Thứ Năm, 28 tháng 1, 2021

Giáo dục sự đồng cảm cho học sinh

 

Phụ huynh đọc cho con các loại sách truyện khác nhau để bồi dưỡng các cung bậc cảm xúc 

Tìm lại giá trị ‘thương người như thể thương thân’ trong gia đình và trường học

Nếu không biết thấu hiểu và đồng cảm với người khác, trẻ sẽ không thể nào tự hóa giải những cảm xúc tiêu cực trong lòng, cũng không biết giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn. Có lẽ vì vậy mà người dân đất nước hạnh phúc nhất thế giới rất coi trọng giáo dục cho trẻ sự đồng cảm, vừa hay điều đó lại giống như tinh thần tương thân tương ái trong truyền thống văn hóa của cha ông chúng ta.

Ở một đất nước mà hơn bốn thập kỷ luôn đứng đầu về chỉ số hạnh phúc như Đan Mạch thì điều mà cả phụ huynh, nhà trường và chính phủ coi trọng trong giáo dục lại thật trái ngược với chúng ta. Trong quan niệm của họ, hạnh phúc không bắt nguồn từ thành tích học tập.

Ngay cả khi biết rằng có nhiều cách để thu nạp kiến thức thì điều mà nhà trường và phụ huynh lựa chọn cũng không phải là làm thế nào để nhồi nhét kiến thức, càng không phải chạy theo điểm số và bằng khen.

Phụ huynh Đan Mạch quan niệm rằng không có lý do gì để biến một đứa trẻ non nớt thành người “cuồng thành tích” nhưng lại không có khả năng đối phó với nghịch cảnh và cảm xúc tiêu cực. Họ lựa chọn trau dồi cho thế hệ trẻ sự đồng cảm, thấu hiểu.

Nhìn người mà ngẫm tới mình. Chẳng phải trong văn hóa truyền thống, cha ông ta luôn coi trọng tinh thần “thương người như thể thương thân” và “lá lành đùm lá rách” hay sao? Đó cũng chính là sự đồng cảm đấy thôi. Vậy điều gì đã khiến những giá trị cốt lõi này bị thui chột dần?

Không bao giờ là quá muộn để thay đổi. Ta hãy học Đan Mạch, đất nước hạnh phúc nhất thế giới, đang ngày ngày dạy trẻ về sự đồng cảm. Đó cũng là con đường trở về với truyền thống tương thân tương ái quý báu của cha ông chúng ta. Nếu ai cũng được hiểu, được yêu thương, sẻ chia, tha thứ, từ nhà cho tới trường, thì làm gì còn không gian cho bạo lực học đường và nỗi buồn tới mức trầm cảm, tự tử nữa. Điều cuối cùng bọn trẻ cần có phải là hạnh phúc chân thực, không phải một thành tích đẹp đẽ bề ngoài mà ẩn chứa những điều tiêu cực bên trong.

Chuyện kể rằng ở đất nước Đan Mạch ấy, trong gia đình và trường học, trẻ đều được dạy về sự đồng cảm.

Phụ huynh

Ở nhà, cha mẹ Đan Mạch chú trọng đọc sách cho con, thường là các thể loại truyện khác nhau để bồi dưỡng các cung bậc cảm xúc. Nghiên cứu khoa học chỉ ra đọc sách về tất cả cảm xúc, từ vui vẻ đến bi thương sẽ giúp trẻ tăng khả năng đồng cảm.

Có lẽ vì vậy mà những câu chuyện cổ tích của Andersen như Nàng tiên cá, Cô bé bán diêm… có kết cục buồn, lại trở thành nguồn học liệu tốt. Thông qua việc thảo luận những tình tiết trong truyện, cha mẹ giúp con tiếp thu sự thất vọng cũng như bi kịch của nhân vật, từ đó con mới hiểu thế nào là xót xa và cảm thương cho người khác.

Có thể nói rằng phụ huynh Đan Mạch là tấm gương về sự đồng cảm cho con noi theo. Họ đặt mình ở vị trí con trẻ để hiểu rằng chúng thích cha mẹ quan tâm và vui chơi cùng mình, vì vậy họ dành nhiều thời gian bên con, cùng chơi những trò chơi như cờ cá ngựa, cờ tỷ phú… Hiểu rằng trẻ con học qua sự bắt chước, nên họ không bao giờ bình phẩm tiêu cực về người khác ở trước mặt con bởi đó không phải là ngôn ngữ của sự đồng cảm.

Thay vì nghĩ xấu về người khác, họ sẽ giúp con tìm hiểu nguyên nhân đằng sau những hành động chưa tốt là gì. Ví dụ, khi gặp người bất lịch sự, cha mẹ Đan Mạch thường hỏi con: “Con có nghĩ người đó đang đói hay đang mệt vì không được ngủ trưa hay không? Con có biết cảm giác đói và mệt như thế nào không? Đó là những gì người ấy đang trải qua”.

Nhà trường

Trong chương trình giáo dục ngay từ tiểu học cho đến hết trung học phổ thông, học sinh được học một giờ một tuần hoặc nhiều hơn về sự đồng cảm như một kỹ năng sống quan trọng.

Thông thường, trong giờ học này các em sẽ đưa ra khúc mắc của bản thân, sau đó cả lớp cùng nhau thảo luận và tìm ra giải pháp. Đó là một cách thức giúp các em cảm thấy bản thân được lắng nghe và được thấu hiểu, đồng thời các em có cơ hội đặt mình ở vị trí người khác để suy nghĩ và hiểu được cảm giác của họ.

Để bọn trẻ thoải mái, không ngại chia sẻ, theo Quartz, giáo viên sẽ tạo bầu không khí hòa đồng bằng cách cho bọn trẻ ngồi quây thành vòng tròn nắm tay nhau, hoặc cùng nhau nướng một chiếc bánh để vừa ăn vừa nói chuyện.

Giáo viên

Tại trường, giáo viên đều được đào tạo để nhìn nhận mỗi cá nhân có một khả năng và nhu cầu khác nhau. Qua đó, giáo viên hiểu được điểm mạnh, yếu của từng em.

Sau đó giáo viên sẽ sắp xếp các em thành từng nhóm sao cho người này bổ sung cho người kia. Ví dụ học sinh nhút nhát sẽ được ghép cùng các bạn sôi nổi để có được ảnh hưởng tích cực từ bạn. Đó là một cách làm thể hiện học sinh nhận được sự đồng cảm trực tiếp từ giáo viên của mình.

Làm người ai cũng có lần vấp ngã, gặp khó khăn trong cuộc sống. Những lúc như vậy rất cần ai đó thấu hiểu, đồng cảm để ta đối mặt với nghịch cảnh và vượt qua cảm xúc tiêu cực trong lòng. Vì vậy phụ huynh, nhà trường cần dạy học sinh “thương người như thể thương thân”, làm nền tảng cho một gia đình hạnh phúc, một xã hội tốt đẹp bền lâu.

Theo DKN


Thứ Tư, 27 tháng 1, 2021

Hiệu ứng Matthew

 

 HIỆU ỨNG MATTHEW

Kết quả nghiên cứu nổi tiếng của nhà khoa học Keith Stanovich và có thể miêu tả ngắn gọn về Matthew effect (hiệu ứng Matthew), một khái niệm được nhà xã hội học Robert King Merton xây dựng vào năm 1968.

Hiệu ứng Matthew chỉ hiện tượng khi một lợi thế / thành công ban đầu kéo theo một loạt những thành công kế tiếp trong tương lai. Ở chiều ngược lại, những người không có xuất phát điểm lợi thế sẽ có xu hướng tụt lại dần phía sau, làm gia tăng khoảng cách giữa họ và nhóm có lợi thế ban đầu.

Tên gọi của hiệu ứng này xuất phát từ Phúc Âm Matthew trong Tân Ước, trong đó Matthew là một trong mười hai sứ đồ của chúa Jesus. Trong sách có đoạn như sau: “For whosoever hath, to him shall be given, and he shall have more abundance, but whosoever hath not, from him shall be taken away even that he hath.” (Tạm dịch: Ai đã có thì sẽ được cho thêm và sẽ có dư thừa, còn ai chưa có thì ngay cả cái đang có rồi cũng sẽ bị tước mất đi.)

Hiệu ứng Matthew: phương diện giáo dục

Sự phát triển của các học sinh giỏi thường thu hút sự chú ý của giáo viên hơn hết. Đồng thời những người ấy lại gây bất lợi cho sự phát triển của những người khác. Các hiệu ứng này cũng được nhiều cá nhân nhận định là lời tiên tri cho tương lai một người.

Cách trường học phân chia lớp thường, lớp chọn cũng là điều dễ nhận thấy của hiệu ứng Matthew. Lựa chọn những học sinh nổi trội để bồi dưỡng. Đồng thời khiến cho những học sinh còn lại tin rằng chúng tầm thường, khó phát triển trong tương lai. Nhiều cuộc thi cho học sinh giỏi, tài năng không ngừng nối tiếp nhau. Chúng càng khẳng định khoảng cách khác biệt giữa “những người bạn bằng tuổi”. Mọi người thường chú trọng vào những đứa trẻ tài giỏi, bỏ quên những đứa trẻ “tầm thường” còn lại.

Trong những năm đầu được đánh giá là tầm thường. Những đứa trẻ ấy sẽ trở nên tầm thường thật sự theo cách mà chúng bị đối xử, nuôi dạy.

“Cây sồi cao nhất không chỉ bởi nó mọc từ trái sồi cứng cáp nhất mà còn vì chẳng có cây nào che khuất đi ánh sáng mặt trời, mặt đất xung quanh mỡ màu. Không lấy một con thỏ nhai lấy khi nó còn là cây non, và cũng chẳng bị một người tiều phu nào đốn trước khi nó kịp trưởng thành.” – Malcolm Gladwell

Hiệu ứng matthew trong kinh tế

Hiệu ứng Matthew: Những người giàu ngày càng giàu hơn, còn những người nghèo lại ngày càng nghèo đi. Cả thế giới đều đang phát triển theo xu hướng này.

.

Nhà kinh tế học người Pháp Thomas Guletty đã nghiên cứu hiệu ứng Matthew trong suốt 50 năm. Và ông đã phát hiện ra rằng trong 50 năm qua, 50% người Mỹ thuộc những người nghèo nhất đã tăng thu nhập với mức dưới 1%, trong khi 1% số người Mỹ giàu nhất đã tăng thu nhập lên tới tận 300%.

.

Cách đây một thời gian, Ngân hàng Công thương Trung Quốc đã công bố "Báo cáo tài sản tư nhân Trung Quốc năm 2019", khiến mọi người thấy choáng váng.

Những người có mức lương hàng tháng là 10.000 tệ (tương đương 35 triệu VND), luôn làm việc chăm chỉ, nhưng đến cuối năm tiền lãi vẫn không hơn 4.000 tệ (14 triệu VND), trong khi những doanh nhân giàu có khác, cuối năm chỉ cần nhìn sơ trong thẻ ngân hàng của họ, đã thấy rằng có hơn một triệu tệ (hơn 3 tỷ VND) tiền lãi.

.

Tốc độ "tiền vào" của những người giàu có tăng khủng khiếp như tên lửa, mà người bình thường dù làm suốt 24 tiếng đồng hồ cũng khó mà đuổi kịp.

Bởi vì họ thường bị mắc kẹt trong những khoản chi phí sinh tồn của cuộc sống như: tiền phí sinh hoạt, thế chấp, vay mượn mua ô tô, chi phí đi học cho con cái, chi phí di chuyển,... Thu nhập mà họ kiếm được lại được tiêu xài liên tục theo vòng tuần hoàn vốn có của nó.

.

Những người giàu có kia, họ đã sớm thoát khỏi xiềng xích này từ lâu. Họ có nhiều không gian để phát triển hơn, bởi vì hiện tại họ làm chủ đồng tiền, dùng tiền để đầu tư; chứ không cần lệ thuộc vào tiền, phải suy nghĩ xem cần tiết kiệm bao nhiêu, cần chi bao nhiêu thì mới đủ sống.

.

Trên thực tế, hiệu ứng Matthew được áp dụng trong mọi tầng lớp xã hội. Như ở nơi làm việc, hiệu ứng Matthew còn nghiêm trọng hơn.

.

Trong một công ty làm về sản xuất giày da, ông chủ thông báo cuối năm nay, 5 người đạt được mức lương cao nhất công ty sẽ được thưởng nhiều hơn. Có nhiều người cảm thấy bất bình.

Vì sao họ đã có mức lương cao, lại còn được thưởng?

Bởi vì năng lực xứng với thu nhập, những người có mức lương cao là những người năng lực mạnh mẽ, không thể thay thế được.

.

Nếu họ không làm nữa, thì ông chủ khó mà kiếm được người tài giỏi và có sẵn kinh nghiệm, lại quen thuộc với công ty như họ; hoặc ông chủ phải bỏ một số tiền cao hơn để "đào" nhân tài từ nơi khác về. Vì lo lắng họ sẽ nghỉ việc sang nơi khác tốt hơn, nên tất nhiên ông chủ sẽ ưu tiên tăng lương cho họ trước.

.

Ngược lại, với những nhân viên có mức lương thấp, dù họ có nghỉ việc, ông chủ ra ngoài vẫn dễ kiếm được nhiều nhân viên khác chấp nhận mức lương tương tự và thế vào vị trí của họ.

.

Theo Trí Thức Trẻ

Thứ Ba, 26 tháng 1, 2021

Nếu muốn hoàn thiện thân thể, hãy quan tâm đến trí óc


Thân thể là nô lệ của đầu óc. Nó tuân theo sự vận hành của trí não, dù là cố tình hay vô thức


Khỏe mạnh hay ốm yếu, cũng giống như hoàn cảnh, đều bắt nguồn từ tư duy. Những suy nghĩ yếu ớt sẽ được thể hiện bằng một cơ thể yếu ớt. Người ta đã thấy những suy nghĩ lo sợ có thể giết chết một người nhanh như phát đạn, và chắc chắn nó vẫn đang tiếp tục giết vô số người nữa, cho dù chậm chạp hơn. Những ai sống trong nỗi lo bệnh tật rồi sẽ sinh ra bệnh tật. Sự lo lắng nhanh chóng đốn ngã cả cơ thể, mở đường cho bệnh tật tấn công.


Nếu muốn hoàn thiện thân thể, hãy quan tâm đến trí óc. Nếu muốn làm mới thân thể, hãy làm đẹp cho tinh thần. Những suy nghĩ hiềm ác, ghen tị, thất vọng và chán nản lấy đi của cơ thể sức khỏe và vẻ duyên dáng, yêu kiều. Một khuôn mặt cáu kỉnh không phải tự nhiên mà có; nó được tạo thành từ những suy nghĩ chua cay. Những nếp nhăn hình thành bởi sự điên rồ, giận dữ và tự phụ, kiêu căng.


Để có được không gian sống êm ái và lành mạnh, bạn phải mở cửa ra cho không khí và ánh nắng tràn ngập căn phòng. Tương tự như thế, một cơ thể khỏe mạnh và sắc mặt rạng rỡ, hạnh phúc, yên bình chỉ có được khi bạn cho phép đầu óc tràn ngập những suy nghĩ vui vẻ, lương thiện và thanh thản.


Không thầy thuốc nào giúp xua tan bệnh tật hiệu quả bằng suy nghĩ vui tươi; cũng chẳng có gì giúp an ủi, xua tan bóng đêm của sự buồn đau tốt bằng lòng thiện chí. Sống mòn trong những ý nghĩ xấu xa, nghi ngờ, cay độc và ghen tị cũng là tự giam hãm bản thân trong một nhà tù do chính mình tạo dựng. Nhưng nếu nghĩ tốt về mọi thứ, vui vẻ với mọi thứ, và kiên nhẫn học hỏi, tìm ra mặt tốt đẹp trong mọi vật xung quanh, thì những tư tưởng bao dung đó chính là cánh cổng dẫn đến thiên đường; và khi mỗi ngày sống trong những suy nghĩ bình yên hướng tới vạn vật bên ngoài, bạn sẽ luôn thấy lòng thanh thản.


"Nếu muốn hoàn thiện thân thể, hãy quan tâm đến trí óc. Nếu muốn làm mới thân thể, hãy làm đẹp cho tinh thần"

Con người tư duy ra sao, bản chất anh ta là vậy

 

Con người tư duy ra sao, bản chất anh ta là vậy

"Con người tư duy ra sao, bản chất anh ta vậy." Thực sự, một con người chính là những gì anh ta suy nghĩ, và tính cách con người chính là tổng thể hoàn chỉnh của tư duy.

Cây nảy mầm từ hạt và không thể thiếu hạt, cũng giống như mọi hành động của con người đều bắt nguồn từ những hạt giống bí mật của tư duy, và sẽ chẳng thể diễn ra nếu thiếu đi những hạt giống này. Quy luật trên áp dụng đúng với cả hành động "bộc phát", "không chủ tâm" cũng như những hành động cố tình, hữu ý.

Hành động là hoa của hạt giống tư duy, còn niềm vui hay sự đau khổ là quả; như vậy những gì một người nhận được là những quả ngọt và quả đắng mà chính anh ta trồng.

Là một sinh vật có năng lực, trí thông minh, tình yêu, và làm chủ tư duy của chính mình, con người nắm giữ chìa khóa của mọi hoàn cảnh và chứa đựng trong mình khả năng chuyển đổi và tái tạo, biến anh ta thành những gì anh ta muốn.

Một chủ nhân khôn ngoan, điều khiển năng lượng của bản thân bằng trí thông minh và dùng tư duy tạo ra thành quả. Đó mới là người chủ nhân tỉnh táo.

"Cây nảy mầm từ hạt và không thể thiếu hạt, cũng giống như mọi hành động của con người đều bắt nguồn từ những hạt giống bí mật của tư duy, và sẽ chẳng thể diễn ra nếu thiếu đi những hạt giống này."