PHÉP LẠ CỦA VÔ THƯỜNG
“Làm sao để có thể thoát khỏi những đau khổ trong cuộc đời này?” Nhưng cuộc sống vốn vô thường, không có điều gì ta lường trước hay tránh được. Khi những điều bất như ý xuất hiện trong cuộc sống, thiền sư Thích Nhất Hạnh khuyên chúng ta có thể đón nhận khổ đau.
Chúng ta thường buồn rầu và đau khổ rất nhiều khi sự vật thay đổi. Nhưng sự thay đổi, sự vô thường có khía cạnh tích cực của nó. Nhờ vô thường mà mọi sự vật mới có cơ hội. Đời sống nhờ vô thường mới hiện hữu. Nếu hạt bắp không vô thường thì hạt bắp không bao giờ có thể biến thành một cây bắp. Nếu không vô thường thì cây bắp không thể cho ta trái bắp để ăn được. Nếu con gái quí vị không thay đổi thì nó không thể lớn lên để trở thành một phụ nữ. Và cháu bạn sẽ không bao giờ ra đời. Vậy, thay vì than vãn về vô thường, chúng ta nên nói: “Hoan nghênh vô thường, chúc vô thường mãi mãi”. Chúng ta hãy sung sướng. Khi thấy được phép lạ của vô thường, nỗi đau buồn của chúng ta sẽ qua đi.
Tất
cả chúng ta đều có thể hiểu vô thường bằng trí óc, nhưng như thế thì không hiểu được
chân nghĩa của nó. Trí não không đưa
chúng ta tới giải thoát. Khi chúng
ta vững chãi và có định lực, ta có thể thực tập nhìn sâu. Khi nhìn sâu và hiểu được bản
chất của vô thường, ta có thể quán
chiếu về cái hiểu biết sâu xa đó.
Như vậy cái hiểu về vô thường trở thành một phần của con người chúng ta. Nó trở thành sự
thực tập hàng ngày của ta. Chúng ta
phải duy trì sự giác ngộ về vô thường
đó để có thể nhìn thấy và sống với vô thường trong mọi lúc. Nếu chúng ta thiền quán về
đối tượng vô thường, ta sẽ nuôi
dưỡng được tri giác về vô thường khiến
cho nó sống trong ta hằng ngày. Tu tập như thế,vô thường sẽ là chiếc chìa khóa
mở cho ta cánh cửa
vào
chân lý thực tại.
.
* Thích
Nhất Hạnh sinh năm 1926 tại Thừa Thiên - Huế với tên khai sinh là
Nguyễn Xuân Bảo. Ông vừa là thiền sư vừa là giảng viên, nhà văn, nhà thơ,
nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội, và người vận động cho hòa bình. Thiền sư
Thích Nhất Hạnh được đánh giá là một lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn ở
phương Tây, sau Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14. Thích Nhất Hạnh đã viết hơn 100
cuốn sách, trong đó có hơn 70 cuốn bằng tiếng Anh. Một số tác phẩm nổi bật của
ông như Không diệt không sinh đừng sợ hãi, Từng bước nở hoa sen, Tâm tình với
đất mẹ, Đường xưa mây trắng…