Thứ Năm, 13 tháng 5, 2021

Câu hỏi độc ác từ những đứa trẻ

 

CÂU HỎI ĐỘC ÁC TỪ NHỮNG ĐỨA TRẺ

Câu chuyện mà nhà văn Mỹ Toni Morison đã kể trong diễn từ nhận giải Nobel văn học của bà năm 1993. Trong diễn văn quan trọng này, bà kể về một nhà tiên tri mù.

Một hôm, có những đứa trẻ cầm một con chim đến trước bà. Chúng nhìn bà với một đôi mắt vô cảm và đầy thách thức rồi cất tiếng: "Này bà tiên tri, bà là một mụ già mù nhưng lại nhìn được tương lai. Vậy bà hãy nói cho chúng ta biết: con chim chúng ta đang cầm trong tay sống hay chết".

Bà tiên tri mù đã không trả lời câu hỏi của bọn trẻ. Bà ngước đôi mắt mù nhìn về phía xa. Bà nhìn thấy tương lai của những đứa trẻ và nhìn thấy một phần tương lai của thế giới thông qua những đứa trẻ đó, một tương lai của nỗi sợ hãi và sự đe dọa. Lòng bà đau đớn vô cùng.

Bà biết rõ rằng: nếu bà nói con chim trong tay những đứa trẻ còn sống thì ngay lập tức chúng sẽ bóp chết con chim có trái tim bé bỏng đang đập những nhịp đập sợ hãi trong tay chúng. Số phận con chim kia phụ thuộc vào tình yêu thương của đứa trẻ. Cũng như số phận thế gian này phụ thuộc vào chính lòng yêu thương của con người. Câu hỏi của những đứa trẻ đã sinh ra từ sự vô cảm và đầy thú tính.

Sự xuất hiện của những đứa trẻ với một câu hỏi xấc xược và độc ác đã gửi cho chúng ta một thông điệp cấp bách: thời đại của bạo lực đã công khai hóa và đang trở thành chiếc gậy điều khiển xã hội loài người. Bạo lực ấy cho đến ngày nay, chúng ta có thể hiểu rộng hơn các phía của nó. Một phía của nó được thể hiện bằng vũ khí và phía khác thể hiện bằng sự áp đặt xã hội con người và đe dọa xã hội con người phải tuân theo những luật lệ có lợi cho một nhóm người hay một quốc gia nào đó.

Chúng ta nhận thấy, nền giáo dục của xã hội loài người chúng ta đã và đang đổ vỡ thảm hại. Có một đặc điểm khác biệt giữa những đứa trẻ trong thế kỷ 21 này và những đứa trẻ của mấy chục năm trước.

Thế giới đang từng ngày ăn cướp một cách trắng trợn tuổi thơ của những đứa trẻ. Trẻ em đang trở thành mục đích thương mại hóa của người lớn. Người lớn bóc lột sức lao động trẻ em trong các hầm mỏ, các công xưởng... và bóc lột sức lao động chúng ngay trong ngôi nhà của mình. Người lớn đang kinh doanh tình dục trẻ em. Người lớn dùng chiêu bài trẻ em để kinh doanh tiền bạc và chính trị. Chúng ta áp đặt những phương pháp giáo dục trẻ em từ gia đình đến nhà trường một cách quá nguyên tắc. Chúng ta quên lãng tuổi thơ của chính con cái mình.

Trong khi chờ câu trả lời của bà tiên tri mù, Những bàn tay độc ác trong tâm hồn đã giết chết con chim nhỏ bé kia một cách dửng dưng ngay từ khi chúng có ý định đến trước nhà tiên tri mù để thách thức bà. Đó chính là sự kiêu khích và đe dọa của một xã hội bạo lực. Nó kiêu khích và đe dọa chủ nghĩa nhân văn của xã hội loài người.

Hình ảnh những đứa trẻ kia không phải là một hình ảnh đơn biệt trong xã hội nữa. Nó là một hiện thực có ở quanh đời sống chúng ta. Hiện thực đó đã và đang công khai cưỡng dâm một đứa bé, công khai chém xối xả một bà già để cướp của, công khai xả súng như một trò chơi vào một đám đông, công khai xúm vào đánh đập cho đến chết một sinh viên ngoại quốc, công khai túm tóc một người mẹ sinh ra chúng, công khai vừa đua xe vừa trêu chọc cảnh sát giao thông, công khai đánh hội đồng một bạn học rồi quay clip đưa lên mạng như một trò tiêu khiển...

Tất cả những hành động đó cho thấy một xã hội đang quá sợ hãi cái ác và nhiều dấu hiệu của sự nhụt trí trong cuộc đấu tranh chống lại cái ác. Nếu không muốn nói ở đâu đó và một lúc nào đó đã vô tình sống chung với cái ác. Nó cho thấy những gía trị nhân văn đang bị lấn át và đang bị dồn vào những phần đất hẹp.

Nếu chúng ta lùi sâu hơn nữa vào đời sống ngay sau bậc cửa ngôi nhà của mình, chúng ta sẽ nghe được những câu nói của con cái chúng ta. Những câu nói tưởng giản đơn nhưng là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy những đứa trẻ đó đang lớn lên trong một đời sống hưởng lạc và vô trách nhiệm.

- Mẹ phải trả cho con 100.000 đ thì con mới quét nhà.
- Con trông bà nội cả sáng nay trong bệnh viện, bố phải trả công con đấy.
- Bố phải chi tiền cho con hàng ngày con mới đi học.
- Không có Vespa là con ngày nào cũng đi học muộn đấy.
- Nếu bố mẹ còn tiếp tục nói con, con sẽ không về nhà nữa.

Và không ít những bậc cha mẹ đã vui vẻ chấp hành những đòi hỏi vô lý ấy của con cái. Họ đã và đang đầu hàng trước những đòi hỏi hay có thể nói đó là những thách thức đầu tiên của những đứa trẻ này.

Rồi đến một ngày, chúng sẽ đứng trước xã hội một cách ngạo mạn, hống hách và ác độc cất tiếng đòi hỏi và đe dọa xã hội bằng bạo lực. Và nếu không được xã hội thỏa mãn những dục vọng của mình, chúng sẽ tàn phá xã hội một cách không thương tiếc như những đứa trẻ cầm trên tay con chim đang sống kia...

Hãy yêu như yêu một đứa trẻ

 

HÃY YÊU NHƯ YÊU MỘT ĐỨA TRẺ

 

Trẻ nhỏ đôi khi hành xử theo cách vô cùng khó hiểu và gây sốc: chúng la hét trước người coi sóc chúng, tức giận hất đổ bát mì, vứt đi thứ đồ chơi một người nào đó mới cho chúng. Nhưng rất ít khi ta cảm thấy bị kích động hay bị tổn thương bởi những hành động này. Lý do là bởi ta chưa từng gán một động cơ tiêu cực hay ý đồ xấu nào cho bọn trẻ.

 

Người lớn lại đối xử với nhau theo cách ngược lại, đặc biệt trong khi yêu. Khi biết rằng có người để ý đến mình, ta thường suy nghĩ nghĩ thế này: Nếu họ vì công việc mà đến trễ trong ngày sinh nhật mẹ ta, ta coi đó là một cái cớ. Nếu họ hứa mua cho ta cái gì đó nhưng “quên mất”, ta sẽ nghĩ rằng họ cố tình. Họ chỉ đơn giản có vẻ không vui, còn ta thì nghĩ rằng họ đang cố gắng hủy hoại cuộc đời ta.

 

Nhưng nếu chúng ta áp dụng cách đối xử với trẻ nhỏ, ấn tượng đầu tiên của ta sẽ khác: có thể đêm qua họ ngủ không ngon và quá kiệt sức để nghĩ thông suốt; có lẽ họ bị đau đầu gối; có thể họ đang thử nghiệm giới hạn sức chịu đựng của bố mẹ. Từ cái nhìn đó, hành vi trưởng thành của người yêu không bỗng nhiên trở nên đẹp đẽ hay chấp nhận được. Nhưng ta sẽ không thấy kích động nữa.

 

Sẽ thật ấm áp khi sống trong một thế giới dạy ta cách bao dung với trẻ em; và còn tốt hơn nếu ta học được cách rộng lượng hơn với phần con trẻ trong một người lớn.


Thứ Tư, 12 tháng 5, 2021

Tuổi già ngày nay có vai trò gì?

 

TUỔI GIÀ NGÀY NAY CÓ VAI TRÒ GÌ?

Văn hoá của chúng ta đã lý tưởng hoá và ưu tiên tuổi trẻ nhiều đến nỗi mà hầu hết mọi người đều sợ tuổi già. Thực tế tuổi già đã ám ảnh những người phụ nữ nhiều hơn cả khi giá trị cốt yếu của họ là vẻ đẹp và sự rạng rỡ. Nhưng đây chỉ là phần nổi hiện lên trên bề mặt của tính nữ, và có những đặc tính khác của tính nữ mà sâu sắc và mạnh mẽ hơn, thậm chí siêu việt hơn nhiều so với sự khiêu gợi của những người mẫu bikini mà bạn thấy trên quảng cáo.

Tuy nhiên, khi hầu hết đàn ông tách rời khỏi cái tính nam cốt lõi của mục tiêu và trách nhiệm, họ chỉ bị thu hút bởi vẻ bề ngoài nông cạn của tính nữ, bởi vì họ chỉ là những cậu bé thích những món đồ chơi lấp lánh mà thôi. Chúng ta vẫn tiếp tục chịu phần ảnh hưởng từ những ám ảnh văn hoá về tuổi trẻ và phủ nhận sự thông thái, quyền lực và trực giác đi cùng tuổi già.

Carl Jung nói rằng trong những bộ lạc nguyên thuỷ, người già luôn là những người canh gác thiêng liêng cho sự công bằng và là ánh sáng dẫn đường cho thế hệ trẻ. Nhưng ngày nay họ có vai trò gì? Đi đâu rồi sự thông thái và những truyền thuyết của thế hệ già? Đáng buồn thay, người già lại tìm thấy mình trong một guồng máy ép họ phải cạnh tranh với thế hệ trẻ, và nếu bị thua cuộc, họ sẽ bị loại ra khỏi xã hội, vào trại dưỡng lão, bởi vì ở thời đại chúng ta, những kẻ không mang giá trị kinh tế bị coi là một gánh nặng.

Carl Jung nói rằng lúc chiều tà của cuộc đời, có thể là một cột mốc cho những gì đã qua và là cơ hội cho sức sáng tạo bất diệt, bởi vì một người già không còn tham gia vào thành tích của cuộc đời—vì ông đã thành tựu cả đời rồi. Ông ta nên bỏ đi hết thảy những thứ trên đời này và những gì mà ông đã đạt được ở phần trước và hạ thấp năng lượng, để đi vào trong và để lại bàn cờ cuộc sống cho những ai còn chưa chứng tỏ được bản thân. Và khi đã bỏ lại hết thảy, một lần nữa ông già ấy biến hoá và quay trở lại thế giới như một đứa trẻ con, nhưng lần này ông đã là một đứa trẻ với kinh nghiệm của con lạc đà và sự thông thái của sư tử, sẵn sàng truyền lại sự thông thái cho những ai bắt đầu đi trên cuộc hành trình.