Thứ Hai, 3 tháng 5, 2021

Cần có cái nhìn toàn cảnh khi chỉnh đốn hành vi của con cái.


CẦN CÓ CÁI NHÌN TOÀN CẢNH KHI CHỈNH ĐỐN HÀNH VI CỦA CON CÁI.


Khi chúng ta trở nên quá tập trung vào việc chỉnh đốn hành vi của con thì có thể dễ dàng mất đi cái nhìn toàn cảnh mà chúng ta cần thấy.

Tiến sĩ Gordon Neufeld có một câu nói rất hay: "Nhiều người nghĩ rằng kỷ luật là bản chất của việc nuôi dạy con cái. Nhưng thực ra lại không phải. Việc nuôi dạy con cái không phải là bảo chúng phải làm gì khi chúng hư. Nuôi dạy con cái là cung cấp cho chúng những điều kiện cần thiết mà từ đó chúng có thể nhận thấy tiềm năng của chúng".

Hãy làm sáng tỏ bức tranh lớn hơn của việc nuôi dạy con cái có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của con cái chúng ta.

.

1. Mối quan hệ với con

Mối quan hệ với con cái quyết định con cái sẽ nghe lời chúng ta ở mức độ nào. Nếu chúng ta có một mối quan hệ tốt đẹp được xây dựng dựa trên lòng tin, sự thấu cảm, sự tôn trọng và lòng trắc ẩn thì chúng ta đã tạo được một nền móng tốt.

Để xây dựng mối quan hệ tuyệt vời với con bạn:

.

- Bước vào thế giới của con và tạo nên sự gắn kết

- Hãy là một người biết lắng nghe

- Luôn giữ lời hữa, hãy là một người đáng tin cậy

- Thể hiện sự bao dung và đồng cảm với con

- Hãy là người tạo động lực cho con

- Thể hiện sự tôn trọng

- Sử dụng kỷ luật tích cực

.

2. Văn hoá Gia đình

Văn hóa gia đình, về bản chất là "thế giới", nơi con cái bạn được nuôi dạy và lớn lên. Có 7 trụ cột của văn hóa gia đình, đó là: Giá trị, định hướng, kỳ vọng, thói quen, giao tiếp, giải quyết xung đột và truyền thống.

.

3. Mối quan hệ với nửa còn lại của bạn

Con của bạn luôn luôn theo dõi và học từ cách mà bạn tương tác với chồng/vợ bạn. Bạn là những cái nhìn đầu tiên của chúng về một mối quan hệ lãng mạn và thường chúng sẽ hành động tương tự thế khi lớn lên.

.

Theo Trí Thức Trẻ

Einstein: Tôi ở lại với những vấn đề lâu hơn

 

Albert Einstein khi còn nhỏ. Ảnh: Getty.

 

EINSTEIN: TÔI Ở LẠI VỚI NHỮNG VẤN ĐỀ LÂU HƠN

.

Einstein: "Tôi không phải là người quá thông minh mà chỉ vì tôi ở lại với những vấn đề lâu hơn".

Einstein (1879-1955) là nhà bác học thiên tài người Đức gốc Do Thái, người đã phát triển thuyết tương đối tổng quát, một trong hai trụ cột của vật lý hiện đại. Năm 1921, ông nhận giải thưởng Nobel về vật lý.

.

Theo sách Kể chuyện tấm gương hiếu học, lúc còn nhỏ, không ít lần Einstein làm cha mẹ thất vọng vì phản ứng khá chậm với thế giới xung quanh.

Không giống như nhiều đứa trẻ khác, Einstein còn chậm nói, mãi năm 3 tuổi ông vẫn chưa nói được. Điểm khác biệt của Einstein là ông thường không tỏ ra nghịch ngợm. Thay vào đó, cậu bé này thường xuyên ngồi lặng lẽ quan sát mọi chuyển động xung quanh của thế giới.

.

Chứng kiến những biểu hiện bất thường của con trai, cha mẹ Einstein rất lo lắng cho ông. Không yên tâm, họ buộc phải mời các chuyên gia y tế về kiểm tra sức khỏe và khả năng phản ứng của Einstein. Thậm chí, mẹ Einstein còn thuê hẳn một cô gia sư hàng ngày chỉ đến nói chuyện với ông.

.

Cuốn sách Kể chuyện tấm gương hiếu học cho biết bước ngoặt chỉ đến với Einstein trong ngày sinh nhật ông tròn 5 tuổi. Vào hôm đó, cha đã mua cho Einstein một chiếc la bàn để chơi. Ông cầm món quà trên tay, nhận thấy chiếc kim trong la bàn từ từ chuyển động và hướng về phía Bắc. Cậu bé Einstein cầm chiếc la bàn quay ngược lại nhiều hướng, nhưng kim vẫn không hề thay đổi hướng, vẫn chỉ về hướng Bắc.

Einstein tiếp tục lặp đi lặp lại hành động quay la bàn thêm nhiều lần nữa, song kết quả vẫn không khác. Quá ngạc nhiên, Einstein ngước nhìn cha với hy vọng tìm được một lời giải thích. Nhưng đáp lại, cha ông chỉ mỉm cười và không nói gì.

.

Người cha không khó nhận ra cậu con trai rất say sưa khám phá và không hề chủ động hỏi người lớn. Thay vào đó, Einstein muốn tự mình khám phá ra. Cha Einstein nói với vợ: "Con trai chúng ta không ngốc như nhiều người lầm tưởng, chỉ là nó không muốn nói những câu vô nghĩa, cũng không muốn hỏi người khác câu trả lời. Nó có tính cách của một nhà khoa học, luôn bình tĩnh suy nghĩ".

.

Vượt qua trở ngại về ngôn ngữ, khi đi học, Einstein luôn là một trong những học sinh giỏi nhất. Ngoài việc học, ông còn rất say mê và hứng thú với khoa học. Einstein có thói quen đặc biệt, ông rất thích tự suy nghĩ, đặt câu hỏi cho những vấn đề mình quan sát được và dựa vào sự chăm chỉ, quyết tâm của mình để tìm ra câu trả lời.

Năm Einstein 12 tuổi, trong một lần, người chú hỏi ông rằng: "Cháu có thích đại số và hình học không, chúng rất thú vị đấy!". Sau câu hỏi, người chú mô tả về đại số và hình học bằng những hình ảnh và ngôn ngữ sinh động. Thấy cháu có vẻ say sưa, hứng thú, mắt mở to tròn lộ vẻ thích thú, người chú đã giảng giải thêm cho Einstein một số nguyên lý cơ bản, rồi vẽ một hình vuông lên giấy và đưa công thức bình phương cạnh huyền bằng tổng bình phương hai cạnh góc vuông.

.

Ông nói: "Đây là định lý Pytago nổi tiếng, hơn 2.000 năm trước người ta đã chứng minh rồi. Bây giờ cháu có thể chứng minh lại không?” Dựa vào những nguyên lý người chú đã giảng dạy, ông mày mò suy nghĩ và cuối cùng cũng giải được bài toán trong vòng 3 tuần. Chứng kiến những nỗ lực của người cháu, chú ông vui mừng nói với bố Einstein rằng: "Albert không ngốc đâu, thằng bé có tiềm lực rất lớn đấy!".

Chính những điều người chú giảng dạy đã gợi mở cho Einstein đến với khoa học tự nhiên, kích thích sự say mê tiềm ẩn trong người ông. Từ đây, Einstein đọc rất nhiều về sách khoa học tự nhiên, ông mày mò tự học và giải các bài toán hình học phẳng, toán cao cấp. Đến năm 13 tuổi, ông đã có thể giải những bài toán dành cho sinh viên đại học.

.

Không ngừng tìm tòi nghiên cứu, sau nhiều năm quan sát và thực nghiệm, Einstein đã có những phát minh quan trọng trong lĩnh vực vật lý lý thuyết. Đến năm 1905, ông cho công bố 5 phát minh, trong đó có 3 công trình quan trọng của vật lý hiện đại gồm: Thuyết phân tử động, thuyết tương đối hẹp và giả thuyết quang tử lượng.

Sau này, chính Einstein đã nói rằng: "Không phải tôi là người quá thông minh mà chỉ vì tôi ở lại với những vấn đề lâu hơn".

.

Rõ ràng, chính quảng thời gian ở lại với những vấn đề đó đã giúp Einstein trở thành thiên tài khoa học, có nhiều cống hiến vĩ đại cho nhân loại.

Những thành tựu vĩ đại Einstein đã đạt được trên con đường nghiên cứu khoa học đã nói rằng: Thiên tài không tự dưng sinh ra, đó là sản phẩm của sự khổ luyện, tìm tòi, nghiên cứu bằng sự hứng thú và say mê gần như vô tận với khoa học. Những phát minh vĩ đại của Einstein đều xuất phát từ thói quen thích suy nghĩ, khám phá, tìm ra câu trả lời của ông.


Chủ Nhật, 2 tháng 5, 2021

Ca khúc “Biển Nhớ” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

CA KHÚC “BIỂN NHỚ” CỦA NHẠC SĨ TRỊNH CÔNG SƠN

 

Biển Nhớ là một trong những ca khúc đầu tay của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, được sáng tác vào khoảng năm 1962-1963, khi ông đang theo học tại Trường Sư Phạm Qui Nhơn. Những người yêu nhạc Trịnh thường nhắc đến bài hát này với 2 chữ Sơn – Khê được nhạc sĩ lồng vào trong câu hát:

Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về
Triều sương ướt đẫm cơn mê, trời cao níu bước sơn khê 

Theo lời kể của những người bạn đương thời, thời điểm ca khúc này ra đời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có một cô bạn gái thân thiết tên là Tôn Nữ Bích Khê. Đó là một cô gái quê Nha Trang, học cùng lớp với nhạc sĩ trong trường sư phạm. Bích Khê có vóc dáng nhỏ nhắn, làn da ngăm đen, mái tóc dài búi ngược ra sau và thường đi guốc cao gót. Nàng không sở hữu một nhan sắc mặn mà như nhiều bóng hồng khác trong cuộc đời Trịnh Công Sơn, nhưng lại vui vẻ, nhiệt tình và rất có duyên.

Đặc biệt, Bích Khê có giọng hát khá hay nên nàng cũng là một gương mặt trong ban hợp xướng của trường mà Trịnh Công Sơn là người gầy dựng.

 

Hoạ sĩ Đinh Cường, một người bạn rất thân của Trịnh Công Sơn từ những năm tháng tuổi trẻ đến tận sau này, kể lại: Vào mùa hè năm 1962, Trịnh Công Sơn ở lại trường, không về Huế, nên Đinh Cường vào Quy Nhơn thăm bạn và gặp cả nàng Bích Khê. Đinh Cường kể:

.

“Biển Nhớ, hay bóng dáng của Bích Khê là một giai đoạn ngắn, vì hoàn cảnh và thời cuộc lúc đó. Sơn vào Qui Nhơn nấp dưới bóng trường Sư Phạm. Hè 1962, tôi vào thăm Sơn vì Sơn ở lại, không về Huế. Đêm nào Sơn cũng rủ Bích Khê cùng tôi ra biển ngồi đến khuya. Bích Khê từ Nha Trang ra Qui Nhơn học, cùng lớp, hay săn sóc cho Sơn, lúc ấy chỉ thấy khi nào Sơn cũng mặt chiếc áo chemise kaki vàng. Khê thường đem cà phê đến tặng Sơn. Chúng tôi đã ngồi uống cà phê với nhau dưới mái quán thấp ven biển lợp bằng lá kè. Biển Nhớ là cảm hứng từ muôn vàn đợt sóng lấp lánh trong những đêm khuya khoắt ấy, mà Sơn đã kéo cao cổ áo, chợt rùng mình, rồi có một ngày sẽ xa những dấu chân trên cát, có còn “trời cao níu bước Sơn Khê …”

.

Sau khi ca khúc Biển Nhớ ra mắt, những người bạn trong trường mới giật mình vì hai chữ “sơn khê” quá đặc biệt nên thường trêu đùa hai người bằng câu hát: “Ngày mai Khê đi, biển nhớ tên Khê gọi về… Không ai rõ thực hư của mối quan hệ giữa hai người bạn Sơn – Khê ấy là gì, chỉ biết rằng, sau này có người hỏi, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trả lời rằng: “Bích Khê chỉ là bạn như những người bạn khác, chữ “sơn khê” chỉ là tình cờ”.

Không biết là do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn muốn tránh nhắc tới một mối quan hệ đã lùi vào dĩ vãng, chẳng đi đến đâu, hay thực sự nhạc sĩ chỉ “hồn nhiên” thả tên những cô bạn gái quanh mình vào lời hát như rất nhiều những cái tên khác từng hiện diện trong âm nhạc của ông, có thể kể đến như: Diễm, Quỳnh Hương, Hoàng Lan, Lộc, Mai, Bống,..

Nhưng có một điều chắc chắn rằng, không chỉ vì hai chữ Sơn Khê, mà vì giai điệu, ca từ của Biển Nhớ quá đỗi da diết, bay bổng mà ca khúc này đã trở thành một trong những ca khúc nổi tiếng và phổ biến nhất của Trịnh Công Sơn.

.

Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về
gọi hồn liễu rũ lê thê, gọi bờ cát trắng đêm khuya
Ngày mai em đi đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ
sỏi đá trông em từng giờ, nghe buồn nhịp chân bơ vơ 

.

“Ngày mai em đi… ngày mai em đi…” là những ca từ được lặp đi lặp lại đầy bi thương trong ca khúc từ câu hát đầu tiên tới câu hát cuối cùng. Ta hình dung, một chàng trai đứng đó, trước biển, đôi vai trĩu xuống, cô độc và trơ trọi, tuyệt vọng kêu than những lời ca réo rắt, náo động cõi lòng. Chỉ ngày mai thôi, cô gái sẽ đi, sẽ bỏ lại chàng trai một mình đơn độc lẻ bóng. Nhưng vì một lý do nào đó, chàng chẳng thể nói: Em đừng đi, em hãy ở lại. Tâm trí xáo trộn, cõi lòng ngổn ngang, tê tái, chàng trai đành chỉ biết câm lặng, âm thầm gào thét, kêu than, trải lòng mình vào vạn vật xung quanh.

.

Ngày mai em đi, biển có bâng khuâng gọi thầm
ngày mưa tháng nắng còn buồn, bàn tay nghe ngóng tin sang
Ngày mai em đi, thành phố mắt đêm đèn vàng
nửa bóng xuân qua ngập ngừng, nghe trời gió lộng mà thương

 


Khi bài hát này ra đời thì giọng hát Khánh Ly vẫn chưa xuất hiện trong làng nhạc Sài Gòn, nên đã có nhiều ca sĩ khác hát ca khúc này trước. Tuy nhiên vài năm sau đó, giọng hát Khánh Ly đã thực sự đưa Biển Nhớ trở thành một trong những bài hát nổi tiếng nhất của Trịnh Công Sơn.

 

Như là một sự tri ân, ngày nay ở tại bãi biển mà Trịnh Công Sơn đã cùng ngồi bao đêm với bạn bè (và cả với người con gái “trời cao níu bước sơn khê”), người ta vừa dựng bức tượng nhạc sĩ có khắc bài hát Biển Nhớ ở trên đó.


Bài: Niệm Quân nhacxua.vn