HÓA GIẢI MÂU THUẪN GIỮA ANH CHỊ EM TRONG GIA ĐÌNH THEO LỜI PHẬT DẠY
Sự mâu thuẫn giữa các anh chị em trong gia đình cũng là một vấn đề khá phổ biến, làm cho không ít người phải khổ đau, thậm chí đưa đến những hậu quả hết sức thương tâm: anh chị em oán hận không nhìn mặt nhau, mưu hại nhau.
Để hóa giải những rắc rối, mâu thuẫn giữa anh chị em trong gia đình với nhau, theo tinh thần của giáo lý đạo Phật, thì các anh chị em trong gia đình nên thường xuyên quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau để thiết lập tình cảm thân thiết với nhau, để hiểu nhau và thương yêu lẫn nhau.
Khi anh chị em thật sự hiểu và thương yêu lẫn nhau, kính trọng nhau thì sẽ không xảy ra tình trạng ganh tị, đố kỵ, hoặc là không nhường nhịn nhau nữa.
Có một điều mà mọi thành viên trong gia đình cần phải ý thức rõ, ấy là khổ đau hay hạnh phúc của mỗi cá nhân trong gia đình đều có ảnh hưởng đến các thành viên khác, nhất là đối với những gia đình Á Đông như ở nước ta. Hạnh phúc hay khổ đau không phải là vấn đề của cá nhân nữa, mà là của cả gia đình. Khi con cái khổ đau thì cha mẹ cũng không thể hạnh phúc, khi cha mẹ bất hòa thì con cái cũng khổ theo.
Có một giải pháp rất hay mà Đức Phật đã dạy để giải quyết sự bất hòa, đó là phương pháp "Đệ tam nhân". Chúng ta có thể áp dụng phương pháp này để giải quyết bất hòa, mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình. Đệ tam nhân ở đây có thể là người thứ ba, hoặc cũng có thể là một vật trung gian, làm cầu nối giữa những thành viên bất hòa trong gia đình với nhau, để giúp họ hiểu nhau hơn.
Chúng ta thường thấy ở Việt Nam, khi vợ chồng bất hòa nhau thì thường nhờ cha mẹ đôi bên phân xử và hòa giải, hoặc là nhờ đến bạn bè thân thiết, hoặc là những người có uy tín; anh em bất hòa nhau thì nhờ đến cha mẹ hòa giải, như thế có nghĩa là chúng ta đã áp dụng phương pháp Đệ tam nhân. Vì người ngoài thường có cái nhìn sáng suốt và khách quan hơn, có nhận định đầy đủ hơn người trong cuộc, do vậy mà họ có thể nói ra để cho cả hai bên hiểu nhau và thông cảm với nhau, có thể hóa giải được sự bất hòa. Tuy nhiên, nếu mâu thuẫn thường xuyên xảy ra bất hòa quá thì phương pháp Đệ tam nhân có thể không khả thi.
Phương pháp cao nhất là: Thực tập chánh niệm cũng góp phần không nhỏ trong việc hạn chế những mâu thuẫn, bất hòa trong gia đình, làm cho gia đình ngày thêm đầm ấm, hạnh phúc.
Khi tiếp xúc với nhau bằng chánh niệm, chúng ta dễ dàng phát hiện ra người thương cần gì nơi ta, có những vấn đề gì cần giải quyết để xây dựng và giữ vững quan hệ giữa hai người. Nhờ có chánh niệm mà mình cảm nhận được sự có mặt của người thương và tình cảm của người ấy dành cho mình.
Bởi đôi khi ngồi bên cạnh mẹ mà ta không ý thức được sự có mặt của mẹ, vì ta đang thả tâm trí đến nơi khác. Kiên trì thực tập chánh niệm điều tốt đẹp ngày càng hiện hữu.
Đấy là những giáo pháp căn bản, liên hệ mật thiết trong việc tạo dựng hạnh phúc gia đình. Nếu các thành viên trong gia đình đều thực tập theo những giáo pháp ấy thì chắc chắn sẽ có được một gia đình an vui và hạnh phúc.
Nguyệt san Giác Ngộ 174