Thứ Năm, 19 tháng 11, 2020

Suy ngẫm chữ NHẪN

 

      NHẪN

Có khi nhẫn để yêu thương

Có khi nhẫn để tìm đường tiến thân

Có khi nhẫn để chuyển vần

Thiên thời, địa lợi, nhân tâm hiệp hòa

.

Có khi nhẫn để vị tha

Có khi nhẫn để thêm ta bớt thù

Có khi nhẫn tỉnh giải ngu

Hơn hơn thiệt thiệt, đường tu ai tường

.

Có khi nhẫn để vô thường

Không không sắc sắc đoạn trường trần ai

Có khi nhẫn để tăng tài

Khôn khôn dại dại nào ai tránh vòng

.

Có khi nhẫn để khoan dung

Ta vui người cũng vui cùng có khi

Có khi nhẫn để tăng uy

Có khi nhẫn để kiên trì bền gan

.

Có khi nhẫn để an toàn

Có khi nhẫn để rõ ràng đúng sai

Bạn bè giao thiệp nào ai

Có khi nhẫn để kính người trọng ta

.

Kể ra cũng khó đó mà

Chữ TÂM, chữ NHẪN xem ra cũng gần.

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2020

Tôn sư trọng đạo

 

Tôn sư trọng đạo

.

Ngược dòng lịch sử, tìm về một xã hội Việt Nam xưa khi đạo học cao hơn cả đẳng cấp trong xã hội, dù là vua, quan cũng vẫn phải kính trọng thầy. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí ghi lại câu chuyện cảm động về việc vua Lê Hiến Tông về thăm thầy cũ.

 


Thầy của vua Lê Hiến Tông là Đông các học sĩ Nguyễn Bảo, chịu trách nhiệm giảng dạy cho nhà vua trong giai đoạn còn là Thái tử. Trong thời gian cụ Nguyễn Bảo về Hải Dương, vua Lê Hiến Tông từng đến thăm hỏi.

.

Vua mời cụ ngồi lên sập giữa để mình đứng vấn an thầy. Cụ Nguyễn Bảo giật mình thốt lên: "Tâu bệ hạ, đâu lại có thể như thế được. Đạo thầy là nặng, song phép nước cao hơn, xin hoàng thượng cho lão phu này được đứng hầu. Người ngoài trông vào sao tiện ạ".

.

Nhà vua đáp: "Tôn sư cho phép đệ tử ngồi chung là đã quá lắm rồi".

Nói xong, nhà vua đỡ cụ xuống cùng ngồi đàm đạo. Vua hỏi thăm sức khoẻ và đời sống của thầy cùng gia đình, cùng bình thơ, luận phú.

.

Bữa cơm thầy trò diễn ra vô cùng thân mật, nhà vua đặc biệt thưởng thức món canh cua đồng, bất giác nói: "Thầy cho con ăn một bát canh này thật là niềm hạnh phúc. Hương vị cua đồng quê nhà ít có thức ăn nào sánh tày, quả là ngon".

.

Hình ảnh một vị vua không tùy tùng, không kèn, không trống, đi bộ vào bái kiến “tôn sư” đã trở thành giai thoại được lưu truyền trong hậu thế. Qua đó, giúp người đời sau hình dung được nền giáo dục của cha ông ta thời xưa mà tự vấn mình, nuôi dưỡng kế thừa và tiếp nối truyền thống tôn sư trọng đạo.

.

Dân tộc ta vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo. Cho dù thời thế xoay chuyển, bối cảnh lịch sử, nhân sinh quan, thế giới quan của con người thay đổi nhưng vai trò của người thầy, của đạo thầy trò vẫn còn nguyên giá trị.

Tuổi trẻ sống nhiều hơn

 

Trong ba thứ: sức khỏe, thời gian và tiền bạc, tuổi trẻ chỉ thiếu tiền thôi, còn thời gian và sức khỏe thì luôn đong đầy

Năm tháng qua đi khi về già ta sẽ nhận thấy tiền bạc hóa ra là thứ ít quan trọng nhất trong ba thứ trên. Nghĩa là tuổi trẻ là giai đoạn quý giá nhất đời người vì sỡ hữu trọn vẹn hai món quà lớn nhất của cuộc sống là sức khỏe và thời gian.


Bạn biết đấy, đồ ăn để lâu không ăn sẽ bị hư, quần áo để lâu không xài sẽ bị lỗi mốt, đồ điện lâu không xài có thể bị chập điện.

Riêng tuổi trẻ, nếu bạn cứ để đó mà không xài, không tận dụng, chắc chắn là nó sẽ không hư, không lỗi mốt, không chập điện nhưng nó sẽ biến mất mãi mãi, không một dấu vết và rồi cả phần đời còn lại bạn sẽ phải sống trong nuối tiếc hối hận mà thôi.

Viễn cảnh đó, thật tôi không dám tưởng tượng thêm nữa. “Hai mươi năm sau, bạn sẽ thấy thất vọng vì những điều mình không làm hơn vì những điều mình đã làm.

Mục tiêu của thế hệ trẻ, có lẽ nên thay đổi ngay việc sống sung sướng hơn, sống tốt hơn, sống lâu hơn, thành “sống nhiều hơn”, thế là đủ.


Bằng giải pháp là hãy không ngừng đặt bản thân vào tâm thế sẵn sàng trải nghiệm mọi thứ xảy ra xung quanh mình, đừng ngại ngùng, đừng lười biếng, đừng sợ hãi.

Hãy thay suy nghĩ bằng hành động, thay lời nói bằng hành động, thay kế hoạch bằng hành động. Hãy ngưng nói mà làm, ngưng suy tính quá kĩ càng, ngưng nghi ngờ và sợ hãi. Như Steve Job với câu nói nổi tiếng nhất “Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ”.