BẠN CẢM XÚC THEO KIỂU NÀO?
Biết được kiểu cảm xúc của mình sẽ giúp bạn có được cái nhìn sâu sắc hơn về cách mà bạn tương tác với mọi người và làm chủ cảm xúc của chính mình.
Ngoài ra, cảm xúc cũng là lăng kính mà bạn dùng để phản ứng với thế giới xung quanh cũng như đại diện cho tính cách và bản năng tự nhiên của con người bạn.
Nhà thần kinh học Lisa Feldman Barrett cho biết, bằng cách xác định rõ ràng hoặc phân loại cảm xúc, bạn có thể xoa dịu nỗi đau và tăng cảm giác bình yên.
Kiểu 1: Người suy nghĩ sâu sắc
Họ là những người có logic cao, thông minh và có khả năng phân tích. Họ nhìn nhận thế giới bằng lý trí và sự sáng suốt. Trong những tình huống bất hòa, những người này luôn biết cách giữ cho mình cái đầu lạnh và tránh xa những cảm xúc tiêu cực. Họ thuộc kiểu người chắc chắn, ít khi tham gia vào những điều mạo hiểm và các hoạt động giải trí.
Đã bao giờ bạn tin rằng mình có thể tìm được cách giải quyết cho bất kỳ vấn đề nào? Hay khi đối mặt với khó khăn, bạn có xu hướng phân tích ưu và nhược điểm thay vì dựa trên cảm tính? Bạn thích lên kế hoạch trước hơn à các sự kiện ngẫu nhiên? Nếu bạn là một người thiên về lý trí như vậy, hãy thử các cách sau đây để cân bằng cảm xúc tốt hơn: thường xuyên thực hiện các bài tập hít thở và tập luyện thể dục để thư giãn đầu óc và tránh bế tắc về mặt tinh thần; học cách lắng nghe trái tim thay vì lý trí cũng như cảm thông với mọi người xung quanh.
Kiểu 2: Người thấu cảm
Những người này thường nhạy cảm về mặt cảm xúc nhưng cũng rất tốt bụng và luôn giúp đỡ mọi người. Họ hiểu được những gì người khác phải trải qua và luôn sẵn sàng để lắng nghe, nhưng họ cũng dễ cảm thấy xúc động và đau buồn trước những tình huống xấu xảy ra.
Đã bao giờ bạn bị mọi người gọi là quá nhạy cảm? Bạn thích ở một mình hơn là ở cùng đám đông? Nếu bạn cảm thấy như vậy, hãy thả lỏng bản thân và giải tỏa hết những cảm xúc lo lắng này. Bên cạnh đó, bạn có thể liệt kê những điều dễ khiến mình cảm thấy bối rối nhất và tìm cách để giúp bản thân tránh khỏi tình huống như thế. Chẳng hạn, bạn có thể xác định đâu là mối quan hệ xã hội lành mạnh cho mình thay vì gượng ép bản thân kết bạn với những người khiến bạn không hạnh phúc.
Đi tìm lý do đằng sau sự xúc động và cách cân bằng lại cảm xúc
Đôi khi, chúng ta sẽ cảm thấy buồn, vui vô cớ hay bỗng nhiên xúc động mà không có một lý do nào cả. Những cảm xúc này có thể bất chợt đến, đi bất chợt.
Kiểu 3: Người có tính cách mạnh mẽ
Nhất quán, đáng tin cậy và ổn định chính là những phẩm chất điển hình ở họ. Ở bên cạnh những người này, bạn có thể thoải mái thể hiện cảm xúc của mình mà không cần phải lo lắng họ sẽ đánh giá. Tuy nhiên, họ thường gặp khó khăn trong việc bộc lộ cảm xúc và chia sẻ tâm tư của mình.
Nếu bạn cảm thấy việc lắng nghe người khác dễ dàng hơn nhiều việc chia sẻ cảm xúc của chính mình hoặc nhận thấy mình là người độc lập thì bạn chính là người thuộc kiểu thứ 3. Hãy học cách bày tỏ suy nghĩ của mình với mọi người xung quanh như thể đó là một điều thích thú của bạn và cũng là để cho mọi người có cơ hội hiểu bạn hơn. Bắt đầu từng bước một, bạn có thể thử viết nhật ký hàng ngày, viết thư và sau đó là những buổi nói chuyện nghiêm túc.
Kiểu 4: Người giãi bày cảm xúc
Họ là những người dễ bộc lộ cảm xúc và sẵn sàng chia sẻ những gì mình cảm nhận với người khác. Chính vì thế, mọi người dễ cảm thấy gần gũi khi ở bên cạnh họ. Ngoài ra, họ cũng dễ dàng vượt qua những giai đoạn đau buồn và lấy lại năng lượng tích cực. Tuy nhiên, việc họ thể hiện cảm xúc bản thân một cách thái quá cũng dễ khiến mọi người cảm thấy khó chịu.
Để biết được bạn có phải là kiểu cảm xúc số 4 hay không, hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi sau đây: Bạn có cảm thấy lo lắng khi giữ mãi suy nghĩ của mình? Khi đối mặt với vấn đề, việc đầu tiên bạn làm có phải là chia sẻ điều ấy với mọi người?
Bạn có gặp rắc rối trong việc học cách đồng cảm với người khác? Nếu bạn thuộc kiểu cảm xúc này thì hãy lắng nghe trực giác của bản thân trước khi vội vàng tìm kiếm sự giúp đỡ xung quanh.
Bạn có thể dành ra vài khoảng lặng để suy nghĩ trước khi thể hiện điều gì. Sau cùng, bạn nên nhớ rằng, đối với mỗi vấn đề xảy ra, chỉ có sự bình tĩnh mới có thể cho bạn giải pháp tối ưu nhất.