Thứ Ba, 12 tháng 1, 2021

Nguyễn Cơ Thạch trò chuyện với tỉ phú Mỹ

 

Những cuộc trò chuyện của Nguyễn Cơ Thạch với tỉ phú Mỹ và nhà kinh tế đoạt giải Nobel

Trong quá trình đi tìm hiểu về nhiệm kỳ Bộ trưởng của Nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, tôi*   cũng có may mắn trò chuyện với Học giả Vũ Quang Việt - một nhà kinh tế người Mỹ gốc Việt. Ông từng là Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia thuộc Cục Thống kê LHQ, cũng là người có nhiều công trình nghiên cứu và đóng góp cho tư duy kinh tế của Việt Nam. Dưới thời Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, Vũ Quang Việt được mời làm cố vấn về kinh tế cho cả chính phủ Việt Nam lẫn cá nhân ông Thạch.

Nhà kinh tế Vũ Quang Việt chia sẻ, điều mà ông ấn tượng nhất ở Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch chính là tinh thần ham tìm hiểu: "Ông Thạch là lãnh đạo duy nhất mà mỗi lần đi họp Đại Hội đồng LHQ thì đều muốn gặp các chuyên gia và giáo sư người Mỹ để hiểu về các vấn đề từ năng lượng đến sản xuất thép cao cấp lò nhỏ, và nhất là các vấn đề phát triển kinh tế Mỹ và thế giới.

Nhiều người Mỹ, kể cả tôi đứng ra giúp ông tổ chức các cuộc gặp như thế. Tôi còn đưa cả GS đạt giải Nobel kinh tế Leontief đến gặp và nói chuyện với ông. Leontief là người được giải Nobel về kinh tế với công trình nhìn toàn bộ hoạt động sản xuất trong nền kinh tế như một bài toán đa ngành hỗ tương. Ông là người Nga và từng làm ở Uỷ ban Kế hoạch ở Liên Xô trước khi bỏ nước Nga đi sang Mỹ.

Leontief tin tưởng rằng chỉ có thị trường mới giải quyết được các vấn đề. Và câu chuyện về thị trường là câu chuyện được trao đổi nhiều nhất giữa ba chúng tôi. Tôi kể ra điều này thì nhiều người sẽ nghĩ ông Thạch bị chúng tôi ảnh hưởng. Nhưng thực ra chính vì ông Thạch là người đọc nhiều (cả sách Tiếng Anh, tiếng Pháp) và luôn sẵn sàng trao đổi với các chuyên gia nên giữa chúng tôi có sự đồng cảm.  Có nhiều vấn đề mà tôi không nắm kỹ, nhưng để trả lời những câu hỏi của ông Thạch, tôi buộc phải tìm hiểu.

Tỷ phú Mỹ Ross Perot (người từng tranh cử TT Mỹ năm 1992 và 1996) cũng là một trong số những người Mỹ dành cho ông Nguyễn Cơ Thạch rất nhiều tình cảm. Mỗi lần ông Nguyễn Cơ Thạch sang New York, ông đều trở thành thượng khách của Ross Perot. Họ thích ngồi cùng nhau, đàm đạo về những vấn đề kinh tế và chính trị. Và lần nào về, quà tặng của vị tỷ phú dành cho ông cũng là cơ man những sách kinh tế quý giá để ông mang về nước nghiên cứu.

Một trong những mối quan tâm đặc biệt của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch ngoài ngoại giao chính là nền kinh tế Việt Nam. Ông luôn được biết đến như một chính trị gia Việt Nam ủng hộ tư duy kinh tế thị trường, nên sau khi Việt Nam tiến hành đổi mới năm 1986, mỗi lần nói đến sự thay đổi của kinh tế Việt Nam với bạn bè quốc tế, khuôn mặt ông đều rất rạng rỡ.

Là người dí dỏm và hài hước, nên năm 1988, trong một lần làm việc ở Hội đồng Thương mại Việt – Mỹ, ông bỗng nói:

    -Tuy hết chiến tranh rồi, nhưng chúng tôi muốn nhập ít thuốc nổ.

Khi những người Mỹ có mặt ở đó chưa kịp hết ngạc nhiên trước câu nói của ông (vì ai cũng biết Mỹ vẫn chưa cho phép bán vũ khí cho Việt Nam thời điểm đó), thì Nguyễn Cơ Thạch tiếp lời:

    -Chúng tôi muốn đặt thuốc nổ phá hết nhà máy in tiền của Việt Nam.

Thế là tất cả đều ồ lên cười. Đó là thời điểm Việt Nam đang lạm phát rất cao. Và khi tìm hiểu kinh tế, Nguyễn Cơ Thạch biết rằng một trong các biện pháp kiểm soát lạm phát của người Mỹ là không được in tiền.

Trong bài phát biểu trước Hội đồng Thương mại Việt – Mỹ năm 1989, khi nói về sự thay đổi của Việt Nam mà thành tựu lớn nhất là giảm lạm phát từ gần 1000% xuống còn 40%, ông đã nói: "Nay chúng tôi có thể tự do trao đổi buôn bán.  Trước đó có lẽ chúng tôi chỉ sử dụng hình thức hàng đổi hàng như thời Trung Cổ".

Năm 1996, khi đã về hưu, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã viết cuốn sách "Thế giới trong 50 năm qua và Thế giới trong 25 năm tới".  Đó là kết quả của việc không ngừng nghiên cứu, học hỏi và những cuộc trò chuyện với các nhà kinh tế Mỹ. Cuốn sách đó, ông Nguyễn Cơ Thạch nhận định: "Động lực chính để phát triển văn minh nhân loại là các cuộc cách mạng về khoa học và công nghệ". Nhưng theo nhà kinh tế Vũ Quang Việt, thì ông hiểu rằng thông điệp của cuốn sách còn sâu xa hơn thế!

* Đại sứ Phạm Ngạc (Nguyên Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức Quốc tế và Đại sứ 5 nước Bắc Âu)

Theo Trí thức trẻ

Nguyễn Cơ Thạch toả sáng trên đất Mỹ

 

NGUYỄN CƠ THẠCH TOẢ SÁNG TRÊN ĐẤT MỸ

Nguyễn Cơ Thạch từ “kẻ ngoại đạo về ngoại giao đến con cáo hai đầu” khôn ngoan, bản lĩnh trong mắt báo chí Mỹ

Một điều thú vị là ông Nguyễn Cơ Thạch vốn không được đào tạo để trở thành nhà ngoại giao. Năm 1956, khi lần đầu tiên được cử đi làm Tổng lãnh sự ở Ấn Độ, Nguyễn Cơ Thạch vẫn là "kẻ ngoại đạo". Trước đó, Nguyễn Cơ Thạch là trợ lý cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp rồi làm Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao. Chuyến đi Ấn Độ là chuyến đi đầu tiên ông buộc phải trở thành một nhà ngoại giao thực sự. Trước chuyến đi sứ, ông đến gặp Bác Hồ và hỏi:

    - Thưa Bác, tôi không có kiến thức về ngoại giao. Đến việc cầm dao dĩa tôi còn không biết. Tôi phải làm gì?

Khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ chia sẻ với Nguyễn Cơ Thạch một câu đơn giản:

    - Chú thấy người ta làm gì thì mình học theo.

Và bài học ngoại giao đầu tiên của Nguyễn Cơ Thạch là ở Ấn Độ - trong một bữa tiệc chiêu đãi của ĐSQ Pháp, khi ông buộc phải từ chối món ăn đầu tiên trong bữa tiệc, quan sát người khác để học cách cầm dao dĩa cho đúng kiểu. Sau này Nguyễn Cơ Thạch vẫn hay bông đùa với báo giới: "Tiếng Anh của tôi đầy mùi của món cà ri Ấn Độ".

Nhưng nhà ngoại giao với xuất phát điểm "không biết cả việc dùng dao dĩa" đã rất nỗ lực để thay đổi chính mình.

Khi đi sứ Ấn Độ vào năm 1956, Nguyễn Cơ Thạch chưa thể nói một từ Tiếng Anh nào. Mọi giao tiếp của ông đều phải thông qua phiên dịch. Nhưng vài năm sau, ông đã nói thông viết thạo Tiếng Anh và Tiếng Pháp… Và cho đến năm 1973, Nguyễn Cơ Thạch đã nổi tiếng trong giới ngoại giao quốc tế, khi ông thể hiện bản lĩnh tuyệt vời trong vai trò người thương thuyết của ông Lê Đức Thọ suốt các vòng đàm phán ở Hiệp định Paris. Ngoại trưởng Mỹ Kissinger đã từng nói rằng, ở Paris, Nguyễn Cơ Thạch chính là người khiến ông e ngại nhất của phái đoàn Việt Nam, vì kĩ năng đàm phán xuất sắc.

Nhưng bất kể lập trường quốc gia có thế nào đối với Việt Nam, ở phương diện cá nhân, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch vẫn dành được nhiều thiện cảm của các nhà ngoại giao quốc tế.

Dù thời đó, quan hệ Thái Lan - Việt Nam rất căng thẳng, nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan yêu quý Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đến mức đã đề nghị ông kết nghĩa anh em.

Có lần, giữa giờ giải lao của các phiên họp, nữ đại sứ Seychelles – người được mệnh danh là hoa khôi của LHQ đã đưa ra lời nhận xét như sau về Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch: " Ông Thạch đang thể hiện mình là nhà ngoại giao xuất sắc nhất LHQ thời điểm này".

Ở New York, Nguyễn Cơ Thạch đã tranh thủ tất cả các cơ hội, kể cả chính thức và không chính thức để thay đổi nhận thức sai lầm của quốc tế về Việt Nam.

Trong một bài viết đăng trên tờ Washington Post ngày 8/11/1980, nữ nhà báo Elizabeth Becker đã miêu tả về những ngày ông Nguyễn Cơ Thạch ở New York như sau:

"Nguyễn Cơ Thạch sử dụng chuyến đi của mình đến New York như cách mà một tác giả đang bán cuốn sách ăn khách mới xuất bản của mình. Ngoài những cuộc trao đổi chính thức với các quan chức nước ngoài, ông thường đi ra khỏi bức tường xám của Trụ sở LHQ và thực hiện rất nhiều cuộc tiếp xúc không chính thống theo một cách rất "Mỹ". Ông trả lời phỏng vấn trên chương trình ‘Today’ vào buổi sáng. Ông ăn tối với các thành viên Hội đồng Quan hệ Đối ngoại - một nhóm những người được chọn lựa từ giới tinh hoa Bờ Đông (nước Mỹ). Đôi khi vào buổi tối, người ta thấy ông ngồi nói chuyện vui vẻ với một TNS Mỹ tại sảnh khách sạn Plaza. Ngày khác, ông lại xuất hiện ở lễ tiếp đón của nhóm Tín hữu Quakers.

Nguyễn Cơ Thạch toả sáng ở tất cả mọi nơi mà ông xuất hiện. Nên không có gì khó hiểu khi nhiều người Mỹ tò mò muốn gặp và bắt tay với một "kẻ thù cũ" đầy sức hấp dẫn như ông".

Nữ ký giả của tờ Washington Post là người dành nhiều thiện cảm cho Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Bà thường quan sát rất kỹ ông ở LHQ. Trong con mắt của bà, Nguyễn Cơ Thạch là người "Thông minh và khí phách như Chu Ân Lai, mộc mạc như Mahatma Gandhi. Bậc thầy về những cử chỉ bao quát lẫn sự khôn ngoan, tinh tế trong từng tiểu tiết."

"Tôi chưa từng được gặp huyền thoại Nguyễn Cơ Thạch, nhưng tôi mong tôi có cơ hội đó" - một quan chức ngoại giao cấp cao - người có trách nhiệm lớn trong việc quyết định những chính sách ảnh hưởng tới bán đảo Đông Dương của Bộ Ngoại giao Mỹ đã phải thốt lên với tờ Washington Post: "Ông ấy có tất cả những phẩm chất khiến các nhà ngoại giao cùng thời ngưỡng mộ: Thông minh, tế nhị, dí dỏm và vô cùng khéo léo".

Năm 1989, thành phố New York rơi vào tình trạng rất thiếu nhà cho thuê, do Luật Kiểm soát giá nhà cho thuê. Nhiều người dân New York có hơn một cái nhà đã phải lựa chọn bỏ nhà vì không đủ tiền đóng thuế. Ông Nguyễn Cơ Thạch đã bình luận về tình trạng phi thị trường này, điều mà ông cho là New York đang mắc phải và Việt Nam cũng mắc phải (trước đổi mới). Tờ New York Times đã đăng tải ý kiến này của ông.

Sau này, Luật Kiểm soát giá nhà ở New York đã bị huỷ, các khu vực có nhà bị bỏ hoang đã được xây dựng lại.  Chỉ cách đây vài tháng, vào tháng 2/2019, tờ Daily Signal khi nói về câu chuyện chính sách nhà đất ở Mỹ đã nhắc lại sự kiện này và trích đăng lời phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch 30 năm trước.

Không chỉ gây thiện cảm bằng những phát ngôn ấn tượng, Nguyễn Cơ Thạch còn chinh phục báo chí quốc tế bằng chính những hành động thực tế của ông.

Mùa thu năm 1979, một đoàn TNS và báo chí Mỹ đến Bangkok và muốn sang Phnompenh để thực hiện chuyến cứu trợ đầu tiên cho người dân Campuchia. Nhưng thời điểm đó, Bangkok và Phnompenh chưa có quan hệ ngoại giao chính thức. Hoa Kỳ lạị càng không. Dù mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ khi ấy không mấy tốt đẹp (nếu không muốn nói là vô cùng xấu), thì cuối cùng các TNS và báo chí Mỹ vẫn nhận định rằng: Cách duy nhất họ có thể đến Campuchia là nhờ ông Nguyễn Cơ Thạch giúp đỡ.

Chỉ vài giờ sau đó, chuyến thăm Campuchia được phê duyệt. Hai ngày sau, chuyến bay viện trợ lương thực đầu tiên vào Phnompenh. Nguyễn Cơ Thạch đã dùng uy tín của mình để giúp các đoàn viện trợ quốc tế vào Campuchia như thế!

Với những ấn tượng đặc biệt mà Nguyễn Cơ Thạch đã để lại, không có gì khó hiểu khi ông qua đời ở tuổi 75 vào ngày 10/04/1998, cả New York Times và Washington Post – những tờ báo hàng đầu của Mỹ đều đưa tin. Washington Post đã dành cho ông những lời ca ngợi: "Nguyễn Cơ Thạch là vị Bộ trưởng Ngoại giao xuất sắc nhất mà Hà Nội có thể có được trong giai đoạn phải đối mặt với sự cô lập của cộng đồng quốc tế". 

Theo Tô Lan Hương

Trí thức trẻ

 

Thứ Hai, 11 tháng 1, 2021

Cuộc sống bền vững khi có được chữ Tín

 

Cuộc sống bền vững khi có được chữ Tín

Trong đời sống xã hội ngày nay, dễ nhận thấy, có những người không xem trọng chữ tín vẫn sống một cách thoải mái. Chẳng nhẽ, đạo thành tín không còn phù hợp với cuộc sống chúng ta ngày nay? Con người ngày nay có còn cần đến đạo thành tín nữa không?

Khổng tử từng nói: “Người không có chữ tín, chẳng biết sẽ làm được việc gì. Giống như cỗ xe không có chốt hãm thì làm sao chạy an toàn được?”. Chữ tín là điều cơ bản nhất để con người bước vào đời. Ngay từ khi còn bé, ông bà, bố mẹ và ngay cả những bậc làm cha mẹ như chúng ta đã dạy cho con cái chữ tín và lòng trung thực.

Nghĩa là, chỉ khi nào dựa vào lòng thành tín bạn mới điều khiển được cỗ xe của cuộc đời mình. Chỉ có lòng thành tín mới có thể giúp bạn vượt qua khó khăn, phong ba bão táp trên đời. Con người ta cần phải dựa vào sự chính trực để sống. Nếu ai đó chỉ dựa vào cơ hội, bất chấp thủ đoạn và không giữ chữ tín thì dù họ có sống cũng chỉ là may mắn thoát khỏi tai họa mà thôi.

Trong xã hội ngày nay, việc giữ chữ tín tạo nên tấm thẻ thông hành vô hình cần thiết cho mỗi con người. Chữ tín không được ghi trong sơ yếu lý lịch của bạn, nhưng nó thể hiện sự đánh giá của mọi người đối với bạn. Làm việc ra sao, phẩm hạnh thế nào, tất cả đều ở chữ TÍN.

* Người có đạo đức sẽ không bao giờ bị cô độc. Cho dù là chịu thiệt trong xã hội kim tiền ngày nay. Nhưng hãy bắt đầu từ sự chân thành trong trái tim mỗi người để cố gắng xây dựng và kiên trì với đạo đức thành tín. Nếu mỗi người đều làm được như vậy, sẽ tạo nên một xã hội luôn lấy đạo đức và chữ TÍN làm đầu.

KHI XÃ HỘI KHÔNG CÒN CHỮ TÍN

 

Khổng Tử nói "nếu không được người dân tín nhiệm thì không thể đứng vững"; và "Người không có chữ Tín thì không tạo lập được chỗ đứng trong xã hội". Còn người hiện nay thì sự bất tín quá nhiều rồi: bán hàng nói thách, thịt lợn bơm nước, rau quả phun thuốc kích thích, quần áo dùng chất liệu kém…

Có phóng viên đến vùng trồng dưa hấu thấy trong ruộng dưa có những quả dưa được buộc một sợi chỉ đỏ. Người trồng dưa cho biết đó là những quả dưa để người nhà ăn. Những trái khác được phun chất kích thích, cuống dưa lại chấm thêm một chất kích thích nữa, do đó dưa lớn rất nhanh.

Người nhà họ không ăn quả dưa to, chỉ ăn những quả buộc chỉ đỏ. Quả dưa hấu bình thường, sau khi hái có thể để được 10 ngày, còn trái dưa kích thích chỉ để được 3 ngày, dưa lại nhạt nhẽo.

Tại sao lại có những sự việc như vậy? Chính là vì tiền. Các vật nuôi, cây trồng, rau trái cây, các sản phẩm thực phẩm đều dùng chất kích thích tăng trưởng và chất bảo quản, đều là những hóa chất có hại cho sức khỏe, thậm chí cả sinh mạng con người. Đó đều là những 'hàng giả'. Lại có những quan chức trong các bộ máy công quyền, cảnh sát, tòa án, tư pháp, giáo dục cũng bị phát hiện sử dụng bằng giả. Đó là chưa kể đến những công chức đang sử dụng 'bằng thật học giả', tức là có học 'tại chức', 'hàm thụ', 'từ xa', nhưng thi cử, luận văn là đều dùng tiền mua, hoặc nhờ người làm giúp. Học xong, tốt nghiệp, có bằng thật nhưng quá trình học hành, thì cử là giả, là gian lận.

Con người này nay cũng vậy, có những điều nói ra cũng là lời giả. Thậm chí nếu có người nói thật thì lại bị người ta nghi ngờ là giả dối. Vậy nên, để giải quyết được những vấn nạn xã hội lan tràn hàng hóa độc hại, hàng giả, kém chất lượng như hiện nay thì toàn xã hội phải được xây dựng trên nền tảng chữ tín.

Đại Tín không cần cam kết

Có hiện tượng lạ là người tàn tật thường không muốn làm giấy chứng nhận tàn tật. Ví dụ họ bị mắt kém, nếu họ làm giấy chứng nhận thì sẽ khó tìm được việc làm tốt, người ta không muốn nhận người tàn tật. Do đó có những người tàn tật lại không muốn làm giấy chứng nhận tàn tật.

Nhưng lại có những người không tàn tật lại muốn có được giấy chứng nhận tàn tật. Ví dụ họ mở công ty, cần làm giấy chứng nhận tàn tật để được những ưu đãi. Sự tình rất buồn cười, khi không còn chữ tín nữa thì thực sự đáng sợ.

Thời xưa không có ai nói mượn tiền phải viết giấy mượn. Còn ngày nay, giữa những người bạn với nhau khi mượn tiền cũng phải viết giấy mượn. Ngày nay người ta nói: "Anh em ruột, ghi rõ ràng", nếu không người ta không hoàn trả thì làm sao? Thế nên mảnh giấy chính là sự đảm bảo, là cam kết.

Khi chữ tín không còn thì phải thêm tờ giấy vay mượn, tăng thêm bản hợp đồng. Hiện nay vì không thực hiện như cam kết trong hợp đồng, hai bên dẫn nhau ra tòa cũng khá nhiều. Do đó Đại Tín thì không cần cam kết. Người xưa truy cầu Đại Tín chứ không truy cầu cam kết trên bề mặt.

Đại tín bất ước - người có đại tín thì không cần thề thốt, không cần cam kết mà mọi người vẫn tin tưởng. Đại tín là lòng thành tín xuất phát từ nội tâm, nó có sức mạnh cảm phục lòng người.

Theo Đồng Hân - zhengjian.org