Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2022

Yêu một người đàn ông chưa trưởng thành là thế nào?

 

YÊU MỘT NGƯỜI ĐÀN ÔNG CHƯA TRƯỞNG THÀNH LÀ THẾ NÀO?

 

Có cô bạn hỏi tôi, yêu một người đàn ông chưa trưởng thành rất mệt có phải không. Câu trả lời của tôi là: mệt, rất mệt, cực kỳ mệt.

 

Trước đây tôi đã từng yêu một người đàn ông chưa trưởng thành trong một thời gian ngắn, người đàn ông chưa trưởng thành biểu hiện lớn nhất của họ là tính cách ích kỷ. Họ sẽ không bao giờ nhìn thấy sự cố gắng và sự hi sinh của bạn cho đoạn tình cảm này, mỗi lần cãi nhau hay có mâu thuẫn không những không nhường nhin bạn mà còn chất vấn bạn: anh đã rất khổ rồi, anh đã vì em làm rất nhiều việc, rốt cuộc em còn nháo cái gì nữa.

 

Kể cả trong cuộc sống hiện thực rất nhiều người bạn đã gặp phải một nửa kia như vậy, họ cảm thấy rất tủi thân, uất ức nhưng không nỡ chia tay, cứ luôn tự an ủi bản thân và bảo rằng cho nửa kia thời gian để anh ấy có thể trưởng thành.

Nhưng tôi nghĩ rằng, sự ích kỷ không thể thay đổi, họ mãi mãi yêu bản thân còn nhiều hơn yêu người khác.

 

Sau này tôi rất may mắn khi đã gặp được một người đàn ông trưởng thành và thận trọng.

Lúc đó tôi mới thật sự biết rằng cảm giác được cưng chiều trong tình yêu là như thế nào. Khi tôi bị bệnh anh ấy sẽ ở bên cạnh tôi, vừa chơi game cùng tôi, vừa nhắc tôi uống thêm nhiều nước nóng.

 

Khi tôi cần anh ấy, điện thoại của anh ấy không bao giờ không gọi được và sẽ không ngủ quên khi tôi nói chuyện với anh ấy. Điều quan trong nhất là trong tình yêu anh ấy sẽ không để tôi cảm thấy rối rắm và vướng bận vì tình yêu.

 

Tôi hỏi anh ấy: một người đàn ông làm sao mới có thể học được cách trưởng thành?

Anh ấy nói: đứng trên góc độ của một người đàn ông mà nói, thật ra sự không trưởng thành chỉ là tương đối, trường thành vốn dĩ không phải ai cũng biểu hiện ở tính cách, sự trưởng thành của mỗi người không phải sinh ra đều giống nhau.

 

Nếu thật sự đặc biệt thích một người, trở thành một người thành thục là việc tự nhiên. Bởi vì sợ không đủ khả năng chịu toàn bộ trách nhiệm với bạn, sợ không có khả năng đem đến cho bạn sự bảo vệ tốt nhất.

Vì vậy không trưởng thành đều chỉ vì lý do chưa đủ yêu thương, vì khi một người thật lòng yêu bạn mỗi giờ mỗi khắc đều sẽ vì bạn mà suy nghĩ.

Đừng tin ai cả, đừng nghe ai cả... hãy chỉ nhìn con mình

 

ĐỪNG TIN AI CẢ, ĐỪNG NGHE AI CẢ... HÃY CHỈ NHÌN CON MÌNH

 

Subi kéo chiếc xe đi chợ. Một bác lớn tuổi đi phía sau nói to: “Ông bố cao lớn thế kia không cầm cho con mà để con bé tí nó đẩy”.

Từ khi BiBo chào đời, bố mẹ không làm rất nhiều việc mà lẽ truyền thống thường thấy cần phải làm.

 

Mẹ không ru, không ngủ cùng BiBo. Mẹ chỉ cho hai em vào túi ngủ, đặt xuống cũi, rồi đóng cửa đi ra.

Mẹ không cho hai em ăn khi muốn. Mẹ cho ăn thành bữa và theo giờ.

Mẹ không cho hai em đòi gì được nấy. Chỉ cho cái các em cần, còn cái muốn là bố mẹ cân nhắc quyết định.

 

Mẹ để Subi tự làm những việc cá nhân từ sớm. Ông ngoại hay hỏi “Để Subi tự tắm có sạch không?”, “Subi vệ sinh sau khi đi ị liệu có bẩn không?”,… Rất nhiều “có được không”. Mẹ hay phớt đi trả lời ông: “Được chứ ạ! Chưa được rồi khắc được!”

 

Có ngày vì phải đi có việc nên mẹ xin Subo để mẹ xúc cho em ăn. Bà trẻ sang chơi thấy cháu ăn thun thút, bà bảo: “Đấy nó ăn tốt thế mà không xúc cho con ăn cho được nhiều”. Mẹ có cho con ăn để được nhiều đâu nhỉ. Con cứ tự lực mà sống từ những việc rất cơ bản thôi.

Mẹ không gọi BiBo dậy đi học. Chúng nó lồm cồm dậy, lồm cồm tự học, tự đọc, tự chơi, tự mò bữa sáng. Muộn học thì tự chịu, vì đấy không phải việc của mẹ.

 

Mẹ để con một mình nhặt thức ăn rơi vãi trên sàn trung tâm thương mại. Mẹ không giúp. Mẹ để con tự chịu trách nhiệm với hành động của mình. Tự con đối diện với nhiều ánh mắt đang dồn về mình. Là con tự học cách vượt qua khủng hoảng, đối mặt với cuộc sống.

 

Mẹ không chọn sống gần trung tâm, nơi có những trường học với rating cao. Không dọn trước mặt con một đĩa thức ăn sẵn. Mẹ để con tự chọn lựa, tự cố gắng, tự bước, tự đạt.

Bố mẹ là kiểu bố mẹ thờ ơ như thế. Buông tay để nắm. Không làm gì để làm nên gì.

Rồi sau này, khi BiBo ở vai bố vai mẹ, các con sẽ hiểu, nói “có” luôn dễ hơn “không”. Như mẹ từng đọc được rằng “không làm gì thì khó hơn làm gì” rất nhiều.

 

Các bố mẹ à, dạy con kiểu Nhật, dạy con kiểu Đức, dạy con kiểu Mỹ,… không có một phương pháp dạy con nào đúng với con bạn đâu. Chỉ có dạy con kiểu mẹ Linh, mẹ Mai, mẹ Vân,… kiểu của mẹ X dành riêng cho con X của bạn mà thôi. Chỉ có bạn, người mẹ – người tạo nên con từ máu thịt cơ thể, gắn bó với con bằng sợi dây giác quan vô hình, người yêu con, hiểu con mới biết nên cùng con bước dài hay ngắn trên mỗi chặng đường cuộc đời con.

 

Đừng tin ai cả, đừng nhìn ai cả, đừng nghe ai cả. Hãy chỉ nhìn con mình. Bài viết của những người nổi tiếng về nuôi dạy con, câu chuyện của những hot mum chỉ là để bạn có thêm một góc nhìn.

Đừng đi vào mổ xẻ chi tiết, câu từ. Bắt cái hồn thôi. Nếu chăng có gặp nhau trong quan điểm nuôi dạy, hãy dựa trên con mình, mẹ sẽ nhánh riêng.

Làm gì hay không làm gì là ở con bạn, ở bạn, ở mỗi hoàn cảnh gia đình.

 

Thứ Năm, 3 tháng 3, 2022

Là phụ nữ thì có cần nhất thiết phải đảm đang không?

 

LÀ PHỤ NỮ THÌ CÓ CẦN NHẤT THIẾT PHẢI ĐẢM ĐANG KHÔNG?


Trong những năm tháng đi du học, một trong những điều mình cảm thấy may mắn nhất chính là bản thân có thể tự làm được nhiều thứ, nếu không muốn nói là gần như tất cả mọi thứ. Điều này thứ nhất là tốt cho chính bản thân mình, chứ chưa cần nói đến lợi ích của những người xung quanh.

Ở xứ sở mà cái gì cũng đắt đỏ, lại chân ướt chân ráo sang từ lúc còn trẻ con, không một chỗ dựa, thì việc tự nấu được cơm ăn, tự giặt được quần áo cũng khiến cho nỗi sợ hãi và cô đơn vơi đi phần nào.

Mình có thể tự nấu ăn. Thích ăn cái gì đều nấu được. Cúc áo đứt, mình có thể tự khâu. Quần áo sứt chỉ có thể tự sửa. Thậm chí lùn quá đi mua quần không vừa thì mình còn có thể tự lên gấu. Tường mốc biết diệt mốc và tự sơn lại. Bàn ghế giường tủ hỏng đâu biết sửa đấy.

Nói chung dù phải thừa nhận đi du học là khó khăn, nhưng mình chưa bao giờ có cảm giác mình không vượt qua được, vì mình tự tin.

 

Tất nhiên những việc này nếu có tiền thì chả cần biết làm cũng được. Nhưng vấn đề lúc ấy của mình chính là không có (nhiều) tiền. Vậy thì khi tài chính không dư giả, kĩ năng chính là cái giúp mình vượt qua được khó khăn.

Đến bây giờ khi đã có con, mình lại càng cảm thấy những kĩ năng này thật quý giá. Con từ chối món ăn này thì mẹ có thể làm vài chục món khác. Con từ một đứa trẻ đã từng có thời gian cả ngày không chịu ăn gì, trở thành đứa trẻ hứng thú và yêu thích đồ ăn.

Mỗi khi gia đình rơi vào khủng hoảng tài chính, sự “đảm đang” của mình là kĩ năng quan trọng để cả nhà sống sót bằng ít tiền nhất có thể, nhưng vẫn khoẻ và vui.

 

Ngoài ra, những kĩ năng này còn giúp mình kiếm thêm tiền ngay cả khi ngồi nhà nữa. Khi chưa có con, mình vẫn vẽ búp bê, thêu váy và làm quần áo búp bê bán trong thời gian rảnh. Giờ có con rồi thì bận nên mình tạm dừng, nhưng khi con đi mẫu giáo sẽ tiếp tục làm lại. Nói chung, ngay cả khi làm việc tự do thì mình vẫn có thu nhập “ổn định” từ nhiều kĩ năng mà mình có.

 

Vậy phụ nữ có cần phải đảm đang không?

Theo mình thì không “cần phải” nhưng vẫn “nên”, và không phải riêng phụ nữ mà cả đàn ông cũng vậy. Nên biết những kĩ năng cơ bản để ít nhất có thể tự chăm sóc tốt cho bản thân, sau nữa là gia đình và con cái. Hiểu biết nhiều thì dễ sống, vậy thôi.

 

Bản thân mình là một người đề cao nữ quyền, nhưng đồng thời mình không cổ suý việc các cô gái hay chàng trai tự hào về việc bản thân “không biết làm gì”. Với mình, việc không tự chăm sóc tốt được cho bản thân chẳng có gì đáng tự hào hay thể hiện rằng bạn độc lập và tân tiến cả.

Ngược lại, việc đó thể hiện bạn đang phải phụ thuộc để sinh tồn, không phụ thuộc người khác thì phụ thuộc tiền bạc.

 

Bạn “không biết làm gì” cũng được, nếu nhà bạn cực kì giàu hehe.

 

Alicia Vu