Chủ Nhật, 20 tháng 6, 2021

Muốn thương phải hiểu

 

THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH: MUỐN THƯƠNG PHẢI HIỂU

Trong đạo Phật, từ bi gắn liền với trí tuệ. Không hiểu, không thể thương yêu sâu sắc. Không hiểu, không thể thương yêu đích thực. Hiểu chính là nền tảng của tình thương yêu.

Mỗi người có những nỗi niềm, khổ đau, bức xúc riêng. Nếu không hiểu, sẽ không thương mà giận hờn, trách móc. Không hiểu, tình thương của mình sẽ làm người khác ngột ngạt, khổ đau. Không hiểu, sẽ làm người mình thương đau khổ suốt đời.

.

Được hiểu và được thương vốn là một nhu cầu muôn đời của con người. Nhiều người thường cảm thấy không ai hiểu mình. Họ "đói" thương, "đói" hiểu. Họ thơ thẩn, lang thang trong cuộc đời tìm người hiểu mình, thương mình. Gặp được người hiểu mình, thương mình là may mắn lớn của cuộc đời. Tình yêu nảy nở, lớn lên từ đó.

.

Vậy nên, "có hiểu mới có thương" là nguyên tắc chọn người yêu, chọn chồng/vợ theo quan điểm Phật giáo. Dù người ta có đẹp, có giàu đến đâu nhưng không hiểu mình sẽ làm mình khổ suốt đời. Hôn nhân có thể mở ra những con đường hoa hồng, có thể mở ra cánh cửa tù ngục. Chọn vợ, chọn chồng là một sự mạo hiểm lớn. Hãy cẩn thận, nếu không muốn chọn án tù chung thân cho cuộc đời mình.

Chọn người hiểu và thương mình - hãy nhớ - đó là nguyên tắc tìm người tri kỷ trong cuộc đời.

Giáo dục là cốt lõi

 

GIÁO DỤC LÀ CỐT LÕI


Cái gốc của trồng người chính là giáo dục. Vạn nghề trong thiên hạ cũng từ giáo dục mà ra, từ ông quan đến ăn mày cũng đều là kết quả của hệ thống giáo dục. Vậy cốt lõi nền tảng của mỗi quốc gia, xã hội chính là giáo dục, một xã hội muốn phát triển thì phải lấy giáo dục làm gốc. Giáo dục từ cách ứng xử, đạo đức, lễ nghĩa, hành xử, văn hóa, truyền thống, nghề nghiệp...

.

Vậy làm thế nào để phát triển giáo dục? Giáo dục muốn phát triển cho chuẩn, khoa học, tiến bộ thì nhất thiết phải có đạo lý. Đạo lý ở đây rất rộng, nó phù thuộc vào trình độ nhận thức nền tảng của quốc gia đó, văn hóa, truyền thống, niềm tin của số đông người dân…

.

Vậy gốc của ĐẠO là gì? chính là tình yêu và trí tuệ, 2 cái này tuy 2 mà một. Trí tuệ chỉ có thể phát triển đúng đắn nếu nó được nuôi dưỡng bởi tình yêu thuần khiết, tình yêu chỉ có thể thăng hoa nếu nó được nuôi dưỡng bởi một trí tuệ minh triết.

Tuyệt đối hai cái này phải song hành. Nếu tình yêu mà không có trí tuệ sẽ chỉ tạo ra những đứa trẻ hư đòi gì được nấy. Trí tuệ mà không có tình yêu chỉ có thể tạo ra những đứa trẻ hung hăng gây gổ. Vậy nên trí tuệ càng lớn thì tình yêu phải càng lớn và ngược lại. Hai thứ này phải luôn cân bằng với nhau thì cái gốc mới chắc và bền vững vĩnh cửu.

.

Cái gốc của con người chính là nhân cách, là đạo đức, tình thương. Vậy giáo dục con người cũng phải đi từ cái gốc đi lên, nếu chưa có nhân cách tốt thì sẽ không thể tạo ra những con người hoà hợp với xã hội được. Hãy nhìn vào nền giáo dục của Nhật Bản, tiểu học chỉ dạy làm người và các môn nghệ thuật, năng khiếu. Trẻ đi học mà như đi chơi, chúng vô cùng phấn khích và hứng thú. Đó là giáo dục phải dạy cho trẻ học theo tuần tự từ dễ đến khó, từ ít đến nhiều. Như vậy chúng mới có thể chấp nhận và thích nghi.

.

Khi đã tạo ra một con người với nhân cách tốt, đạo đức tốt và tràn ngập tình yêu thương thì dù chúng ra đời có làm cái gì, học cái gì đi chăng nữa thì cũng đều tốt đẹp cả. Bởi vì chúng có cái gốc chắc chắn, có gốc chắc thì cây đời sẽ nở hoa, sẽ vươn cao bay xa mãi mãi không có điểm dừng. Giáo dục cũng theo đó mà tiến hóa đến vô cùng, vô tận.

.

Các cụ xưa kia đã dạy rằng:

- Có Đức mặc sức mà ăn,

- Người khôn cầu đạo mà kẻ khờ cầu danh.

- Có đức, có tài là bậc thánh nhân.

- Có đức, bất tài là bậc quân tử.

- Vô đức, có tài là kẻ tiểu nhân.

- Vô đức, bất tài là kẻ vô dụng.

.

Giáo dục là nghệ thuật biến con người thành có đạo đức, tình thương.

“Con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn".

Thứ Bảy, 19 tháng 6, 2021

Tam giác tình yêu

 

TAM GIÁC TÌNH YÊU

Nhà tâm lý Robert Sternberg đã đưa ra một học thuyết là “tam giác tình yêu”. Theo ông, tình yêu bao gồm ba thành phần chính:

 

1. Đam mê (passion): là sự lôi cuốn và hấp dẫn về ngoại hình, thể xác của nhau, là cảm giác thích thú khi được cùng nhau làm điều gì đó. Chúng kéo hai người xa lạ vượt qua sự ngăn cách ban đầu để đến lại gần với nhau.

2. Thân mật (intimacy): là cảm giác gần gũi và gắn kết với người kia. Sự thân mật thường hình thành dựa trên những đặc điểm có chung hay sự thân thuộc của hai người có với nhau.

3. Cam kết (commitment): nếu đam mê và thân mật thường diễn ra một cách tự nhiên thì cam kết là một quyết định đưa ra một cách có ý thức. Cam kết ở đây có 3 dạng là: cam kết làm hay cho người kia điều gì, cam kết chung thủy hay thái độ nỗ lực hết mình để hỗ trợ người kia.

Dựa trên đó, ông đưa ra 8 loại tình yêu được kết hợp bởi các thành phần trên, có thể là tình yêu chỉ có một thành phần, có thể là có cả hai hay tình yêu trọn vẹn nhất là có đủ cả 3 thành phần.

.

I. Tình yêu đầu tiên là không có tình yêu

Tức là không có bất kỳ thành phần nào trong 3 thành phần trên. Đây là loại tinh cảm thường giữa 2 người xa lạ hoặc khi cả hai người không còn mối liên kết nào sau khi tan vỡ một mối quan hệ.

.

II. Tình yêu chỉ có một thành phần:

1. Thích: đây là tình yêu chỉ có Thân mật, tình yêu ở dạng này là cảm kết gần gũi và tin tưởng lẫn nhau. Điển hình của loại tình yêu này là tình bạn, chúng thiếu đam mê và cam kết dài hạn với nhau.

2. Tình yêu cuồng dại: đây là tình yêu chỉ có Đam mê, nó được hình thành dựa trên sự hấp dẫn ngoại hình hay thể xác của nhau. Đây là loại tình yêu thường diễn ra trong giai đoạn đầu của mối quan hệ. Người ta hay còn gọi nó là “yêu từ cái nhìn đầu tiên”. Nếu không phát triển hai thành phần còn lại thì tình yêu này thường như một cơn gió thoáng qua, nó đến nhanh và cũng đi vội vàng.

3. Tình yêu trống rỗng: tình yêu này chỉ có mỗi Cam kết. Nó thường được hình thành trong các cuộc hôn nhân được sắp đặt sẵn hay trong các mối quan hệ lâu dài đã dần mất đi sự thân mật và đam mê.

.

III. Tình yêu có hai thành phần:

1. Tình yêu lãng mạn (Đam mê + Thân mật): đây là tình yêu có sự hiện diện của hấp dẫn về thể xác và cảm giác gần gũi, tin tưởng với nhau. Một cặp đôi có tình yêu dạng này thường bị cuốn hút bởi ngoại hình người kia, đồng thời cảm thấy như là một đôi bạn thân và thích dành thời gian cho nhau. Vì tình yêu lãng mạn thiếu Cam kết cho nên chúng thường phổ biến ở tuổi teen và những bạn trẻ mới lớn.

2. Tình bầu bạn (Thân mật + Cam kết): đây là tình yêu có sự cam kết và gần gũi giữa cả hai nhưng lại thiếu đi sự cuốn hút về thể xác. Tình yêu này thường thấy trong cái mối quan hệ lâu dài như những hôn nhân đã vài chục năm, lúc này Đam mê đã dần biến mất, nhưng cả hai vẫn có những cảm xúc sâu sắc và cam kết chung thủy với nhau. Tình bầu bạn thường kéo dài và có thể cho ta một mối quan hệ rất đáng giá.

3. Tình yêu dại khờ (Đam mê + Cam kết): tình yêu này dù rất cuồng nhiệt và có cam kết với nhau, nhưng lại thiếu đi sự thấu hiểu và thân mật với nhau. Tình yêu này thường có khi hai người bị hấp dẫn về nhau một cách nhanh chóng, và sau đó đưa ra cam kết với nhau dù cho chưa thật sự hiểu rõ về người kia. Các mối quan hệ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn rồi đi đến kết hôn ngay thường là loại tình yêu này.

.

IV. Tình yêu có cả ba thành phần, hay còn gọi là tình yêu trọn vẹn:

Tình yêu trọn vẹn (Đam mê + Thân mật + Cam kết): tình yêu này có đầy đủ cả ba thành phần và thường tạo nên một mối quan hệ đẹp và toàn vẹn nhất. Không thật sự khó để đạt được loại tình yêu này mà cái khó là làm sao để giữ cho tình yêu của chúng ta luôn được trọn vẹn dù bao nhiêu năm đã qua.