Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2022

Để có một bài thi đạt kết quả tốt nhất

 

ĐỂ CÓ MỘT BÀI THI ĐẠT KẾT QUẢ TỐT NHẤT

Kết quả của bài thi không phụ thuộc hoàn toàn vào khối lượng kiến thức của bạn mà còn dựa vào chỉ số IQ, độ linh hoạt, khả năng ứng biến, tình trạng sức khỏe và rất nhiều yếu tố khác. Một yếu tố mang tính quyết định mà chúng ta thường quên chính là thời điểm ngay trước khi bắt đầu thi. Dưới đây là một vài bí quyết cơ bản và những chiến thuật mà bạn nên làm trong khoảng thời gian này để đạt được kết quả cao nhất.

Thư giãn với giấc ngủ

Trước ngày thi, không ít người “chong đèn” học suốt đêm, cố gắng nhồi nhét kiến thức vào đầu. Điều này không hề giúp bạn nâng cao điểm số, ngược lại làm tinh thần bạn mệt mỏi, căng thẳng, không có khả năng tập trung để làm bài. Tại thời điểm này, thư giãn nhẹ nhàng sau đó đi ngủ sớm là điều tốt nhất bạn nên làm.

Đến nơi thi sớm

Bạn nên đến nơi thi sớm, tìm phòng thi, vị trí ngồi và làm quen với môi trường xung quanh. Điều này sẽ giúp bạn ổn định tâm lý, tránh được trạng thái căng thẳng, hồi hộp.

Đừng học trước giờ thi

Đừng cố học bất kì điều gì mới trước giờ thi. Kiến thức mới được nạp vào thời điểm này sẽ khiến bạn rối loạn và phá vỡ mạch liên kết của khối kiến thức cũ. Hơn nữa, trong một thời gian ngắn bạn không thể học cặn kẽ bất cứ điều gì. Vấn đề được hiểu “nửa chừng nửa vời” là “con dao hai lưỡi” có thể làm hại bạn.

Lạc quan

Hãy suy nghĩ một cách tích cực. Tưởng tượng bạn đang làm bài tốt và tin tưởng vào những kiến thức đã học. Bạn hãy bình tĩnh trước những câu hỏi khó, sự không chắc chắn trong lúc làm bài.

Đừng nói về nỗi lo lắng

Bạn nên tránh trò chuyện với những thí sinh đang lo lắng và cũng không nên nói về nỗi lo lắng của bản thân. Điều đó làm tăng nỗi lo và kìm hãm sự tập trung của bạn. Hãy kiểm soát nỗi lo lắng, đừng để nó chế ngự tinh thần bạn.

Chuẩn bị sẵn những thứ cần thiết.

Hãy chuẩn bị đầy đủ những thứ bạn cần dùng trong bài thi và chắc chắn đó là những thứ bạn được phép mang theo vào phòng thi. Bút viết (bạn nên mang ít nhất hai cây đề phòng hết mực), bút chì, máy tính,… Hãy chuẩn bị sẵn mọi thứ vào tối hôm trước và để sẵn trong túi.

Mang theo 1 chai nước nhỏ: Uống nước lọc là cách hiệu quả để giải stress tức thời trong phòng thi. Hãy mang theo 1 chai nước để ngay lúc cần thì uống ngay mà không cần phải đi ra ngoài lấy nước. Chai nước lọc này cần phải được bóc nhãn ra và đưa cho giám thị kiểm tra trước khi vào phòng thi.

Đừng rời phòng thi khi chưa hết thời gian

Bạn hãy ngồi nguyên một chỗ trong suốt buổi thi. Thậm chí, nếu bạn đã làm xong bài, bạn có thể ngồi yên cho đến cuối buổi thi. Rất có thể bạn sẽ nghĩ ra một ý hay, một vài điểm chưa chắc chắn,… sau khi đã rời phòng thi. Thời gian thi là rất ít so với quá trình học vì vậy bạn đừng lãng phí nó. Hãy đảm bảo rằng bạn chỉ rời phòng thi khi đã hết thời gian.

Tập trung làm bài

Bạn hãy tập trung để làm bài, đừng bận tâm tới những người xung quanh và những việc họ làm. Bạn hãy đọc kĩ những hướng dẫn, phân chia thời gian làm bài một cách khôn ngoan và hãy làm trước những câu hỏi mà bạn tự tin nhất. Bạn hãy cố gắng trả lời hết các câu hỏi và đừng quá tập trung vào bất cứ câu hỏi nào. Hãy cân nhắc giữa điểm số của câu hỏi và thời gian làm bài.

Tuyệt đối đừng gian lận

Giở tài liệu, nhòm ngó bài, hỏi bài những thí sinh khác,… điều đó sẽ làm bạn mất rất nhiều thời gian. Bạn nên nhớ bất cứ thí sinh nào đi thi cũng muốn làm bài tốt và họ sẽ tập trung làm bài. Có thể bạn sẽ hỏi được một vài thông tin nào đó nhưng chưa chắc đó là thông tin chuẩn. Thay vì phải canh chừng giám thị và phấp phỏng chờ sự cầu cứu bạn hãy tập trung vào làm bài. Ít nhất bài thi đó cũng đánh giá năng lực thật sự của bạn. Đó là động lực thúc đẩy bạn chuẩn bị tốt hơn cho kì thi tiếp theo.

Chúc các bạn thành công.

Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2022

Thảm kịch của căm ghét

 

THẢM KỊCH CỦA CĂM GHÉT

 

Ai định nghĩa được căm ghét? Nó là một cảm xúc, một thái độ, một thiên hướng? Vì sao người ta ghét? Lúc nào thì căm ghét trở thành bệnh lý?

 

Trong rất nhiều trường hợp, người căm ghét coi mình là nạn nhân. Họ thấy mình bị tấn công và bắt buộc phải tự vệ. Những thanh niên đầu trọc cho rằng cuộc đời họ sẽ thật tốt đẹp nếu phụ nữ da trắng không cặp với người nước ngoài.

Căm ghét một đối tượng đã được cộng đồng duyệt là đáng căm ghét là một hành vi nhằm giảm thiểu sự cô đơn và tăng giá trị bản thân. Người ta xuống tay với kẻ cắp để chứng tỏ phẩm chất đạo đức của mình, cùng nhau hành hạ đối tượng đó để cảm nhận được tình đoàn kết trong nhóm và để yên tâm là cộng đồng chấp nhận mình. Giống như trong các xung đột giữa các dòng tộc hay giữa các băng đảng, thể hiện sự căm thù với kẻ bên ngoài là một cách để người ta bảo đảm có được sự yêu thương ở bên trong.

 

Trong các tài liệu tôi đọc về căm ghét, chữ pathology (bệnh lý) thường xuyên xuất hiện. Căm ghét cực đoan có thể là một trạng thái, một cảm xúc, một thái độ, nhưng điểm chung là nó cần được chữa trị. John Schafer và Joe Navarro cho rằng ở bước cuối cùng trong tiến trình của căm ghét, khi những người ghét phá hủy đối tượng của mình, họ cũng bị phá hủy theo, trên cả bình diện tâm lý và vật lý.

 

Nhiều thập kỷ trước đó, Martin Luther King phát biểu tương tự: “Sự căm ghét làm méo mó tính cách của người ghét. Chúng ta hay chú ý tới hệ quả của căm ghét đối với những người hay những tập thể bị ghét, nhưng với người ghét, tình hình còn bi thảm hơn, còn hủy hoại hơn, còn gây chấn thương hơn.  Bạn ghét một ai đó và bạn bắt đầu làm những điều vô lý. Bạn không nhìn rõ nữa khi bạn ghét, bạn không đi thẳng được nữa khi bạn ghét. Bạn không đứng thẳng được, cái nhìn của bạn bị méo mó. Không có gì bi kịch hơn là chứng kiến một con người với trái tim đầy căm ghét. Anh ta trở thành một con bệnh”.

 

 

Căm ghét, giống như tình yêu, là những trải nghiệm thông thường của con người. Nhưng trong những trường hợp bệnh lý, căm ghét trở nên bao trùm, nuốt chửng tất cả, trở thành một cái hố đen tiêu thụ toàn bộ tâm trí của người ghét.

Chúng ta nhớ lại một status của một “mẹ” gửi tới đám báo chí đang được cho là chế nhạo các chị: “Chị dù quản lý doanh nghiệp nhá, nhưng chị đây cũng 2 tay 3 máy, trong đó 1 máy chuyên dùng để f5 cái topic này để không sót bài nào nhá. (...) Thậm chí đêm đến chị vỗ đít cho con ngủ, chị nằm cạnh nó chị vẫn lướt webtretho, face vèo vèo vèo để check không sót tí nào nhá. Chị rảnh cực!”.

 

Khi thành bệnh lý, cái ghét trở nên vô biên, nó thành điều duy nhất để qua đó người ta định nghĩa chính mình. Cái ghét bệnh lý, theo tác giả Kernberg, được viện tới như một vũ khí để tự vệ. Ông viết: “Đó là hình ảnh của một bản thể đói khát, nổi giận, trống rỗng, đầy sự giận dữ bất lực, bực bội và sợ hãi trước một thế giới mà nó cho là cũng hằn học và hiềm thù như chính bản thân nó”.

Đại dịch Covid-19, vấn nạn đối với giới trẻ châu Á

ĐẠI DỊCH COVID-19, VẤN NẠN ĐỐI VỚI GIỚI TRẺ CHÂU Á

Gần 2 năm sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, số người trẻ tuổi ở châu Á thất học, suy dinh dưỡng hay trầm cảm ngày một tăng trong bối cảnh nhiều gia đình tại châu lục này vẫn chật vật đối phó với tình trạng mất việc làm và tài chính eo hẹp.

Số ca nhiễm không còn là 'thước đo' chính đánh giá về đại dịch Covid-19

Ngày 26/12, các chuyên gia y tế hàng đầu của Mỹ cho biết khi biến thể Omicron lây lan, không nên coi số ca nhiễm là một chỉ số chính để theo dõi đại dịch COVID-19. Thay vào đó, cần tập trung vào số ca nhập viện, số ca tử vong, số ca tái nhiễm và số ca nhiễm sau tiêm đủ liều cơ bản và tiêm tăng cường.

Tuy nhiên, đại dịch cũng giúp giới trẻ châu Á nhận ra tầm quan trọng của tính kiên cường và khả năng thích ứng. Nhiều bạn trẻ đã tạo dựng cho mình những kỹ năng mới hoặc tìm lại được niềm vui khi dành thời gian bên gia đình và người thân.

Cô Thanaporn Limrungsukho, 41 tuổi, cho biết 2 người con của cô, 5 tuổi và 8 tuổi đã thân thiết với nhau hơn sau đợt phong tỏa. Dù hai anh em vẫn còn châm chọe nhau, song cũng đã học được cách thỏa hiệp hoặc thương lượng với nhau.

Theo cô, đây là những kỹ năng quan trọng với trẻ. Trong khi đó, cô bé Ursula Merveille Virinesca, 10 tuổi, người Indonesia tâm sự đã học được những kỹ năng mới như vẽ, tô màu và tạo ảnh động trên ứng dụng điện thoại thông minh.

Tuy nhiên, đại dịch cũng khiến hầu hết những người trẻ tuổi ở châu Á bỏ lỡ cơ hội. Tại Indonesia - nơi có 25% dân số trong tổng số 270 triệu người, trong độ tuổi từ 10-24, đại dịch đã khiến các bậc cha mẹ đã đẩy con cái xa con đường học vấn, hoặc ép buộc con cái kết hôn để giảm gánh nặng tài chính.

Tại Thái Lan, thống kê cho thấy ít nhất 10.000 trẻ đã rơi vào cảnh thất học kể từ khi đại dịch bùng phát và dự kiến con số này có thể lên tới 65.000 trẻ vào cuối năm nay.

Bộ Giáo dục Malaysia cho biết từ tháng 3 đến tháng 7/2021, đã có 21.316 học sinh nước này bỏ học. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Ấn Độ, với 4,6% số trẻ em không đi học trong năm nay, tăng gần gấp đôi so với năm 2018.

Không chỉ vậy, đại dịch còn gây ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của giới trẻ châu Á. Ấn Độ ghi nhận số trẻ em suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng tính đến ngày 14/10/2021 tăng vọt, tới 91%, với 1,77 triệu trẻ, so với tháng 11/2020.

Cậu bé Pawan, 2 tuổi, là một trong những trẻ bị suy dinh dưỡng tại Ấn Độ. Cha của Pawan là một người làm công ăn lương, cho biết chỉ có thể kiếm việc 12 ngày trong 1 tháng, giảm 8 ngày so với mức trước khi xảy ra đại dịch. Mỗi ngày cha của Pawan cũng chỉ kiếm được 200 rupee (3,6 USD) và cả gia đình sống sót được nhờ kiếm ăn trong rừng và bán củi.

Cuộc đấu tranh sinh tồn này có lẽ ít gay gắt hơn ở khu vực đô thị, song giới trẻ ở các khu vực này lại phải đối mặt với nhiều vấn đề khi ở nhà quá lâu. Ông Jitendra Nagpal, bác sĩ tâm lý cấp cao ở Bệnh viện Moolchand tại thủ đô New Delhi, cho biết số trẻ em và thanh thiếu niên bị trầm cảm đã tăng gấp 3.

Nhiều trẻ kêu mệt mỏi và thiếu ngủ. Trên thực tế, các biện pháp phong tỏa và hạn chế đã khiến các trường học phải đóng cửa, việc dạy và học được chuyển sang hình thức trực tuyến. Học ở nhà trong thời gian dài, giảm tương tác khiến trẻ gặp các vấn đề tâm lý.

Bà Margaret Lim, 54 tuổi, người Malaysia cho biết 2 con của bà hầu như không đi ra ngoài, đứa con nhỏ của bà khá chán nản vì không được đi học, con lớn lại sợ mắc bệnh nên không hề bước chân ra khỏi nhà ngay cả khi Malaysia không áp dụng biện pháp phong tỏa.

Giới chuyên gia cho rằng thay đổi tâm trạng, mất ngủ, các vấn đề liên quan đến tập trung và hành vi dường như ảnh hưởng đến khá nhiều trẻ từ 5 tuổi đến thanh niên. Khảo sát của Bộ Trao quyền cho phụ nữ và Bảo vệ trẻ em Indonesia cho thấy có 13% số người được hỏi dưới 18 tuổi bị trầm cảm từ nhẹ đến nặng vào năm ngoái.

Nghiên cứu do các trường y hàng đầu tại Philippines thực hiện cho thấy đại dịch đã làm trầm trọng thêm các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần đối với trẻ trong độ tuổi từ 5-15. Theo nghiên cứu trên, chính nỗi sợ hãi và lo lắng nhiễm virus SARS-CoV-2, cùng việc gián đoạn thói quen hằng ngày và giảm tương tác xã hội ở trường học đã chất thêm gánh nặng đối với sức khỏe tinh thần của trẻ. Những học sinh đã tốt nghiệp còn có lý do khác, trở nên căng thẳng hơn – đó là thị trường việc làm.

Tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ tại Thái Lan, bao gồm những người từ 15 đến 24 tuổi, đã lên mức cao kỷ lục. Tỷ lệ của nhóm đối tượng này trong quý I/2021 đã tăng 7% so với quý IV/2019.

Dù đại dịch đã “phủ bóng đen” lên cuộc sống của giới trẻ châu Á, song không phải tất cả giới trẻ đều cảm thấy u ám. Như tâm sự của cô bé Almas Sumaiyah Mardhiah, 12 tuổi, người Malaysia, đại dịch đã giúp cô hiểu thêm về năng lực của bản thân, cải thiện tay nghề nấu nướng, giúp cô bé có thêm nhiều thời gian để thử nghiệm nhiều công thức mới.

(Thethaovanhoa.vn) 

Thứ Năm, 6 tháng 1, 2022

Lười đọc - căn bệnh của giới trẻ

LƯỜI ĐỌC - CĂN BỆNH CỦA GIỚI TRẺ

Những bài văn kinh hoàng” hay “áng văn bất hủ” là cụm từ được nhắc đến khá nhiều trong mùa tuyển sinh. Mặc dù chưa đến mức báo động, bởi những bài văn này chỉ chiếm số ít trong số hàng trăm ngàn bài thi mỗi năm, nhưng nó cũng khiến người ta băn khoăn. Phải chăng, tình trạng trên bắt nguồn từ việc giới trẻ mắc “căn bệnh” lười đọc tác phẩm văn học?

Giới trẻ thờ ơ với văn học?

Không ít giáo viên dạy môn văn sắp tới được huy động làm giám khảo chấm bài thi ĐH tỏ vẻ ngại ngần vì sẽ phải đọc những bài văn bị xuyên tạc thê thảm dưới ngòi bút của thí sinh. Lưu Hiền, giảng viên khoa ngữ văn trường ĐH Sư phạm I cho biết: “Có những thí sinh kiến thức về môn văn hầu như không có. Đọc bài thi mà “cười ra nước mắt” khi thí sinh cho nhân vật từ tác phẩm này “giao lưu” với tác phẩm khác”.

Trong kì thi tốt nghiệp PTTH năm trước, đề thi hỏi: Suy nghĩ của anh/chị về nhan đề tác phẩm Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu, có thí sinh đã “múa” bút bình luận về nhân vật chính: Nguyệt là trăng, trăng là nguyệt, nguyệt cam tâm tình nguyện đến cởi trói cho... A Phủ ! Thí sinh khác khi phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân, vì chỉ nhớ láng máng trong tác phẩm có chi tiết đố nhau ăn 4 bát bánh đúc rồi sau đó trở thành vợ chồng, nên đã viết: cặp trai gái này đố nhau ăn uống và đã làm một lúc 4 bát... bánh trôi tàu.

Những kiến thức văn học trên đều rất đơn giản nhưng có thí sinh vẫn lơ mơ, thậm chí là mù tịt. Tại sao vậy? Có một nguyên nhân chính: Các em không chịu đọc tác phẩm văn học.

Trong bài viết “Giới trẻ đang lạnh lòng với văn chương”, TS. Nguyễn Thị Minh Thái khẳng định: “Việc thờ ơ với sách văn học của người trẻ tuổi hiện nay, hóa ra không hoàn toàn như người ta tưởng là do các thầy cô giảng dạy môn văn học ở bậc phổ thông và bậc đại học đã không biết cách giảng dạy cho học sinh, sinh viên thấy cái hay, cái đẹp của văn chương, mà phần lớn là do chính bản thân những người đọc trẻ tuổi đã lạnh lòng, đã cứng lòng trước tác phẩm văn chương, nên đã vô cảm, thậm chí “dị ứng” với văn chương”.

Cô Phương Hạ, giáo viên dạy văn trường THCS Quang Trung (HN) bày tỏ: “Học sinh bây giờ rất lười đọc. Đến một trích đoạn tác phẩm trong sách giáo khoa các em cũng không đọc trọn vẹn, giáo viên đành phải dành ra ít phút gọi một học sinh lên đọc to cho cả lớp nghe hết trích đoạn đó”. Còn sinh viên cũng đọc sách theo cách thụ động và đối phó, chỉ đến kì thi họ mới hối hả lên thư viện tìm sách, do đó kiến thức đọng lại không nhiều. Nếu bây giờ hỏi lớp trẻ về công nghệ thông tin, hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên bởi sự am hiểu của họ về lĩnh vực này. Nhưng hỏi họ về các tác phẩm văn học nổi tiếng thì có khi họ mù tịt.

Khơi niềm đam mê

Nguyên nhân lười đọc tác phẩm văn học của giới trẻ đã được bàn nhiều và được “vạch mặt chỉ tên”: Văn hóa nghe nhìn phát triển mạnh(qua internet, truyền hình...), quá nhiều loại hình giải trí, sự xâm lấn của manga (truyện tranh Nhật Bản)...Các nhà chuyên môn đã nhận định, nguyên nhân trên là do sự thay đổi tất yếu của xã hội.

Nhà văn Vũ Đảm, người đầu tiên làm luận văn thạc sĩ “Về văn hóa đọc trong thanh niên, học sinh Hà Nội” cho biết, học sinh lạnh nhạt với sách văn học vì: Họ học, họ đọc những tác phẩm văn học không phải với sự đam mê, tìm kiếm cái hay cái đẹp trong đó mà chủ yếu học thuộc lòng, học theo đề cương để thi. Hơn nữa, chương trình học quá tải, áp lực phải thi đỗ đại học cũng khiến cho học sinh mệt nhoài, nên không còn thời gian và hứng thú để nghiền ngẫm cái hay, cái đẹp trong văn chương. Cũng theo nhà văn, giới trẻ tìm đến sách báo giải trí nhiều hơn đọc sách, nhất là sách văn học, sách lịch sử. Nếu nói họ “mù” văn học thì nặng nề quá, nhưng sự thật, giới trẻ đã và đang vơi cạn sự ham mê văn chương.

Cách hình thức khơi lại sự đam mê đọc sách trong giới trẻ như: Tổ chức Ngày hội đọc sách, giảm giá sách. Vài năm gần đây, các quán cà phê sách nở rộ thu hút được sự quan tâm của bạn trẻ…

Theo nhà văn Vũ Đảm, cần phải có những giải pháp đồng bộ: tạo ra nhiều sách hay, hấp dẫn phù hợp với giới trẻ; đổi mới chương trình, nội dung dạy và học văn học trong nhà trường để kích thích khả năng tư duy, sáng tạo cho học sinh.

Tổ chức những cuộc thi sáng tác văn học và bình phẩm văn học mà đối tượng tham gia là giới trẻ; phát triển hệ thống thư viện trường học; tạo niềm đam mê đọc sách cho thiếu nhi.

Cha mẹ phải là tấm gương, không những đọc sách để con mình noi theo mà còn phải biết mua sách có nội dung giáo dục, phù hợp với lứa tuổi các em.

Những giải pháp lớn ấy đều rất đúng nhưng khơi niềm đam mê đọc sách cho trẻ có khi chỉ cần bắt đầu bằng những việc làm rất nhỏ như xây dựng tủ sách gia đình, trong đó dành riêng cho các em một vài ngăn sách xinh xắn hay trong các phần thưởng trao tặng cho học sinh giỏi, xuất sắc cần có những tác phẩm văn học hay, có giá trị...