CẦN HIỂU VỀ SỐ LIỆU ĐỂ PHÂN
TÍCH RỦI RO
COVID ập tới khiến người ta bối rối về nhiều con số: tỉ lệ nhiễm
bệnh, nhiễm lại sau tiêm vaccine, hiệu lực của vaccine, rủi ro của vaccine, so
sánh rủi ro khi tiêm vaccine và rủi ro nhiễm COVID...
Nhà
nghiên cứu về rủi ro Gerd Gigerenzer (Viện Max Planck về Phát triển con người)
cho rằng phần lớn mọi người, trong đó có cả các nhà quản lý và báo chí, không
có kỹ năng hiểu số liệu cũng như mối rủi ro nào lớn hơn. Và COVID chính là thời
điểm thích hợp để thảo luận và đào tạo lại.
Thưa ông Gigerenzer, người Đức có biết đánh giá đúng về những hiểm
nguy?
Gerd
Gigerenzer: Giá biết thì đã may. Chúng ta đang sống trong một xã hội
mà ở đó chỉ có rất ít người biết học để cân nhắc rủi ro. Đại dịch COVID-19 có
thể là một cơ hội để thay đổi điều này.
Điều đặc biệt ở cuộc khủng hoảng này là các số liệu, chứ không phải hình
ảnh, làm chúng ta sợ hãi và hy vọng. Tuy thế nhiều người không hiểu được
các con số – và nghiên cứu cho thấy, chính các nhóm nghề nghiệp lẽ ra phải có
năng lực này, từ các nhà báo cho đến các chính trị gia, lại thiếu cái khả năng
đó. Mức độ mù số liệu thật đáng sợ.
.
Có
lẽ ông cần giải thích rõ hơn về điều này.
Trong cơn đại dịch này mới thấy,
nhiều người chưa được chuẩn bị để sẵn sàng đối mặt với sự bất trắc. Trên đời
này chẳng có gì là chắc chắn ngoại trừ cái chết và các khoản thuế. Chúng ta
phải học, tự mình phải biết suy nghĩ. Với đại dịch Corona điều này càng cần
thiết.
.
Xin
ông cho biết vài ví dụ cụ thể ?
Một nguyên tắc then chốt là,
không có an toàn tuyệt đối. Vì thế cho nên có một số người ngạc nhiên và lo sợ
khi thấy có người đã tiêm chủng hai lần mà vẫn bị lây nhiễm corona. Trong
khi đã biết, với vaccine Biontech mức độ hiệu quả là 95% – điều này thật ấn
tượng, tuy nhiên nó không phải là 100 %. Kỳ vọng không thực tế về một sự an
toàn tuyệt đối, mà thực tế không thể có, có thể hủy hoại niềm tin đối với tiêm
chủng.
Khi có nhận thức rằng không có
cái gì gọi là chắc chắn tuyệt đối thì đây bước đầu tiên hướng tới năng lực nhận
biết rủi ro.
.
Vấn đề thứ hai là không nên chỉ
nhìn vào rủi ro. Một ví dụ điển hình là sự đối phó với AstraZeneca. Khi báo chí
đưa tin có những trường hợp bị đông máu nặng sau khi tiêm vaccine, nhiều người
băn khoăn có nên đợi Biontech một hay hai tháng nữa không. Nhưng nếu người ta
cố tránh một rủi ro rất nhỏ, thì thường hay phải đối mặt với những rủi ro lớn
hơn nhiều. Bởi vì nguy cơ bị nhiễm corona nặng trong thời gian chờ đợi và cuối
cùng có thể phải điều trị trong khoa chăm sóc đặc biệt và phải chiến đấu cho sự
sống của mình, nguy cơ này lớn hơn nguy cơ bị đông máu rất nhiều.
.
Có
nghĩa là chính quyền cũng không có thông tin đúng đắn?
Trên báo chí người ta nhấn mạnh
đến các trường hợp hiếm hoi bị tụ huyết nặng, dân chúng cảm thấy sợ hãi tiêm
chủng, chính quyền tạm thời cho ngừng tiêm chủng với vaccine AstraZeneca. Tôi
đoán với biện pháp này người ta muốn lấy lại lòng tin đối với vaccine và thuyết
phục những người còn hoài nghi. Nhưng điều ngược lại đã xảy ra. Vaccine bị ứ
đọng, chính sách truyền thông và quyết định tạm ngừng này đã làm cho dân chúng
càng thêm hoang mang, bất an.
.
Vậy
giải pháp thay thế sẽ là gì?
Nhà nước và truyền thông cần can
đảm trao đổi nhiều hơn về các rủi ro này. Trong trường hợp này cần thuyết phục
mọi người phải cân nhắc đối với các yếu tố rủi ro chứ không nên chỉ chăm chăm
nói về huyết khối. Các nghiên cứu cho thấy, số đông người dân có nhu cầu được
thông tin rõ ràng về những rủi ro trong đại dịch corona này.
.
Ông
có nhận xét gì về cuộc tranh luận xung quanh biến thể Delta hiện nay?
Tôi muốn cuộc tranh luận về vấn
đề này bớt ồn ào một chút. Ở đây không nên chỉ nhìn vào tỷ lệ giữa nhiễm lại
virus sau khi tiêm vaccine, mà đặc biệt chú ý nhiều hơn đến số bệnh nhân phải
nhập viện và tỷ lệ tử vong. Thí dụ ở Anh chẳng hạn, mặc dù số ca nhiễm đột biến
tăng nhưng số ca phải nhập viện và tỷ lệ tử vong tăng không đáng kể.
.
Liên
quan đến corona, có nguy cơ nào bị xem nhẹ hay đánh giá thấp không?
Có đấy, chúng tôi có xem báo cáo
của các bệnh viện về tình hình bệnh tật năm vừa qua thì thấy số ca bị đau tim
nặng, cấp tính hay đột quỵ đã giảm hẳn. Một trong các lý do là nhiều bệnh nhân
không dám đến bệnh viện điều trị vì sợ lây nhiễm COVID-19, khi bị nặng mới yêu
cầu trợ giúp. Đó là một ví dụ về đánh giá quá cao nguy cơ lây nhiễm so với nguy
cơ sau này sẽ bị bệnh nặng hơn do điều trị muộn.
Do nhiều người không rút ra được
bài học đối với số liệu từ đó dẫn đến hai thái cực, một số cho rằng các số liệu
là cực kỳ an toàn, tin tưởng tuyệt đối, một số người khác lại hoàn toàn không
tin vào số liệu mà tin vào đủ loại thuyết âm mưu.
Người ta cũng có xu hướng tin vào
những thứ được sản xuất ở nước mình. Một cuộc thăm dò dư luận cho thấy phần lớn
người Đức đặt nhiều niềm tin nhất vào vaccine của Biontech, trong khi đó niềm
tin vào Moderna thấp hơn nhiều mặc dù được sản xuất ở Mỹ. Đa số dân Mỹ lại chỉ
tin vào Moderna và Pfizer còn người Anh thì chỉ tin Vaccine của Astra Zeneca, do
Oxford phát triển. Duy có dân Pháp thì chả tin vào vaccine nào cả.
…
vì doanh nghiệp Sanofi của Pháp vẫn chưa có vaccine đã được công nhận?
Một số nước Đông Âu do gần nước
Nga thì tin vào Sputnik V. Ở phía Đông nước Đức số người tin vào Sputnik cũng
cao hơn so với phía Tây Đức. Ý tôi muốn nói ở đây là: chừng nào mà chúng ta
chưa giúp người dân hiểu rõ về độ rủi ro, thì không có gì ngạc nhiên, khi người
dân phải bám vào bất cứ một cái gì đó.
.
Vậy
làm thế nào để học được cách xử lý thông tin một cách đúng đắn?
Tôi thấy tất cả chúng ta đều có
trách nhiệm - các bộ ngành, chương trình giảng dạy, trường học, nhà báo và phụ
huynh. Chúng ta dạy thanh thiếu niên toán học về sự chắc chắn, đó là đại số,
hình học và lượng giác. Tuy nhiên, đối với Corona, chúng tôi thấy phải học
nhiều về tư duy thống kê và tâm lý khi phải đối phó với rủi ro.
Vì vậy, bây giờ là cơ hội để dạy
tư duy thống kê trong trường học. Và không khô khan như lý thuyết, mà sử dụng
ví dụ của COVID-19. Có rất nhiều câu hỏi được quan tâm như: Tỷ lệ mắc bệnh
trong 7 ngày hiện nay, với hơn một nửa dân số đã được tiêm phòng, vậy hãy so
sánh với năm ngoái? Đây là cách rất hay để khiến những người trẻ tuổi học cách
suy nghĩ.
.
Ông
so sánh như thế nào về năng lực nhận biết rủi ro đối với corona hiện nay với
các trường hợp ngoại lệ trong quá khứ?
Chúng ta không học được bao nhiêu
từ những cuộc khủng hoảng trong quá khứ. Vụ 11.9. 2001 là một ví dụ điển
hình. Hồi đó nhiều người Mỹ sợ không dám đi máy bay mà chuyển sang đi ô
tô, cho dù đi đường trường. Kết quả là sau một năm số tử vong về tai nạn giao
thông tăng thêm 1600 người so với năm trước đó. Trong khi đó đi máy bay
sau sự kiện 11/9 chưa bao giờ có độ an toàn cao đến như vậy. Cái cách nhìn
hạn hẹp, chỉ nhăm nhăm vào rủi ro và làm mọi cách để tránh rủi ro này lại được
nhắc lại đối với COVID-19 hiện nay.
.
Xuân
Hoài lược dịch
Nguồn:https://www.welt.de/politik/deutschland/plus232258001/Risikoforscher-ueber-Corona-Das-Ausmass-der-Zahlenblindheit-ist-erschreckend.html