TÌM LẠI LỐI SỐNG CHẬM HƠN,
SUY NIỆM NHIỀU HƠN
Giờ đây, khi nhiều công sở ngừng hoạt động, các nhà hàng, rạp
chiếu phim, các cửa hàng in ấn và siêu thị đóng cửa, nhiều người trong chúng ta
dành 24 giờ mỗi ngày để sống trong những nơi trú ẩn nhỏ bé là ngôi nhà mình,
đột nhiên ta thấy mình cô đơn với những suy nghĩ của mình. (Không bao gồm những
người giống như những anh hùng đang làm trong ngành y tế hay thương mại, cha mẹ
có con nhỏ, hoặc chăm sóc người già cần được chú ý liên tục). Ở nhà, thời gian
và không gian đã mở ra trong tâm trí chúng ta.
Các thói quen hàng ngày đã bị gián đoạn. Chúng ta đột nhiên có
một quỹ thời gian tự do và rời rạc. Thảm họa khủng khiếp này đã giải thoát
chúng ta khỏi nhà tù của cuộc sống theo thời gian biểu. Chúng ta có cơ hội sống
chậm lại. Trong quá khứ, chúng ta đã có rất ít cơ hội để làm điều đó, do bị
cuốn theo làn sóng của thịnh vượng và của tốc độ trong thế giới hiện đại.
Điều gì có thể được tìm thấy lại với một cuộc sống ít vội vàng
hơn? Đầu tiên, là một vài khoảnh khắc lặng lẽ tránh xa sự ồn ào của thế giới.
Tâm trí của ta cần nghỉ ngơi. Tâm trí của ta cần thời gian để tĩnh lặng. Nhu
cầu như vậy đã được công nhận trong hàng nghìn năm. Nó được mô tả sớm nhất là
vào năm 1500 trước Công nguyên, trong các truyền thống thiền định của Ấn Độ
giáo và sau này là trong Phật giáo. Đây là một đoạn văn cổ trong Kinh Pháp cú:
“Khi một tu sĩ đi vào một nơi trống rỗng và làm dịu tâm trí của mình, họ trải
nghiệm sự an lạc nhiều hơn tất cả những người khác”.
Cùng với sự tự do nhất định, thoát khỏi cuộc sống theo thời gian
biểu, chúng ta sẽ gia tăng sự sáng tạo của mình. Các nhà tâm lý học từ lâu đã
biết rằng sự sáng tạo phát triển mạnh khi không bị ràng buộc về thời gian. Nhạc
sĩ Gustav Mahler thường xuyên đi bộ ba hoặc bốn giờ sau bữa ăn trưa, dừng lại
để ghi lại những ý tưởng trong cuốn sổ tay của mình. Nhà phân tâm học Carl Jung
đã suy nghĩ và viết lách sáng tạo nhất khi ông từ bỏ các buổi trị liệu bận rộn
đến khó tin của mình ở Zurich để về vùng nông thôn Bollingen, Thụy Sĩ. Khi nào
bế tắc trong sáng tác, nhà văn Gertrude Stein sẽ đi lang thang về vùng nông
thôn nhìn ngắm những con bò.
Chúng ta và con cái của chúng ta cần nhiều thời gian hơn để
chơi. Trong một báo cáo lâm sàng năm 2007 của Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ, bác
sĩ Kenneth R. Ginsburg đã viết rằng trò chơi “cho phép trẻ em sử dụng khả năng
sáng tạo của mình trong khi phát triển trí tưởng tượng, khéo léo và sức mạnh
thể chất, nhận thức và cảm xúc”. Tuy nhiên, “nhiều trẻ em đang được nuôi dạy
với phong cách ngày càng vội vã, đầy áp lực, vốn có thể hạn chế các lợi ích mà
chúng sẽ có được từ các trò chơi tự do”. Với sự chậm lại của cuộc sống hiện nay
do virus corona gây ra, chúng ta đang chứng kiến sự bùng nổ của những ý tưởng
sáng tạo và đổi mới ở nhiều nơi trên thế giới. Ở Ý, những công dân bị cách ly
đang hát từ ban công. Nhà văn đã tạo ra các blog mới. Cha mẹ đã phát triển các
dự án nghệ thuật mới cho con cái của họ.
Sự phục hồi đời sống nội tâm của chúng ta. đời sống nội tâm là
một phần của chúng ta đang tưởng tượng, mơ ước, khám phá, liên tục đặt câu hỏi:
tôi là ai và điều gì là quan trọng đối với tôi. Khi tôi lắng nghe nội tâm của
mình, tôi nghe thấy hơi thở của tinh thần mình.
Đôi khi, tôi hình dung nước Mỹ như một con người, và nghĩ rằng,
giống như một con người, toàn bộ quốc gia chúng ta cũng có một nội tâm. Nếu
quốc gia chúng ta không thể lắng nghe nội tâm của mình, làm sao nó có thể lắng
nghe quốc gia khác? Nếu quốc gia chúng ta không thể tự tạo cho mình tự do nội
tâm thực sự, làm sao nó có thể giúp cho quốc gia khác đạt tới tự do? Làm thế
nào quốc gia của chúng ta có thể tự mình có được sự hiểu biết, tôn trọng và
cùng tồn tại hài hòa với các quốc gia và nền văn hóa khác, để chúng ta có thể
thực sự đóng góp cho hòa bình và hạnh phúc trên thế giới?
Việc suy ngẫm nên là một phần của một cuộc sống có chủ đích, như
Henry David Thoreau từng nói. Và cuộc sống có chủ đích đó đòi hỏi một sự thay
đổi lâu dài về lối sống và thói quen. Vào một thời điểm nào đó trong tương lai,
chúng ta sẽ khống chế được virus corona. Sẽ có (và đã là) những nỗi đau ghê
gớm, có những người nằm xuống, suy thoái kinh tế khủng khiếp. Trong nhiều năm
tới, chúng ta sẽ cố gắng cùng năm nắm tay xây dựng lại thế giới bị rạn vỡ. Và
có lẽ lối sống chậm hơn trong những ngày tháng này có thể giúp gắn các mảnh vỡ
lại với nhau. Và một lối sống chậm hơn, suy niệm nhiều hơn như thế có thể được
định hình một cách chắc chắn./.
Theo Alan Lightman, The Atlantic 2020
* Alan Lightman là một nhà văn và nhà vật lý giảng dạy tại Viện
Công nghệ Massachusetts (MIT), Hoa Kỳ.