Tư duy cảm tính của những thủ lĩnh chính trị
Nhà kinh tế đạt giải Nobel Daniel Kahneman và Amos Tversky - là những người đầu tiên phát hiện và ghi chép về hiện tượng tâm lý lo sợ thiệt hại - đã nêu ra nhận định xác đáng về hiện tượng tâm lý này của chúng ta trong những tình huống tương tự nhau. Đây là những điều ông viết về trường hợp của những người theo đuổi sự nghiệp chính trị: “Dừng lại lúc này nghĩa là chấp nhận một tổn thất chắc chắn, và chọn lựa này không mấy dễ dàng”. Bên cạnh đó, “tâm lý bị cuốn hút vào sự việc sẽ thôi thúc bạn, ngay cả khi cơ hội thành công là rất thấp và chi phí để có thể thoái lui là rất cao”.
Lyndon Baines Johnson (LBJ – Tổng thống thứ 36 của Mỹ) Đảng Dân chủ. Năm 1964, Johnson đang ở đỉnh cao quyền lực chính trị của mình. Đó cũng là thời gian, nước Mỹ bắt đầu lấy lại cân bằng sau bi kịch John Kennedy, tổng thống thứ 35 bị ám sát. Quốc hội đang nghiêng về đảng Dân chủ, chỉ số lòng tin của người dân dành cho Johnson cao ngất.
Đối với Tổng thống Johnson, miền Bắc Việt Nam có vẻ là một đối thủ yếu thế hơn. Quân đội ở đây không được trang bị nhiều vũ khí tối tân, không có những kỹ thuật hiện đại như quân đội Mỹ. Johnson đưa ra là việc phát động chiến dịch ném bom vào năm 1965. Mỹ là nước có tiềm lực quân sự mạnh mẽ, có kho vũ khí khổng lồ, viễn cảnh về cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam – một đối thủ yếu thế hơn rất nhiều – có vẻ rất dễ hình dung.
Nhưng chỉ vài năm sau, Johnson thật sự sa lầy, với hơn 500 nghìn lính bộ binh được đưa đến Việt Nam vào năm 1968 và hơn mười nghìn người tử nạn, Ông lo lắng: “Sẽ có ánh sáng ở cuối mỗi đường hầm, nhưng chúng ta không có một đường hầm nào; thậm chí chúng ta cũng không biết ở đâu có đường hầm”. Tương tự như những huấn luyện viên đối thủ của Spurrier, tổng thống đang dần sa vào bế tắc nhưng không thể dừng lại hay chuyển hướng được nữa.
Cuối cùng, Johnson không chỉ thất bại trong chiến tranh Việt Nam mà cuộc chiến còn khiến ông không còn đủ sức thực hiện chương trình “Đại xã hội” như mong muốn. Chỉ số tín nhiệm của mọi người dành cho ông giảm sút; ông quyết định không tiếp tục tranh cử nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, vậy là Johnson đã chấm dứt cả sự nghiệp chính trị của mình.
Nhiều năm sau đó, Johnson kể lại: “Tôi biết ngay từ đầu mình sẽ gánh chịu thiệt hại dù tôi có chọn hướng nào đi chăng nữa. Nếu tôi từ bỏ giấc mơ cả đời mình – chương trình ‘Đại xã hội’ – để lao vào cuộc chiến tranh phi nghĩa ở tận bên kia thế giới, khi đó tôi sẽ mất tất cả những thứ tôi có ở quê hương: nỗ lực để thực hiện các chiến dịch… chương trình thúc đẩy giáo dục, các chương trình y tế…”.
Nhưng Johnson cũng nhận ra rằng: “Nhưng nếu tôi từ bỏ cuộc chiến ở Việt Nam thì cũng có nghĩa là tôi thất bại”.
Trớ trêu thay, đó đúng là những gì đã xảy ra giúp chúng ta hiểu được Johnson đã sa lầy trong việc ra quyết định như thế nào. Một mặt, Johnson đã nhận thấy trước viễn cảnh tiêu cực của cuộc chiến. Một cuộc trò chuyện qua điện thoại giữa tổng thống và một nhà tư vấn quân sự vào tháng 5 năm 1964 đã cho biết điều đó. Johnson thổ lộ: “Đêm qua tôi không ngủ được và cứ mãi suy nghĩ về chuyện này. Càng nghĩ, tôi càng không biết chuyện gì đang và sắp xảy ra, có vẻ như chúng ta đang lao vào cuộc chiến với một Triều Tiên khác nữa chăng. Tôi thật sự lo lắng. Tôi không biết chúng ta có thể trông mong gì ở nơi đó – nơi chúng ta đã từng một lần thất bại… Tôi nghĩ chúng ta không nên theo đuổi cuộc chiến này và nếu theo đuổi, tôi cũng không tự tin chúng ta sẽ chiến thắng. Đó là tất cả viễn cảnh mà tôi có thể hình dung ra”.
Nhưng mặt khác, chỉ một lát sau đó, Johnson lại lo lắng đến chuyện: “Nếu ta trốn chạy, ta có thể sẽ bị rượt đuổi đến cùng”.
Sức thôi thúc và nỗi sợ phải thỏa hiệp với những thiệt hại đã khiến Johnson không cho phép mình dừng lại. Thật ra, nếu bạn để ý kỹ những bài diễn văn của Johnson, bạn sẽ nhận thấy cách tiếp cận vấn đề của ông. Thông điệp của Johnson và thậm chí là một số từ ngữ nhất định mà ông dùng để nói về Việt Nam rất giống với những nhận định của Tổng thống George W. Bush dành cho Iraq.
Johnson tuyên bố: “Không có câu trả lời dễ dàng, không có giải pháp ngay lập tức”. Trong khi đó, Bush lên tiếng như sau: “Không có một công thức thần kỳ nào cho sự thành công trong cuộc chiến tại Iraq”.
Tổng thống George W. Bush trên tàu sân bay Abraham Lincoln ngoài khơi bang California (Mỹ) (ảnh: AP)
Hai vị tổng thống của nước Mỹ đều sa lầy vào cùng một vấn đề và đều kiên quyết không thoái lui.
Johnson khẳng định: “Chúng ta sẽ không thất bại. Chúng ta sẽ không gục ngã. Chúng ta sẽ không đầu hàng dù là công khai hay thông qua một bản hiệp ước”. Tổng thống Bush lại quả quyết: “Chúng ta sẽ không khuất phục. Chúng ta sẽ kiên trì giải quyết nhanh gọn đối thủ và lập lại hòa bình trên mảnh đất này”.
Và khi đó tâm lý lạc quan bắt đầu xuất hiện. Khi cuộc chiến tại Việt Nam dần trở nên mất kiểm soát, Johnson tuyên bố: “Tôi nghĩ chúng ta đã có nhiều bước tiến triển trong việc cố gắng xây dựng một chính phủ vững vàng trong ba năm qua”. Tương tự, khi cuộc chiến tại Iraq không dẫn đến một chiến thắng dễ dàng như dự tính, Bush đã lớn tiếng tuyên bố: “Iraq đã có đồng tiền mới, có binh đoàn đầu tiên của lực lượng quân đội mới, có chính quyền ở địa phương, và một Quốc hội đương nhiệm đang cố gắng thiết lập chủ quyền quốc gia. Đây là những thành tựu đáng kể”!!!
Tâm lý lo sợ thiệt hại vốn dĩ có sức tác động rất mạnh mẽ đến con người. Và khi nó cộng hưởng với áp lực trách nhiệm của chính bản thân rằng phải tiếp tục theo đuổi những điều mình đã làm, hai tác động này trở thành một thứ sức mạnh lớn hơn nữa tác động trở lại tư duy và việc ra quyết định lầm lạc của họ.