KHI TRÍ TUỆ THIẾU MINH MẪN
David Pologruto, giáo
viên vật lý của trường trung học ở Floride, bị một trong những học sinh xuất
sắc nhất của ông chém. Sự thật là:
Jason H, sinh viên năm thứ 2 của trường trung học Coral Springs, Florida, muốn
theo ngành y. Anh ta mơ ước tới Harvard. Nhưng trong một lần kiểm tra,
Pologruto cho anh ta điểm kém làm ảnh hưởng đến việc xin học. Jason đã cầm dao
chém vào cổ giáo viên của mình trong phòng thí nghiệm vật lý.
Toà án xử trắng án cho Jason vì cho rằng anh ta bị một cơn điên bất thường
(loạn tâm nhất thời). Jason khai rằng mình định tự sát trước Pologruto sau khi
nói với ông ta chuyện ông ta đã cho anh điểm xấu.
Sau khi được nhận vào học một trường trung học tư thục, hai năm sau, Jason đỗ
tú tài trong tốp đầu của lớp.
Tại sao một người thông minh lại có thể phạm sai lầm như thế? Câu trả lời là:
trí tuệ không liên quan nhiều tới đời sống xúc cảm. Những người thông minh nhất
có khi lại phó mặc cho những đam mê và xung năng của mình, và không phải cứ có
IQ cao là tránh được điều đó.
Trái với quan niệm truyền thống, một trong những điều bí ẩn của tâm lý học là
cho rằng bằng cấp, IQ và các kỳ thi không phải là những thứ dùng để tiên đoán
chắc chắn ai sẽ thành công trong cuộc đời.
Trong những nhân tố quyết định dẫn tới thành công, IQ chiếm nhiều nhất là 20%.
Như một nhà quan sát nhận xét: “Trong đa số trường hợp, vị trí chắc chắn mà cá
nhân có được trong xã hội được quy định bởi những nhân tố khác, chẳng hạn như
nguồn gốc xuất thân hoặc cơ may.”
Trái với IQ, trí tuệ xúc cảm là khái niệm còn khá mới. Hiện nay, vẫn chưa có ai khẳng định rằng nó tính toán được đến đâu sự thành công hay thất bại của mỗi cá nhân. Nhưng những dữ kiện hiện có cho thấy ảnh hưởng của nó quan trọng, thậm chí còn lớn hơn IQ. Và trong khi một số người cho rằng IQ hoàn toàn không thể thay đổi được, thì như chúng ta thấy, trẻ em có thể đạt được những năng lực xúc cảm chủ yếu và có thể cải thiện chúng miễn là ta chịu khó giúp chúng.
TRÍ TUỆ XÚC CẢM VÀ SỐ PHẬN
Khi nhìn lại sự tiến thân của 90 sinh viên ở Harvard đầu những năm 1940, người
ta thấy rằng những người giành được kết quả tốt nhất trong các kỳ thi lại không
thành công bằng những người khác về tiền lương và vị trí nghề nghiệp. Hơn nữa,
họ cũng không hạnh phúc hơn trong đời sống riêng tư.
Một nghiên cứu cho thấy những người giỏi nhất nhì tại nhiều trường đại học ở
Illinois năm 1981, khi đến 30 tuổi, họ cũng không thành công nhiều hơn những
bạn học trung bình trước đây. Mười năm sau đại học, chỉ 1/4 người có mặt trong
tốp dẫn đầu nghề nghiệp của họ, thậm chí nhiều người đã xoay xở trong cuộc sống
kém hơn rất nhiều những người khác.
Karen Arnold, giảng viên trường Đại học Boston: “Tôi tưởng rằng chúng tôi gặp
toàn những học trò giỏi. Nhưng, sau khi học xong, những người học giỏi cũng
phải chiến đấu như những người khác. Việc một cá nhân nằm trong số những người
học giỏi nhất lớp chỉ cho thấy anh ta đặc biệt có khả năng đạt điểm tốt chứ
không nói lên điều gì về năng lực phản ứng của anh ta trước thăng trầm của cuộc
đời”.
Trong xã hội dựa trên
sự tăng trưởng tri thức này, đó chính là trường hợp thành thạo về kỹ thuật.
Nhưng rõ ràng, những người có thói quen suy nghĩ kích thích hiệu quả, hiểu biết
tình cảm, nắm được và làm chủ chúng, đoán được tình cảm của người khác và hòa
hợp với họ tốt, thì sẽ có lợi thế trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống,
trong tình yêu cũng như công việc. Đó là những người có chỉ số EQ cao.
Theo TRÍ TUÊ XÚC CẢM – Daniel Goleman
- IQ là viết tắt tiếng anh của Intelligence Quotient, hay được hiểu là chỉ số thông minh của não bộ con người. Chỉ số IQ cao đồng nghĩa với việc người đó sẽ có tư duy, phản xạ, nhanh nhạy và ngược lại.
- EQ là viết tắt tiếng anh của Emotional Quotient, được hiểu theo nghĩa là khả năng xác định, kiểm soát cảm xúc, suy nghĩ của bản thân và người xung quanh. Vì vậy EQ là chỉ số đo lường trí tuệ về cảm xúc của con người và là yếu tố quyết định hành vi của người đó.