Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2021

KỲ ĐỒNG -THÔNG MINH - CHÍ KHÍ

Ảnh: Năm 2012, dân địa phương xây đền thờ Kỳ Đồng (tức động Thiên Thai) ở thôn Trại Nhất, xã Hồng Kỳ (Yên Thế) được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.

KỲ ĐỒNG -THÔNG MINH - CHÍ KHÍ

Kỳ Đồng vốn tên là Nguyễn văn Cẩm (1875- /1929), người làng Trung Lập, phủ Tiên Hưng, tỉnh Hưng Yên. Sinh cuối đời Tự Đức, thiên tư rất là đĩnh ngộ. Lúc bé, thân phụ là một nhà nho uyên bác bắt đầu dạy sách Tam tự kinh.
Lên mười, ngũ kinh, tứ thư đều thông, vì ông chỉ trông qua là nhớ, mỗi ngày học đến trăm trang sách.

.
Năm 1882, nhân có kỳ hạch ở tỉnh Hưng Yên, để năm sau thi hương ở trường Nam Định. Khi các quan tỉnh và huấn đạo, giáo thụ, hội đồng ở Văn miếu, thấy ông còn nhỏ (mới 8 tuổi) mà đã đi thi đều lấy làm lạ, cho gọi đến để hỏi quê quán. Ông thưa ở làng Trung Lập, phủ Tiên Hưng. Các quan thấy ông còn ít tuổi mà đã có kỳ tài, bèn làm sớ trong đó biên cả hai câu đối dâng về kinh.*

.
Vua Tự Đức, xem thấy bèn sắc cho hai chữ Kỳ Đồng, và phê:
Tên này còn ít tuổi, chưa thể thu dụng được, nay giao cho tỉnh Hưng Yên dạy bảo, dành để khi lớn lên, nhà nước sẽ dùng.

Vì có chữ vua cho nên mọi người gọi ông là Kỳ Đồng.

.
Từ đấy tiếng tăm lừng lẫy, ai ai cũng triển vọng nơi ông. Cách mấy năm sau, Pháp chiếm Bắc kỳ đặt cuộc bảo hộ. Ông vốn có chí khí, lại được mọi người tin phục, bèn mộ những thanh niên suýt soát tuổi với mình, lập đạo quân kéo lên khôi phục tỉnh thành. Người Pháp thấy một đoàn thiếu sinh, cho là trò trẻ con không quan tâm, cứ để vào tỉnh rồi cho lính ra bắt. Tra hỏi thì mọi người đều khai ra Kỳ Đồng. Pháp tha mọi người về, còn giữ ông lại, cho đi du học ở thủ đô An giê của Algérie lúc đó thuộc Pháp, Tại An giê, Kỳ Đồng tốt nghiệp tú tài khoa học và văn chương. có lẽ ông là người đầu tiên đỗ tú tài Pháp.

.

Kỳ Đồng học tại trường trung học Louis Legrand trong 9 năm, từ tháng 10 năm 1887 đến tháng 9 năm 1896. Trong thời gian này, ông quen và thân thiết với Quận công Ưng Lịch (Hàm Nghi) lúc đó cũng đang bị lưu đày tại đó và từng đến thăm viếng cựu hoàng.

.

Đỗ tú tài Pháp muốn cho ông về nước làm quan. Ông từ chối:
- Tôi về làm quan không có ích gì cho dân cả, nay xin về mở mang việc làm ruộng có lẽ hơn. Xin chính phủ cho một khu ruộng ở Bắc kỳ để khẩn hoang.
Người Pháp chiều ý, tư về phủ thống sứ Bắc kỳ, để ông được tuỳ ý chọn khu đất nào muốn khai khẩn.

.

Năm Đinh Dậu (1897), đời Thành Thái, ông lên Yên Thế mở đồn điền. Nhiều người theo ông, thành một phong trào di cư lập ấp. Lại tiện chỗ đồn điền gần với đất Phồn Xương, rất dễ cho ông liên lạc với Đề Thám. Pháp thấy thế có ý lo ngại, bèn bắt ông đi đầy ở quần đảo Marquesas. Ông mất ở đảo Tahiti (Papeete).

 

Ông lập gia đình với người bản xứ, có hai người con là Paul Văn Cẩm và Thérèse Văn Cẩm.

Ông mất năm 1929 tại Tahiti. Khi ông mất, để lại cái nón lông cốc chóp bạc ( nước ta cái nón chóp bằng lông chỉ có những bậc quí phái đương thời mới dùng )

 

----------


*Quan tỉnh ra hai câu đối, ông đối lại quá hay, các quan thấy ông còn ít tuổi mà đã có kỳ tài, bèn làm sớ trong đó biên cả hai câu đối dâng về kinh.

.
Đứng giữa làng Trung Lập.
Ông đối ngay:
.
Dấy trước phủ Tiên Hưng.
Câu ra, chữ trung lập, nghĩa là đứng giữa.
Ông đối chữ tiên hưng, nghĩa là dấy trước.
.
Các quan tấm tắc khen hay, ra câu nữa:
Khổng môn truyền đạo chư hiền, Tăng tử, Tử tư, Mạnh tử
Ông đối:
.

Chu thất khai cơ liệt thánh, Thái vương, Vương quý, Văn vương.

.
- Các đấng hiền truyền đạo lý đức Khổng, có Tăng tử, Tử tư, Mạnh tử.
- Mọi ông thánh mở cơ nghiệp nhà Chu, có Thái vương, Vương quý, Văn vương.
.
Ông đối được hay, là có ba chữ Vương, Vương quý chữ Vương ở trên. Còn Thái vương, Văn vương, chữ Vương ở dưới. Hội đồng đều lấy làm khen ngợi.


Nữ sĩ Diệu Điền & Nữ sĩ Cao NGọc Anh

NỮ SĨ DIỆU ĐIỀN

Diệu Điển là pháp hiệu của một người con gái cùng cha khác mẹ của Nguyễn công Trứ, một trang quốc sắc mà giữa lúc tuổi xuân lại đến nương náu cửa Không: nhạt màu son phấn say màu đạo, mở cánh từ bi khép cánh tình*.
Bà vốn có văn tài, nên tao nhân mặc khách thường hay gửi thi văn trêu cợt. Muốn chấm dứt tình trạng này, bà làm một bài thơ toàn vần khó, để sách họa. Quả nhiên không ai hoạ được trôi chảy. Sau đó, bà lại làm một bài thơ nữa để chế diễu văn tài của các vị “tao ông” lúc ấy.
.
Bấy lâu hì hục một vần thơ.
Ván đã trơn lì, chiếu đã xơ….
Lắc vế, ngâm nga câu chẳng vẹn.
Rờ cằm, nhổ sạch bút còn trơ.
Mực bôi thảo bản đen trăm vạch.
Phấn rắc hoa tiên trắng một tờ.
Nhắn nhủ tao ông ai đó tá.
Đây là cửa Sấm, biết hay chưa?

* Bà Nguyễn Thị Muội (chị gái cùng cha khác mẹ của Nguyễn Công Trứ), hiệu Diệu Điển thiền sư, là “người có nhan sắc lại thông tuệ, từng thiệp liệp kinh sử, giỏi văn thơ, được mọi người ví như Thái Cơ, Tạ Uẩn”. Năm 16 tuổi, bà lấy chồng là Trang tiết Hiệu úy Nguyễn Đống, con trai cả của quan Tham chính, cháu ông Tham đốc họ Nguyễn ở xã Tiên Điền, sau ba năm bà sinh con gái nhưng rồi chồng mất, con gái cũng chết, bà đã toan chết theo chồng con nhưng được mọi người ngăn cản lại. Lúc bà 20 tuổi, quân Tây Sơn bình định miền bắc, thân thích nhà chồng chạy loạn hết (dinh cơ họ Nguyễn - Tiên Điền bị đốt phá, thiêu rụi), bà làm nhà cạnh nhà cũ của chồng, suốt ngày đóng cửa cài then. Có viên Trấn thủ Nghệ An là Trần Thận biết được phẩm hạnh của bà, cho người đến mai mối. Gia phả ghi câu trả lời của bà:

Thân góa bụa chưa chết này thường nghe: người phụ nữ thờ chồng cho đến chết, nay chồng vừa mất, đã không chết được theo chồng lại “ôm đàn tỳ bà qua thuyền khác” thì còn mặt mũi nào đứng ở trong đời. Nhờ nói giùm tôi như vậy. Nếu bị ép buộc, tôi chỉ còn đường trẫm mình xuống dòng nước xanh mà kết liễu cuộc đời thôi. Viên Trấn thủ biết không lay chuyển được nên ngay đêm ấy đem quân bủa vây nơi ở; nghe có biến, bà sai người hầu mang áo dài trùm kín lẻn ra ngoài. Mấy tháng sau người nhà mới biết bà đã trốn vào chùa Đỗ Phật ở xã Thuần Chân, huyện Thiên Lộc (nay là xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc), cắt tóc đi tu.

NỮ SĨ CAO NGỌC ANH

Bà Cao ngọc Anh là con Cao xuân Dục, sớm gá nghĩa cùng Án sát Nguyễn duy Nhiếp, con Nguyễn trọng Hiệp. Cha đẻ và cha chồng đều là đại thần nức tiếng về văn học và phẩm cách.

Nguyễn duy Nhiếp thất lộc sớm, bà ở goá trong tuổi nửa chừng xuân, mà nhan sắc lại tuyệt vời. Vì vậy, nhiều bậc thi nhân trong giới quan trường không khỏi có ý muốn lân la, lấy thơ làm mối lái.
Bà tuyệt nhiên không trả lời ai cả.

Một hôm, nhân nhà có giỗ, bà cho triệu các vị ấy lại uống rượu. Rồi bà mời lên cầu Hàm Rồng chơi.
Đến nơi, bà nói:
- Đứng trước danh sơn thắng cảnh này, dám xin các vị thi nhân mỗi vị cho một bài làm kỷ niệm.
Một ông đáp:
- Vâng chúng tôi đâu dám chối từ, vậy xin bà cho bài xướng trước, chúng tôi xin hoạ lại sau.
Bà nghe vậy đọc rằng:

Hàm Rồng nô nức tiếng đồn om.
Rải rác nhà tranh ở mấy chòm.
Hỏi đá chờ ai ngồi nhấp nhổm?
Thương cầu vì nước đứng lom khom.
Sóng như chào khách chờn vờn nhảy.
Nguyệt cũng yêu ta lấp ló dòm..
Cửa động rêu phong mờ nét chữ.
 

Ai người mến cảnh chút trông nom…

 ……………………(Vinh cầu Hàm Rồng)
.
Bài thơ vận khó quá, ý tứ lại tế nhị.
Câu “ Hỏi đá chờ ai ngồi nhấp nhổm ? ”“ Sóng như chào khách chờn vờn nhảy ” có ý trỏ vào các vị có thơ văn gửi đến trêu bà. Câu “ Thương cầu vì nước đứng lom khom ” và “ Cửa động rêu phong mờ nét chữ ”, bày tỏ tâm sự mình, cảm thương số phận và quyết giữ tấm băng trinh.

Các vị thi bá tần ngần nghĩ không ra vần, và cũng không dám ghẹo cợt trước thái độ đoan trang ấy, nên đứng chơi hồi lâu rồi xin lỗi chủ nhân kéo nhau về. Từ đó không ai dám múa bút với bà nữa.

Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2021

Hiệu ứng hào quang

Hiệu ứng hào quang

.

Nhìn chung ai cũng nhận ra những người có ngoại hình ưa nhìn thường có lợi thế hơn trong các hoạt động xã hội, nhưng các nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng có thể chính chúng ta đánh giá thấp vai trò và tầm quan trọng của lợi thế đó. Lợi thế này tự động có tác dụng mà chính chúng ta không lường trước được.

.

Các nhà khoa học xã hội đưa loại phản ứng này vào nhóm "hiệu ứng hào quang". Một hiệu ứng hào quang có được khi tính cách tốt đẹp của một người chi phối cách đánh giá và nhìn nhận của mọi người về người đó. Và bằng chứng rõ ràng là ngày nay sự hấp dẫn hình thức gần như đã trở thành một tính cách.

.

Theo một nghiên cứu mới đây về cuộc bầu cử liên bang tại Canada, những ứng cử viên có ngoại hình hấp dẫn thường được ủng hộ nhiều hơn gấp 2,5 lần so với những ứng viên khác. Một nghiên cứu sau đó khẳng định thêm cử tri không nhận ra sự thiên vị, thiếu công bằng mà mình dành cho họ. Trên thực tế, khi tiến hành khảo sát, 73% cử tri Canada đều phủ nhận những lá phiếu của họ không hề bị ảnh hưởng từ yếu tố ngoại hình, chỉ 14% cử tri công nhận điều đó.

.

Chúng ta có thể thấy những ảnh hưởng tương tự trong các tình huống tuyển dụng. Theo một nghiên cứu những ứng viên sáng giá, ăn mặc chỉnh tề khi tham gia các buổi phỏng vấn tuyển dụng thường được ưu tiên trong các quyết định tuyển dụng hơn là trình độ của chính ứng viên, ngay cả khi người phỏng vấn cho rằng hình thức chỉ đóng vai trò thứ yếu trong quyết định của mình?

.

Một nghiên cứu tương tự khác chỉ ra rằng, sự giống nhau về vóc dáng cơ thể người và cấu trúc xương sống cũng ảnh hưởng tới quá trình luận tội. Những người ưa nhìn dường như thường được đối xử ưu ái hơn trong hệ thống luật pháp. Ví dụ: trong nghiên cứu về bang Pennsylvania, các nhà nghiên cứu đã tiến hành xếp loại mức độ hấp dẫn về hình thức của 74 bị can nam trong buổi đầu của phiên tòa xét xử tội phạm. Một thời gian sau, khi xem xét lại biên bản ghi chép kết quả của những trường hợp phạm tội này, các nhà nghiên cứu nhận thấy các phạm nhân đẹp trai phải chịu mức án nhẹ hơn rất nhiều so với các phạm nhân khác. Trên thực tế, tỷ lệ được giảm án của những bị cáo có ngoại hình hấp dẫn thường lớn hơn gấp hai lần so với những bị cáo khác.

.

Các thí nghiệm sau này cũng cho thấy, những người có ngoại hình thu hút thường nhận được nhiều sự giúp đỡ từ người khác khi gặp khó khăn và có khả năng thuyết phục hơn khi họ muốn thay đổi quan điểm của cả đám đông, trong đó yếu tố giới cũng đóng một vai trò rất quan trọng. Một nghiên cứu bổ sung khác cho thấy phụ nữ và nam giới đẹp hơn thường nhận được nhiều sự giúp đỡ hơn bình thường, thậm chí là từ những người đồng giới.

.

Theo một nghiên cứu về trẻ em tiểu học cho thấy, người lớn cho rằng những hành động hung hăng, quậy phá của trẻ không được coi là hư và nghịch ngợm nếu nó là của một đứa trẻ xinh xắn, dễ thương, và giáo viên cũng cho rằng, những đứa trẻ đáng yêu sẽ thông minh hơn những đứa bạn cùng lớp.

.

Sự hấp dẫn hình thức thật sự có tác dụng lớn trong cuộc sống và những người làm chủ sức mạnh của nó là những người có thể tận dụng tối đa lợi thế của mình. Bởi chúng ta thường thích những người đẹp và làm theo những gì họ muốn. Do đó, các khóa đào tạo kỹ năng bán hàng thường đưa ra những gợi ý rất bổ ích dành cho các học viên và các cửa hàng thời trang thường chọn những nhân viên có ngoại hình ưa nhìn.

Mô hình học tập hướng trọng tâm vào việc hợp tác.

 

Mô hình học tập hướng trọng tâm vào việc hợp tác.

.

Một báo cáo chi tiết của nhà tâm lý học Ellitot Aronson. Bản báo cáo này nhằm cảnh báo các nhà quản lý trường học về các vấn đề nghiêm trọng đã nảy sinh tại các trường Austin và Texas. Ông phân tích và nêu cảm nhận của mình về một hệ thống giáo dục phát triển với lớp học đạt chuẩn có thể đã được áp dụng trong hầu hết các trường công của nước Mỹ.

.

Nhìn chung, hệ thống này hoạt động như sau: Giáo viên đứng trước lớp và đặt câu hỏi. Sáu đến mười học sinh ngồi tại chỗ, hăm hở giơ tay và sau đó trả lời để thể hiện sự thông minh của mình. Còn những học sinh khác thì ngồi im lặng, mặt lơ đãng.

.

Nhưng khi giáo viên gọi một học sinh trong số này, chúng ta có thể thấy sự thất vọng và mất hứng thể hiện rõ trên khuôn mặt của những học sinh đang rất hăm hở kia, vì chúng đã mất cơ hội nhận được lời khen từ cô giáo, và chúng ta cũng sẽ nhận thấy vẻ mặt nhẹ nhõm của những học sinh không biết câu trả lời... Hoạt động này có tính cạnh tranh cao vì những đứa trẻ thường ganh đua nhau để giành được tình cảm và sự ủng hộ của một hay hai người quan trọng nhất trong thế giới của chúng.

.

Hơn thế nữa, quá trình dạy dỗ này đảm bảo trẻ em sẽ không học cách quý mến và thấu hiểu lẫn nhau. Hãy nhìn lại những trải nghiệm của chính mình, bạn sẽ thấy, hồi còn đi học, khi bạn biết câu trả lời đúng song thầy giáo lại gọi một bạn khác, chắc chắn bạn sẽ mong bạn ấy trả lời sai để bạn có cơ hội thể hiện trước thầy giáo. Nhưng nếu bạn được gọi và làm sai bài tập hoặc nếu bạn không giơ tay phát biểu để ganh đua với các bạn khác, thì chắc chắn lúc đó bạn đang rất đố kỵ và bực tức với các bạn cùng lớp vì họ biết câu trả lời.

.

Những đứa trẻ gặp thất bại trong hệ thống nhà trường này thường trở nên ích kỷ và hay ghen tỵ với các bạn khác giỏi hơn, và tự cho rằng bạn mình là học trò cưng của thầy cô giáo, thậm chí còn đánh nhau với bạn ngay tại khuôn viên trường học. Về phía những học sinh xuất sắc chúng coi thường các bạn học kém hơn, gọi các bạn là "bọn đần độn" hoặc "ngu ngốc".

Quá trình ganh đua nhau này không khuyến khích các học sinh biết yêu thương và hòa đồng với các bạn trong lớp.

.

Các nhà giáo dục đã tiến hành kiểm nghiệm các mô hình học tập hướng trọng tâm vào việc hợp tác chứ không phải sự cạnh tranh giữa các học sinh trong lớp. Hiệu quả của phương pháp học nhóm là một giải pháp cho sự hỗn loạn này và có thể đưa đến những tác động lớn của việc hợp tác dựa trên thiện cảm.