Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2021

Triết lý về "Đôi dép" qua góc nhìn của Phật giáo

 

TRIẾT LÝ VỀ "ĐÔI DÉP" QUA GÓC NHÌN CỦA PHẬT GIÁO

Có một bài thơ nói về triết lý đôi dép của nhà thơ Nguyễn Trung Kiên theo thể tự do, mỗi khổ có bốn câu cho thấy đôi dép có lắm điều hấp dẫn, nhất là đối với đời sống của người tại gia.

Sự gắn bó của đôi dép:

Hai chiếc dép kia gặp nhau tự bao giờ

Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước

Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược

Lên thảm nhung, xuống cát bụi cùng nhau

Chúng ta sẽ có một tấm gương để soi lại chính mình xem mình đã chăm sóc người bạn đời chu đáo chưa, cuộc sống vợ chồng có khắng khít, lúc lên thảm nhung, khi xuống cát bụi cùng nhau chưa.

Sự chung sức gắn bó và chia sẻ trách nhiệm:

Cùng bước cùng mòn, không kẻ thấp người cao

Cùng chia sẻ sức đời người chà  đạp

Dẫu vinh nhục không đi cùng kẻ khác

Số phận chiếc này phụ thuộc ở chiếc kia

Khổ thơ thứ hai ý tưởng hay nhất là “Dẫu vinh nhục không đi cùng kẻ khác”. Tính cách chung thủy của chúng trong mọi tình huống thuận hay nghịch, khổ đau hay bất hạnh không bao giờ tách rời nhau.

Giá trị song hành của đôi dép, khi một trong hai chiếc lạc mất, không thể tìm chiếc khác thế vào:

Nếu ngày nào một chiếc dép mất đi

Mọi thay thế đều trở thành khập khiễng

Giống nhau lắm nhưng người đi sẽ biết

Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu

Sự thay thế này khập khiễng. “Giống nhau lắm nhưng chẳng phải một đôi đâu”. Trong tình yêu, nếu cứ để tâm mình trôi về quá khứ, về một mối tình nào đó rất đẹp thì ta không thể nào sống hạnh phúc trong hiện tại. Cho nên đừng ôm hình ảnh quá khứ mà làm chết mối tình trong hiện tại.

Giá trị của sự có đôi trong đời:

Đôi dép vô tri khắng khít song hành

Chẳng thề nguyền mà không hề giả dối

Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội

Lối đi nào cũng có mặt cả đôi

Đôi dép, chẳng thề thốt chẳng hứa hẹn nhưng sống bằng sự phát tâm, gắn bó khắng khít: “Lối đi nào cũng có mặt cả đôi”.

Sự gắn bó nhau là yêu cầu tạo hạnh phúc:

Không thể thiếu nhau trên bước đường đời

Dù mỗi chiếc ở mỗi bên phải trái

Nhưng tôi yêu em ở những điều ngược lại

Gắn bó nhau vì một lối đi chung

Đời sống vợ chồng cần có nhau trên mọi bước đường đời. Ta có nhau không chỉ mục đích duy nhất là đi cùng một lối. Trong kinh đức Phật nêu ra bốn yếu tố: Đồng tín (niềm tin), đồng chí (lý tưởng, quan điểm), đồng hạnh, (đời sống đạo đức), đồng thí, (rộng lượng, chia sẻ).

Tủ Sách Đạo Phật Ngày Nay

Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2021

Liệu pháp chữa lành bằng tinh dầu thực vật

Ảnh: Rene-Maurice Gattefossé được mệnh danh là cha đẻ của ngành aromatherapy, liệu pháp mùi hương hiện đại.

TINH DẦU THIÊN NHIÊN - GIÁ TRỊ CHỮA LÀNH QUA CÁC THỜI KỲ LỊCH SỬ VÀ HIỆN TẠI

Ngày nay, các loại tinh dầu tự nhiên vẫn còn được xem là mới trong việc sử dụng các liệu pháp chữa lành bằng thực vật. Tinh dầu được chiết xuất trực tiếp từ vỏ, hoa, quả, lá, hạt, nhựa, hoặc rễ của cây cỏ và chỉ cần một giọt có thể mang lại những lợi ích tuyệt vời cho sức khoẻ.

Tinh dầu đã được những người ở Síp cổ đại, Ai Cập và Pompeii, những người đầu tiên sử dụng các loại thảo mộc với phương pháp chưng cất có niên đại 3.500 năm trước Công nguyên. Phương pháp này sau đó được truyền qua Địa Trung Hải và đã đến với Hippocrates (cha đẻ của Y học và là người thầy thuốc vĩ đại nhất lịch sử thời Hy Lạp cổ đại), người đã sử dụng Liệu pháp mùi hương (Aromatherapy) để nâng cao kỹ thuật xoa bóp vài thế kỷ Trước công nguyên.

Trong quá trình chuyển giao kiến thức và kỹ thuật này, Trung Quốc và Ấn Độ cũng bắt đầu sử dụng các phương pháp chữa bệnh bằng thảo dược, và y học Ayurvedic (hệ thống y học Hindu truyền thống có nguồn gốc từ tiểu lục địa Ấn Độ) đã áp dụng rộng rãi sử dụng các loại tinh dầu.

Khi các nền văn minh chuyển giao quyền lực thế giới, kỹ thuật sử dụng các loại tinh dầu tốt nhất để chữa bệnh từ Hy Lạp đã du hành đến La Mã, những người ưa chuộng liệu pháp mùi hương và nước hoa. Sau khi Đế chế La Mã sụp đổ, Ba Tư đã tiếp thu những kỹ thuật chữa bệnh này và hoàn thiện quy trình chưng cất tinh dầu.

Lúc này, một thời kỳ đen tối mang theo sự coi thường đối với cách tiếp cận toàn diện của Hippocrates. Tuy nhiên, vì Giáo hội Công giáo coi việc tắm là tội lỗi nên người ta rất coi trọng các chất thơm, ngẫu nhiên những chất này có khả năng kháng khuẩn, để ngăn mùi hôi. Họ ít biết rằng nước hoa của họ cũng giúp ngăn ngừa ốm đau và bệnh tật.

Trong suốt kỷ nguyên này, người ta tin rằng các tu sĩ tiếp tục truyền thống chữa lành bằng cách sử dụng các loại tinh dầu tự nhiên tốt nhất và bí mật giữ các thuốc thảo dược trong các sảnh của tu viện. Thật không may, y học dân gian bị coi là “phù thủy”, và nhiều nhà thảo dược đã bị thiêu sống hoặc bị bức hại. Rất may, thuốc thảo dược thời Phục hưng đã hồi sinh, và các bác sĩ như Paracelsus (bác sĩ, nhà thực vật học, nhà hoá học người Đức gốc Thụy Sĩ, người xác lập vai trò của hóa học trong thuốc men), đã tìm kiếm các loại thuốc từ thảo mộc và thách thức các đồng nghiệp y khoa của mình bằng tuyên bố chứng thực về việc điều trị thành công các mối đe dọa đến tính mạng như bệnh phong. Trong các bài giảng của mình, ông đã nhấn mạnh vào khả năng chữa lành của tự nhiên.

Tinh dầu thời xa xưa được chế biến thủ công

 Tinh dầu đáp ứng kỷ nguyên hiện đại

“Liệu pháp hương thơm” (Aromatherapy) đã được nhà hóa học người Pháp Rene – Maurice Gattefosse lần đầu tiên đặt ra cụm từ này vào năm 1937. Mặc dù ông không phải là người ủng hộ sức khỏe theo tự nhiên, nhưng ông bắt đầu quan tâm đến tinh dầu sau một lần tay bị bỏng nặng năm 1910. Trong cơn đau với vết thương nặng, ông vô tình nhúng tay vào loại chất lỏng có sẵn trong phòng thí nghiệm của mình, một loại dầu hoa oải hương (lavender) tinh khiết, không pha loãng, không chỉ giúp ông làm dịu cơn đau ngay lập tức mà còn giúp chữa lành vết thương của ông, không bị nhiễm trùng và để lại sẹo.

Từ đó, Rene-Maurice Gattefossé bắt đầu hào hứng vì các phương pháp trị liệu với tinh dầu. Ông dùng tinh dầu lavender, húng tây, hương thảo, chanh và đinh hương như một chất khử trùng trong phẫu thuật, giúp người bệnh mau lành và không để lại các tác động phụ. Các công trình của Gattefosse đã được Tiến sĩ Jean Valet phát triển bằng các khám phá và sử dụng những loại tinh dầu tốt nhất để điều trị cho những người lính bị thương trong chiến tranh thế giới thứ hai. Sau đó, Marguerite Maury, một nhà hóa sinh người Áo, là người đầu tiên “kê đơn” với sự kết hợp chữa bệnh bằng tinh dầu với cách sử dụng kỹ thuật Tây Tạng cho lưng xoa bóp điều trị các đầu dây thần kinh dọc theo cột sống.

Giới y học phương Tây cũng nhận ra tinh dầu không chỉ có tác dụng ngoài da, mà còn tốt cho tinh thần. Marguerite Maury đã tìm về nguồn cội chống lão hóa, bà phát hiện rằng việc mát-xa bằng tinh dầu hàng ngày có thể giúp giữ gìn nhan sắc thanh xuân. Cuốn sách có sức ảnh hưởng lớn của bà là “Bí mật của cuộc sống và tuổi trẻ” đã được xuất bản lần đầu năm 1961, với những nghiên cứu và các phương pháp áp dụng Liệu pháp hương thơm để chăm sóc sức khoẻ và làm đẹp. Kể từ đó, các loại tinh dầu tốt nhất để chữa bệnh đã trở thành một yếu tố chính trong y học thay thế trên toàn thế giới.

Tinh dầu thảo mộc Việt Nam nhiều công dụng

Tại Việt nam, với kho tàng thảo mộc phong phú và đa dạng, cho chúng ta cơ hội lớn tận hưởng giá trị từ tinh tuý của Cỏ Cây – Tinh Dầu Tự Nhiên, từ các loài cây gia vị, cây lấy lá, hoa đến cây thân gỗ. Người Việt quen thuộc với nồi nước xông, mỗi khi có dấu hiệu cảm mệt, các thảo dược có tinh dầu như Tía Tô, Bưởi, Sả, Chanh, Hương nhu, khuynh diệp…là những bài thuốc dân gian hiệu quả. Mùi hương của các thảo mộc theo hơi nước nóng bay lên thẩm thấu qua lỗ chân lông, giúp giải cảm, giảm đau đầu và mệt mỏi.

Với Tinh Dầu Nguyên Chất, thay vì dùng lá, chúng ta có thể nhỏ 2-3 giọt tinh dầu vào nồi nước nóng để xông, hoặc dùng máy xông khuếch tán phun sương, sức mạnh của các phân tử nhỏ bé tinh dầu thẩm thấu qua da, tế bào mũi, dẫn dắt lên các hệ thần kinh, hệ hô hấp và qua các mao mạch, giúp chữa lành các triệu chứng đau nhức, mỏi mệt, cảm ho, nghẹt mũi, hồi phục lại năng lượng cho cơ thể và tinh thần.

Món quà vô giá từ thiên nhiên này nếu được sử dụng đúng cách và kiên trì, đều đặn mỗi ngày, hứa hẹn những công dụng tuyệt vời như hỗ trợ giảm cân, cải thiện tâm trạng, đảm bảo chất lượng giấc ngủ, giảm căng thẳng, cân bằng hóc-môn, tốt cho hệ miễn dịch.  Bạn có thể lựa chọn các loại Tinh dầu được chiết xuất từ các loại thảo mộc nhiều công dụng và dễ tìm thấy ở nước ta như Tràm, Sả Chanh, Bưởi, Cam, Gừng, Bạc Hà, Quế…

Chúng ta ai cũng có thể tự chủ và kiểm soát được sức khỏe và tương lai của mình, bằng cách sử dụng và phát huy những món quà quý báu từ thiên nhiên - Tinh dầu.

Nguồn: Tham khảo từ bài viết & nghiên cứu của Tiến sỹ Eric Zielinski, (Dr. Z), Mỹ – người tiên phong về giáo dục sức khỏe theo lối sống tự nhiên từ năm 2003, nhà nghiên cứu nhiều thành tựu về sức khỏe cộng đồng, nhà vật lý trị liệu chuyên về chữa lành bằng tinh dầu (Liệu pháp hương thơm). Người tổ chức các hội nghị Cách mạng Tinh dầu và là nguồn tham khảo toàn cầu cho tất cả mọi người từ các chuyên gia chăm sóc sức khỏe đến những người đam mê tinh dầu.