các nhà hoạt động xã hội, những ngôi sao nổi tiếng của làng giải trí. Trong số những người nổi tiếng lên tiếng ủng hộ dự luật phải kể đến ngôi sao nổi tiếng - Evan Rachel Wood. Cô đã có bài phát biểu hùng hồn và đầy cảm động về nạn bạo lực và lạm dụng tình dục ở Hollywood trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ vào tháng 2/2018. Cô nói về tuổi trẻ ám ảnh, tuyệt vọng, mất mát và từng muốn tự tử sau khi bị tấn công tình dục hai lần.

Tiếp đến vào tháng 6/2018 vừa qua, Amanda cùng nam diễn viên Terry Crews đã ra làm chứng tại Thượng viện Hoa Kỳ để khuyến khích nhiều tiểu bang khác thông qua dự luật này. Terry Crews từng có thời gian là nạn nhân của nạn lạm dụng tình dục và đó là khoảng thời gian mệt mỏi kinh khủng nhất đối với anh. Nam diễn viên muốn mọi người hiểu rằng tại Hollywood, các ngôi sao nam hay nữ đều có thể là nạn nhân của vấn vấn nạn lạm dụng tình dục.

Amanda Nguyễn là một trong tám phụ nữ trẻ được vinh danh vì những thành tựu đáng trân trọng trong sự kiện Young Women"s Honor lần thứ nhất (2016) của tạp chí thời trang hàng đầu trên thế giới - Marie Claire. Tại buổi trao giải, cô khẳng định “Tiếng nói chính là thứ công cụ quyền năng nhất mà chúng ta đang sở hữu. Đó là lý do tôi sử dụng tiếng nói của mình chiến đấu cho điều tôi tin tưởng."

Để vinh danh cho sự đóng góp lớn lao trong hoạt động vì quyền con người cũng như truyền cảm hứng, tiếp thêm sức mạnh cho nhiều người trên khắp thế giới, mới đây trong một thông cáo báo chí được đăng tải trên Rise, Walters và Lofgren đã đề cử Amanda cho giải Nobel Hòa bình. “Cô ấy xứng đáng được ca ngợi cho những nỗ lực phi thường và sự cống hiến chưa từng có, trong việc bảo vệ bình đẳng giới theo luật pháp và các quyền cơ bản của con người đối với những ai đã bị xâm hại tình dục trên khắp thế giới” - thông cáo báo chí viết.

Tuy nhiên, ước mơ lớn lao của người phụ nữ gốc Việt này là trở thành phi hành gia của Cơ quan Hàng không Vũ trụ NASA. “Tôi vẫn muốn trở thành nhà du hành vũ trụ trong tương lai. Vài người lo ngại rằng nếu bạn đứng lên để bảo vệ điều gì đó, đặc biệt là biện hộ cho các vấn đề tấn công tình dục, thì bạn sẽ làm công việc này cả đời.” Amanda bộc bạch, “Nhưng tôi muốn mọi người biết rằng việc cất lên tiếng nói của mình sẽ chẳng làm giảm đi thành tựu hay sự tham vọng nào của bản thân cả. Giống như tôi vẫn đang miệt mài theo đuổi đam mê vũ trụ của mình"./.

Theo TTXVN


Thứ Ba, 22 tháng 3, 2022

Aline rebeaud: nữ hoàng của những trái tim cơ nhỡ


Mối duyên với Việt Nam và cái tên đặc biệt của Aline Rebeaud

ALINE REBEAUD: NỮ HOÀNG CỦA NHỮNG TRÁI TIM CƠ NHỠ


Căn phòng lớn ở Trung tâm Chắp Cánh quận Bình Tân treo đầy những tấm bằng khen danh giá do Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký tặng. Bên dưới là cái tên: Aline Rebeaud. Cô là ai mà được trao cho vinh dự này?

 

Đang theo học Mỹ thuật tại quê nhà Thụy Sỹ, Aline Rebeaud lại bỏ ngang để du lịch khắp thế giới. Năm 1992, ở tuổi 20, với 1.000 đô-la Mỹ trong túi, Aline đã đặt chân đến Bắc Âu, Mông Cổ, Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam. Tại Sài Gòn, cô tình cờ gặp một em bé Campuchia nghèo đói, mồ côi cha mẹ sau cuộc chiến Pol Pot. Thương tình, Aline chăm sóc em rồi nhận nuôi, đặt tên là Dũng. 

Cơ duyên này đã đưa cô đến ý định thành lập nhà tình thương. Sau đó không lâu, cô lập nên Nhà May Mắn (Maison Chance) tại phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP. HCM. 

 

Nhà May Mắn phát triển. Đến nay, cô đã mở tổng cộng bốn cơ sở với ba mô hình chính. Đó là Nhà May Mắn (nhà ở), Trung tâm Chắp Cánh (đào tạo nghề), Làng May Mắn (trường học, nhà ở).

Công nhận đóng góp to lớn của Aline đối với Việt Nam, năm 2018, Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định cho phép Aline Rebeaud nhập tịch với cái tên thứ hai: Hoàng Nữ Ngọc Tim, chứng minh thư nhân dân của cô ghi phần dân tộc là “Thụy Sĩ”.

 

Toàn cảnh trung tâm Bảo trợ xã hội Nhà May Mắn tại Đắk Nông.

 

Mối duyên với Việt Nam và cái tên đặc biệt của Aline Rebeaud

Ngọc Tim bắt đầu câu chuyện bằng một kỷ niệm đáng nhớ thời thơ ấu.

“Trong một buổi sáng, mẹ đưa tôi đến nhà sách gần nhà. Mẹ để tôi xem sách thiếu nhi rồi sang khu sách người lớn. Một lúc sau, mẹ hoảng hốt vì cô con gái 10 tuổi bỗng dưng biến mất. Tìm mãi một lúc, bà phát hiện tôi đang đứng bên khu sách người lớn. Tôi say sưa ngắm nhìn một cuốn sách ảnh về chiến tranh Việt Nam năm 1951. Mẹ ngạc nhiên vì không hiểu đất nước xa xôi này có gì mà lại thu hút tôi đến thế”. Ngọc Tim bắt đầu câu chuyện bằng một kỷ niệm đáng nhớ thời thơ ấu.

 

Chia sẻ về cái tên Việt, cô kể, ở Việt Nam, cô gặp Thành, một cậu bé mắc bệnh tim “hết thuốc chữa”. Tim cố gắng đưa em đi chạy chữa khắp nơi. Đến bệnh viện tim mạch Nguyễn Tri Phương, các bác sĩ mới nhận điều trị. Sau ba tháng rưỡi, Thành dần hồi phục.

Lúc này, người nhà của bệnh nhân đã đặt cho cô cái tên Tim, đại diện cho hình ảnh trái tim, cũng như lòng nhân hậu. Cô chia sẻ: “Tên Tim ở phương Tây là tên con trai. Nên tôi thêm chữ Nữ. Ba từ trong họ và tên có đủ a, ư, i, nên tôi thêm chữ o là Ngọc. Còn họ Hoàng nghe rất hay”.

 

Nhà May Mắn cung cấp nhà ở, chăm sóc y tế, giáo dục và đào tạo nghề cho các đối tượng khó khăn. Đó là người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người bị tai nạn lao động rồi mất khả năng làm việc. Hiện nay, Nhà May Mắn đang có hơn 400 thành viên sống và sinh hoạt.

Tuy nhiên, Aline Rebeaud quan niệm làm từ thiện không có nghĩa mình sẽ nuôi sống những người khác cả đời.

 

Có một câu nói quen thuộc là: “Nếu bạn cho người đói một con cá, họ sẽ ăn trong một ngày. Nếu bạn dạy cho họ cách câu cá, họ sẽ có ăn mãi mãi”. Tim muốn những người bất hạnh lấy lại được danh dự và cảm thấy được hạnh phúc bằng cách làm việc. Sự lệ thuộc sẽ khiến cuộc đời vô nghĩa.

Với Tim, những người bị liệt chân vẫn có thể làm đồ thủ công mỹ nghệ, khâu vá bằng tay. Người liệt tay vẫn có thể vẽ tranh bằng chân, thậm chí bằng miệng. Tuy họ có hoàn cảnh khó khăn đủ mặt, nhưng Tim vẫn nhận vào trung tâm và đào tạo.

 

Khó khăn & thử thách

Ai cũng biết, Việt Nam có một hệ thống quy định, giấy tờ và thủ tục chặt chẽ. Một người ngoại quốc hòa nhập đã khó. Nói gì đến thành lập các tổ chức, mua đất xây nhà ở thiện nguyện… Tim chia sẻ: “Nói không phải khoe, chứ tôi được công an phường mời lên làm việc không phải là ít. Lúc trước, tôi còn cảm thấy khó khăn. Chứ bây giờ tôi quen rồi”, cô kể với tôi bằng giọng Việt Nam rõ ràng, rành mạch. 

Tim bảo, người ta chất vấn, nghi ngờ cô cũng đúng thôi! Bởi khó ai tin được một người nước ngoài bỗng dưng tập hợp hàng trăm trẻ em mồ côi, người tàn tật để chăm sóc, nuôi dưỡng bằng cả tấm lòng như thế. Nhưng Tim chưa bao giờ bỏ ý định tiếp tục phát triển Nhà May Mắn, hay bỏ hết tất cả và quay về Thụy Sĩ. “Không ai khuyên tôi nổi đâu”, cô cười.

 

Nhà May Mắn: Gia đình thứ hai của Tim

 Ở Việt Nam, Tim không thành lập tổ chức. Do đó, cô bay về Thụy Sĩ, đến các nước châu Âu khác như Pháp, Đức, Mỹ, Canada… để thành lập các tổ chức thiện nguyện. Rồi Tim quay lại Việt Nam và xây dựng Nhà May Mắn với danh nghĩa chi nhánh. Cách này vừa giúp cô hợp thức hóa hoạt động của Nhà May Mắn tại Việt Nam, vừa tạo cơ hội nhận tài trợ tài chính từ các quỹ từ thiện ở nước ngoài.

Hiện tại, mỗi tháng Tim mất khoảng 2 tỷ đồng để duy trì hoạt động tại các cơ sở nhà tình thương. Cô hợp tác với các công ty du lịch trong nước để giới thiệu các sản phẩm thủ công do người khuyết tật thực hiện đến với du khách. Hiện tại, Tim đang lên kế hoạch nghiên cứu chế tạo xe lăn trọng lượng nhẹ cho người tàn tật, mở trang trại nuôi ngựa ở Đắk Nông để hỗ trợ trị liệu.

 

Cho đi nhiều, có bao giờ Tim nghĩ đến gia đình của riêng mình? Cô trả lời: “Bây giờ, tôi không nghĩ đến việc kết hôn hay lập gia đình”. Nhà May Mắn, nơi những người con khác màu da gọi cô là mẹ Tim, dường như đã là gia đình thứ hai của cô. Đây là nơi gắn bó với Tim suốt 28 năm tuổi xuân, và sẽ tiếp tục bên cạnh cô nhiều năm về sau.

Do Trinh Huỳnh đăng 06-05-2021

Chia sẻ FacebookPinterest