Tết Việt xưa qua ghi chép của người nước ngoài
Cách nay hơn 100
năm, tức khoảng đầu thế kỷ XX, một nữ công dân Anh theo chồng sang công tác tại
Viện Pasteur Nha Trang, bà Gabrielle-Maud Candler Vassal đã mô tả phong tục người
An Nam qua tác phẩm Mes Trois Ans d’Annam (Ba năm ở An Nam). Trong đó, ngày tết
được bà dành hẳn ghi chép ở chương VIII.
Về ngày tết trong đời
sống tinh thần của người Việt bà viết rất đúng: “Trong lịch, Tết là ngày lễ lớn
nhất. Người An Nam, ai cũng vui Tết, giàu nghèo đều nghỉ tay đặng thưởng Xuân.”
Để chuẩn bị tết, người bản xứ tiến hành những công việc mang màu sắc tôn giáo,
thực ra là truyền thống văn hóa dân tộc thì đúng hơn. Gồm tảo mộ, quét dọn
trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị tiền bạc, mua sắm vật dụng.
Trong những ngày tết
ở Nha Trang lúc bấy giờ, đã diễn ra nhiều trò chơi dân gian gắn liền với điều
kiện sống của cư dân như đua ghe câu, thi thuyền thúng, thi bơi lội, đua ngựa,
chạy việt dã, đua xe kéo, thi múa hát của phụ nữ, xiếc thú (voi), múa rồng, bắn
pháo hoa và hát bộ.
Leopold Cadiere. Năm
1942, ông đến Việt Nam với tư cách Thừa sai truyền giáo. Ngoài công tác mục vụ,
Cadiere còn bỏ nhiều công sức nghiên cứu phong tục tập quán, lịch sử, nghệ thuật
của người bản xứ.
Riêng về ngày tết,
ông đã khảo cứu và viết lại một cách chi tiết các phong tục trong mục Ngày đầu
năm.
Trước hết về bổn phận
và nghĩa vụ: “Ngày đầu năm, hay ngày Tết, và hai ngày kế tiếp là những ngày lễ
đối với người Việt Nam. Đối với họ, đó là những ngày vui chung hay riêng tư, đồng
thời cũng là dịp để họ hoàn thành bổn phận tôn giáo lúc nào cũng được tuân giữ.
Đây là ngày lễ trọng đại để thờ kính ông bà tổ tiên.”.
Đầu tiên là những đồ
lễ dâng cúng tổ tiên hương đăng trà quả, giấy tiền vàng bạc. Tiếp đến là lễ rước
ông bà vào tối ba mươi tết. Theo đó, “các món ăn được trân trọng dọn trên bàn ở
gian dành cho ông bà, rồi thắp hương rót rượu, cơm nóng hơi còn bốc nghi ngút.
Gia trưởng mời vong linh tổ tiên ông bà về tham dự bữa cơm được chuẩn bị tươm tất
cho người chết.
Kẻ sống, rạp xuống đất
lạy ba lạy hay sáu lạy rồi đến lượt các thành viên trong gia đình lần lượt vái
lạy. Cửa nhà được đóng lại, mọi người quây quần, người chết, kẻ sống đều đoàn tụ
dùng bữa.”.
Việc dựng cây nêu,
theo tác giả, phần đông người Việt chẳng hiểu ý nghĩa, thấy ông bà làm thế nào
thì họ cũng làm như thế, rồi sau này đến lượt con cháu hoặc để ông bà nhận ra
được nhà của con cháu mà về. Tập tục kiêng cử ngày tết được tác giả gọi là may
xưa, theo quan niệm: “Những ngày đầu năm sẽ có ảnh hưởng tốt xấu đến toàn năm.
Ngày đầu năm mà ăn khổ thì sợ rằng cả năm sẽ thiếu ăn, thế cho nên nhà giàu thì
đầy no sung túc thịt cá ba ngày Tết, nhà nghèo thì lo vay mượn để chuẩn bị chu
đáo;…Mọi chuyện đều gắn liền với may xưa cả.”.
Một chi tiết trong
chuyên khảo của Cadiere rất đáng chú ý là nghi thức “sập cửa”, tác giả viết:
“người ta cẩn thận sập cửa lại, đóng suốt ba ngày Tết, cửa ra sân cũng đóng, chỉ
mở cửa cho bạn bè quen biết, những khách thăm viếng vị vọng, áo quần tươm tất.
Nghi thức sập cửa này có lẽ cũng liên quan đến việc thờ kính ông bà. Người ta sập
cửa ngay khi ông bà về, nghĩa là không dám tiếp thêm những người bất xứng đối với
các vị khách quí vừa về.” Ngày đầu năm, tác giả cho biết thêm, người Việt có tục
cúng tổ nghề: Thần chuồng trâu (từ mồng Một đến mồng Ba tết), thợ rèn (mồng Sáu
tết), thần quản canh làm gạch, thợ săn, thành hoàng làng, thợ hồ/nề, thợ mộc,
tiểu thương, ông bồ, ông bình vôi, …
nguồn trithucvn.org